About Me

Chúa Nhật 34 - Năm C: Chúa Ki-tô là Vua

Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI".

(ngày 21 tháng 11 năm 2010)

Lc 23, 35-43 "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI".

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Đối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa


“Vua tình yêu” (Ga. 18, 33b-37)

Lm GB Phan Kế Sự
Quyền bính là để phục vụ, chứ không phải là để được người ta phục vụ. Quyền bính được ban cho ai thì người đó có bổn phận phục vụ người khác, chứ không phải dùng quyền của mình mà hành hạ người khác. Người có quyền thường thì bao giờ cũng thấy mình lớn. Hơn nữa, quyền bính nó còn làm cho cái tôi của người có quyền càng lớn hơn. Khi họ có quyền trong tay thì họ làm điều gì mà chẳng được. Thích phạt là phạt, thích tha là tha. “Lãnh đạo theo kiểu tình cảm.” Đây là cái lối lãnh đạo mà người ta vẫn thấy xảy ra nơi này nơi kia trên khắp thế giới.

Chúa Giêsu, Ngài là vua, nhưng là vua không theo kiểu vua chúa ở trần gian. Vua chúa ở trần gian thì dùng quyền lực, dùng vũ khí, dùng mưu mô… để thống trị người khác. Còn Chúa Giêsu, Ngài không dùng những thứ đó, mà Ngài dùng tình yêu để đối xử với con người. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu, ông có phải là vua không ? thì Chúa Giêsu đã trả lời rằng: ông nói đúng, Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. Ngoài ra, nước Thiên Chúa cũng không có tên trên bản đồ thế giới mà nó ở trong tâm hồn con người. Chúa Giêsu, Ngài là vua, nhưng vua không có cận vệ, không có vũ khí, không có trụ sở, không có cơ quan này cơ quan nọ, cũng chẳng có ngai… mà cận vệ của Ngài là nhóm 12 tông đồ, là những người nghèo khổ, là những người bệnh tật, là những người tội lỗi bị người ta hắt hủi, cho là những người bị quỉ ám… Quả thất ! Chúa Giêsu, Ngài là vua, nhưng trụ sở của Ngài không phải là những cung điện, những toà nhà cao trong đó có đủ mọi thứ phương tiện, mà trụ sở của Ngài là vệ đường, rong ruổi khắp xứ Palestine để kiếm tìm thần dân của Mình là người đau khổ, bất hạnh, đói khát, tội lỗi… Còn ngai của Ngài không phải là ngai vàng mà là cây thập giá, nơi đó Ngài cũng không ngồi để xét xử như bao vị vua khác ngồi trên những chiếc ghế sang trọng hay như Philatô ngồi trên toà cao mà xét xử tội nhân. Ngoài ra, vũ khí của Ngài là những lời yêu thương, an ủi, cảm thông, chia sẻ, tha thứ… Quả thế, vũ khí của Ngài là những luật lệ chẳng giống luật lệ trần gian chút nào ! và càng khó hơn nữa khi áp dụng luật của Ngài vào cuộc sống, vì luật của Ngài là luật yêu thương, luật công bằng, luật chân thật, không giả dối, không lươn lẹo… Hơn nữa, sống sự thật thì chẳng dễ dàng chút nào ! vì sự thật thì mất lòng, sự thật làm cho người ta bị thua thiệt, sự thật làm cho người ta bị coi là ngu dại và thậm chí sự thật còn làm cho người ta mất mạng sống như chính Chúa Giêsu khi đến trần gian để làm chứng cho sự thật thì bị người ta ghen ghét và giết chết. Do đó, chỉ những ai luôn biết sống sự thật, tôn trọng sự thật, làm chứng cho sự thất thì những người ấy là những công dân của nước trời, là những người thuộc về nước trời. Vì “Ai hâm mộ thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18, 37)

Như vậy, mỗi người kytô hữu chúng ta, dù sống ở bậc sống gia đình hay tu trì, hãy luôn sống đúng tinh thần của Chúa là yêu thương và tôn trọng nhau trong cuộc sống, vì “Đâu có tình yêu thương thì ở đấy có Đức Chúa Trời.”

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Xin cho chúng con luôn ý thức được tầm quan trọng của sự thật để chúng con sống là sống cho sự thật, cho dù phải thua thiêt, phải mất mát, phải hy sinh… nhưng đổi lại chúng con có được Chúa, có được hạnh phúc nước trời còn hơn là sống giả dối để rồi “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi.” Amen.

Lm GB Phan Kế Sự


Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D
Kính thưa quí ông bà anh chị em, khi nói đến ngôi vị vua xưa kia, ngày nay gọi là tổng thống hay chủ tịch nước, chung chung ai cũng hình dung ra hình ảnh những ngôi vị đó gắn liền với sự giàu có, quyền uy, có binh lính và có quyền lực trên thần dân của họ. Lẽ dĩ nhiên, ai cũng muốn được đức vua sủng ái, bao bọc, che chở, giữ gìn, và thần dân nào có được đặc ân như thế thì họ sẽ vui mừng sung sướng biết bao.
Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng năm Phụng Vụ của Giáo Hội, vì thế Mẹ Giáo Hội muốn mọi con cái chiêm ngắm một vị Vua đi ngược lại với mọi vua chúa trần gian; vị Vua đó là vị Vua của yêu thương, Vua của đau khổ, Vua của hy sinh chịu đựng, Vua của tha thứ, Vua của phán quyết công minh ngay thẳng. Với mọi vua chúa trần gian thì giàu có, cai trị bằng quyền lực, còn vị Vua mà chúng ta mừng kính lễ trọng thể hôm nay, là vị Vua nghèo khổ, hiền lành, khiêm nhường, vị Vua bị sĩ nhục, bị xúc phạm, bị bắt, đánh đòn, kết án và chết một cách ô nhục trên thánh giá; trong phút đau khổ, nhục nhã tột cùng như thế lại còn bị thách thức, chê bai nhạo cười, phỉ báng, như trong bài Tin Mừng chúng ta nghe của Chúa Nhật 34 này.

Ôi trên đời này, có vị vua nào như vậy không? Chắc chắn là không, đó là cái nghịch lý của vị Vua yêu thương, vị Vua mà chúng ta đang tôn thờ. Và chính cũng vì sự nghịch thường, nghịch lý này mà bao nhiêu người coi thường, không tin nhận, và không sợ phán quyết của Ngài, chính vì thế họ vẫn thách thức Ngài, như xưa quân lính và dân chúng thách thức Ngài trên thánh giá. Nhân loại hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu người không tin nhận Chúa Giê-su là vua, vì họ muốn vẽ ra một vị vua theo tâm thức và ý muốn của họ. Nên người ta vẫn thách thức, xúc phạm và đóng đinh Chúa, nhưng Chúa vẫn im lặng, vẫn kiên nhẫn chờ đợi và vẫn ban ơn tha thứ cho những ai biết sám hối trở về nhìn nhận vương quyền của Chúa, như người trộm cướp xưa kia bên thánh giá của Chúa, đã nhìn nhận tình trạng tội lỗi của ông và nhận ra Chúa là Đấng vô tội và là Đấng quyền năng: “ Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! ” Rồi anh ta thưa với Chúa Giê-su: “ Ông Giê-su ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi !” ( Lc 23,41-42).

Vậy thì, hôm nay ta mừng lễ Chúa Giê-su là vua, mỗi người hãy trở về với lòng của mình và nghiêm túc tự hỏi mình: “ Ai là vua, ai là Chúa, là cứu cánh cùng đích của cuội đời tôi, ngay hôm nay và tương lai”. Nếu ta nghiêm chỉnh tự trả lời đúng với thực trạng của mỗi một người chúng ta ngay lúc này, thì kết qủa sẻ xẩy ra hai trường hợp, một là: như các Luật Sĩ, Biệt Phái, Pha-ri-sêu, các binh lính và dân chúng tẩy chay, tố cáo, bắt bớ, đánh đập, xỉ vả, lên án, thánh thức và giết chết Chúa Giê-su. Hai là, nhìn nhận Chúa Giê-su là con Thiên Chúa, là Đấng ban ơn cứu độ, như viên sĩ quan đứng dưới thập giá Chúa, hay như anh trộm cướp bị án tử hình treo bên Chúa: “ Thấy sự việc xẩy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “ Người này đích thực là người công chính”.( Lc, 23,47).

Cho nên, bất kỳ ai khi nhìn nhận và xác tín vào Đức Giê-su là Chúa, là Vua của đời mình, thì họ sẽ tin nhận và vâng giữ các lời Người truyền dạy, cho dẫu ở trong hoàn cảnh nào, cho dẫu thế giới hôm nay đang tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, hay họ đang tìm một ông chúa riêng cho mình, như tiền bạc, quyền hành, và các thứ ăn chơi trụi lạc khác, thì đối với tôi; Đức Ki-tô chịu đau khổ, bị đóng đinh, chết một cách ô nhục trên thánh giá, Ngài vẫn là Vua của tôi, là Chúa của tôi, tôi tuyên xưng và tôi tin nhận như thế không có gì ngăn cản được niềm tin của tôi vào Đức Ki-tô.

Vậy, kính thưa quí ông bà anh chị em, xác tín vào Chúa Giê-su là vua thì ta phải đi vào con đường như thế, và cho dẫu ai chối bỏ Chúa, ai không tuân giữ lời Ngài, hay những ai đang thách thức Chúa, hay cho dẫu mọi người; kể cả người thân của tôi quay lưng lại với Chúa, cho dẫu thế giới loài người ngày hôm nay không muốn nhìn nhận Thiên Chúa là vua, là Chúa của họ, thì Chúa Ki-tô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Chúa, vẫn là Vua, Ngài là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa. Ngài ta Vua của tôi, là Chúa của tôi. Với niềm tuyên xưng như thế thì tôi có quyền hy vọng và chắc chắn Chúa sẽ nói với tôi như Ngài đã nói với người trộm xưa kia: “Thật, hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Đây là lời tuyên bố mà không một ai hay cả các thần thánh trên trời dám phản đối, hay nghi ngờ vị thánh ( người trộm cướp) mà không ai dám cho là thánh, nếu Thiên Chúa không công khai tuyên bố ngay trong trong giây phút mà thế gian, tội ác tưởng như nó đã chiến thắng sự Thật Chân Lý.

Mừng lễ Đức Kitô Vua, chúng ta hãy tẩy trừ những thần tượng giả tạo, để cho Chúa Ki-to chiếm đoạt con người, và ngự trị trong cõi lòng chúng ta. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, hãy sống và dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành thần dân của Đức Vua muôn vua đến muôn thuở muôn đời. Lạy Chúa Giêsu là Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người. Amen.
Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net