About Me

DongQueChanLamTayBun 9 DangXuanHuong









Dong Que Chan Lam Tay Bun 9 - Dang Xuan Huong










Đồng Quê Chân Lấm Tay Bùn








LTG: Loạt bài viết “Đồng quê chân lấm tay bùn” gồm có nhiều bài viết về các công việc nhà nông ta như : kiếm củi, cọc tiêu, mùa lúa, mùa bù, mùa hái đậu, câu cá, câu lươn, đi bò….chỉ có mục đích ghi lại một vài kỷ niệm vui ngày xưa. Tuy vậy có rất nhiều thiếu sót, mong quí-vị góp ý cho. E-mail về: hgdg67@hotmail.com.


Chân thành cám ơn. đặngxuânhường.




9. Tát Cá, Mò Nghêu




“Hỡi cô tát nước bên đàng,

“Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi…”




Câu ca dao này thật là một câu “tán gái” trữ tình của người xưa để lại, chắc rằng tác giả dân gian cũng là một trong những người sống nơi miền quê thanh bình, như dân Bình Giả mình thì mới có chuyện đêm trăng các cô, các cậu rủ nhau đi tát cá ngoài đồng! Hoặc chăng là tát nước từ bờ lạch vào ruộng để ngày mai có nước đủ mà “hò…ơi!” cấy lúa.


Dân Bình Giả mình ngày xưa thì chẳng mấy khi phải tát nước vào ruộng để cấy lúa, nhưng tát nước bắt cá đồng thì có lẽ đa số ai cũng đã có một lần hồi hộp nhìn mực nước cạn dần, cá thì lao nhao chờ vào rổ!


Đồng ruộng mình nhiều khe suối bao quanh, nên cá đồng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Sau đợt mưa phá thấm đất ruộng, chừng tháng sau, mưa liên tiếp ruộng đồng xâm xấp nước, thế nào cá từ khe suối cũng ngược lên đẻ trứng. Lúc đó những ngày mưa to bà con ta tay nơm tay rổ mang áo mưa đi bắt cá ngược thật vui.


Những đám ruộng gần con suối lớn thì cá ngược lên rất nhiều, nhưng cũng khó bắt, vì mưa lớn nước dồn nước về suối, xa xa khe suối nước cạn cá chạy thấy rẽ nước lao nhao, dùng nơm chụp dễ dàng hơn.


Có khi những ngày mưa không lớn lắm, cá vẫn ngược lên có thể tay không cũng kiếm được ít cá về nấu canh chua.


Bà con ta sau khi thấy cá theo khe suối ngược lên, bèn làm “đó” chặn ngang suối, hay theo mấy con lạch nhỏ chạy vào ruộng, cá ngược lên chưa ra tới ruộng thì đã lọt “vào đơm vào đó” rồi! Có người trúng cá ngược đem ra chợ bán kiếm khá tiền. Cũng có người sau một đêm mưa lớn, mang bao mang rổ ra gỡ “đó” lấy cá, thì chẳng thấy đâu nữa, mưa to cuốn tuốt luốt cả “đó” cả cây gỗ kè chắn, lúc đó chỉ còn nước đi dọc theo suối theo khe coi cái “đó” có mắc kẹt gần đâu đó không, rồi sửa sang lại làm tiếp chờ cá ngược đợt mưa sau.


Cá đầu mùa ngược nước lên ruộng đẻ, toàn là cá to “bụng mang dạ chửa”, tội nghiệp chưa tìm được chỗ nằm ổ thì bị phục kích về nằm trong nồi cùng với cà dưa rồi!


Những con cá lóc cả ký quẫy đành đạch, cá rô cá mái lớn gần bằng bàn tay uốn mình cố vượt nước ra tận giữa đồng để đẻ trứng, rồi cũng một số lớn đến nơi an toàn góp phần đông đảo cho “cộng đồng cá, ếch, lươn, giam, ốc…”!


Sau mùa cá ngược nước, bà con cày ruộng, cấy lúa. Chẳng mấy lúc lúa xanh um cả đồng. Khoảng tháng tám tháng chín, có năm nắng hạn cả tháng, mấy đám ruộng cao lúa có vẻ đã “ngất ngư”, lác đác dăm bụi ngả sang màu vàng úa, chuẩn bị “chầu diêm-vương”! Các đám ruộng sâu còn nước tụ lại ở giữa vùng lòng chảo, lúa vẫn xanh tươi, cá tôm tìm về “tổ ấm” này rất nhiều, lúc đó bà con ta lại có một phen đi tát cá cạn.


Đất bùn dễ vén bờ để ngăn nước, dùng thùng tôn hay cái nón nhựa của lính để tát nước. Tát cá cạn thì dễ có cá, vì nhìn đám ruộng lội vào thấy cá lao nhao là biết trúng mánh. Nhưng cũng có lúc vì ham mê cá mà dẫm nát cả đám lúa vừa bén xanh, cũng may lúa là cây mau “lại sức” gặp đất bùn màu mỡ của những đám ruộng sâu nên chỉ mươi ngày lại đâu vào đó.


Đồng ruộng mình có nhiều hố bom, hay lạch nước sâu, đến mùa hạn này cũng là dịp bà con “dọn dẹp”, rủ nhau năm bảy người trang bị thùng, rổ, nón sắt, nơm…mang theo cơm nước. Chẳng gàu dai, gàu sòng gì cả, kiên nhẫn dùng mấy cái thùng thay nhau tát nước lên cho hết để bắt cá.


Cuối cùng thì nước cũng cạn, và công sức cả ngày cũng được đền bù. Mấy cái vũng sâu đó nếu không gặp hạn nắng thì khó mà tát hết nước được, còn cá thì khỏi nói, chỉ còn nước “gánh về” chia nhau! Sau này có người tát cá bằng phương tiện “hiện đại” hơn, mang cả máy bơm ra hút nước, tát cá kiểu này thì coi như cá “nằm phơi bụng, đầu hàng vô điều kiện”!


Sau khi mấy chủ nhân vũng cá ra về với rổ thùng đầy cá, thì năm bảy người qua lại, hoặc chờ sẵn nhào xuống “bắt hôi”, cá nhỏ, tôm con còn sót lại rất nhiều, chưa kể ốc nữa. Mấy chủ nhân chỉ bắt cá lớn là đủ “vốn” rồi, hơn nữa cả ngày đem sức tát nước, hơi đâu mà mò mấy con lẻ tẻ đó, nói lẻ tẻ chứ năm bảy người xuống “hôi cá”, mỗi người cũng được cả ký cá mái con, tôm con, “cá lòng tong”, có người may mắn còn lôi ra từ hang hóc vài con cá lóc bự hay cá trê lủi bùn trốn kỹ trong đó nữa!


Thế là cả “làng” có cá mái, cá rô kho nghệ, có canh cá lóc với khế chua ăn bữa tối đó!


Mùa nắng, công việc rảnh rỗi, bà con lại rủ nhau vào khe, suối tát cá. Bình Giả mình vây quanh với đồng ruộng, nhiều khe suối, nên rất dễ dàng có cá quanh năm. Trước đây, mưa thuận gió hoà, rừng rậm còn nhiều, các bãi lầy luôn luôn có nước đọng cả trong mùa nắng. Khe suối nước chảy thường xuyên mùa nắng cũng như mùa mưa, đó là những chỗ trú ẩn cho qua mùa “khô hạn” của cá tôm.


Tát cá khe cũng rất “công phu”, nếu gặp khe cạn, nước luân lưu không nhiều, không mạnh thì dễ hơn. Chỉ cần đắp ngang khe một cái bờ thật lớn phía trên nguồn, đắp thêm một cái bờ nhỏ ngăn cá chạy xuôi phía dưới nguồn, rồi sau đó nhanh tay nhanh chân đi dọc xuống kiếm cá bắt trước khi “tức nước vỡ bờ”!


Gặp con suối lớn rộng ngang, lại có một vũng sâu thì trăm phần có cá, nhưng phải năm bảy người góp sức. Đắp bờ ngăn nước, lại phải khơi một con lạch nhỏ kế bên cho nước tiếp tục chảy, chứ ngăn suối lại thì đố ai mà ngăn được!


Vừa tát vừa bắt cá, vì cá khe coi bộ khôn lanh lắm, biết “người ta” đang cố “làm thịt” mình, nó cũng cố gắng vượt bờ “tìm tự do”! Lắm khi cố công tát, mà cá lóc to cứ thay nhau lần lượt nhảy qua bờ xuôi xuống nước, trong khi nước khe cứ chực tràn vào! Sau này bà con ta kinh nghiệm chẳng chịu thua cá, bèn giăng lưới bao quanh thế là các cậu cá lóc đành vào thùng nằm chịu trận!


Đi tát cá khe phải lội theo suối, chui rúc qua những lùm cây, nhất là qua những vùng tre nhiều thì chắc chắn dẫm phải vài cái gai tre đau buốt . Dẫm phải gai tre này chỉ có nước về nhà nướng củ hành đập dập, đạp lên ngay chỗ gai đâm, “nóng thấu xương” nhưng hôm sau coi như bình thường, còn không làm vậy có khi sưng lên làm độc, báo hại cá đâu không biết phải nằm nhà cả tuần còn bị nóng sốt nữa! Chưa kể có lúc thấy hang sâu bên bờ khe có cá nằm trong bèn thò tay mò bắt, xui xẻo gặp con cá trê vàng giơ ngạnh đâm trúng, đau cả vài ngày chứ chẳng chơi!


Tát cá khe có khi gặp được con cá “chình” rất bự, loại cá mà “nửa cá nửa lươn” này cũng chẳng mấy khi bắt được, nên có lẽ ít người biết nấu nướng ra sao cho “bắt mồi”!


Cũng có khi đi tát cá khe mà cá thì ít, còn lại là ngao sò ốc hến…mấy thứ này mà nấu cháo lên thì hết “sẩy”. Gặp đúng “trụ sở” của các “ả” này thì ôi thôi, hến nằm dài ra hết lớp này đến lớp khác, mò mãi không hết, cũng không biết chán. Hến con nào con nấy “mum múp” thấy biết ngay là “thơm phức, ngọt ngào” rồi!


Có người rất mê ăn cháo hến, rủ nhau vào khe Cấy, khe Trù, khe Đá bạc có lúc vào tận suối Gia hoét hay sông Ray, chỉ cốt mò được bao hến về nấu cháo, những lúc đó hến cả bao cát thấy ham chi lạ! Chẳng thế mà có một nhóm nhậu hến đã cao hứng làm bài “Hến tụng” như sau:





“Thuốc đại bổ sâm nhung cũng không bằng cháo hến!

Ai không tin thì cứ nếm mà xem,

Ăn một chén chưa no, hãy còn thèm.

Nghĩ trời thương, trời cho hến cũng lạ,

Muốn có ăn, phải nhọc công mò hến,

Trèo qua non, rồi lại lội xuống khe,

Hến ở khe, nên mò được phải đè,

Không thì nước chảy nhiều khi trôi mất hến.

Hến ở khe, nhưng lắm lúc đổ mồ hôi,

Đi mò hến hai đứa, phải có đôi!

Khi ăn hến một mình, dẫu hến to cũng không sướng,

Hến dễ ăn, nhưng tô đầu cháo nóng nhiều khi luống cuống!

Ăn được rồi không mấy lúc lại đâm ghiền,

Ăn ban tối, ban chiều, ban sáng liên miên.

Nhưng cũng có lúc mò hến mà đành chịu đói,

Thì ôi thôi, giấc ngủ khó làm sao!

Không ăn hến ba bữa kém hồng hào,

Dẫu có bệnh, thấy hến cũng vùng ngay dậy,

Dẫu cảm hàn hay sốt rét kinh niên,

Không có hến lắm anh tự nhiên phiền!

Chẳng muốn làm chi ngồi đâu ủ rũ.

Vợ chồng giận nhau mỗi đứa mỗi nơi,

Ăn tô cháo hến là nhìn nhau cùng cười!

Đi đường xa cũng không thấy nhớ con nhớ cái,

Chỉ nhớ mỗi mình tô cháo hến dở ăn.

Cày ruộng về đôi lúc thật nhọc nhằn,

Làm tô cháo hến, thấy đời đáng sống!

Hến đại bổ hơn là nhân sâm, rượu rắn,

Hơn nhung hươu, cao hổ cốt thấm vào đâu!

Nên nhiều anh chỉ lấy hến làm đầu,

Đi đâu thấy hến cũng “thòm thèm” chép miệng!

Hến đại bổ, ăn nhiều tất phát tướng,

Ngày vài tô, sẽ lắm cháu nhiều con,

Nhiều con nên sức khoẻ phải hao mòn,

Nhưng có hến ăn đều là cứ khoẻ.

Sống trên đời không ăn hến uổng lắm ai ơi!

Bỏ công mò hến mà xơi cho đã thèm! (1987)




Cá mắm hay ngao hến gì thì bây giờ ở Bình Giả mình đã khan hiếm vô cùng, cũng như chẳng bao giờ dân mình có cái thú xem tát cá vũng bom nữa. Cá lóc, cá trê vàng coi như chỉ còn trong câu chuyện vui trên bàn nhậu dân mình nữa mà thôi!


đặngxuânhường


Xin
xem tiếp phần 10. Mùa Hái Đậu







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net