Cảm Xúc Về Một Lễ Mừng Thọ
Bút ký
Nguyễn Vĩnh Căn
Nhận được thiếp mời mừng lễ thượng thọ của bà cụ Báu - nhủ mẫu Nguyễn Thị Ngọc Hương, mấy chị em chúng tôi mừng lắm, vì đã từ lâu muốn đi thăm mự mà chưa có dịp thuận tiện, nay có dịp để chúc thọ mự, thì còn chi bằng để lòng phấn khởi lên đường.
Chúng tôi xuống nơi bảng đề “Dòng Mến Thánh giá”, để đi bộ vào làng tìm nhà. Bây giờ Tân Bình được gọi là thôn Văn Tứ Tây thuộc Cam Hoà, Cam Lâm.
Ngày xưa, vào các năm 67, 68, 69… tôi thường theo cha tôi xuống thăm bà ngoại, và lần cuối khi bà chết là năm 70 cho đến nay tôi chưa có dịp thăm lại quê ngoại. Thành ra lần này xuống đây, dẫu đã gần 40 năm xa cách, nhưng tôi vẫn thấy thân quen như ngày nào, mặc dầu cảnh vật, con người, nhà cửa cũng đã đổi thay rất nhiều.
Con đường vào nhà bà ngoại ngày xưa ở đường trong, hai bên đều là cánh đồng chạy tới chân núi. Bây giờ nhà cửa xây san sát nhau, nếu đi lại con đường này, chắc tôi khó có thể nhận ra lối vào nhà bà. Một lối vào nhỏ hẹp và khúc khủy khó đi khi mùa mưa về lầy lội. Hai bên bờ rào giăng đầy dây mơ rễ má, đủ loài hoa thơm cỏ dại: tím tím, xanh xanh, hồng hồng chen lấn nhau trông rất hoang dã, chứ không rộng thoáng như nay, xe ô tô có thể vào được.
Chị em tôi vào làng bằng lối sau lưng nhà thờ, trông lạ hẳn. Những cây xoài năm xưa thấp vừa tầm hái, sum suê trái chín vàng mọng, giờ đã trở thành những cây cổ thụ cao khẳng khiu, buông lác đác trái xanh, vì đang mùa ra hoa trái. Nhà cửa cũng được tu sửa, xây mới thêm nhiều nhà san sát nhau, làm cho mảnh vườn bớt trống trãi hơn, cũng tạo cho bộ mặt của Thôn Văn Tứ Tây thêm sáng sủa hơn. Những hàng dừa thời con gái xanh mượt, bây giờ cao khều xơ xác trong gió bay tàn tạ. Lạ lẫm nhất vẫn là ngôi Thánh Đường hoành tráng, với lối kiến trúc đông phương. Mặt tiền tạo hình với ba tháp, mái cong mầu ngói đỏ, càng làm rực rỡ hơn trong cái nắng chiều se lạnh của tháng ba, mà ngỡ như đang lập đông. Những họa tiết hoa văn giản dị, không cách điệu, nhưng vẫn thấy thấp thoáng cái hồn Á đông trong đấy. Tháp chuông cao, song song với tháp nhà thờ cũng rất bề thế, tạo dáng cân đối cho khuôn viên thánh đường, nhìn rất hoà hài.
Lối cũ đi về, hình như không khác xưa mấy. Vẫn những con đường ngoằn ngèo, rợp bóng cây xanh lá khắp vườn nhà. Làng quê ở đây còn giữ được cái tính chất của làng quê Nghệ Tĩnh. Chúng tôi không mấy khó khăn để tìm tới nhà bà cụ Báu, vì một vài xe con đỗ trước mấy nhà lân cận - những khách xa về, và càng dễ biết hơn khi trước nhà là một mái rạp mầu rực rỡ đã được dựng sẵn, có lẽ là ngày hôm trước.
Đích thị là nhà bà cụ Báu đây rồi!
Bà cụ đã 85 tuổi, nhưng khuôn mặt vẫn tươi tắn với làn da trắng hồng, dẫu đã có nhiều nếp nhăn nheo. Đôi mắt dịu buồn muôn thủa của bà ngày nào, vẫn còn đó. Hình như năm tháng gian lao ngày xưa ấy, đã bào mòn sức khoẻ của bà cụ nhiều lắm rồi, để bà cụ không còn đi lại được nữa. Phải mất một lúc khá lâu, ký ức của bà mới chợt bàng bạc trở về, để nhớ ra chị em tôi. Thậm chí có lúc bà nhớ khá rõ về những người thân như mẹ tôi, cha tôi…để thăm hỏi về ngày xưa ấy!
Có lẽ phái đoàn Châu Sơn - Bmt đến sớm hơn cả. Rồi lần lượt sau đó là các đoàn: Hà Lan, Trung Hoà, Đức Minh, Hà Tiên, Bình Giả, Long Xuyên, và Mỹ Dụ Miền Bắc…Tất cả lần lượt vào bàn ăn muộn màng trong buổi chiều về, với bao lời chào hỏi thân thương, mừng gặp mặt nhau.
Đây là lần đầu tiên có cuộc hội ngộ hoành tráng giữa họ tộc nội ngoại đôi bên, từ các miền Nam Bắc đông đủ như thế. Thậm chí là chị em con dì như chúng tôi, từ cha sinh mẹ đẻ đến nay mới có dịp gặp nhau, thì niềm thân thương biết là dường nào. Có rất nhiều người đến bây giờ mới có dịp biết mặt và nhận ra bà con họ hàng thân thích với nhau. Mọi tình cảm thân thương trìu mến như dòng chảy đổ vào ngày hội mừng lễ thượng thọ của bà cụ Báu, thêm nỗi niềm hân hoan.
Tối đến, cả trăm người lại quần tụ vào bàn ăn, mà ở đó, tiếng cười nói chuyện trò tuôn trào chứa chan bao tình cảm thân thương. Cánh đàn bà rôm rã hỏi thăm gần xa: sức khỏe, con cái cháu chắt…Trong khi cánh đàn ông cũng đã bắt đầu ngấm chút men rượu nồng nàn, để rộn lên tiếng cười nói hàn huyên tâm sự về đời thường công ăn việc làm và những thăng trầm dâu bể cuộc đời cũng được chia sẽ mặn nồng với nhau.
Nhưng thú thật là phải khen ngợi hai người con của bà cụ Báu - Con cậu ruột, em mẹ tôi - đã có lòng hiếu đạo để tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ đã đành, nhưng sắp xếp tổ chức lại hết sức chu đáo, đến nơi đến chốn, từ nơi ăn chốn ở, cho cả hằng trăm người ở một miền quê là điều không dễ dàng một chút nào. Kể cả tối ngủ, cũng đã sắm sẵn chăn gối mùng màn đầy đủ cho khách xa về.
Ngôi nhà này, bây giờ đã được hai chú em họ tôi xây dựng lại, rất thoáng rộng và khang trang với đầy đủ tiện nghi phòng ốc, để tuổi già của bà cụ có điều kiện an dưỡng tốt nhất. Nhưng ngày xưa, đây là ngôi nhà ngói, tường trét vôi vựa nhỏ hẹp, thô sơ. Nhưng ở đó, lại rất ấm áp tình mẹ con – con dâu và mẹ chồng. Bà ngoại tôi là tuy tuổi đã già nhưng tôi vẫn thấy cái dáng người cao mảnh mai, và duyên dáng trong nụ cười hiền hoà. Bà tôi hiền lắm, bà thường trò chuyện thân mật với cháu bằng cách gọi: ung, mềng, nghe gần gủi và thân thương. Đến bây giờ, tôi vẫn còn thèm được nghe hai chữ thân thương ấy! Tôi chưa thấy ai dung dị và hiền lành như bà tôi. Với tôi, quê ngoại luôn là chốn nương tựa êm đềm cho tuổi thơ.
Nhưng để ngôi nhà ấy được đầm ấm yên vui, chắc chắn không thể thiếu bàn tay nồng nàn và tấm lòng vàng của mự tôi. Mự tôi chịu thương chịu khó nuôi hai con trai ăn học đến nơi đến chốn. Cả hai đều được đi du học ở Thuỵ Sỹ vào thờì điểm 1965, không phải dễ mấy ai có cái diễm phúc ấy. Người anh đi tu và đã được thụ phong linh mục ở dòng Xitô. Sau phục vụ giáo xứ một thời gian dài, bây giờ đã về nhà dòng trở lại. Người em cũng thành đạt và sinh sống cùng gia đình ở Pháp; Nhưng luôn đi về để phụng dưỡng mẹ, nhất là những năm tháng của tuổi già. Một mình mự tôi, đòn gánh đè vai, tần tảo buôn bán để nuôi hai con và một bằng một bát với mẹ chồng. Thật hiếm có một người phụ nữ nào hiền lành đức độ và đảm đang như thế.
Buổi sáng ăn gọn nhẹ, để mọi người tranh thủ có mặt sớm tại tu viện Mỹ Ca. Trong khi chờ đợi thánh lễ, mọi người đã tản mác khắp nơi để tham quan tu viện.
Trong tâm tưởng tôi vẫn nghĩ: Mỹ ca là một dòng tu nữ, hay nam chứ không phải là gốc dòng Xitô; bởi gốc dòng Xitô bao giờ cũng có chữ Sơn kèm theo, ví như: Châu Sơn, Phước Sơn, Thiên Sơn…Nhưng hỏi ra mới biết là nhà dòng lấy địa danh Mỹ ca làm tên tu viện.
Bước vào cổng tu viện Mỹ Ca, đã thấy mở ra một không gian thoáng đãng, với một khuôn viên rộng khoảng gần 3 hécta được xây quanh bởi tường rào. Một hồ nước hình chữ S nằm sãi ngang trước cổng tu viện, khiến du khách vào nguyện đường cứ ngỡ là phải đi đò ngang lướt sóng xanh biếc mới vào tới được.
Nhìn tổng thể của tu viện mở ra với những toà nhà mái đỏ rực rỡ, như đôi bàn tay ôm lấy toà tháp nguyện đường, như gà mẹ ấp con. Phải quá bộ hơn 100 mét đi vòng hồ mới vào đến được nguyện đường.
Đó là toà tháp được thiết kế thành hai cấp. Phần trên mái ngói đỏ thắm với hình chóp nón, xoay tròn với tường đá chẻ màu xám nhạt trông trang nhã, bên những tấm kính màu rực rỡ, vẻ những ảnh Chúa theo hình lập thể, đan xen những chữ nho Phước lộc. Phần dưới hình nón là một hình khối trụ 12 cạnh với mái ngói cong và bao quanh tường đá chẻ trang trí những hình lập thể kính mầu với 14 đường khổ nạn của Chúa Giêsu, khi nắng lên trông rất rực rỡ sắc màu. 12 cạnh của tường đá giới thiệu 12 vị Thánh sáng lập dòng đã được truyền vào VN đầu thế kỷ 20 của thiên niên kỷ trước. Nhìn chung ngôi nguyện đường này được kiến trúc theo lối cổ Á đông với những đường cong mái ngói rất giống đình, chùa VN, nhưng những hoạ tiết đơn giản và dung dị hơn, cho thích hợp với tinh thần khó nghèo của dòng, chứ không cách điệu lộng lẫy xa hoa. Ngay cả những phiến đá chẻ mầu xám nhạt, được xây rất đều nhau, ở xa, nhìn rất trang nhã và đẹp mắt, nhưng khi đến gần mới thấy mỗi viên đá thô nhám, mộc mạc rất gần gủi với tính chất của dòng Xitô: chân chất, và dung dị.
Ba dãy nhà tu viện hình chữ U, bao quanh nguyện đường cũng thiết kế theo kiểu đông phương, nhưng giản dị với những hoạ tiết đơn giản với mái ngói màu đỏ tươi, đằn trên các viền chỉ mầu trắng với tường đá chẻ mầu xám nhạt trông rất nhã. Nắng lên rực mầu ngói đỏ hun, thì làn gió mát phả từ hồ nước lên mát lạnh mặt người.
Thời giờ còn nhiều để chúng tôi tham quan những bãi cỏ tốt tươi, như trồng để cho cá ăn. Bên phải cổng vào, là những tượng đúc hình người to cao là các tượng Chúa Giêsu, các Thánh tông đồ, và quân dữ với giáo mác, gươm đao…được bố trí theo chiều sâu tu viện, diễn lại con đường khổ nạn của Chúa, cũng thật công phu.
Đến 9 giờ 30 đoàn người tụ tập ở hành lang tu viện, để rước bà cụ ngồi xe lăn ra nguyện đường. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một lễ mừng thọ trang trọng đến thế. Hơn 500 người quần tụ trong nguỵện đường để bắt đầu thánh lễ.
Tôi thầm nghĩ: phía trong nguyện đường chắc sẽ được trang trí cầu kỳ và lộng lẫy lắm! Nhưng khi vào, mới thấy một bàn thờ đơn sơ nằm giữa nguyện đường trống trơn với không gian mở ra thoáng đãng không có bài trí bất cứ vật gì. Vây quanh là bàn quỳ bằng gỗ quý, bóng loáng màu hổ phách khá sang trọng. Nhưng lạ nhất vẫn là một hình nón lá trên chóp nguyện đường, được thiết kế với những lát gỗ nhỏ, ghép lại với nhau như lá kết lại, được đằn lên những vòng nan tre, trông như một chiếc nón lá. Giải lụa xanh nhạt buông nhẹ vòng xuống, làm thành chiếc quai nón rất thanh thoát và tao nhã. Một chùm đèn lồng tha xuống trung tâm, làm cho nguyện đường thêm cổ kính.
Mở đầu thánh lễ mừng thọ là lời chào mừng của cha Đan viện trưởng gửi đến mọi quan khách. Sau đó, nhường lại cho M.C Anh Kim - người con thứ, làm nhiệm vụ dẫn dắt chương trình trong giọng nói đỉnh đạc khoan thai và không kém phần cảm xúc. Thay mặt mẹ và anh trai - cha Ngọc, để gửi lời trân trọng chào mừng đến quý khách với 5 thành phần quan khách: linh mục, nữ tu, hội đồng GX, quan khách, bà con thân thuộc, lối xóm và bạn bè xa gần, trong tiếng vỗ tay rôm rốp rộn rã vang lên trong nguyện đường đầy ấm cúng cho một buổi mai nắng vàng lan toả lên tháp nón chiếu những hình ảnh thêm rực rỡ. Một điệu vũ mừng thọ của các cháu gái trong dáng đi uyển chuyển và những bàn tay mềm dẻo nhẹ nhàng, dựa trên nền nhạc và lời ca của bài hát “Con ra đời có mẹ cha”. Bằng giọng ca nhẹ nhàng chân chất và ngọt ngào đã chuyển tải đựơc nội dung của bài hát nghe thật thiết tha và trìu mến.
Người con - Mc Anh Kim, phác họa một người mẹ qua giọng kể truyền cảm đầy xúc động về quảng đời nhọc nhằn của mẹ mình: Chồng chết khi tuổi vừa tròn trăng. Ở vậy nuôi con thờ mẹ chồng, mà bao nhiêu cám dỗ mê hoặc của đường đời cũng không làm cô gái Ngọc Hương siêu lòng, để chỉ ở vậy thờ chồng, phụng dưỡng mẹ và nuôi hai con thơ dại. Công việc đa đoan là thế, mà cô gái còn tham gia hội đoàn con cái Đức Mẹ, làm hội Trưởng hội liên đoàn phụ nữ công giáo hạt Cầu Rầm ... Vào Nam với thân cò lặn lội, buôn bán tần tảo để nuôi mẹ, và hai con ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ vào hội Đạo binh Legiô giúp đỡ kẻ kiệt, những rạn nứt đổ vỡ của các gia đình trong xứ cũng được mẹ hàn gắn ấm êm gia đình, mẹ nuôi con rơi rớt, đở đầu cho nhiều người con theo đạo… Nhưng không bao giờ vắng bóng mẹ trong các giờ lễ, sáng chiều và kinh nguyện tối… Kể về công đức niềm đau của người mẹ, tôi chợt nhớ đến bài Khói trắng của nhà thờ Kiên Giang, có lẽ cũng một phần nào diễn đạt được nỗi niềm của một ngươi mẹ nuôi con :
Công đức niềm đau lẫn tiếng cười
Mẹ lấy bụi đời làm phấn sáp
Che dù trời nắng đội mưa rơi
……
Đêm nao con khác đòi ru ngủ
Mẹ thức mòn mỏi nhịp võng đưa
Mẹ ơi con lớn giữa niềm ru…
Sau lời giới thiệu cuộc đời của mẹ, người con cả - cha Ngọc, xuống ôm chầm lấy mẹ và hôn lên má một cách thắm thiết tình mẹ con. Theo tôi, đây là cử chỉ đẹp đầy tính nhân văn và ấn tượng nhất của buổi lễ thượng thọ.
Sau đó người con thứ Anh Kim quỳ trước mặt mẹ, đọc bài thơ đầy cảm xúc chúc mừng thượng thọ mẹ và ca ngợi cuộc đời của một người mẹ với nhiều tình cảm đầy xúc động. Tôi nhớ nhất là câu: “Mẹ không dạy dỗ chúng con bằng roi vọt, nhưng bằng những giọt lệ chan chứa yêu thương”.
Rồi những lẵng hoa và những lời chúc thọ nồng nhiệt được con cháu khắp các miền Nam Bắc chúc mừng thượng thọ bà cụ.
Bước vào thánh lễ, tôi khá lạ lẫm với bài đọc I, tưởng như những lời đẹp đầy ý nghĩa này, tôi chưa bao giờ nghe thấy:
“Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… "
Nhưng bài giảng của cha Ngọc cũng không kém phần ấn tượng, với câu mào đầu: Người xưa thường nói là Mẹ hát con khen. Mẹ hát hay con vỗ tay khen đã đành, mà mẹ hát chưa hay, thì con cũng vẫn khen mẹ; Bởi đối với con cái, người mẹ là tất cả, người mẹ là số một. Và tôi cũng không ngoại lệ để khen mẹ. Tôi khen mẹ về công đức của mẹ, tôi cũng tự hào khi có được người mẹ đạo hạnh và đóng góp công sức cho đời như thế. Nhưng thử hỏi: một cô gái rất đỗi yếu ớt, quê mùa như thế, tại sao lại có được sự bản lãnh ấy. Tôi biết đó là sức bật do chính Thiên Chúa trao ban cho mẹ tôi, để mẹ đang đi gần hết đời người trong niềm tin Kitô. Tôi rất tự hào để có một mẹ như thế.
Thánh lễ kết thúc trong niềm vui chan chứa, đầy ắp nồng nàn của lễ mừng thượng thọ cho một người mẹ. Và người mẹ ấy thật xứng đáng, để có được một phần thưởng như thế, bởi hai người con hiếu đạo.
Thánh lễ đã xong, nhưng dư âm về một lễ mừng thọ vẫn còn mãi trong lòng mọi người.
Mặt trời đã đứng bóng, và bữa tiệc mừng thọ được dọn sẵn với hương vị các món ăn trông rất hấp dẫn, nào là ngũ tướng bại trận, đại bàng hạ cánh, bò cuộn chăn bông, năm châu bốn bể… cũng làm quý khách phải nhỏ dãi. Niềm vui càng tuôn tràn khi những ly bia rượu đầy ắp tình thân, thấm vào người men cay nồng nàn, thì tiếng cười nói, chuyện trò càng rôm rã náo nhiệt hơn. Rồi bỗng nổ ra tiếng hô to: một, hai, ba, dô!!! rân vang cả khán phòng. Tôi không nghĩ rằng: ở một nơi rất đặc biệt như thế này- dòng tu, là dòng Xitô khó nghèo, lại có đông đủ, các cha Hạt trưởng, cha Đan viện, các cha khác, và các nam nữ tu sĩ, lại có những tiếng hô hoán vui vẻ và đời thường đến thế. Hình như, để bày tỏ niềm vui thì bất cứ nơi nào cũng giống nhau cả thôi, bất kể đạo hay đời.
Ngày vui nào rồi cũng có khi tàn. Và lời cám ơn của cha Ngọc đã khép lại một ngày lễ mừng thượng thọ của bà cụ một cách mỹ mãn, tốt đẹp hơn cả lòng mong đợi.
Chúng tôi ra xe về Ban Mê Thuột, trong niềm vui ngập tràn tình thân, nhưng cũng không kém phần tiếc nuối cho ngày vui ngắn tày gang đã qua mau.
Nguyễn Vĩnh Căn – Châu Sơn 13/03/2008
Nguyễn Văn Kinh
305 đườn D thôn 3 xã cu ebur Thành phố Ban Mê Thuột
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét