About Me

Khóc Hát Một Loài Hoa

Viết Kính nhớ linh hồn  Cha Phaolô!


Và Chào Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2010


khuchatmotloaihoa


I


Ở đời cũng còn có một người, trong số không nhiều người đáng được kính mến! Người thường chỉ nói rất ít, hoặc buộc người phải nói nhiều. Hay người hoàn toàn không nói bất cứ một lời nào cả.Tùy vào thời điểm. Tùy vào đối tượng… Và khi người biết mình không thể thinh lặng, người luôn nói đúng vào trọng tâm. Người nói không thiếu, không thừa. Người thích nói với một tâm hồn trong sáng, với một trái tim yêu thương. Nhất là người nói như nhắc nhở chính mình, và thân thương mời gọi mọi người vươn tới sự thánh thiện.


Người cũng không hề biết phân biệt kẻ nghèo, người giàu. Là nam, hay là nữ. Thân quen đã lâu, hoặc người xa lạ mới gặp lần đầu. Và, mỗi một người, dù là ai, Người cũng hạ mình xin thông ban cho nhau một thứ tình yêu. Khởi nguồn từ Tình Yêu của Đấng Toàn Năng, là Cha của người, và của tất cả chúng ta đang ngự ở trên Trời.


Chính tôi cũng có nhận và âm thầm cho ra một thứ tình yêu thiêng liêng như thế ấy! Và ‘người ấy’, người tôi vừa nói ở trên; Người vẫn thường xuyên được tôi xem là một vị Thầy lý tưởng! Bên cạnh vài vị Thầy đáng quí khác nữa. Mặc dù ‘người ấy’chưa bao giờ dạy tôi học ở một lớp học nào cả. Cũng chưa bao giờ người ngồi chia sẻ với tôi một tâm tình sâu lắng. Mặc dù có nhiều lúc, tôi cũng rất muốn nói hết ra cho người nghe.


Thế nhưng, nhìn sâu vào tấm gương Sống nội tâm, sống hài hòa và khiêm hạ giữa cộng đoàn của ‘người ấy’, là Thầy tôi ấy! Chính là tôi nhìn vào một ‘Bức Họa Tình Yêu’ tỏa sáng chung! Một ‘Tấm Chân Dung Đạo Đức’ rực rỡ chung! Ban cho tôi nhiều chuỗi ngày yên lắng – êm đềm – và hạnh phúc thật!!!


Nếu hạnh phúc thật là ánh nắng mặt trời, thì hạnh phúc ‘đời thường’ là bóng đêm. Vì là ‘bóng đêm’ nên đời thường có sự oán hận – có sự nhớ nhung đọa đày – có sự mong muốn chiếm hữu nhau.


Khi được hưởng trọn vẹn sự đam mê. Được uống no nê chén hạnh phúc đời thường. Phần đông, ai cũng tưởng đó là thật, và sẽ mãi mãi được bền lâu. Ít ai nghĩ tới chuyện rồi sẽ bị nhàm chán nhau. Nếu thiếu sự tế nhị, đôi khi còn đi tới chỗ hay khinh thường nhau, sau một thời gian tận hưởng ái tình ‘lâm ly bi đát’ đó! Cho đến khi người ta bị ‘u đầu chảy máu trán’ và nát bét trái tim ra, vì ‘đụng’ vô phải sự bẽ bàng chua chát. ‘Đụng’ vô bao cảnh trớ trêu trong hạnh phúc đời thường, người ta mới chịu nhìn nhận: 


-A! Đúng rồi!
 Tình yêu đời thường ở cõi tạm này, là thế ấy!
Và chỉ có Tình Yêu Hằng Có – Hằng Sống của Thiên Chúa ta,
mới là thứ Tình Yêu cùng đích và sâu thẳm
 Vượt lên trên tất cả mọi thứ tình yêu tuyệt vời,
Giữa trần gian
 mà người đời tưởng là huy hoàng nhất!
Long lanh và diễm mỹ nhất!! 


Tôi vẫn thường thầm bái phục Thầy tôi. Vì khác với tôi, ‘cái bà’ vẫn hay bị long đong chao đảo giữa dòng đời xuôi ngược, Thầy tôi, ‘người ấy’ đó! Từ thuở mới 12 tuổi đầu, đã biết chọn cho mình một Tình Yêu thật. Và Thầy nguyện suốt đời trung thành với Tình Yêu thật mà Thiên Chúa đã riêng ban cho ngài. Cho dù không có con đường Thập Tự Gía nào ở phía trước, mà không có đầy chông gai và thử thách. Cũng không có ai đã trải sẵn cho đó một thảm hoa tươi. 


II


 Khấn Sống: ‘Không có của riêng; Vâng phục; và khiết tịnh là lý tưởng cao đẹp nhất, và là cùng đích của Thầy tôi. Lúc còn mỉm cười chào chúng tôi, Thầy tôi đã sống đơn sơ và khiêm tốn như thế nào, thì lúc ngài nằm xuống vĩnh viễn, ngài cũng đã vâng nghe theo tiếng Chúa kêu đi, mà tự chọn cho mình một cách chết tro bụi xác thân rất là mau mắn và nhẹ nhàng thanh thoát như vậy!


(Vâng! Thầy của tôi, ‘người ấy’, vị linh mục ấy, đã chết rồi! Và có lẽ vì  không muốn linh hồn mình bị vướng bận sự luyến tiếc khóc thương của bất cứ ai, không muốn làm bận lòng ai, nên Thầy tôi đã một mình âm thầm đi chào ‘Chị Chết’, trong cô đơn và quạnh quẽ. Đến khi được mọi người phát hiện, thì Thầy tôi chỉ còn là cái xác lạnh cóng, còn linh hồn của ngài, tôi vững tin ngài đã được bay về Nước Chúa với lòng đầy hân hoan và tự tin rồi.


Một lần nữa, tôi bái phục và hoan hô Thầy tôi! Vì khi ngài Sống, ngài biết tự trọng trong tinh thần của kẻ ‘hèn mọn’ đối Thiên Chúa, và đối với anh em huynh đệ xung quanh như thế nào, thì lúc Ngài trút trả cho đời một hơi thở cuối cùng, Ngài cũng không quên lý tưởng ‘khó nghèo’ và khiêm hạ tột bậc như vậy! Thật là đáng kính nể làm sao!!!


Ngày sau cùng trong đám tang của ngài, cách nay không lâu, ngày  ghi  ấn tích trong tâm trí tôi biết bao giờ mới phai? - Có nhiều người, cùng nhiều thân nhân trong gia đình Thầy tôi buộc phải bật khóc thét lên! Cuộn trào lên! Những tiếng nấc.Những tiếng nghẹn ngào. Những tiếng khiếp hoảng … khi chứng kiến chiếc quan tài của Thầy tôi, được từ từ hạ xuống. Hạ xuống thấp. Thấp hơn nữa. Để chịu sự hỏa thiêu. 


Thế là xong tất cả! Thế là hết tất cả! Thầy tôi đã được vuột bay ra khỏi ánh mắt của người thế gian! Cả sự yếu hèn hăm he nhiều tội lỗi dẫn tới việc làm mất lòng Chúa, cũng không còn làm Thầy tôi lo sợ nữa. Ngài cũng nhẹ nhàng trả hết cho đời những lời Khen: Ông Cha ấy vừa hiền lành vừa từ bi nhân hậu, vừa rất dễ cho mọi người đến gặp ngài rồi mang về một tình yêu thương mà làm hành trang đi vào đời; và ngài trả lại cả tiếng chê bai bôi bác vô ý thức: “Ông cha ấy, vừa nhìn thấy đã biết ông ta thuộc dạng ‘ đại cù lần’ rồi! Làm sao ông ta có thể đứng giảng một bài giảng có chất lượng trong một Thánh Lễ lớn như thế được?” …v…v…


Rồi có lẽ  hiếm có người chịu bỏ giờ, mà nhìn trân trọng vào thực tế  đời sống nội tâm riêng tư, có chút ‘cá biệt’, nghiêng nặng về phần triết lý trên trời dưới đất, qua các vụ việc thỉnh thoảng Thầy tôi pha lẫn sự đùa vui của cuộc đời này trong sự thật. Rồi sự thật lại nằm trong sự vui đùa vui chút chút, cho đời sống cộng đoàn được đốt lên thêm một ánh lửa ấm nồng thân thương từ Thầy tôi, tất cả chính là một Thánh Lễ nối dài. Thánh Lễ không có lời giảng hoa mỹ cầu kỳ. Thánh Lễ rất khiêm hạ và đơn sơ.


Và người ta, người ngoài ‘đời thường’ ấy mà! Hình như họ đã quen lợi dụng vào sự sẵn sàng Hy Sinh – sẵn sàng Chịu Lụy – nhất là sẵn sàng Tha Thứ tất cả của Thầy tôi, mà họ mặc sức phê phán thấp cao. Mặc sức liệt kê Thầy tôi vào danh sách những người cần phải bị họ cô lập và sa thải!


Ôi! Gía mà tôi biết điều này trước lúc Thầy tôi qua đời, bằng mọi cách có thể được, tôi sẽ giúp Thầy tôi an nhiên hơn. Vui vẻ hơn. Trong cuộc sống đã an bày cho một vị linh mục. Đôi khi cũng không thể khá hơn nhiều thân phận khác ở ngoài đời.


Sau vài ngày để tâm tư chìm ngập vào sự thương tiếc một người vừa vĩnh viễn ra đi, là Thầy tôi ấy! Tôi vô cùng Tạ Ơn Thiên Chúa tôi! Vì Người cho tôi vỡ lẽ ra hai vấn đề khá quan trọng, mà trước đây, tôi ít khi nghĩ tới.


Thứ nhất: Đời sống tốt – xấu. Thánh thiện – hay thấp kém hơn cả một người giáo dân bình thường, của một vị linh mục, luôn được phơi bày ra tường tận, ngay sau cái chết của ngài.


Toàn bộ khung cảnh đám tang tại tu viện của những ngày hôm ấy, tưng bừng hoa tươi như một lễ hội lớn, rộn ràng bước chân người kính nhớ lặn lội trở về từ khắp miền đất nước, ai cũng giành lấy cho mình một chiếc khăn tang, đến ‘đờn ông con giai’ có người cũng bật lên tiếng khóc, tiếng nghẹn ngào, trước linh cửu của Thầy tôi, không nói làm chi đến ‘đờn bà con gái’, theo tôi tất cả gom lại thành một câu tự trả lời đúng đắn nhất, hoàn thiện nhất, trong lòng những ai thường mang đến cho Thầy tôi nhiều đau khổ!!


Thứ hai: Không bao giờ nên nói lời ca ngợi hay bôi xấu một người đang còn sống. Vì rất có thể hôm nay họ rất tốt đấy! Họ đã được trưởng thành nhân bản rồi đấy! Nhưng  vì do con người vốn bất toàn, nên ngay hôm sau họ có thể đã trở nên nhuốc nhơ. Hoặc ngược lại.


Nhìn ra xa hơn, các danh nhân – các triết gia – các nhà biên kịch – các văn thi sĩ …v…v…nổi tiếng trên thế giới, cũng chỉ được các tác giả chuyên sâu ngành nghiên cứu lịch sử và con người viết cho một vài bài xuất sắc và chính xác, nhằm lưu danh cho người đời sau, phải sau lần nhắm mắt xuôi tay của các thiên tài ấy.


Như vậy, cái chết phần thể xác, nên được xem là cái chốt khóa cuối cùng, một lằn ranh sau cuối, giúp mọi người còn lại nhận định ít bị sai lệch về giá trị nhân bản của một người vừa nằm xuống vĩnh viễn.


III


Sau cùng, ngồi nhớ lại  cái dáng đi nghiêm, đứng đắn – ánh mắt nhân từ, ẩn sau làn kính trắng nổi bật cái gọng mủ màu đen bóng loáng; nhớ lại cái đầu hói trụi tóc – nhìn hao hao giống Cha Thánh Tổ Phanxicô Assisi; nhớ đôi môi dày mỗi lần gặp tôi thường ít nói, không cười; nhớ cuộc sống lặng lẽ cầu nguyện và âm thầm vui chơi với các chú chim nhỏ trong lồng, với những con cá kiểng lội trong hồ nhân tạo, với những con rùa leo lên rồi tuột xuống ở các hốc đá nhỏ, trên sân tu viện, vào những lúc Thầy tôi có tí giờ rỗi rảnh, cộng thêm ơn Chúa thương ban, tôi tự rút ra vài kinh nghiệm nước mắt: 


- Làm người tạm gọi là hoàn hảo ở giữa trần gian đã khó lắm! Đi vào một DòngTu ‘tại thế, tại gia’ sự khó ấy càng đòi hỏi nhiều hơn gấp nghìn lần! Cho nên muốn đi Tu, theo nhóm người Tu ‘tại thế, tại gia’ phải chuẩn bị cho mình một tinh thần mềm như tơ lụa. Nhẹ như mây khói. Và vâng phục như trẻ thơ ngoan ngoãn.


- Ở ngoài đời, thiên hạ xét nét người đối diện để kết bạn thâm giao, thường chỉ có 10 lần xét nét. Trong Dòng Tu ‘tại thế, tại gia’ các ‘Đấng’ bề trên, cả ‘Đấng’ bề dưới, xúm nhau xét nét tới cả 1.000 lần, rồi mới thuận lòng ‘mở cửa’ cho vào! Cho nên muốn làm vừa lòng hết ‘thiên hạ’, người xin Tu phải tuyệt đối buông bỏ ‘cái tôi’ của mình! Phải mặc quần áo và ăn nói như họ! Phải đi đứng như họ! Nếu có biết bất cứ cái gì hơn họ, cũng phải  ngồi ngậm câm như hến! Có mắt nhưng phải giả như đui mù! Có tai nhưng phải giả như điếc!  Một con chuột chạy ngang, mà các ‘Đấng’ bề trên bề dưới nhằm muốn ‘thử thách’… hay vì do lý do riêng nào đó mà họ nói đó là một con mèo, thì cũng nhớ mà đừng cãi lại!


Phúc Âm Nhất Lãm chỉ có ba ông Thánh ghi chép Lời Chúa dạy, mà có ‘Đấng’ bề trên dám đứng dạy có tới bốn ông, trong đó họ ghép ông Thánh Gioan vô nữa, thì người xin Tu cũng nên gật đầu lắng nghe cho xong chuyện. Thế mới gọi là kẻ khôn ngoan trong Thần khí Chúa, và nếu muốn con đường tu hành của mình ít bị gian truân thử thách.


- Dù biết chắc các ‘Đấng’ nói ‘ý riêng mình’ trong cách khéo léo lợi dụng Lời Chúa để nói ‘đây là Ý của Chúa’ thì kẻ xin đi Tu cũng phải rũ lòng vâng phục và tuyệt đối nghe theo! Vì trên họ, đã có Chúa. Chúa không bao giờ nỡ lìa bỏ người thiện tâm, có vững một lòng trung kiên trông cậy vào Tình Yêu và sự Quan Phòng chặt chẽ của Người. Thời gian ngắn hay dài, thành công và trôi nổi ở một phương trời nào, trong đời Tu, Thiên Chúa cũng  đều sẽ sắp xếp cho êm đẹp hết. 


*Lạy Thiên Chúa Toàn Năng! Xin Người tha thứ và thương đỡ chúng con, là tôi tớ yếu hèn, có khi còn bất trung bất nghĩa với Chúa nữa, đang chạy ngược chạy xuôi trên trần gian khốn khó này.


Lạy Thầy tôi thương kính nhớ! Người mà tôi hay gọi là ‘ông Cha tốt bụng!’ Ngài về Trời, vui hưởng hạnh phúc bên Chúa đời đời, xin ngài thường nhớ tới chúng tôi với!!! 


Têrêsa Hồng Nhung
TP HCM, viết xong ngày 18.11.2010  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net