Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý con người, nên những gì được viết ra đây chỉ là những nét hết sức khái quát, do kinh nghiệm và quan sát rồi tổng hợp…chứ đây không phải là mẫu số chung cho mọi người, mọi thời, mọi nơi!Bởi vì đối tượng con người vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm đòi ta phải khám phá liên tục.
I. TÂM LÝ CHUNG CỦA CÁC EM TỪ 4-6 TUỔI:
# Nhận định: Đây là lứa tuổi đơn sơ, hồn nhiên và dễ thương nhất; nhưng dạy Giáo Lý cho lứa tuổi này không phải là chuyện dễ.
1/. Đây là lứa tuổi mà thế giới bị thu gọn tối đa trong một cặp ‘mẹ-con, con-mẹ’ (do đó ta thấy phần đông là các cô dạy Mẫu Giáo). Lứa tuổi này là lứa tuổi phó thác, tin tưởng hoàn toàn nơi cha mẹ. (Vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã nói: ‘Nước Trời dành cho những ai giống như chúng’ Mc 10,14 – giống ở việc phó thác và tin tưởng tuyệt đối).
2/. Lứa tuổi này sống trong sự thần tiên huyền diệu, trong một thế giới mà ý muốn là toàn năng. Thích làm trò vui và pha trò duyên dáng, rất đỗi trẻ con.
3/. Chính vì sự thần tiên đó mà lứa tuổi này muốn là trung tâm điểm của vũ trụ, muốn người khác chú ý, vì vậy rất độc tài; hay ghen tỵ và hờn mát nếu không thỏa mãn tự ái.
4/. Lứa tuổi này hay bắt chước, nhất là bắt chước cha mẹ (bắt chước cả lời ăn tiếng nói lẫn hành vi cử chỉ), và rất hay đặt câu hỏi ‘Tại sao?’.
# Tóm lại:Lứa tuổi này như một tờ giấy trắng, rất dễ dàng ghi lên đó những gì ta muốn, tuy nhiên, phải hết sức thận trọng: những lời nói hay cử chỉ của ta (dù là vô tình) đều được các em copy nhanh chóng.
II. TÂM LÝ CHUNG CỦA CÁC EM TỪ 7-9 TUỔI:
# Nhận định: Đã bắt đầu vào ‘tuổi khôn’ mà theo quy định của Giáo Hội, các em đã có thể nhận lãnh các Bí tích Hoà Giải, Thánh Thể, Thêm Sức.
1/. Lứa tuổi này các em đã nhanh chóng phân biệt được rõ ràng chuyện thần tiên và chuyện thật, cũng như phân biệt được một cách chính xác điều thiện và điều ác.
2/. Lứa tuổi đã biết suy nghĩ chín chắn hơn một chút dù còn rất ham vui. Thích tìm hiểu và đã biết so sánh (so sánh các ý kiến với nhau, so sánh những gì đã học được với thực tế, so sánh lời nói với việc làm của người khác).
3/. Lứa tuổi đã bắt đầu đi học nên tính cộng đồng, đồng đội, bạn bè cũng bắt đầu phát triển. Dễ sống hòa đồng nhưng cũng muốn biết người khác nghĩ gì về mình.
4/. Lứa tuổi thích thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, biết hướng nội. Các cảm quan về tôn giáo đã trỗi dậy nên nhạy cảm với những vấn đề thiêng liêng, mầu nhiệm.
# Tóm lại: Ở lứa tuổi này, tâm tình tôn giáo đã chớm nở. Những gì thuộc về đức tin mà các em học được hầu như sẽ được mang theo rất lâu sau này. Đây là một giai đoạn rất quan trọng đối với các Giáo Lý Viên – Huynh Trưởng (nhất là các Giáo Lý Viên – Huynh Trưởng phụ trách các lớp xưng tội rước lễ vỡ lòng) trong việc dạy cho các em tôn thờ và tin yêu Chúa Giêsu Thánh Thể.
III. TÂM LÝ CHUNG CỦA CÁC EM TỪ 10-12 TUỔI:
# Nhận định: Đây là lứa tuổi mà chúng ta dễ nhận ra tâm tính, tánh tình của chúng nhất.
1/. Lứa tuổi này thường hướng ngoại, thích hoạt động và khám phá, do đó dễ bị ngoại cảnh lôi cuốn.
2/. Lứa tuổi chú trọng đến chuyện công bằng nên thiên về luật lệ (khi chơi thì chú trọng luật chơi, khi học thì để ý đến tính toán, văn phạm…) vì vậy trẻ đã bỏ hẳn những chuyện thần tiên nhưng đồng thời lại bắt đầu ưa thích chuyện phiêu lưu mạo hiểm.
3/. Lứa tuổi này trí nhớ đã phát triển mạnh bên cạnh những vấn đề thuộc phái tính. Tuy nhiên chúng thường đánh giá nhau theo những tiêu chuẩn phụ thuộc bên ngoài (con trai: học giỏi, khỏe mạnh, chơi hay, … con gái: tóc dài, mắt to, hát hay…).
4/. Lứa tuổi đã có bạn thân, thường tụ tập thành nhóm chơi với nhau và rất dễ bị ảnh hưởng qua lại với nhau. Rất thích làm nổi (dù là tiêu cực) để khẳng định cái tôi của mình trong một nhóm nhỏ hoặc trong một cộng đoàn.
# Tóm lại:Phải hết sức tránh để các em tuổi này bị bất mãn, vì lứa tuổi này là thế. Các cử điệu không còn phù hợp nữa (đôi khi còn là điều cấm kỵ đối với một số em có tính mắc cỡ). Cần hướng dẫn trẻ đi vào chiều sâu hơn là hình thức bên ngoài để các em có thể tự mình khám phá ra Thiên Chúa.
IV. TÂM LÝ CHUNG CỦA CÁC EM TỪ 13-15 TUỔI:
# Nhận định: Đây là một lứa tuổi chuyển tiếp giữa trẻ con và người lớn. Ưa kể chuyện mới xảy ra hôm qua bằng câu mở đầu: ‘Hồi đó mình còn nhỏ…’ Lứa tuổi này nổi tiếng là khó dạy và vô kỷ luật, đòi hỏi các nhà giáo dục phải hết mực lạc quan, khéo léo và thạo tâm lý.
1/. Lứa tuổi này vì không còn là trẻ nhỏ, nhưng lại chưa phải là người lớn; Mặt khác, sự phát triển mau chóng về mặt sinh lý làm cho trẻ mất quân bình về tâm lý. Bên cạnh đó, ý thức về tự do cũng chớm nở nhưng lại còn vụng về nên thường tự vệ, bào chữa …, cố vươn lên để chứng tỏ mình khác với trẻ nhỏ nên sinh ra phê phán, chống đối (có khi chống đối công khai và rất có hệ thống).
2/. Là lứa tuổi dậy thì nên phái tính phát triển mạnh, tâm lý hay thay đổi (có khi là một đứa trẻ dễ bảo dễ thương, nhưng có khi làm ra vẻ người lớn bằng cách bướng bỉnh, bất tuân, chống đối…) Nam thì hướng ngoại: ưa lao động sáng tạo, rèn thể lực và ý chí, tập tính can đảm,… nữ thì lại hướng nội: mộng mơ, tình cảm và hay làm dáng.
3/. Lứa tuổi này thường sống với những ước mơ màu hồng và dám hy sinh quảng đại để biến những ước mơ đó thành hiện thực; nhưng lại cũng rất dễ nản lòng khi thấy thực tế khác xa với những gì mình mơ ước; ham thích nghệ thuật. Hay thần thánh hóa nên có những thần tượng trần tục như: siêu sao điện ảnh, ca nhạc, thể thao,… vì vậy có thể ‘chết được’ nếu thần tượng của mình bị sụp đổ.
4/. Lứa tuổi này cũng có những hoài bão, những lý tưởng cao cả; vì vậy cũng rất phù hợp để ươm trồng và phát triển ơn gọi (dù quan niệm về Thiên Chúa ở tuổi này nhìn chung còn hời hợt và nông cạn).
# Tóm lại:Lứa tuổi này đòi giảng viên phải có một sự mạch lạc trong Giáo Lý, đồng thời chính bản thân Giáo Lý Viên – Huynh Trưởng phải tỏ ra mình cũng đang theo đuổi một lý tưởng cao cả mới có thể khuyến khích được các em. Bên cạnh đó bớt nhấn mạnh đến kỷ luật, vâng lời… Sẽ rất nguy hiểm cho lứa tuổi này nếu ở Giáo Xứ nào mà sau khi đã Thêm Sức xong, không có chương trình Giáo Lý tiếp theo hoặc không có hội đoàn, đoàn thể nào cho các em tham dự, tham gia tiếp tục.
V. TÂM LÝ CHUNG CỦA CÁC EM TỪ 16-18 TUỔI:
# Nhận định: Đây là lứa tuổi đã biết suy nghĩ, chín chắn, ham hiểu biết, tự chủ và lựa chọn. Do đó đức tin ở trẻ đã có ý thức hơn; tuy nhiên, cũng vì vậy mà trẻ gặp khó khăn thường xuyên hơn – có khi rất trầm trọng – trong lãnh vực đức tin.
1/. Lứa tuổi này thường hay đặt vấn đề và chỉ thỏa mãn khi nào được giải đáp thật hợp lý và khúc chiết. Những gì mà các em ở tuổi này tự khám phá ra thì quan trọng hơn những gì mà được học, bởi vậy ưa phê phán người khác, nhưng sự phê phán đó lại bị tình cảm chi phối.
2/. Lứa tuổi này hay tuyệt đối hóa vấn đề và hay tự tín. Hướng về tương lai hơn là chú ý đến thực tế thường nhật. Các thần tượng đã bớt đi tầm ảnh hưởng, nhưng nơi các em lại có óc thủ lãnh; đồng thời ở lứa tuổi này nam nữ đã bắt đầu biết tán tỉnh nhau để tiến tới tình yêu phái tính.
3/. Ở lứa tuổi này trẻ vẫn rất kính phục những tấm gương sống tỏa sáng nhân đức; nhưng những người có học vấn, tri thức lại rất quan trọng đối với trẻ. Chúng chỉ phục những ai hơn hẳn chúng về tri thức. Hành động mà không nghĩ xa, không cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra cũng là đặc trưng của tâm lý trẻ ở tuổi này.
4/. Lứa tuổi này đã ý thức được cái ‘tôi’ của mình cùng với trách nhiệm và quyền lợi. Hiểu chính xác hơn về tội lỗi và luật lệ, nhất là luật luân lý tự nhiên. Nơi trẻ phát sinh những ước vọng hội nhập xã hội. Thích tìm hiểu quá khứ, lịch sử; nhưng lại chỉ nhìn những biến cố xảy ra bằng đôi mắt chủ quan…
# Tóm lại:Ở lứa tuổi này, thích hợp nhất vẫn là những mẫu người Giáo Lý Viên – Huynh Trưởng có được một tính cách tổng hợp: vừa là cha mẹ, vừa là thầy, vừa là một thủ lãnh, vừa là anh chị, nhưng đồng thời cũng là một người bạn tri kỷ của các em. Các em rất cần được cảm thông, được hiểu rõ tâm tình và nguyện vọng, cũng như rất cần sự khích lệ, chia sẻ và nhất là gương sáng của ta. Tuy nhiên, người làm gương cần phải kín đáo, tế nhị, phải xóa bỏ mình đi, tránh gây ảnh hưởng cá nhân hoặc biến mình thành thần tượng cho các em. (x. Jn 3.30: ‘Đức Kytô phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại’).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét