About Me

DongQueChanLamTayBun 6 DangXuanHuong









Dong Que Chan Lam Tay Bun 6 - Dang Xuan Huong










Đồng Quê Chân Lấm Tay Bùn




LTG: Loạt bài viết “Đồng quê chân lấm tay bùn” gồm có nhiều bài viết về các công việc nhà nông ta như : kiếm củi, cọc tiêu, mùa lúa, mùa bù, mùa hái đậu, câu cá, câu lươn, đi bò….chỉ có mục đích ghi lại một vài kỷ niệm vui ngày xưa. Tuy vậy có rất nhiều thiếu sót, mong quí-vị góp ý cho. E-mail về: hgdg67@hotmail.com.


Chân thành cám ơn. đặngxuânhường.




6. Trường Làng


Nói đến ngôi trường làng, lớp trẻ bây giờ và có lẽ lớp tuổi trên dưới năm mươi ở Bình-Giả mấy mươi năm trước, không ai là không một thời cắp sách đến ngôi trường làng. Cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ được đến trường ê a học vài chữ thấy sao nhớ thương chi lạ!


Có một bài hát ngắn của những năm đầu tiên đi học, chắc chẳng mấy ai quên: “A b c là ba chữ đầu. Ô ê kia đầu có nón che. Học cho chăm đừng có khóc nhè!”


Cái thuở mà học trò cắp sách đến trường chỉ vỏn vẹn cuốn tập, lọ mực tím, cây bút. Cặp sách, bút pilot, alpha... hồi đó còn là một xa-xí phẩm đối với học trò. Cha mẹ lo cày cấy, thu hoạch chẳng được bao nhiêu, làm sao có thể có đủ tiền bạc để mua sắm những thứ tốn tiền đó. Có sách vở bút mực là đã tương đối đầy đủ rồi.


Đi học trường tiểu-học, tay ôm mấy cuốn tập, tay xách lọ mực tím, và đi chân đất! Bây giờ mỗi lần nghe đến “mực tím" tưởng tượng thấy dễ thương, hồn nhiên và rất gợi nhớ tuổi học trò. Nhưng cũng chính lọ mực quỉ quái đó làm phiền phức nhất trong đời học sinh thời bấy giờ. Lỡ tay quờ quạng trên bàn là coi như rồi đời! Mực “trang” ra cả bàn, cả tập vở. Lật đật tìm tờ “giấy loại” lau vội vàng, chẳng những không sạch mà còn lèm nhèm lung tung, cuống cuồng lau đại vào vạt áo. Lắm khi, mực tèm nhem cả vào mặt mũi. Giờ ra chơi chạy vào mấy nhà gần bên cạnh trường xin rửa mặt, rửa tay. Cái màu mực tím thật là dẻo dai, rửa thế nào cũng khó mà sạch. Sau những lần như thế, chắc chắn là vừa được thầy cô hỏi thăm, về nhà vừa được mẹ nựng vài roi nữa!


Không biết những ngôi trường đầu tiên, khi bà con Bình-giả mới di-cư vào Nam ra sao, nhưng khoảng năm 1965 thì ngôi trường Tiểu-học tại Vinh Trung là một ngôi nhà gỗ, lợp tôn. Hồi đó mà có được một ngôi trường như thế thì cũng gọi là rất tân tiến, so với sau này thập niên 80, có nhiều vùng mới phát triển giữa rừng gỗ bạt ngàn gọi là kinh tế mới! Vậy mà vẫn còn nhiều ngôi trường mái lá, phên tre, nền đất...!


Trường tiểu học, trung học đệ nhất cấp Tấn Đức ở Xứ Vinh Châu do Cha Đoàn Duy Đông làm hiệu trưởng từ hồi mới di cư vô Nam, mặc dù chỉ có tới lớp Chín nhưng là ngôi trường xây “đồ-sộ” thời đó.


Nơi đây đã có biết bao thế hệ thanh thiếu niên Bình Giả ngày qua ngày "mài đũng quần”! Để rồi vì hoàn cảnh kinh tế, vì chiến tranh, hầu hết gia nhập quân ngũ, cuối cùng trở về với đồng ruộng chân lấm tay bùn...


Khung cảnh của trường Tấn Đức trông rất đẹp. Sân trường là một sân bóng rổ hiện đại, chỉ tiếc là dân mình khoái dùng chân đá hơn là dùng tay ném, nên bộ môn bóng rổ chẳng phát triển chi mấy. Phía trước sân trường mấy gốc phượng lớn. Mỗi mùa hè hoa phượng nở đỏ thắm, những nam thanh nữ tú tuổi học trò choai choai mộng mơ, nhìn hoa phượng rơi mà trái tim non rung cảm nhẹ nhàng. Những cây hoa dại cổ thụ bao quanh khu vực nhà thờ được khắc lên biết bao là tên tuổi của những học trò nghịch ngợm, hoặc chăng là “thầm yêu trộm nhớ” một em nữ sinh cùng lớp, nhưng chẳng biết tỏ bày cùng ai, thôi thì khắc đại lên cành hoa dại, biết đâu thần Vệ Nữ mách cho nàng biết mà chiếu cố cũng nên!


Thấp thoáng bên nhà xứ cao ngút mấy cây trường sinh. Cũng may là trái trường sinh trông thì đẹp, hấp dẫn nhưng chỉ có nước ngâm rượu, chứ nếu mà ngon ngọt như cam quít thì có lẽ cha già Đông cũng hao hụt cái khoản thu nhập này nhiều lắm! Chưa kể còn bực mình vì các cậu học trò cứ phạm điều răn thứ Bảy nữa!


Gần cạnh trường, còn có một tượng đài Đức Mẹ Fatima thật cao. Nơi đây có lẽ là rất nhiều cô cậu đã từng cầu xin cho được thi đậu lên lớp, hoặc cho nàng, cho chàng biết mối tình thầm thương của mình. Cũng không ít học sinh tới cầu xin cho Cha của mình đang trong quân ngũ được bình yên trong những ngày khói lửa điêu linh! Và thực sự tượng đài này được dựng lên như là để tạ ơn Đức Mẹ trong một năm khói lửa khó quên, mà Bình Giả được bình yên vô sự!


Từng đó cảnh vật, nhìn bề ngoài không gây ấn tượng mấy, nhưng vẫn tạo nên cho trường một cái gì đó thật nên thơ, thật dễ thương…


Và trong khi nhìn trường học dễ thương như thế, lại không ít “chàng học sinh” đã có lần:





“...Làm học trò nhưng không sách cầm tay,
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ...” (Đinh Hùng)



Bởi vì làm biếng học hoặc đi trễ, hoặc gặp ngày “khó ở” cộng thêm môn Toán, môn Lý... “khó nuốt”, thôi thì cắp sách dông ra lèn Gia Hoà, leo lên đồi nương nhờ dưới cánh tay Mẹ hiền, làm một giấc đã đời trên thảm cỏ xanh mướt coi như hết ngày học. Cũng có lần nhét túi được vài chục rủ thêm thằng bạn ra chợ thụt bi-da cho hết buổi!


Thời gian sau này, các học sinh Tấn Đức thật may mắn là được các Cha Dòng Phanxicô về coi sóc xứ Vinh Châu dạy học cho: Cha Nguyễn Xuân Bá, nguyên là Cha Giám Đốc Bề trên Tiểu Chủng Viện Phanxicô Thủ Đức, Cha Tín, Cha Thịnh...


Đi học trường Tấn Đức, gần chợ Bình Giả, thật là một “cám dỗ” nhưng không mấy dễ “sa ngã”, vì có tiền mô mà ăn hàng! Giờ học ra chơi, có vài chục chạy đến chợ mua một ổ bánh mì “xíu-mại” nhai nhồm nhoàm thật là đã đời! Trưa đi học về trời nóng nực, có vài đồng mua một bịch sinh-tố hay ly nước mía uống vào thấy yêu đời làm sao! Đó là cái khoảng năm một chín sáu mươi...mấy đến bảy mươi, chứ còn sau này khá giả hơn thì các cậu các cô đi học là no bụng, lắm khi cha mẹ còn dỗ con đi học bằng: “ Này cầm mấy trăm đi học, rồi mua chi đó mà ăn nha!". Thật là sung sướng!


Chợ Bình Giả sau nhiều lần “thay da đổi thịt" nhưng cũng chẳng khác chi mấy hồi đó. Diện tích xem ra có vẻ chật chội hơn, chẳng phải là ai lấn chiếm gì cả, nhưng là vì con dân Bình Giả sinh sôi nảy nở, xe cộ dập dìu... Tệ hại nhất là vào mùa mưa "in như là đi ra Rọng Tre” vậy. Đó là vài chục năm trước, chứ còn bây giờ, chợ Bình Giả, chẳng dám khoe màu, khoe sắc với ai, nhưng trông ra cũng hơ hớ xuân xanh lắm! Là vì trong chợ có rất nhiều cô hàng đôi tám, đôi mươi... áo quần là lượt, má phấn môi hồng. Chẳng bù với hơn ba mươi năm về trước chỉ toàn các bà bán ở chợ, quảy gánh hàng hoá bằng đôi vai gầy ra chợ, nhai nhỏm nhoẻm miếng trầu, vừa bán vừa trò chuyện, vừa nhổ toẹt nước trầu vào một góc bên cạnh!


Cũng vì cảm cái cảnh hấp dẫn của các cô chợ Bình Giả, nên có nhiều cậu đã “trai khôn tìm vợ chợ Đông”! Về Bình Giả tìm một cô cho “chắc cú”, biết người biết ta, “lời ăn lỗ chịu" coi như "đóng gông mãn đời”! Thế mới biết các cô quê mình có giá lắm chứ!


Đầu thập niên 70, Cha Trần Đình Trọng mở thêm một ngôi trường nữa, là trường Trung học Hồng Lĩnh tại xứ Vinh Trung. Có lẽ Ngài vẫn mong nhớ đến quê hương Nghệ Tĩnh Bình, nên lấy tên Hồng Lĩnh cho vơi niềm khắc khoải thương nhớ quê Cha đất Tổ ngoài Bắc. Trường Hồng Lĩnh cũng là một ngôi trường gỗ, lợp tôn. Bề ngoài khung cảnh trường không có gì nổi bật. Điểm đặc biệt là thời gian đó có sự cộng tác của các gáo sư từ Sài-gòn về: Thầy Túc, thầy Linh, thầy Nghĩa..., và nhất là giáo sư Nguyễn Nghĩa Khôi, cử nhân văn chương làm Giám-học, thầy đã bỏ cuộc sống tiện nghi nơi thành phố về làng quê Bình Giả giúp Trường Hồng Lĩnh.


Đi học trường Hồng Lĩnh có cái thú, đi ra phía sau nghĩa địa làng Ba, có một cái đồn điền cà phê của Tây hồi xưa trồng đủ thứ cây ăn trái: sữa, mít, ổi, quít, bòng, cam, xoài, đào lộn hột...Ngày nào học không vô, “buồn buồn” các cậu rủ nhau "cúp cua" lên xe đạp vào đó kiếm mấy trái xoài, chấm muối ớt ăn! Chua chi lạ! Nhưng hấp dẫn vô cùng!


Học sinh Hồng Lĩnh có lẽ không quên mỗi sáng thứ hai chào cờ vang lên bài quốc ca, sau đó bài hiệu đoàn ca, "Anh em ơi, chúng ta đoàn học sinh dưới mái trường Hồng Lĩnh...”, một thời vang danh Bình Giả, với các cô cậu Tú đầu đàn của trường, đó cũng là niềm vinh dự cho các Thầy , nhất là Cha Trọng.


Nhưng thời cuộc thay đổi, trường trung học Hồng Lĩnh đóng cửa vĩnh viễn. Thầy Nguyễn Nghĩa Khôi, vẫn ở lại an cư tại Bình Giả, và với khí tiết của một đấng trượng phu quân tử, thầy đã chẳng muốn quay ngược cái tư duy ngàn năm văn vật, để rồi cuối cùng Thầy an nghỉ trong thanh bạch. Các học sinh Hồng Lĩnh cả ba làng Bình Giả đã cùng với gia đình Thầy, góp tay xây cho Thầy một nấm mộ đơn sơ, đầy tình nghĩa thầy trò...


Nói đến tuổi học trò, không thể không nói đến tà áo dài tha thướt! Chỉ có mỗi một màu trắng nhưng lại là màu mơ mộng”! Hình ảnh một nữ sinh với áo dài trắng, đội nón lá, tay mang cặp sách, làm hao tốn biết bao là giấy bút mực để thi vị hóa.... Chỉ tội các cô cũng tốn nhiều xà bông giặt, ủi ... mà vì Bình Giả đất đỏ nên có lẽ chỉ mặc đi học một bữa rồi về phải giặt. Lo toan cho chiếc áo dài có khi còn hơn cho cả bài tập về nhà làm! Đã thế, áo dài còn co lên trên đầu gối, có lúc dãn xuống tận mắt cá...Ôi! Áo dài, thời học sinh nay còn đâu!


Đến bây giờ chẳng biết có còn ai giữ mấy quyển sổ lưu bút tuổi học trò nữa không?


Cứ mỗi độ hè về, lúc ve bắt đầu ra rả kêu ran là lúc mấy cô cậu học sinh, đa số là mấy cô, chuyền tay nhau cuốn lưu bút để viết vội năm ba hàng, hay có cô có cậu kỹ lưỡng hơn mang về nhà dăm bữa nắn nót một bài thơ... Có khi trang lưu bút chỉ là những tâm tình tuổi học trò, gói ghém một nỗi niềm bè bạn, để nói lời chia tay, hẹn gặp nhau vào mùa tựu trường niên học tới, hoặc để nói lời “vĩnh biệt” mái trường thân yêu, nhưng cũng có lúc ẩn chứa một “thông điệp của con tim”! Tuổi học trò chỉ thương nhớ thầm cho qua ngày vậy thôi, chứ gan mô mà dám nói... Bạo lắm mới tỏ chút tình qua lưu bút, đến khi người ngọc hiểu ra chàng trồng cây si từ trong sân trường, thì nàng đã lên xe hoa theo chồng rồi! Ôi cái tuổi học trò, bao nhiêu là mối tình “mang xuống tuyền đài" chưa tan!





Ve sầu kêu mãi từng cơn nhỏ,
Gọi Hạ về phượng nở trên sân.
Em nhớ thương, đã biết bao lần,
Ngày xưa, những ngày xưa thân ái,
Tuổi học trò nhớ mãi không quên,
Quên làm sao, tháng Hạ ngày Xuân,
Những lần phượng nở rơi đầy áo.
Nhớ bạn bè xưa, nhớ Thầy Cô,
Giờ phương nào, không biết ở mô?...
Em buồn lắm mỗi lần phượng nở,
Giữa sân trường cánh phượng tả tơi,
Là em biết đã gần vào Hạ.
Mùa Hạ buồn, mấy tháng chia tay.
Ôi! Buồn ơi! Xa vắng cô thầy,
Bao lưu luyến bạn bè chung lớp...
...Ve sầu kêu mãi càng rên rỉ,
Gọi Hạ về phượng nở đỏ tươi.
Em càng nhớ, tuổi học-trò ơi!
Còn đâu ngày tháng xa xưa nữa.
Rời mái trường sách vở đã mấy Xuân,
Sân trường kia phượng nở bao lần,
Em càng nhớ càng se lòng lại...



đặngxuânhường


Xin
xem tiếp phần 7. Mùa Bắp







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net