BÌNH GIẢ...
QUÊ HƯƠNG của Tôi, của Anh, của Chị và của Em
UYÊN-PHƯƠNG
Gửi
tặng tất cả những ai đang còn CHA MẸ
Khi mà đàn chim từ phương xa bay trở về trên gác chuông nhà thờ,
là lúc hoàng hôn xuống ở Bình Giả, quê hương tôi.
Quê hương tôi, một góc nhỏ bé, bụi đỏ, nằm bình an và khiêm
nhường trên mảnh đất rộng lớn của miền Nam Tổ quốc thân yêu. Mặc dù sau này, tôi
có đặt chân đến nhiều thành phố ở xứ người nguy nga, lộng lẫy, nhưng Bình Giả
đối với tôi trước sau vẫn là một vùng trời bao la, êm đềm và tươi sáng. Bởi vì
nơi đó, tôi đã ra đời, tôi đã lớn lên. Cả một quảng đời tuổi hoa niên, tôi đã
gởi ở quê hương bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu nhớ thương, nên bất cứ lúc nào, ở
đâu khi tôi nghĩ về Bình Giả, tôi vẫn thấy Bình Giả là một khung cảnh tuyệt vời.
Tôi rất sung sướng và vinh hạnh có một quê hương Bình Giả và luôn luôn, tôi ước
hẹn trở về để được gặp lại những người thân yêu, để được nhìn lại những con
đường bụi mờ đất đỏ, giếng nước, hàng cây chuối, cây mít, cây ổi, cây xoài, cây
chôm chôm, để được thấy lại những mái nhà lối xóm xa gần, nếp trường xưa hiền
hòa dưới hàng cây phượng vĩ, và những khuôn mặt bạn bè của một thời cắp sách đến
trường. Mỗi lần, sau này khi tôi được trở về Bình Giả, tôi đã đắm mình trong
những âm thanh của kỷ niệm, mà chỉ ở quê hương mới có, tiếng gà gáy rộn những
buổi sớm mai, tiếng cười lao xao ở sân nhà mỗi buổi tối của đám bạn bè trẻ thơ
ngày xưa. Những âm thanh đó hôm nay còn vang âm trên những con đường ngang dọc ở
Bình Giả, vẫn còn vương lại trên những bóng cây, hàng rào.
Bình Giả miền quê nhỏ bé nơi tụ hội những người di cư từ năm 54.
Song thân tôi cũng vậy, đã đến mảnh đất này sinh sống và lập nghiệp.
Tôi chưa được một lần biết đến quê hương thứ nhất của cha mẹ tôi.
Điều đó, tôi cảm thấy không quan thiết vì đối với tôi Bình Giả cũng đã khiến tôi
ấm lòng, khiến tôi tự hào và cũng đủ cho tôi những cảm nhận thiêng liêng về đất
nước, cũng đã đủ cho tôi tình thương nhớ trên bước đường tha hương.
Cuộc sống của những người ở quê tôi thật đơn giản. Những tấm lòng
mộc mạc như ruộng đồng. Nhưng bỗng đâu đất bằng nổi sóng. Một sự thay đổi lớn
lao đem theo bao khó khăn đến với miền Nam và đến cả quê hương nhỏ bé của tôi.
Cái ý nghĩa của sự sống, của sự phấn đấu ngày hôm qua đã mất đi. Có những người
ở quê hương tôi đã bỏ ra đi và tôi cũng đã theo chân họ.
...Và rồi mùa Thu đó như bao mùa Thu cũ, tôi ra đi. Tuổi đôi
mươi, tuổi thanh xuân yên lành như cánh đồng lúa chín. Sự hiểu trải việc đời
trong tôi, lúc đó chỉ là ngang tấc. Khả năng mọi mặt của một người con gái có
hạn mức, nhưng lòng yêu thương gia đình lại quá lớn, vượt thoát ra và tầm vóc
lớn hơn cả khả năng. Nên tôi đã ra đi.
Trước ngày ra đi, cha tôi đã dành rất nhiều thì giờ trò chuyện
với tôi, cảm thông với tôi về những gian nguy của việc vượt biên. Tôi hiểu những
nguy hiểm và những bấp bênh của rủi ro khi đem cả phận đời, để thử thách cho một
chuyến ra đi không cầm chắc được một phần nhỏ may mắn.
Rồi một ngày của mùa Thu, tôi xa lìa cha mẹ, anh chị em, tôi xa
lìa những con đường đất đỏ mến yêu.
Trên con thuyền bé nhỏ, khác nào một chiếc lá bập bềnh trên biển
cả mênh mông. Tôi đã có mặt cùng với đứa cháu trai, con của người chị lớn, mới
lên chín tuổi. Thân phận yếu đuối, tôi đã nhận phong ba bão táp trên đại dương.
Năm ngày, năm đêm lênh đênh vật vờ trên mặt nước, tôi đã chống chọi với những
quần đảo khắc nghiệt của sóng gió, cũng như sau này tôi phải chống chọi với
những khó khăn và muộn phiền của cuộc đời mang đến. Chiếc ghe tôi đi được chiếc
tàu đi ngang qua cứu vớt. Lúc đó, tôi chỉ còn như chiếc là rời cành.
Rồi tới đảo. Tháng ngày trên đảo bơ vơ, buồn bã . Những buổi
chiều, tôi thường nhìn ra biển bao la, thả hồn về phía quê hương của một trời
thương nhớ.
Tháng ngày quạnh quẽ qua đi rất nặng nề trên đảo. Tôi sống trong
mong chờ và hy vọng thì giữa lúc đó, một tin như sét đánh ngang đầu. Cha tôi qua
đời. Tôi đau xót, bàng hoàng. Tôi đã khóc vì chưa báo đáp được, chưa thể hiện
được một chút lòng nào của người con bao giờ cũng mong được trọn hiếu thảo đối
với cha rôi. Bài học thuộc lòng khi còn ấu thơ: “Công cha như núi Thái sơn.”
Mà công cha cao vợi này, tôi đã trả được muôn một nào đâu. Sự nuối tiếc này đã
trở thành nỗi đau thương canh cánh trong lòng tôi, theo tôi mãi mãi trên bước
đường đời.
Dường như đã hai mươi mùa Xuân đến, hoa nở tưng bừng trên con
đường đời tôi đi, và cũng dường như hai mươi mùa tuyết rơi nơi thành phố tôi cư
ngụ. Trong thời gian này, nỗi buồn vì mất cha quá sớm, trong lúc vẫn còn lang
bạt ở đảo vẫn đeo đuổi tôi, vẫn còn dâng lên đau xót trong lòng tôi ngay cả khi
tôi viết những giòng tưởng nhớ này.
Tôi làm sao có thể quên được, khi còn ấu thơ, trong giấc ngủ an
bình bên mẹ, có lúc tôi chợt thức giấc nghe tiếng mẹ thở dài. Hồi đó, tâm tư tôi
còn quá đơn thuần, nên tôi chưa hiểu được nỗi khắc khoải, chưa hiểu được ẩn dấu
bên trong tiếng thở dài của mẹ, là gói trọn nỗi nhọc nhằn và chua cay của cả một
đời người.
Thời gian hơn hai mươi năm trước, tôi còn mãi tung tăng đến
trường, mải mê với bạn bè, với bài học và còn mải mê với những hàng quà và mầu
hoa phượng, mải mê với những tình cảm đang nhẹ nhàng kết thành một nụ hoa trong
tâm hồn.
Bất cứ ai trên đời này, cũng có một người mẹ để kính yêu. Tôi
nghĩ vậy mà tôi tin mọi người sẽ thông cảm được những điều tôi muốn nói.
Mẹ tôi là một người tính tình chân chất, khoan hòa, nhưng tấm
lòng bà, đối với tôi lúc nào cũng cao rộng như núi, như sông. Trái tim bà, tôi
cảm nhận dược dạt dào và mênh mang tình người. Tôi phải khẳng định rằng – cho
đến khi tôi là một người mẹ rồi, tôi mới hiểu được sâu sắc và trọn vẹn về người.
Tôi rất tự hào là mẹ tôi khi xưa là một người con gái nhan sắc. Cho đến lúc tuổi
đã ngoài 70 mươi, nhưng vẻ đẹp xưa vẫn còn vương lại trên khuôn mặt của mẹ tôi.
Dù rằng bao nhiêu gian nan, bao nhiêu khổ cực đã đến với đời mẹ tôi, để lại
những vết nhăn, để lại những buồn đau trong đôi mắt xa vời và để lại những tiếng
thở dài của một kiếp người vì đã dành hết cả tâm trí cho các con, nhận lấy cho
riêng mình những chuỗi ngày lận đận.
Mỗi lần đọc bài thơ hay một câu truyện, hoặc nghe bản nhạc về mẹ,
thì lập tức tôi nhớ đến mẹ. Hình ảnh mẹ nơi quê hương, ngày ngày tựa cửa thương
nhớ con, luôn luôn là hình ảnh làm tôi nao lòng nhất. Hình ảnh đó đã theo tôi
từng bước một trong đoạn đường đời của tôi, từ một thiếu nữ cho tới khi làm mẹ.
