CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Kính thưa quí ông bà anh chị em, qua bài Tin Mừng của Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, có một điểm không khỏi sự thắc mắc của bao nhiêu người đó là: Chúa Giêsu làm sao lại nhận phép rửa từ Gioan. Điều này không những là chúng ta; mà ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng đã từng run sợ và nói: “Nhưng ông một mực can Người và nói: chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Ở đây ta phải hiểu rằng: phép rửa của ông Gioan là phép rửa để tỏ lòng thống hối ăn năn. Vì sao vậy, nếu không phải vì có tội mới có sựsám hối ăn năn đó sao. Thế thì, ở đây, Chúa Giêsu có tội hay sao mà phải lãnh nhận phép rửa. Không, Chúa Giêsu là Đấng chí thánh, là con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, thay vì Ngài nhận phép rửa thì Ngài muốn thánh hóa dòng nước của sông Giođan trở thành nguồn nước tái sinh mọi người, nước thanh tẩy, nước của tình thương và nước của ơn cứu độ. Và hình ảnh Ngài trà trộn với đám đông để đến dòng sông Gio-đan lãnh nhận phép rửa với một ý nghĩa nữa là: Ngài muốn chia sẻ trọn kiếp người yếu đuối khổ đau của chúng.
Để hiểu được phần nào hành động của Chúa Giêsu, ta suy nghĩ một chút như thế này: ở đời nhiều người sống khổ cực, lầm than, là vì hoàn cảnh bắt họ phải như vậy, nhưng có những người tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện sống với những người bệnh tật để chia sẻ kiếp khổ đau với người khác. Đây là trường hợp của các vị thánh; chẳng hạn, thánh Phanxicô khó khăn, hay vị tông đồ của người cùi, đức cha Jean Cassaigne, hay thánh Đamiên. Những người như thế đáng để mọi người ca ngợi, huống hồ là Chúa Giêsu là người giàu có nhất, cao sang quyền thế nhất và thánh thiện nhất, thế mà Ngài đã tự nguyện sống nghèo khổ, khiêm tốn đến nỗi hôm nay tại dòng sông Gio-dan, Ngài trà trộn giữa đám đông để đến xin Gioan làm phép rửa, cử chỉ này không làm cho chúng
ta cảm động, sửng sốt và yêu mến Ngài hay sao! Vì Ngài đã chia sẻ kiếp người lam lũ, vất vã, lầm than và nhất là cuộc sống con người chúng ta bị ách tội lỗi thống trị, và đớn đau, hơn nữa là nhân loại đang bị cái chết thống trị. Nhưng Chúa đã đến làm người sinh ra nơi máng cỏ Bêlem mà ta đã mừng lễ trong dịp giáng sinh vừa qua, bây giờ trước khi sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ công khai bằng sự đánh dấu qua việc Ngài để cho Gioan làm phép rửa. Như thế, để nói lên thứ nhất: Ngài muốn chia sẻ tất cả kiếp sống làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thứ hai là: Ngài muốn thánh hoá dòng nước, con người được tái sinh, và sau này dòng nước chảy từ cạnh sườn Ngài mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Hình ảnh Chúa Giêsu trà trộn giữa đám đông tiến về dòng sông Gio-đan cũng muốn nói với mọi người là: Ngài luôn đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh để dẫn đưa con người tới nguồn nước trường sinh là sự sống đời đời. Khi dòng nước trường sinh bởi tình yêu đã tuôn chảy từ cạnh sườn của Chúa Giêsu trên thập gía; nguồn nước trường sinh mang ơn cứu độ. Đây là tột đỉnh của tình yêu tự hiến, đây là điểm cuối cùng của Đấng cứu thế mà suốt ba năm rao giảng đó đây. Chúa Giêsu muốn thực hiện tình yêu cứu độ; nghĩa là tình yêu hạ mình, tình yêu hy sinh, tình yêu tự hiến qua lễ hiến tế ở đồi Cavê xưa.
Bây giờ đến lượt chúng ta hãy ra đi làm chứng cho Thầy mình, bằng hành động như Thầy Chí Thánh Giêsu đã dạy và đã làm. Cho nên, hôm nay, ai là người Kitô hữu thì hãy làm cho ba chức năng mà khi ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy sống mạnh lại trong ta: Chức năng ngôn sứ là rao giảng, chức năng tư tế là việc phụng thờ tế lễ, và chức năng vương đế là cùng được hiển trị với Chúa Kitô.
Khi ta hiểu một cách thấu đáo như vậy thì ai lại không vui mừng lên được; vì tội con người đáng phải chết mà Chúa đã đến không những cứu sống mà còn cho ta tham dự vào ba chức năng cao cả vừa nói ở trên. Những điều này ta có được là nhờ bởi đâu, nếu không phải chỉ vì Chúa thương chúng ta quá đỗi đó sao. Thiên Chúa thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã hiện thân làm người qua người con Giêsu bằng xương bằng thịt, để rồi hôm nay khi từ dòng sông Gio-đan bước lên, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần chứng thực: “Đây là con Ta yêu dấu, Con đẹp lòng ta”. Cũng như một lần khác, Chúa Cha cũng xác minh về Chúa Giêsu trong cuộc biến hình: “Đây là con yêu dấu, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. ( Mt 17,5 ).
Vậy thì, đức tin của tôi cũng như qúi ông bà anh chị em, chúng ta không còn có gì để hồ nghi, để ngần ngại; mà ta phải xác tín một cách mạnh mẽ: Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai tin vào Ngài, phúc cho ai tiếp nhận Ngài, và phúc cho ai sống với Ngài, trong Ngài và vì Ngài. Tin và sống với Ngài như thế thì cuộc sống này, ta sẽ đẩy lui mọi bóng tối tội lỗi, ghen ghét, thù hận, chiến tranh, chia rẽ …Hay nói khác đi, thế giới của chúng ta sẽ đầy tình thương, bình an và hạnh phúc. Nhưng cho dẫu đời này không được hoàn hảo thì chắc chắn trong vương quốc nước Chúa đời sau sẽ là một sự trọn hảo về mến yêu, hạnh phúc. Đây là điều đáng để ta đánh đổi tất cả để ta được Chúa. Và ai được Chúa là được tất cả.
Ước gì mỗi lần ta tham dự thánh lễ là ta được bí Tích Thánh Thể, của ăn thiêng liêng giúp ta đủ sức đi đường tiến về thiên quốc, nhờ qua sự nỗ lực cố gắng mà ta làm cho nhau bởi một tình yêu phục vụ dâng hiến. Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể Các thánh cầu bầu cho chúng ta trong cuộc hành trình đức tin này. Amen.
Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét