(Nhân ngày lễ Thánh Gia của giáo xứ Vinh Châu )
Một góc nhìn nào đó, xã hội không còn khép kín như xưa, nó luôn nhanh chóng biến đổi theo thời gian qua các mạng truyền thông phổ quát như tivi, mạng máy tính, và những mối tương quan giao dịch với các nền văn hóa đông tây khác du nhập vào đất nước ta. Cái hay, cái dở không nói tới ở đây, nhưng điều đáng quan tâm của những người có trách nhiệm giáo dục đạo đời, là các thế hệ trẻ tiếp cận với cái mới rất nhanh, và làm thay đổi họ từ tầm nhìn đến nhận thức, làm xáo trộn và mờ nhạt những truyền thống phong hóa, đạo đức và truyền thống của dân tộc, của nền giáo dục truyền thống. Những người có trách nhiệm giáo dục cũng phải nhanh chóng, thức thời, hiểu biết, hòa mình vào trẻ để hiểu và để sáng tạo ra những tình huống, thể loại giáo dục mới để kịp thời đáp ứng cho thế hệ trẻ, có đi nhanh, đi kịp mới có thể tạo ra những sân chơi nhằm định hướng tầm nhìn và nhận thức cho thế hệ trẻ.
Giáo dục không dừng lại ở những văn bản, những thông điệp “cảnh báo, than vãn” từ cấp trên xuống cấp dưới đôi khi chỉ là gõ mõ, kêu to hết tháng này đến năm khác chẳng thêm được điều gì hay điều gì mới, mà chỉ là những bài văn khuyên dụ đọc mãi cho người nghe, kết quả chẳng được gì.
Giáo dục hôm nay trái lại phải đề ra việc làm cụ thể, chăm sóc tận nơi đối tượng cần quan tâm. Chẳng hạn việc làm “sổ kho thiêng liêng” mặc dầu vâng lệnh địa phận tạm thử nghiệm sổ kho thiêng liêng của Giáo xứ Vinh Châu, sổ kho này chỉ ngắn gọn trong 3 mục : Thánh lễ thường, giờ kinh tối gia đình và chầu Thánh Thể (mỗi tối chúa nhật ) sổ được chuyển tới tận từng gia đình hàng tuần. Việc làm này mới chỉ tiến hành trong thời gian ngắn chưa đầy 1 tháng nhưng kết quả thấy rõ, hiện nay thánh lễ sáng và chiều đông hơn hẳn, giờ chầu Thánh Thể mỗi tối chúa nhật đã chật nhà thờ, giờ học giáo lý chung của xứ vào tối thứ 2 hàng tuần đã không còn chỗ ngồi. Giờ kinh tối gia đình không thể biết được nhưng cứ suy từ 2 điều kia đã tốt thì chắc chắn điều này cũng sẽ được thực hiện tốt hơn. Việc sổ kho không phải là mới, các em Thiếu nhi Thánh Thể vẫn từng làm. Nhưng đây là một sáng kiến mạnh dạn của Giáo Phận đưa ra một việc làm cụ thể, nghĩa là Giáo Phận không dừng lại ở những bản văn chuyển xuống các xứ nữa mà xuất phát từ bổn phận, trách nhiệm,lương tâm thực sự đã “phát sinh” ra sáng kiến việc làm cụ thể này và hiệu quả đã rõ rệt. Thiết nghĩ đây chính là gương điển hình của lối giáo dục ngày nay, không còn dựa trên lý thuyết nữa mà dựa trên những hành động cụ thể để tìm ra hiệu quả tốt nhất cho giáo dục. Nhất là về giáo dục đức tin. Những ai chưa hiểu mục đích sâu xa của “sổ kho thiêng liêng” có thể có những suy nghĩ trong đắn đo và phân vân …
Theo chiều hướng này mới đây lớp Dấn Thân giới trẻ giáo xứ Vinh Châu cũng đã thực hành cụ thể những gì đã học trong giáo lý bằng cách hướng dẫn các bạn trẻ đi thăm trẻ em mồ côi ở xã Đá Bạc, hướng cái tầm nhìn của các em về tha nhân, định hướng cuộc đời cụ thể của các em và có thể việc làm này đã cho các em có nhận thức, có suy nghĩ đúng đắn hơn giữa cảnh đời muôn màu này. Trước đó bài học nhân bản về tình bạn đã khiến các em kéo nhau đi thăm bạn bè, động viên giúp đỡ tinh thần bạn. Đấy mới là điều Chúa muốn, chứ không phải chỉ dừng lại ở thi cử thuộc lòng giáo lý. Hơn hết, mới đây vị chủ chăn của Giáo Vinh Châu đã giảng một bài giảng rất hay, nhưng bài giảng này không bằng lời và không dừng lại ở vị trí bục giảng. Trái lại Ngài cụ thể hóa “Lời” bằng chính hành động của Ngài. Nhân ngày lễ Thánh Gia Thất, Bổn mạng của giới Gia Trưởng xứ Vinh Châu, Ngài đã hiện diện trong tất cả mọi sinh hoạt diễn ra của giới phụ huynh, kể cả việc đứng giữa nắng để hòa với không khí sinh động của các trò chơi vận động, Ngài động viên, nhắc nhở để các sinh hoạt diễn ra trôi chảy tốt đẹp hơn. Đó không phải là một bài giảng hùng hồn sống động nhất sao? Việc khánh thành nghĩa trang thai nhi hay nhà hưu dưỡng cho người già có hoàn cảnh đặc biệt sắp tới cũng là những sáng kiến đưa ra việc làm cụ thể của Cha xứ đã có tác động hữu hiệu trong giáo dục đức tin và nhân bản.
Một cánh tay phải nữa của Cha xứ đó là các đoàn thể, các hội đoàn đã âm thầm thực hiện những công tác viếng thăm cụ thể đến những người nghèo, người đau yếu làm xoa dịu nỗi đau của đồng loại. Mỗi ngày các đoàn thể thu hút giới trẻ và hướng họ đến những việc làm cao thượng bổ ích, chính là góp phần giáo dục, gìn giữ họ khỏi lạc xa vào những văn hóa trôi nổi của một xã hội thông tin đa màu đa tạp làm mất định hướng và nhận thức của giới trẻ và làm hư hỏng chúng.
Để kết thúc suy tư này có thể tóm tắt một lời “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy”(xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41: loc. cit., 31f), ước mong những ai có trách nhiệm trong giáo dục luôn có những sáng kiến bằng những hành động, việc làm cụ thể để kịp thời đồng hành và định hướng cho các thế hệ trẻ ./.
Chim cánh cụt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét