About Me

BinhGia25NamTruoc NguyenDuyAn





BINH GIA 25 Nam Truoc






Bình Giả 25 Năm
Trước


Nguyễn Duy-An


Trở về sống tại Bình Giả ở tuổi đôi mươi, tôi mới thực sự nhận ra những cái
“đặc biệt” của làng mình, mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ nghĩ tới, nếu không có
những năm đi học xa nhà. Giờ này ngồi viết lại những kỷ niệm cũ từ năm
1979 ở Bình Giả, tôi thấy mình như trẻ lại đúng 25 tuổi (ước gì đó là sự thật).


Một nơi không có địa chỉ.


Tôi không bao giờ nghĩ tới điều này, cho tới khi có người bạn ở Sàigòn hỏi
xin địa chỉ để khi cho dịp đến chơi cho biết sinh hoạt ở miền quê. Sau khi
nhìn vào tờ giấy với mấy dòng địa chỉ: khóm Quy Hậu, thôn Vinh Trung, xã
Bình Giả… người bạn của tôi hỏi ngược lại:



- Số nhà mấy, tên đường là gì?


- Dưới chỗ tớ đâu có số nhà, tên đường.


- Thế làm sao tớ tìm được?


- Thì cứ xuống Bình Giả, tới làng 3, hỏi ai người ta cũng biết.



Là người sinh ra và lớn lên tại Bình Giả, tôi không bao giờ nghĩ tới điều
này, nhưng với một người ở nơi khác thì quả là lạ lùng. Không biết các bạn
còn nhớ hay không, chứ thời đó, muốn tới nhà ai, chỉ cần biết tên và xứ (làng)
nào cũng đủ, chẳng cần phải biết khóm biết thôn, cứ lên vùng đó hỏi thăm, hầu
như ai cũng biết. Những người có làm chức việc trong làng, hay các thầy cô
giáo, hoặc thầy thuốc như ông Nhàn, ông Nho, ông Lễ, thầy Khôi… từ làng trên xóm
dưới ai ai cũng biết cả. Nhiều khi người ta nhìn đám trẻ con chơi ngoài
đường, không biết chúng nó tên gì, nhưng biết rất rõ đứa nào con ai, cháu ai.
Bạn có tìm thấy ở đâu có được “tình người” như thế không?


Bình Giả bây giờ trông có vẻ văn minh hơn 25 năm trước vì có điện, điện
thoại, đường tráng nhựa, và nhiều “nhà cao, cửa rộng” nên đã thấy có số nhà theo
khóm, theo thôn, nhưng cũng chẳng mấy ai nhớ được số nhà. Bây giờ nhiều
nhà “kín cổng cao tường” và có hàng rào kiên cố chung quanh (chứ không phải như
thời bấy giờ, trẻ con muốn chạy đâu thì chạy) nên người ta cũng “biết” nhau ít
hơn xưa!


Mộ Cha Kiều: Nơi giải quyết mọi vấn đề.


Lúc bây giờ tôi đang tuổi lớn, thỉnh thoảng lại mọc một cái răng cấm, đau
nhức mấy ngày liền. Tôi muốn lùng mua vài viên trụ sinh uống cho đỡ, nhưng hồi
đó thuốc tây hiếm lắm, nên đành nhăn nhó chịu đau. Em tôi thấy thế liền
bảo:



- Anh lên mộ cha Kiều mà khấn, rồi bứt ít cái lá gần đó nhai là hết
thôi.


- Lá gì lại chữa bệnh đau răng được?


- Lá chi cũng được, cha chữa chứ có phải thuốc nam thuốc bắc chi
mô…



Thú thật với các bạn là tôi không tin lắm, nhưng mẹ tôi cũng nói thêm vào nên
tôi mang ít tiền lên khấn trên mộ cha Kiều, bứt vài cái lá trong chậu cảnh gần
mộ cha mang về nhai. Đúng là thuốc tiên, thuốc thánh. Mấy giờ sau
tôi không đau nhức nữa. Cũng có thể sau mấy ngày bưng mủ, cái răng đã mọc
lên rồi nên hết đau, nhưng từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về “mộ cha Kiều”.


Người Bình Giả và nhiều người nơi khác cũng tìm đến mộ người cha già khả kính
và thánh thiện cầu xin bất cứ chuyện gì. Nhà có người bệnh nặng, lên mộ
cha Kiều khấn. Con heo tới ngày không sinh được, lên khấn cha Kiều.
Mùa nắng thả bò ăn ngoài đồng, tối không thấy về, lên mộ cha Kiều khấn. Và còn
nhiều nữa, tôi không biết hết, và nếu biết chắc cũng không đủ chỗ để viết…
Nói tóm lại, hễ có chuyện gì bất trắc, cứ lên mộ cha Kiều khấn.


Tôi còn nghe nói “mộ cha Kiều” cũng là nơi nhiều cặp tình nhân đưa nhau đến
khấn xin vì một vài trục trặc, hiểu lầm giữa gia đình hai họ hay cha mẹ hai bên.
Rồi cũng có những gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” đến xin ơn để hàn
gắn lại vì tương lai con cái. Nghe nói là hầu hết đều được ơn riêng của
ngài. Riêng cá nhân tôi, trước khi rời Bình Giả lên thuyền vượt biển, tôi
cũng không quên ghé vào xin cha phù hộ cho con được tới bến bờ bình an.


Không có đạo cũng đi nhà thờ.


Với truyền thống từ ngày mới thành lập, các nhà thờ tại Bình Giả (Vinh Hà,
Vinh Châu và Vình Trung) hằng ngày đều có thánh lễ sáng và đọc kinh chung mỗi
buổi chiều, mùa mưa cũng như mùa nắng. Lúc bấy giờ (1979) có nhiều người
miền bắc, miền trung mới di dân vào vùng Xuân Sơn ra Bình Giả xin đi làm thuê.
Nhiều người thuê họ ở lại cả tuần, có khi cả tháng. Trong số những người
đi làm thuê, có nhiều người tôi biết không có đạo, nhưng sáng tối vẫn theo gia
đình những người thuê mướn họ lên nhà thờ đọc kinh, dâng lễ… Có lần tôi
hỏi một người gốc Quảng Trị:



- Hôm trước bác nói với cháu bác theo đạo ông bà, sao ngày nào cũng
đi nhà thờ vậy?


- Đạo nào cũng là đạo cả mà cháu. Với lại cái đạo ở đây tốt
quá, thấy người ta ăn nên làm ra, ngày nào cũng đến nhà thờ nên tôi đi theo
để may ra… Cháu không biết chứ cả trăm người như rứa chớ phải mình tui
răng. Tụi tui rủ nhau đi nhà thờ theo chủ nhà chớ có đạo mô.



Đương nhiên cũng có người về sau trở lại đạo Công Giáo, nhất là đám thanh
niên nam nữ. Một số vì lòng thành, một số vì lý do khác, như một thanh
niên tâm sự: Anh coi, ở đây toàn là người Công Giáo, mình không đi nhà thờ
thì làm răng mà lấy được vợ!


Đi buôn không cần vốn.


Tôi học được cái nghề đi buôn không cần vốn ở Bình Giả trong một dịp tình cờ…
Sau dịp tết Nguyên Đán, dân chúng bắt đầu nhổ mì, bóc vỏ, chặt ra phơi khô để
đầy sân, đầy hè. Gia đình tôi cũng thế. Một hôm tôi đi chơi về, thấy
số mì khô đã đóng thành từng bao, dựng đầy hè, tôi hỏi đứa em gái:



- Nhà mình đóng bao cất dành chứ không bán à?


- Bán cho chị T… rồi, nhưng chưa có xe về chở nên họ để nhờ đó.


- Được khá không?


- Cũng được, nhưng chưa có tiền, chờ xe về…



Tôi đi hỏi mấy nhà chung quanh cũng thế. Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng cứ
chờ xem sao. Gần 2 tuần sau, xe vận tải về chở, chị T… lấy tiền bán mì cao
hơn giá mua, trả cho các gia đình đã bán mì cho chị, rồi cất tiền lời, chẳng tốn
một tý vốn nào cả. Ai ai cũng biết thế, nhưng không ai phàn nàn chi cả.
Tôi hỏi mẹ tôi, bà chỉ nói: “Thì cũng để cho người ta có lời họ mới nuôi
gia đình được chớ”. Từ đó, tôi và vài người bạn cũng theo cách “đi buôn
không cần vốn” đó để mua đậu xanh, bắp, củ chuốI, … Người dân quê Bình Giả
tin nhau thế đó. Về sau cũng có người lợi dụng lòng tin của dân mình để
dựt nợ chạy luôn, mang theo cả vốn lẫn lời, nhưng chuyện đó hiếm lắm. Chắc
đó là lúc mà cha ông ngày xưa gọi là “bần cùng sinh đạo tặc”, chứ 25 năm về
trước không thấy xảy ra.


Chúa Nhật – Ngày của Chúa: Không họp chợ.


Tôi đã từng đi nhiều vùng “dành riêng” cho người công giáo di cư như Hố Nai,
Gia Kiệm, Cái Sắn… và nơi nào cũng giống nhau là phiên chợ ngày Chúa Nhật
rất đông đúc, nhất là thanh niên nam nữ, đúng là “dập dìu tài tử gia nhân”;
riêng tại Bình Giả thì không.


Những ngày mới trở về sống tại Bình Giả, tôi cũng không để ý tới việc chợ
búa, chỉ thấy một điều là sau thánh lễ Chúa Nhật, có nhiều người đến gặp cha xứ
để xin phép “được làm việc xác” vì lúa chín hay bắp đã quá già, … Một lần
tôi có anh bạn ở Gia Kiệm về thăm, gặp ngày Chúa Nhật, hai đứa rủ nhau lên làng
Hai vừa đi chơi, vừa tìm gặp một vài người bạn học chung từ nhỏ. Lúc đi
ngang qua chợ, anh ta ngạc nhiên quá, thốt lên: Sao chợ làng cậu “vắng như
chùa bà đanh” thế nhỉ? Tôi cũng chẳng biết trả lời ra sao. Về sau,
tới nhà một anh bạn ở Nghi Lộc, mới nghe mẹ của anh bạn giải thích: Từ ngày có
Bình Giả tới giờ, chúng tôi không họp chợ ngày Chúa Nhật! Quả thực, chẳng
thấy nơi nào có truyền thống lạ lùng nhứ thế; và ngạc nhiên hơn nữa là các bạn
hàng tới Bình Giả buôn bán, họ cũng theo truyền thống “nghỉ ngày Chúa Nhật” của
dân ta luôn. Đúng là “phép vua thua lệ làng”.


Giọng Choa, Choa Nói.


Bình Giả là nơi tập trung những người Nghệ An – Hà Tĩnh di cư với rất nhiều
giọng nói khác nhau. Tôi có thể nói được mỗi họ (khóm) có một giọng nói
đặc biệt của mỗi miền phát xuất từ ngoài bắc. Ra đường, người ta chỉ nghe
chung chung một thứ giọng được gọi là giọng Nghệ Tĩnh; tuy nhiên, trong mỗi giáo
họ, mỗi gia đình, truyền thống và giọng nói đặc thù của mỗi miền vẫn cha ông lưu
truyền tới các thế hệ con cháu một cách chặt chẽ. Giọng nói của người Phi
Lộc không giống giọng Yên Đại; giọng La Nham, Vĩnh Lộc, An Hà, Gia Hòa, Quy Hậu,
hay Bình Thuận cũng khác xa nhau. Một điều ngạc nhiên là thế hệ con cháu
sau này đi học, đi làm nhiều nơi khác nhau, và nói giọng Nam, giọng Bắc cũng
nhiều; nhưng về tới Bình Giả tất cả đều nói lại giọng Trung. Ngay như
chính cá nhân tôi, thời gian tôi ở với người miền Nam, miền Bắc lâu gấp 3 lần
thời gian tôi ở với gia đình, nhưng mỗi khi gặp lại anh em bạn bè Bình Giả, ta
lại “giọng choa, choa nói” như thường.


Thay lời kết:


Tôi viết lên đây một vài nét đặc thù của Bình Giả theo trí nhớ sau hơn 20 năm
xa quê. Những gì tôi biết về Bình Giả rất ít, vì tôi không được cái may
mắn như nhiều người sinh ra và lớn lên sinh sống tại đó lâu hơn. Tôi chia
sẻ một vài điểm đặc biệt của “Quê Hương Yêu Dấu” của chúng ta lên đây với hy
vọng sẽ được các bậc cha ông bổ túc thêm nhiều nữa để cho thế hệ con cháu, đặc
biệt là những người đang lưu lạc khắp bốn phương trời có dịp học hỏi thêm và tự
hào về nơi “quê cha đất tổ” của mình. Cái tên Bình Giả đã đi sâu vào lịch
sử Việt Nam, lịch sử của Mỹ, của Úc, và có thể nói là lịch sử của cả thế giới vì
một trận đánh lớn trong thời chiến tranh. Tuy nhiên, Bình Giả không phải
chỉ có thế. Bình Giả còn rất nhiều cái hay, cái đẹp khác nữa, và đương
nhiên cũng có những cái dở, nhưng ai lại “vạch áo cho người xem lưng” phải
không? Nếu chúng ta không cùng nhau ôn lại, tất cả sẽ chìm vào quên lãng,
và thế hệ con cháu chỉ còn biết đến Bình Giả qua một chấm nhỏ trên bản đồ nước
Việt chứ không có gì đặc biệt “để nhớ, để thương”…





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net