Cái tết đã gần bên thềm ví tui chỉ xin được viết lại những điều mà mình còn nhớ, những điều mà bà con đang cố giữ gìn và những điều mà chúng ta ước ao cho Xứ Bình thân yêu này.
Hồi ấy (1975) mình mới lên 9 lên 10 được các anh rủ đi rừng kiếm củi, nọc tiêu về bán lấy tiền xài tết thì mừng lắm. Sáng mai dậy sớm chuẩn bị cùng các anh lên xe … bò vào Khe sâu – Gia hoét với lời dặn dò của các O, các Chú: “ Anh em bây nhớ đi về có nhau, phụ nhau mà làm, có bị cấy chi hay là thấy kiểm lâm thì hú chắc liền nghe chưa? Ở nhà choa chờ đó!”. Chẳng phải một hai xe mà từng đoàn hàng mấy chục chiếc từ cổng làng Nghi Lộc vô rừng rồi đoàn xe của Xuân Phong, Gia Hòa, Làng Một, Làng Ba nhập lại cả hàng dài nối nhau vào rừng. Mùa này lấy củi là chuyện nhỏ, đi chặt lá kè, lá chuối để gói bánh tét hay đào vài gốc mai rừng về chưng trong nhà cho đẹp ba ngày tết mới là chuyện lớn. Bình yên về đến nhà anh em vui vẻ chia nhau thành quả.
Những ngày sát tết, hai ba nhà gói bánh chung với nhau, chỗ thì gói bánh tét nơi thì gói bánh chưng, nhà này có nếp thì nhà kia có thịt có đậu, mỗi người một tay vừa làm vừa nói vui cứ như là … tết vậy. Nấu xong bên này lại biếu bên kia nên thường ai cũng có bánh chưng bánh tét cả.
Cái hay nữa là, do thời mới được “giải phóng” dân mình đi chợ tết chẳng dễ mua được miếng thịt. Chừng gần 30 tết, ông cha ta lại rủ nhau “mần con lợn trong nhà” đã được vỗ béo từ trước mấy tháng. Cả xóm vui quá chừng được một bữa tiết canh no anh ách, các bà thì chia nhau nào thịt nào lòng đem về kho tàu, mua thêm bánh mướt cho “quân nứ hấn ăn với lòng, như ri thì ngon có kể”. Có chỗ còn “mần cả con me (bê)” cái này thì tuyệt nhưng mà cũng lo: “Quản lý thị trường hắn biết thì vác cả cấy đùi mà … chạy đi thu (dấu)”. Khi mọi việc đã tương đối chu tất, thường thì “Chủ hộ” lại điều quân: “ Mi cầm vài cái bánh tét (chưng) với lại bịch mứt mẹ bay mới làm hồi trưa, sang nhà ông A nói là cha mẹ con biếu ông bà ăn tết cho vui. Còn con hoe tê lấy cái mủng (thúng nhỏ) xúc gạo vô từng mô thì từng đem đến biếu o … rồi về liền nghe chưa? Tết nhứt tới rồi chia chắc ra mà ăn, họ nghèo tội họ !!!” rồi lại tiếp: “ Mẹ mi nhớ cầm “cặp bánh có làm dấu” đem lên biếu Cha Xứ nạ, rồi nhớ xin lễ tạ ơn rồi cầu bình an luôn hấy, rượu bách nhật nữa nói Cha là hấn uống tốt mà dễ ngủ nữa, rồi cấy chi nữa hầy … Mấy đứa rủ chắc đi mua chuối cho bò trên Đường Cùng đã về chưa bây hầy?”. Mẹ nhủ: “ Rứa cha mi thì làm cấy chi? Tui thì cả đống việc!”. Nhanh trí Chủ hộ trả lời: “ Tui phải qua nhà ông C phụ làm thịt chó để ăn Giao thừa, với lại mẹ mi hay lên Cha thì làm luôn cho cấy, bữa mô xin lễ cưới cho cu T thì tui đi cho, gớm!” rồi cười (sợ Cha nhắc tết ông đừng đánh bạc). Chiều lại các chị trong xóm rủ nhau quét dọn đường xá, cuốc cỏ cào rác khói bụi cứ thế mà bay mù trời. Thời ấy, cả Làng tuy đều là đường đất đỏ nhưng lại sạch sẽ hơn bây giờ nhiều. Có lẽ vì nhờ các bà, các chị chịu thương chịu khó hơn chăng?
. . . . .
Đó đây tiếng pháo đã đì đùng báo Xuân . . .
Đêm 30 tết cả Làng đi lễ tạ ơn Chúa rồi về, các bà các chị loay hoay thổi than ủi đồ đẹp hay dọn lại mấy món đồ mừng tuổi, các ông ngồi lai rai mấy món để đón Giao thừa, trẻ con thì rủ nhau đi lượm pháo . . .
Sáng Mùng Một Tết, cả Ba Xứ nhà thờ đầy ắp người. Ai nấy đều mặc nhưng bộ đồ đẹp nhất, các bà thì trang phục truyền thống Áo Dài, còn các chị cũng áo dài nhưng cái tà hắn ngắn cứ như “treo tận trên đầu gối”, trai làng anh mô có đôi “dép lào” là oách lắm, bây giờ nhìn lại mấy tấm hình thấy thương thương-tếu tếu làm sao! Mà cũng đúng thôi thời buổi “cực kỳ khó khăn” mà. Sau lễ thì Cả Xứ vào chúc tết Cha Xứ, được ăn cái kẹo, cái bánh ngày xuân của Cha là sướng lắm, thường thì Cha cũng lì xì vài tờ bạc mới cho các em làm quà. Lễ về, nhà nào cũng tranh thủ ăn uống rồi đi chúc tết Ông Bà, Cha Mẹ, Bà Con-Họ Hàng-Chòm Xóm. Trẻ con chúng tôi lúc ấy thích lắm vì có bánh kẹo ăn thoải mái còn được thêm mấy trăm bạc mới, có bạn góp lại tết xong mua cặp gà, cuốn vở hay gửi mẹ giữ dùm.
Mùng Hai Tết, lễ về ăn uống xong đi đọc kinh trong Gia Tộc rồi lại chúc tết. Các vợ chồng mới cưới nhân dịp này cũng đi chào bà con thân thuộc (họ thường được Bề trên lì xì nhiều hơn) . . .
Mùng Ba Tết, mọi người không quên ơn Thầy Cô, Các Thầy Các Dì, ông Giáo biện, Ban Hành Giáo rồi hàng xóm láng giềng thăm nhau. Lỡ trước đó mà có giận nhau cũng dễ dẹp bỏ: “Bữa nứ, tui có nóng nảy lỡ lời anh bỏ qua cho tui hấy”; “Không can chi, dề nhắc lại mần chi mồ, tui quên rồi … tết mà làm một ly nhắm với củ kiệu tôm khô hấy”. Những ngày này các ông uống rượu cũng đã … thèm.
Mùng bốn, mùng 5,6,7… mùng 10! thật một điều, hồi đó bà con ta đã xong việc đồng áng, vào mùa nắng ít việc lắm, ai có nghề tay trái như thợ xây, thợ mộc thì đi làm, nhổ mỳ dọn rãy thì thong thả hơn nên trong Làng cũng nảy ra nhiều điều không hay như nhậu nhẹt, đánh bài, bầu cua vv.. ăn chơi cả tháng, nghe đâu đó đánh bạc cho… cả lúa cả đậu, cả bò bay luôn !!!
Bây giờ ngồi nhớ lại thấy cái tết ngày xưa nó vui vui đơn sơ và chân tình quá. Bà con mình còn nghèo còn khổ nhưng Lòng Tin thì vững; Lòng Cậy thì bền; Lòng Mến thì nhiều; Tình Làng Nghĩa Xóm thì bao la. Cái bài cái bạc hay ngồi lê đôi mách chỉ vì chưa có cái vui chơi giải trí ở nhà như cái tivi, cái máy vi tính, nghe nhạc như bây giờ. Ở nhà thờ hồi nứ thì chỉ có lễ với đọc kinh thôi họa hoằn lắm mới có cái văn nghệ hay diễn “Tuồng Thương Khó Chúa Giêsu” mà cũng trầy vy trợt vảy vì phải xin phép công an với chính quyền cách mạng, hát mà nhằm lấy bài hồi xưa là họ bắt phạt chết mà hát nhạc họ cho thì bà con ta lại không ưa. Thật cấy chi cũng khổ!
“Thôi hấy, đời trai trẻ của choa rứa là coi như hết, có những cấy choa muốn làm lắm nhưng nỏ mần răng mà làm được. Thông cảm cho choa, đời của bây giừ thì cố lên. Hãy giữ lấy cấy hay của thời trước để cho Tình Làng Nghĩa Xóm mãi bền vui, cấy chi không hay thì tránh cho xa. Cha Ông ta đã dạy: “Tối lửa tắt đèn có nhau – Bán Họ hàng xa mua Láng giềng gần”. Từng Xóm vui thì cả Làng cả Xứ vui; một nhà có chuyện buồn thì cả Làng cả Xứ buồn. Cha Xứ cả Ba Làng bây giừ đạo đức và giỏi giang lắm hãy cố mà vâng nghe Các Ngài, đặc biệt là những dịp lễ tết mỗi người một tay cho cái Xứ Bình này ngày một đi lên, tổ chức lễ lạy này, văn nghệ này, thăm viếng ủi an người nghèo đói, bệnh tật già nua này, bác ái xã hội rồi lo cho các thầy, các sơ đi tu, các em học sinh nữa này. Thôi thì đủ thứ việc cho Bây làm, nghe nói bây giừ Nhà nước họ cũng dễ rồi, mình làm việc phải đạo mà chứ có cướp nhà, chiếm đất, giết người mô mà lo. Thanh niên, trai gái chi cố sức mà làm hấy, người lớn choa cầu nguyện rồi có chi choa ủng hộ cho. Bà con ta ở tận xa mãi bên Mỹ bên Âu rồi ở gần nữa ai cũng nau náu trong lòng phải trở về Quê Ta mà ăn tết đi thôi.
Vâng! Ngày Xuân đã gần kề, xin mượn đỡ vài câu như vầy để kính chúc mọi người:
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai.
Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất Người, không mất gốc,
Lung linh ánh lửa, dù xa Quê cũ, chẳng quên nguồn.
Canhcobg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét