About Me

Người ân nhân.

NGƯỜI ÂN NHÂN DẤU MẶT TRONG DỊP LỄ GIÁNG SINH


Năm đó miền Nam hoàn toàn thống nhất với miền Bắc, các luật lệ áp dụng tại miền Nam, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh, chắc chưa được thi hành rõ rệt.


Hầu hết dân làng Bình Giã đua nhau vào rừng phát rãy để sống, cha con tôi cũng không ngoài hoàn cảnh, chúng tôi đi chậm hơn nên phải vào tận tới rừng sâu GiaQuet. Một cánh rừng bao la bát ngát, tiếng suối chảy ào ào, tiếng khỉ kêu, vượn hót, ban đêm tiếng cú hú nghe rùng rợn.


Thế nhưng cha ông ta có câu: “ Đói thì đầu gối phải bò.” Thật là một cảnh tượng ngoài ý muốn, thôi cũng đành chấp nhận. Hai cha con dựng nên một căn chòi nhỏ sơ sài, ngày chặt cây cuốc đất đêm vào nghỉ tạm và không quên thầm nguyện xin Chúa thương che chở để đủ sức đương đầu với mọi khó khăn. Thấm thoát ngày tháng gian lao cha con cũng đã phát được mẫu rãy.


Mùa mưa đã đến, cha cuốc lộ con bỏ hạt đậu phộng, trong một tuần thì công việc trồng tỉa xong. Đất rừng phì nhiêu chỉ có một hai tháng mà cây cối đã lên xanh tốt, trông rất đẹp mắt. Thật đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt. Bị muỗi rừng đốt thâu đêm, những vết thương rỉ máu vì vô tình vấp phải gốc cây chặt dở. Dầu vậy trong lòng cũng vui vẻ, mừng thầm và cám ơn Chúa. Vào tháng 12 dương lịch thì  mùa thu hoạch bắt đầu, chỉ còn năm hôm nữa là tới lễ giáng sinh, hai cha con bảo nhau tận lực ngày đêm để thu hoạch cho kịp về ngày lễ.


Chiều hôm đó là ngày giáp lễ, chúng tôi thu từng bao đậu xếp lên xe bò để về, khi ra đến cầu Gia Quet thì bị chận lại thu mua, nói là thu mua chứ thực tình của đáng hai chỉ trả cho một. Lúc này trời đã chập choạng lờ mờ, cha con năn nỉ đủ điều nhưng anh chàng mang khẩu súng bên hông, nói tiếng Bắc, mặt đanh như thép khó lòng lay chuyển. Nói năng qua lại độ nửa tiếng đồng hồ, khi nhìn lại chiếc xe bò dựng cách cầu vài chục mét đã biến đi đâu mất, anh chàng chận thu mua văng tục, chưởi thề rồi bỏ đi, còn chúng tôi nghĩ con bò đứng lâu nên bỏ đi. Chắc nó đi đường về Bình Giã.


Nói về con đường từ Gia Quet đến Bình Giã người ta mới ủi sơ sài cho có làn ranh, con đường đang sình lầy, mô, dốc riêng khúc đồng lúa làng ba khoảng hai trăm mét, bùn sục lút đầu gối. Xe bò đi không cũng không kéo nỗi, khi đến đây người ta phải khuôn vác chuyền qua rồi mới xếp lên xe để chở về.


Cha con tôi lần bước theo đường về tới đây, trong bụng nghĩ thế nào con bò cũng dựng lại để chờ, nhưng không:- lạ quá, nó đi đường nào, ngoài đường này thì làm gì có đường nào khác? Chả lẽ ai đã vác dùm đưa qua sình này? Và nếu không có người thì con bò sao mà kéo xe qua được. Thật hết sức phân vân. Thôi đành lội qua về nhà rồi hạ hồi phân giải.


Khi đi gần về tới nhà, thì thấy chiếc xe bò đã đậu sẵn, một chàng thanh niên rất trẻ khoảng 18, 20 ngồi trên xe, khi chúng tôi đến gần cách đỗ 50 mét, thì anh này xuống xe bỏ đi và không ngoảnh mặt trở lại. Chúng tôi cố van người ân nhân đó để ngỏ lời cảm ơn, nhưng anh này đã biến mất.


Thật hết sức xúc động, vì anh này giúp mình đưa xe bò đi về nhưng còn phải vác qua cái đường sinh 200 mét kia. Nhìn thoáng thân mình mảnh mai của anh này thì làm sao vác hết một xe bò đậu nhiều như thế, ít nữa anh cũng dừng lại để cho biết tên biết mặt để cám ơn, nhưng không anh đã đi mất mà không để lại một dấu vết gì.


Từ đó tới nay đã gần mấy chục năm, tôi luôn tự hỏi anh này là ai? Chắc chắn là người Bình Giã, nhưng tên gì? Con ai? Anh giúp nhà mình có ý gì chăng? Không! Nếu anh có ý thì anh đã cho mình biết mặt biết tên. Kết luận, anh này chỉ vì đức tin công giáo, thực hành lời Chúa, cho không mong trả lại, làm phúc tay phải không cho tay trái biết. Thật đáng suy nghĩ, nếu mỗi người chúng ta cũng có lòng thương yêu, giúp đỡ người khác mà không mong được đền đáp như anh này thì xã hội trở nên tươi đẹp biết bao.


Anh bạn này ơi? Mặc dù không biết tên, biết mặt và giờ này anh đang làm gì? Ở đâu? Chúng tôi vẫn ghi nhớ ơn anh. Và chính gương sáng của anh đã ghi một dấu ấn suốt đời tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net