Đồng Quê Chân Lấm Tay Bùn
LTG: Loạt bài viết “Đồng quê chân lấm tay bùn” gồm có nhiều bài viết về các công việc nhà nông ta như : kiếm củi, cọc tiêu, mùa lúa, mùa bù, mùa hái đậu, câu cá, câu lươn, đi bò….chỉ có mục đích ghi lại một vài kỷ niệm vui ngày xưa. Tuy vậy có rất nhiều thiếu sót, mong quí-vị góp ý cho. E-mail về: hgdg67@hotmail.com.
Chân thành cám ơn. đặngxuânhường.
19. Đi Săn
Một trong những cái vui của lớp nhỏ Bình Giả ngày xưa là đi săn. Năm bảy chú nhóc, vài ba con chó dẫn nhau tới các vùng rãy bìa rừng, thế là bữa đi săn đó cũng kiếm được thịt rừng.
Ban đầu các cậu đi bò, rủ nhau dùng nộ cao su (ná) rượt bắn được dăm con chim cút, vài con thỏ, thấy vui lại có thịt ăn, nên phát triển thành nhóm đi săn, vừa vui vừa giải trí. Hồi đó chẳng khi nào lớp nhỏ nhậu nhẹt, ngay cả thanh niên cũng chỉ những dịp Tết, đình đám…mà thôi, còn thường ngày có thịt rừng như thỏ, chồn, chim…chỉ xào nấu, chiên dòn lên là cứ thế “xực” chứ không cần bia rượu gì cả, hoạ chăng năm bảy anh thanh niên mới mua vài xị, nhăn mặt uống cũng không hết!
Sau khi có những “chiến công” mang về như thỏ, chim, cheo…các cậu đi bò bèn huy động lực lượng chó trợ chiến nữa. Nói cho ngay, khi có chó, săn thỏ hay cheo…các cậu chỉ còn chạy theo chờ chó bắt được mồi rồi tới bỏ bao thật khoẻ.
Mỗi lần ra quân, các cậu trước đó vào buổi tối đi đọc kinh bên nhà thờ đã “bàn thảo” nhau kế hoạch, chó đứa nào chiến sẽ được chọn đi, có khi nhà hàng xóm có con chó săn rất hay, bèn tìm cách dụ nó đi theo. Đứa mang nộ cao su, đứa mang rựa (dao), thức ăn nước uống đầy đủ cho một ngày đi săn.
Ra tới bìa rừng, có khi chỉ là một con thỏ, nhưng cả đám reo hò đuổi theo thật sôi động, lũ chó sủa inh ỏi. Ít khi mấy con thỏ có thể chạy thoát được đàn “chó săn nghiệp dư” này. Có cậu với tài thiện xạ nộ cao su đã bắn hạ con thỏ đang chạy như gió, cũng có cậu bắn lầm phải cẳng chó, báo hại cậu chó tối tăm mặt mũi sủa ăng ẳng cà nhắc tụt lại đàng sau. Chạy như cheo vẫn khó lòng thoát khỏi đám thợ săn trẻ. Chỉ riêng tiếng chó sủa, tiếng hò reo của đám thợ săn đi bò có lẽ đã làm chết khiếp lũ thỏ hay cheo rồi.
Chim “cút cút” là loài chim trời sinh “thiệt thòi” nhất! Chẳng là vì cùng họ nhà chim, nhưng nó chỉ bay sà sà chẳng lên cao, tầm bay cũng chẳng xa được, và cũng chẳng bao giờ có thể bay lên tìm một chỗ an toàn trên cây cao để làm tổ hay tránh bọn nhóc rượt bắn. Lũ nhóc khi thấy chim cút cất cánh bay sà sà lên, thì vài đứa trước tiên lục soát để tìm tổ lấy mấy cái trứng, còn lại thì rượt theo chim, chẳng mấy chốc “ả chim khờ” đã bị tóm, khôn hồn thì tấp đại vào vạt mía nhà ai đó mới mong thoát, vì lũ nhóc chẳng biết đường nào mà mò ra trong vạt mía cả.
Có khi các cậu nhóc dùng lưới cá để bắt “cút cút” nữa. Giăng một khúc lưới dài chừng vài chục mét ngang, thế rồi rượt cút cút về phía lưới, có mà chạy đàng trời cũng không khỏi nạp mạng! Ngay cả thỏ hay cheo đụng phải lưới này cũng hết đường chạy nữa. Tuy vậy, mấy cậu nhóc chẳng khoái mang cái lưới rắc rối này đi săn, lắm khi chỉ giăng ra được một lần rồi thì sau đó “gỡ mãi cũng không ra”, bỏ thì tiếc, đành cuốn lại bỏ bị, mang về chờ ngày…quăng!
Chim rừng là mục tiêu dễ tìm thấy nhất, nhưng cũng khó lòng bắn hạ nhất, cây cao cành lá um tùm, nghe chim hót ríu rít mà chẳng thấy đâu. Tuy vậy kết quả mỗi ngày đi săn thì đa số chiến lợi phẩm cũng chỉ là chim mà thôi, may thì được thêm dăm bảy con thỏ, vài con cheo. Đã có lần đám nhóc đi săn đã rượt bắt sống được một con mang hay con heo rừng choai choai, thực ra cũng nhờ đàn chó xúm lại rượt đuổi, con mang, con heo chạy mãi đuối sức, thế là các cậu nhào dô đè cổ xuống. Lũ chó cũng được thưởng công khi chiều về làm thịt cùng ăn.
Đám đi săn lang thang trong những khu rừng thưa, lội suối, qua mấy đám rãy…có khi lại bắt được cả rùa, hay con trăn hoa, ổ trứng gà, trứng cuốc, ổ mật ong… còn rắn thì chỉ bắt con nào thật lớn mà thôi.
Người lớn, mấy ông Nghĩa quân cũng có đi săn bằng súng Carbine, hay M16. Hồi đó chừng mười sáu tuổi tham gia Nhân dân tự vệ là được phát cho một khẩu Carbine hay M1, vài băng đạn. Đạn thì rất nhiều các cậu tha hồ tập bắn, vác súng đi ra bìa rừng bắn chim cho vui vậy thôi. Mang súng đi săn có khi chỉ vào vườn cà phê ông Ba Xương bắn mít, vừa tập bắn vừa tìm mít ăn. M1 là loại súng trường dài từ thời Thế chiến, có cậu Nhân dân tự vệ lãnh khẩu súng này chổng đứng lên thì chỉ cái đầu cao hơn súng, còn nặng thì khỏi nói! Tuy vậy, ôm súng bắn chim thì vẫn vững vàng như ai, chỉ có điều chẳng mấy khi chim trúng đạn! Xem ra cái nộ cao su vừa nhẹ nhàng xoay chuyển nhanh nhẹn, lại dễ tìm “đạn” bắn nữa!
Săn bằng súng thì có người hạ được rất nhiều khỉ. Khu rừng gần núi Sọ rất nhiều khỉ mặt xanh mà bà con thường gọi khỉ “lọ nghẹ”. Từng đàn tụ tập trên cây cao, chúng tưởng là yên thân, còn rung cây kêu chí choé, các anh nhắm súng lên bắn rớt, lũ khỉ hốt hoảng càng trèo lên cao thì lại càng không có lối thoát. Có anh bắn khỉ mang về không hết. Thịt khỉ bà con cũng không thích lắm, nhất là các bà, bắn khỉ mang về là các bà có lý do “ớn quá” khỏi làm thịt, mấy ông muốn nhậu thì phải ra tay! Tuy vậy, các bà thì lại khoái “cao khỉ”, là lọai thuốc trị bách bệnh. Người ta lấy xương khỉ phơi khô, rửa thật sạch sẽ theo phương pháp gia truyền rồi đem nấu lên ngày này qua ngày khác với một vài lọai thuốc Bắc, cho đến khi nước trở thành dạng sền sệt, đổ ra khuôn cho khô, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ vuông vức, cân nặng chừng một “lượng” ! Cao khỉ hay cao hổ đều được nấu theo cách này là một dạng “đậm đặc giàu Calcium”, và tính cách trị bệnh có lẽ cũng rất nhiều người thử qua đã biết, không bổ bề ngang cũng bổ chiều dọc! Chứ không gây tác hại gì!
Thuở nhỏ, nếu ai đã từng cùng bè bạn với lũ chó đi săn thì sẽ chẳng bao giờ quên được niềm vui đó. Cái vui hồn nhiên trong sáng, mặc dù có khi các cậu cũng đã mười lăm mười bảy tuổi, vẫn cùng nhau chơi khẳng, đeo cái nộ cao su trong cổ đi săn… Cái thú săn bắn của đồng quê ngày xưa bây giờ đã mai một đi nhiều lắm. Bình Giả bây giờ có lẽ đang phát triển thành thị trấn, cuộc sống có đi lên, nhưng cái hồn nhiên tuổi trẻ ngày xưa có thể sẽ không còn duy trì được mấy nữa!
đặngxuânhường
Xin
xem tiếp phần 20. Bẫy Thú Rừng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét