About Me

DongQueChanLamTayBun 12 DangXuanHuong









Dong Que Chan Lam Tay Bun 12 - Dang Xuan Huong










Đồng Quê Chân Lấm Tay Bùn








LTG: Loạt bài viết “Đồng quê chân lấm tay bùn” gồm có nhiều bài viết về các công việc nhà nông ta như : kiếm củi, cọc tiêu, mùa lúa, mùa bù, mùa hái đậu, câu cá, câu lươn, đi bò….chỉ có mục đích ghi lại một vài kỷ niệm vui ngày xưa. Tuy vậy có rất nhiều thiếu sót, mong quí-vị góp ý cho. E-mail về: hgdg67@hotmail.com.


Chân thành cám ơn. đặngxuânhường.




12. Mùa Gặt


Lúa gạo là nông sản chính của Việt Nam, đồng bằng Nam bộ nổi tiếng là vựa lúa của Đông Nam Á. Và cũng có thể khoảng tám mươi phần trăm dân Việt Nam sống bằng nghề nông. Chẳng thế mà dân ta có câu ca dao:






"Nhất sĩ nhì nông,
"Hết gạo chạy rông,
"Nhất nông nhì sĩ!.."







Làng quê Bình Giả mình được các vị có kiến thức chọn lựa đưa dân về lập ấp định cư khi rời quê hương từ Bắc vô Nam để tìm cuộc sống mới, họ đã nhìn ra tiềm năng khai thác những vùng đất gần chung quanh làng. Đất trồng hoa màu : bắp mì đậu cũng có, đất cấy lúa cũng có. Khoảng mười năm đầu định cư tại Bình Giả, bà con ta chỉ cày cấy lúa là chủ yếu, sau này mới từ từ khai phá trồng hoa màu, và cũng từ đó mở rộng đồng lúa thêm nữa.


Cánh đồng rộng lớn nhất Bình Giả nằm bọc vòng xung quanh làng Ba. Vì rất gần với đất thổ cư nên được khai phá sớm nhất. Chẳng mấy năm, từ đồng "Xe ụi" tới đồng "Cống lù", qua đồng "Ông bồ" đến "Cống ông Triêm" qua “Đồng Tròn” và lấn canh luôn cả một số ruộng Xuân Sơn lúc đó bỏ hoang (Sau năm 1975, số đất ruộng này bà con đã trả lại cho các chủ đất, khi họ quay về định cư tại Xuân Sơn).


Đồng lúa bao la, đất đai màu mỡ, bà con Bình Giả hồi đó tuy không giàu có, nhưng cuộc sống cũng tương đối thoải mái, không đến nỗi chật vật. Nhà nào cũng dăm bảy chục tạ lúa, tất cả chi tiêu hầu như đều dựa vào "bục lúa"! Và mùa gặt là mùa nhộn nhịp nhất trong làng xóm đến ngoài đồng ruộng trong năm.


Hồi đó Bình Giả chỉ cấy lúa dài ngày như "Ba xe", "Nàng sậu"...chứ chưa mấy ai cấy lúa Thần Nông. Có lẽ một phần lúc đó đồng ruộng mới khai phá, bùn lầy còn ngập nước, cấy lúa Thần Nông thì sau một trận mưa có lẽ "Thần cũng biến mất tang!" Cũng có thể là phong trào cấy lúa ngắn ngày chưa lan về Bình Giả. Dân mình bao năm gắn bó với cây lúa dài ngày quen thuộc, thay đổi cũng không dễ dàng gì.


Sau trận mưa phá vài tuần là bà con cày bừa đất bắc mạ. Có khi bắc mạ ngay sau vườn nhà, gà vịt có bươi một chút, nhưng thuận tiện để nhổ mạ đưa ra ruộng cấy. Có người bắc mạ ngay đám ruộng nước, gọi là "bắc trang". Nhưng hầu hết đều bắc mạ trên đất màu. Mùa cấy khoảng tháng sáu là bắt đầu, những năm của thập niên sáu mươi, có lẽ hầu hết công việc chuyên chở mạ đều nằm trên đôi vai của tất cả đàn ông đàn bà thanh niên thanh nữ.


Việc cày bừa, cấy gặt đồng ruộng ở quê mình thì "vào tay ai, người nấy làm". Ai cũng có thể cày bừa, nhổ mạ, gánh mạ ra đồng. Cứ tưởng tượng gánh một gánh mạ, đi chân không, lội bùn từ đường chính vào ruộng "Ông bồ", qua bao là đám ruộng đầy đá dăm... hoặc gánh đi dò dẫm trên bờ ruộng lổn ngổn đầy đá. Những năm sau này thì mới có cộ trượt mạ do bò kéo. Công việc thật khó nhọc đúng như câu nói “dân làm ruộng” để chỉ sự vất vả cày sâu cuốc bẩm của dân quê.







“Rủ nhau đi cấy đi cày

“Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu


“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu


“Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.






Ruộng đất còn màu mỡ, cày bừa sơ là có thể cấy lúa. Lúa vừa cấy xong, nhìn thấy "lơ thơ tơ liễu" lắm, vì đất tốt phải cấy thật "sưa"; sau vài tuần bén rễ, lúa vụt lên xanh um. Rất nhiều đám ruộng bà con phải lấy liềm cắt bớt ngọn lúa để giảm bớt độ cao, khỏi bổ rạp ra khi có gió mưa lớn. Đồng Cống Lù là nơi ruộng hơi trũng lòng chảo, nên thường hay bị ngập nước, cũng là vùng ruộng phì nhiêu nhất . Có những năm lúa tốt quá bổ non sau khi có "đòng" chưa trổ. Lúa bổ non thì hạt lép rất nhiều, coi như mất vì tốt quá!


Khoảng giữa tháng mười một, lúc đó trời vào cuối mùa mưa là bắt đầu gặt những đám ruộng lúa cao cao, và lúa nếp cũng thường gặt vào dịp này. Gặt nếp xong, có nhiều bà con chịu khó làm cốm để dành ăn trong dịp gặt lúa nữa.


Những năm của thập niên bảy mươi, tám mươi đó là thời gian cao điểm của đồng ruộng Bình Giả, bà con khai phá thêm nhiều ruộng rãy, nên mùa gặt kéo dài hơn và nhộn nhịp hơn nhiều. Cũng như thường lệ, bà con hỏi nhau đổi công gặt lúa, hay thuê mướn người từ Ngãi Giao và các nơi khác vào.


Buổi sáng của một ngày giữa mùa gặt thật là một khung cảnh khác thường. Từ sáng sớm, các bà lật đật đi chợ lo cơm nước để kịp gánh vào ruộng cho thợ gặt ăn cơm trưa. Chợ làng Hai lúc đó cũng đông đảo hơn thường ngày. Ngoài đường cái, xe bò sắp hàng dài chở "cộ, sòng, lá" để đập lúa, bao bì đựng lúa,nước uống ra ruộng. Thanh niên, thanh nữ tay cầm kẹp đập lúa, tay cầm liềm bứt lúa, ai cũng rạng rỡ nụ cười của ngày mùa.


Tiếng gọi nhau xen lẫn tiếng bò "hít....o...ọ", cộng với tiếng "lọc cọc, lạch cạch" xe bò thùng chở cộ tôn, tạo nên một âm thanh đặc biệt của làng quê mùa gặt!


Những năm đó với dụng cụ gặt lúa thô sơ, thấm đầy mồ hôi thanh niên thanh nữ, nhưng có lẽ là những năm tháng khó quên trong đời người. Cộ đập lúa, với sòng, vách lá che quanh đã gặt hái biết bao hạt lúa thơm mùi đồng ruộng về nhà. Các cô bao tay, che mặt cắt soàn soạt những bó lúa trĩu hạt.


Đồng ruộng còn sục bùn nước, việc di chuyển cái cộ đập lúa có lúc chẳng dễ dàng gì, một người mắc vào vai sợi dây cột vào hai thành cộ để kéo, một người đẩy phía sau, cứ vậy, đập hết lối này kéo sang lối khác. Tiếng đập lúa "phành phạch", lúa toé ra "rào rào", tiếng cắt lúa "soàn soạt", tiếng trò chuyện "liên lăng" như một bản nhạc ngày mùa mà khó có một nhạc sĩ nào diễn tả hết được!


Lúa được mùa, cứ mươi mười lăm phút với hai người đập lại xúc ra một bao sọc xanh. Cái bao sọc xanh này cũng gắn liền với đơn vị đo đong lúa của dân mình trong mùa gặt. Hỏi thăm nhau trong ngày mùa là "Năm ni trội không? Được mấy bao”? Để biết "được" hay "thất", bà con thường thường cứ so sánh mấy bao năm này qua năm khác.


Chừng nửa buổi gặt, bà con nghỉ tay, ăn trái chuối, uống ly nước chanh, nước dừa hay cạp bông bắp, nhai khúc mía nghỉ xả hơi. Trai gái lại có dịp chọc ghẹo nhau vài phút. Tay cầm ly nước dừa tay quệt mồ hôi, uống một ngụm thấy tiêu tan cả mệt nhọc!


Đến trưa, chủ nhà đã dọn sẵn cơm nước dưới bóng cây, hoặc chống càng xe bò lên che đỡ, cũng có khi trải rạ ra ngồi ăn giữa trời râm râm mát. Cơm gặt thật là "thịnh soạn"! Vừa ăn vừa "trạng" thật là vui vẻ!


Trong khi đó chủ nhà lo vận chuyển các bao lúa từ ruộng ra đường, ở đó mới chất lên xe chở về nhà.


Buổi tối thường thường thợ gặt được thêm một bữa ăn nữa. Ngày mùa mà! Buổi tối này thì cánh đàn ông mới có cơ hội làm vài xị cho dạn xương, dạn cốt! Còn đám con gái thì cười nói to nhỏ kể nốt những chuyện dài chưa hết!


Bây giờ sau hơn năm mươi năm định cư lập nghiệp ở Bình Giả, đồng ruộng không còn màu mỡ như ngày nào. Cảnh ngày mùa gặt lúa đã khác nhiều. Máy suốt lúa thay cho cộ đập. Thanh niên không còn phải vận dụng đôi tay vai u thịt bắp để đập lúa nữa. Lúa mùa phần lớn đã được thay thế bằng thần nông hai hay ba vụ. Cũng ít người bắc mạ rồi cấy, mà gieo hạt vào ruộng lúa luôn. Chuyên chở cũng có xe xới, phần lớn công việc do thanh niên trai tráng bao hết, đám con gái hầu như bây giờ ra ruộng trong vụ mùa chỉ là để lo bữa ăn trưa, hoặc đưa thêm vài thứ cần dùng, chẳng bao giờ còn có dịp vừa cười rúc rích vừa dùng cái liềm để cắt luá "soàn soạt" như xưa!


đặngxuânhường


Xin
xem tiếp phần 13. Câu Lươn







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net