Hình ảnh đó đã gây cho tôi bao xúc động, đã an ủi tôi, đã khích lệ tôi trong
những năm tháng lạc loài, những năm tháng gian nan đi xây dựng cuộc đời. Hình
ảnh mẹ thân thương chẳng bao giờ có thể nhạt nhòa được trong tâm hồn tôi và cũng
chẳng có một uy lực nào có thể đoạt được hình ảnh đó trong tôi.
Suốt hai mươi năm trường tôi xa nhà. Lúc nào mẹ tôi cũng nhớ đến
tôi, lo tôi cực nhọc, lo tôi cô đơn. Chính nỗi lo âu này đã làm bạc cả mái đầu
mẹ, đã để mẹ nhiều lần phải rơi lệ.
Những bà mẹ Việt Nam, kể cả mẹ tôi, cuộc đời chỉ triền miên lo âu
cho các con, quên cả thân mình. Sự đó hoàn toàn có nghĩa là sự hy sinh cao quý.
Tôi rất vui sướng đã được về thăm mẹ. Đối với tôi, không có điều gì ở trên đời
này khiến tôi xúc động toàn vẹn trái tim tôi, là được nhìn thấy người mẹ thân
yêu.
Mỗi lần, trở về với mẹ, tôi lại cảm động vì thấy mình hoàn toàn
nhỏ bé. Tấm lòng người mẹ, tình thương yêu bao la của mẹ, đã cho tôi tìm lại
được tuổi thơ của mình, tìm lại sự hồn niên non dại, tìm thấy được những ngày
trong sáng chưa hề hiểu, chưa hề biết đến sự đổi thay đen bạc của cuộc đời. Ở
bên mẹ, tôi có được niềm an tâm lạ lùng. Cảm tưởng bé nhỏ, tôi chỉ nhận được khi
ở bên mẹ tôi, và tôi không có được trong bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào.
Nơi xứ người, dù có giàu sang, đầy đủ phương tiện, nhưng khi trở
về quê hương ở bên mẹ, dù là nơi căn nhà cũ thô sơ đó đã một thời ấp ủ tuổi thơ
của tôi, tôi mới đón nhận được niềm hạnh phúc êm đềm tràn ngập trong lòng tôi.
Những năm tháng dài tôi đi xây mộng đời, có thành công, có thất
bại, có vui, có buồn. Bất cứ lúc nào tôi cũng nhớ đến mẹ, muốn chia sẻ với mẹ
nhưng me rất xa xôi, nên tôi vẫn lặng lẽ thơ thẩn một mình, dấu kín trong lòng
không muốn bày tỏ cùng ai. Vì tôi biết chỉ có mẹ là người có sẵn niềm cảm thông
duy nhất mà tôi có thể chia sẻ. Cho nên mỗi lúc tôi trở về bên mẹ, tuy chỉ một
thời gian ngắn, nhưng tôi đã tâm sự với mẹ không thiếu điều gì. Vì mẹ sẵn sàng
cảm nhận những sự kiện đã đến với tôi như chính tôi. Vì vậy, tôi thấm thía hiểu
rằng chỉ có tình thương của người mẹ là cao vợi, chỉ có lòng mẹ là bao la.
Sau 9 năm xa cách tôi được trở về quê hương lần đầu tiên vào mùa
Noel năm 1990. Trên chuyến bay quá dài, lòng tôi nao nào từng giây, từng phút,
tôi ngậm ngùi hình dung ra khuôn mặt từng người thân của tôi. Khi người phát
ngôn viên thông báo chỉ còn 10 phút nữa, máy bay sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn
Nhất. Tôi vô cùng hồi hộp. Rất may được ngồi bên cửa sổ, tôi đưa mắt nhìn ra
ngoài khi máy bay còn ở trên tầng mây của không gian quê hương yêu dấu. Tôi
nghẹn ngào nhắm nghiền đôi mắt lại. Hình ảnh tràn đầy tình người thân thương,
hình ảnh ngập tràn của kỷ niệm cuồn cuộn trong đầu óc tôi. Khi máy bay thấp
xuống tôi mở mắt ra ngó thấy những dãy nhà tôn sụp xệ, những cánh đồng cháy khô,
tôi bỗng khóc, hai hàng nước mắt chảy dài. Tôi khóc trước cảnh khốn khó nghèo
nàn của quê hương. Tôi gục đầu khẽ gọi một tiếng nhẹ chỉ đủ cho trái tim tôi
nghe được: “Việt Nam, ôi Việt Nam.”
Khi được đón về Bình Giả, nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên, nơi
tôi đã ấp ủ tưởng nhớ từ ngày tôi ra đi. Nay được trở về lại, tôi nghẹn ngào khi
bước vào nhà. Cũng ngôi nhà nhỏ bé này, cũng căn phòng này, tôi đã bịn rịn từ
giã vội với cha tôi, nhưng nay căn phòng này tràn đầy những tiếng cười nói, vui
chào đón tôi trở lại. Lòng tôi xao xuyến đau xót đưa mắt tìm lại hình ảnh người
cha thân yêu năm xưa, nhưng bây giờ chỉ còn là tấm ảnh treo trên bàn thờ. Khuôn
mặt người cha trong hình như chưa ẩn nét nhớ thương, nét cô đơn, vẻ mong chờ mà
khi nằm xuống đã vắng tôi. Bên cạnh hình người em gái, Hoài An, tôi tưởng như
còn ẩn dấu trên khuôn mặt em, nét đau đớn, vẻ giận hờn vì đã không có chị ở bên
khi khép mắt từ giã cuộc đời, lúc tuổi còn ươm đầy mộng như một nụ hoa chớm nở.
Tôi quay nhìn mẹ già của tôi và tất cả các anh, chị, em, thấy trong đôi mắt của
tất cả đầy tràn hân hoan và vui mừng. Trong lòng tôi cũng vơi đi được phần nào
buồn thương.
Sau mỗi lần trở về thăm gia đình, rồi lại quay trở về bên Mỹ này.
Mỗi lần quay trở về như thế, tôi hoang mang, buồn nhớ. Mỗi lần chia tay tôi lại
bùi ngùi. Dù có ở trong hoàn cảnh giàu sang người ta cũng không thể tìm được ý
nghĩa của cuộc sống , nếu thiếu tình người, nhất là tình người mẹ. Bao nhiêu bậc
anh hùng đã tạo dựng được sự nghiệp lớn lao, nhưng rồi cuối cùng vẫn khao khát
một chút tình âu yếm của người mẹ.
Rồi tiếp đến những lần về thăm quê hương. Tôi vui sướng được ngồi
bên mẹ kể cho mẹ nghe những công việc hằng ngày trong cuộc sống của tôi nơi xứ
người. Lần nào cũng vậy, mẹ tôi đưa mắt nhìn xa vời hỏi tôi: “Khi nào con về
thăm mẹ nữa?” Tôi trả lời trong vui sướng và cũng pha lẫn một chút buồn thương.
Vì tôi biết rằng mẹ tôi nghĩ hôm nay còn gặp tôi ngày mai sẽ ra sao. Tôi đọc
được ý của mẹ nên tôi nhìn mẹ cười và nói: “ Năm tới, vào giờ này con sẽ về thăm
mẹ nữa.” Tôi đã dấu đi ngấn lệ đang rân rân chảy trong tim mình.
Và rồi những gì sẽ đến vẫn phải đến. Và ngày bất hạnh nhất đời là
ngày mình trở thành người mồ côi. Cô đơn và đau khổ thiếu mẹ không phải nhất
thời mà suốt cả một đời.
Bỗng một buổi chiều, làm sao tôi có thể quên được một buồi chiều
hôm đó. Như một tiếng sét đánh ngang tai “Mẹ đã đi rồi”. Tôi rã rời, lững thững
bước. Bước trên con đường có những khúc quanh co như dòng đời mà người ta có
lúc đã muốn chạy trốn. Bỗng trong lòng man mác buồn. Nắng vẫn chẩy trên đường,
cuộc đời và khung cảnh đây đó vẫn tấp nập, ồn ào như bất cứ lúc nào dội vào tôi
một cách choáng váng. Tôi đã khựng lại ở một giòng suy tư nào đó đang mênh mông
trong tôi. Bất giác tôi nhói đau trong tim. Và, hình như tôi khóc. Những giọt
nước mắt tủi phận nhỏ xuống để như ru lòng mình ấm lại bằng lời chúc phúc của mẹ
năm nào.
Cái ngày mà ai cũng phải một lần đi qua. Đó là ngày mất mẹ...Ngày
đó đã thật sự đến với đời tôi.
Tôi đã cố nén xúc động để khỏi ngã quỵ. Nửa đêm thức giấc chợt
nghe lòng quặn đau. Không còn gì quan thiết khi mẹ đã không còn nữa trên đời.
Mất mẹ là mất tất cả. Không gian và thời gian cũng hiu hắt như cảm nhận được sự
cô đơn của tôi. Sự cô đơn đó bỗng đã trở thành niềm đau bất tận. Bỗng tôi ước ao
có được niềm cảm thông, ước ao được còn có mẹ để ngàn đời sẽ cho tôi quên đi
được những muộn phiền mà tôi tưởng nó đang xé tan từng mảnh vụn đang rơi xuống
đời tôi. Để rồi mất hút tận đáy sâu của huyệt mộ. Ước mơ duy nhất của tôi là
được dâng lên cho mẹ đóa hoa hồng đời tôi. Suốt ngàn đời kính hương hồn Mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét