About Me

Giáo lý Công Giáo (PHẦN III: LUÂN LÝ )


CHÚNG TA ĐÁP LẠI LÒNG THƯƠNG YÊU CỦA CHÚA


"Ai biết các giới luật của Thầy và tuân giữ các giới luật đó, thì họ là người yêu mến Thầy. Và ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến họ" (Ga 14. 21). 

BÀI THỨ I
SỐNG THEO Ý CHÚA



280. Tôi phải làm gì để xứng đáng là con cái Chúa?
Tôi phải nhận biết và tuân theo thánh ý Chúa là Cha của tôi, như chính Đức Giêsu đã làm gương cho tôi. 

281. Làm sao tôi biết được ý Chúa?

Tôi biết được ý Chúa bằng 4 cách sau đây: 
1) Nhờ luật tự nhiên mà Chúa đã ghi vào lương tâm mỗi người. 
2) Nhờ 10 giới luật mà Chúa đã truyền cho ông Môisen trên núi Sinai (được trình bày trong câu 284 phía dưới; xem Sách Xuất Hành [trong Cựu ước] 20, 1-21). 
3) Nhờ lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, nhất là luật mến Chúa yêu người trong Tin Mừng của Đức Giêsu. 
4) Nhờ giáo huấn và luật lệ của Giáo Hội thay mặt Chúa mà dạy cho tôi. 

282. Lương tâm là gì?
Lương tâm là tiếng Chúa nói trong tâm hồn khuyên tôi làm điều tốt và tránh điều xấu. 


283. Phải làm gì để lương tâm của tôi khỏi bị lu mờ, lệch lạc? 
Phải tránh xa tội lỗi, từ bỏ những tính hư nết xấu, tránh mọi ảnh hưởng xấu xa chung quanh và phải học để biết rõ giới luật của Chúa. 

284. Mười giới luật của Chúa là những giới luật nào?

Là 10 giới luật này (1) 

- Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời (2) và kính mến Người trên hết mọi sự. 
- Thứ hai: chớ (3) kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. 
- Thứ ba: giữ ngày Chúa Nhật. 
- Thứ bốn: thảo kính cha mẹ. 
- Thứ năm: chớ giết người. 
- Thứ sáu: chớ làm sự dâm dục. 
- Thứ bảy: chớ lấy của người. 
- Thứ tám: chớ làm chứng dối. 
- Thứ chín: chớ muốn vợ/ chồng người. 
- Thứ mười: chớ tham của người. 
Mười điều răn (= giới luật) ấy tóm về hai (= tóm tắt thành 2 điều) này mà chớ (= mà thôi): trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy (= yêu người khác như chính mình tôi). Amen 

285. Đức Giêsu đã dạy luật mến yêu (= luật bác ái, giới luật yêu thương) như thế nào?

Ngài đã dạy bằng gương sáng và bằng lời giảng dạy trong Tin Mừng (Bonne Nouvelle), nhất là trong "bài giảng trên núi", bắt đầu bằng "8 mối phúc (phước) thật (thực sự, đích thực)" như sau (2): 

- Thứ nhất: ai có lòng khó khăn (nghèo khó: les pauvres de coeur) ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời (Nước Trời: Royaume des cieux) là của mình vậy. 
- Thứ hai: ai hiền lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy. 
- Thứ ba: ai khóc lóc (vì gặp điều đau khổ) ấy là phúc thật, vì chưng sẽđược (Chúa) an ủi vậy. 
- Thứ bốn: ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được (Chúa làm cho) no đủ vậy. 
- Thứ năm: ai thương xót người (người khác, tha nhân) ấy là phước thật, vì chưng mình sẽ được (Chúa)thương xót vậy. 
- Thứ sáu: ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phước thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy. 
- Thứ bảy: ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy. 
- Thứ tám: ai chịu khốn nạn (bị bách hại, đau khổ, đọa đày...) vì đạo ngay (persécutés pour la justice: bị bách hại vì sống công chính) ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy. Amen (Xin xem Mt 5, 1-12) 

Chú thích:
(1) Theo lời kinh xưa, còn quen đọc hiện nay. 
(2) Đức Chúa Trời: cách xưng hô ngày xưa, chỉ Thiên Chúa hay Chúa. 
(3) Chớ: (tiếng ngày xưa) có nghiã là: đừng, không nên, không được... 

Phần đọc thêm (Xuất Hành 20, 1-17) 
Thiên Chúa đã phán hết thảy các lời này, rằng: "Ta là Yavê (*), Thiên Chúa của ngươi (ngôi thứ hai số ít: con, bạn, anh, chị, em...), Đấng đã đem ngươi ra khỏi đất Ai cập, khỏi nhà tôi mọi (tôi tớ, nô lệ). (1) Ngươi sẽ không còn các thần khác trước nhan (mặt) Ta. Ngươi sẽ không tạc tượng thần, tạc hình vật gì nơi trời bên trên hay nơi đất bên dưới, hay trong nước bên dưới đất. Ngươi sẽ không thờ lạy chúng và phụng sự chúng, vì Ta, Yavê Thiên Chúa của ngươi, Ta là Thiên Chúa ghen tuông phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời, đối với ai thù ghét Ta, và giữ nghiã dư ngàn với những ai yêu mến Ta và giữ các lệnh truyền của Ta.


(2) Ngươi sẽ không hư từ nêu danh Yavê, Thiên Chúa của ngươi, vì Yavê sẽ không dung kẻ hư từ nêu danh Người. (3) Ngươi hãy nhớ tới ngày hưu lễ để tác thánh (thánh hóa) ngày ấy. Trong 6 ngày ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là ngày hưu lễ kính Yavê Thiên Chúa của ngươi; ngươi sẽ không làm bất cứ việc nào, ngươi và con trai con gái ngươi, tớ trai tớ gái của ngươi, thú vật của ngươi và khác ngụ cư ở bên trong cổng thành ngươi. Vì trong sáu ngày, Yavê đã làm nên trời đất, biển và tất cảmọi sự trong các nơi ấy, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy; bởi thế Yavê đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thánh nó. (4) Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên thửa đất Yavê Thiên Chúa của ngươi sắp ban cho ngươi. (5) Ngươi sẽ không giết người. (6) Ngươi sẽ không ngoại tình. (7) Ngươi sẽ không trộm cắp. (8) Ngươi sẽ không làm chứng gian cáo tội đồng loại. (10) Ngươi sẽ không mê muốn nhà cửa của đồng loại. (9+ 10) Ngươi sẽ không mê muốn vợ của đồng loại, tớ trai tớ gái của nó, bò lừa của nó và bất cứ vật gì của nó.

(Theo bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn. Nơi đây ghi thêm những số từ 1 tới 10 để dễ đối chiếu với bản kinh ở trên)
Phụ chú (*): Yavê (Giavê) tên của Thiên Chúa, và theo Sách Xuất Hành 3, 14 thì tên riêng này có nghiã là: "Ta là Đấng ở cùng các con".






BÀI THỨ II 


NHÂN ĐỨC




286. Tôi phải làm gì để noi gương Đức Giêsu?

Để noi gương Đức Giêsu, tôi phải tập luyện các nhân đức (các tính tốt). 

287. Có mấy thứ nhân đức?

Có 2 thứ nhân đức: (1) nhân đức tự nhiên và (2) nhân đức siêu nhiên. 

288. Nhân đức tự nhiên là gì?

Nhân đức tự nhiên là những thói quen tốt, do tập luyện mà có được, giúp tôi làm điều lành, tránh điều dữ một cách dễ dàng, như tính ngay thẳng, sự thật thà, liêm chính... 

289. Nhân đức siêu nhiên là gì?

Nhân đức siêu nhiên là những khả năng, mà Chúa ban cho tôi khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, giúp tôi sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc đời đời. 

290. Có mấy thứ nhân đức siêu nhiên?

Có hai thứ: (1) nhân đức đối thần, là những nhân đức trực tiếp quy hướng về Thiên Chúa; (2) nhân đức luân lý, là những nhân đức giúp tôi sống tinh thần Tin Mừng giữa xã hội mà tôi đang sống. 

291. Có mấy nhân đức đối thần?

Có 3 nhân đức đối thần, đó là Tin, Cậy, Mến. 

292. Có mấy nhân đức luân lý?

Có nhiều nhân đức luân lý, nhưng có 4 nhân đức căn bản này, đó là: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm (can đảm) và tiết độ (chừng mực, có độ lượng).




 


BÀI THỨ III
BA NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN
A. ĐỨC TIN


293. Đức tin là gì?
Đức tin là nhân đức siêu nhiên, giúp tôi chấp nhận vững vàng những điều Chúa dạy và nhờ Giáo Hội truyền lại. 

294. Tại sao tôi lại tin những điều Chúa dạy?

Tôi tin những điều Chúa dạy, vì Ngài là Đấng chân thực, không thể sai lầm và không lừa dối ai. 

295. Đức tin có cần, để tôi được cứu độ không?

Đức tin rất cần, để tôi được cứu độ như Thánh Phaolô đã viết: "Không có Đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa" (Thư Do Thái 11, 6). 

296. Có tội nào phản nghịch cùng (chống lại) Đức tin không?

Có những tội sau đây: 

(1) Cố tình hồ nghi hay là không tin những điều Chúa dạy. 
(2) Hổ thẹn (mắc cở, xấu hổ) không dám tỏ mình ra là người Công giáo. 
(3) Liều mình trong những dịp nguy hiểm có thể làm mất Đức tin. 
(4) Chối đạo (bỏ đạo). 


297. Những dịp nào có thể làm cho tôi mất Đức Tin?


Thường là những dịp này: 
(1) Giao thiệp với những người thù nghịch với đạo Chúa. 
(2) Xem sách báo và những phim ảnh xấu. 
(3) Lười biếng không chịu học hỏi thêm đạo lý, để sống Đức tin. 

298. Sống Đức tin là gì?

Là tập cho mình quen phán đoán mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng (theo giáo huấn Phúc âm) và cố gắng áp dụng những điều Chúa dạy vào đời sống hằng ngày. 

299. Có kinh nào giúp cho tôi có thêm Đức tin không?

Có kinh Đức tin. Lời kinh ấy (*) như sau: "Lạy Chúa con, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có ba ngôi, mà ngôi thứ hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội thánh dạy, thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh, Amen." 

B. ĐỨC CẬY


300. Đức Cậy là gì?

Đức Cậy là nhân đức giúp tôi trông cậy vững vàng, nhờ công ơn của Đức Giêsu, tôi sẽ được Chúa ban ơn đầy đủ, để sống đạo sốt sắng ở đời này và đời sau được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa.

301. Tại sao tôi trông cậy vào Chúa?

Vì Chúa là Đấng đầy quyền năng, rất nhân từ và trung tín, luôn giữ trọn lời đã hứa. 

302. Có những tội nào phản nghịch cùng (chống lại) Đức cậy không?

Có những tội này: 
(1) Quá ỷ nại vào lòng nhân từ của Chúa, mà không lo làm điều lành tránh điều dữ. 
(2) Cậy vào sức mình một cách thái quá. 
(3) Quá thất vọng, không còn trông cậy vào Chúa nữa. 

303. Khi nào tôi cần phải trông cậy vào Chúa hơn?

Tôi cần phải trông cậy vào Chúa hơn, nhất là khi bị cám dỗ, thử thách vànhững lúc gặp gian nan đau khổ ở đời, như lời Thánh Phêrô đã khuyên nhủ: "Anh chị em hãy trút bỏ mọi thứ lo âu cho Chúa, vì Chúa luôn săn sóc anh chị em" (Thư thứ nhất của Thánh Phêrô 5, 7). 

304. Có kinh nào giúp tôi trông cậy vào Chúa hơn không?

Có kinh Đức cậy. Lời kinh ấy (*) như sau: "Lạy Chúa con, con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên Thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc (quyền phép) và lòng lành (nhân từ) vô cùng đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được, Amen." 

C. ĐỨC MẾN

 



305. Đức mến là gì?

Là nhân đức giúp tôi kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa tôi cũng sẽ yêu thương mọi người như chính mình tôi.

306. Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nghiã là thế nào?

Nghiã là yêu mến Thiên Chúa hết lòng: yêu Ngài hơn tất cả mọi loài, mọi người, mọi vật trên trần gian. Thà mất hết mọi sự còn hơn là phạm tội làm mất lòng Ngài. 

307. Tại sao tôi phải kính mến Thiên Chúa?

Vì Ngài là Cha nhân từ, tốt lành vô cùng. Ngài yêu thương tôi trước và luôn ban ơn cho tôi. 

308. Tôi có phải yêu thương tất cả mọi người không?

Tôi phải yêu thương tất cả mọi người, dù người đó là kẻ thù nghịch với tôi, như lời Chúa đã dạy: "Các con hãy yêu thương kẻ thù nghịch các con" (Matthêu 5, 44). 

309. Tại sao tôi phải yêu thương tất cả mọi người?

Tôi phải yêu thương tất cả mọi người, vì những lý do sau đây: 
(1) Chính Đức Giêsu đã dạy như thế (xin xem phần đọc thêm) 
(2) Vì mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa (xin xem sách Sáng Thế 1, 26-27; 9, 6) và đã được Đức Giêsu cứu chuộc bằng cái chết của Ngài. 
(3) Vì mọi người đều là con một Cha trên trời, đều được mời gọi vào chung hưởng hạnh phúc đời đời.

310. Khi nào tôi lỗi Đức mến?

Mỗi khi tôi thờ ơ lãnh đạm đối với Chúa hoặc thù ghét Ngài. Nói chung, mỗi khi tôi lỗi luật Chúa mà phạm tội là tôi đã phạm tới Đức mến rồi, như lời Đức Giêsu đã nói: "Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy" (Gioan 14, 23). 

311. Có cách nào giúp tôi thêm Đức mến không?

Có 3 cách này: 

(1) Năng tưởng nhớ tới Chúa và quyết tâm yêu mến Ngài. 
(2) Dâng lên cho Chúa những việc tôi làm và những buồn vui trong ngày. 
(3) Cố gắng giúp đỡ người khác về tinh thần cũng như vật chất. 

312. Có kinh nào giúp tôi yêu mến hơn không?

Có kinh Đức mến. Lời kinh ấy (*) như sau: "Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng; lại vì Chúa thì tôi thương yêu người ta như mình tôi vậy, Amen." 

Chú thích: (*) Lời kinh xưa, còn quen đọc hiện nay. 
Phần đọc thêm (Marcô 12, 28-34) 
Có một người trong các kinh sư (scribes: những người thông thạo Kinh Thánh, chuyên gia về Kinh Thánh) đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xa-đốc (một nhóm chính trị trong nước Do thái thời đó, sinh hoạt từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên tới năm 70 sau công nguyên, đảng viên phần lớn là các tư tế trong đền thờ) tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn (giới luật), điều răn
nào đứng đầu?" Đức Giêsu trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến thân cận (người ở bên cạnh mình) ngươi như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." 
Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu (lễ vật được đem hỏa thiêu trên bàn thờ) và (các) hy lễ (khác)." Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa. (Bản dịch Sàigòn 1994. Ởû đây thêm những lời giải thích, hoặc những chữ viết trong ngoặc cho chính xác hơn và dễ hiểu hơn)


 


BÀI THỨ IV
TỘI LỖI

 



313. Tôi có thể phạm tội khi nào?

Khi tôi cố tình lỗi luật của Chúa hay là luật Giáo Hội (xin xem lại: Kinh mười điều răn Đức Chúa Trời và Kinh Sáu điều răn Hội Thánh nơi Phần tài liệu đọc thêm sau câu 244/ câu 284, trang 3) 

314. Có mấy cách phạm tội?

Có nhiều cách: bằng tư tưởng, bằng lời nói, bằng việc làm hoặc là bỏ qua không làm những việc phải làm [thiếu sót] (xin xem lại Kinh cáo mình, nơi Phần tài liệu đọc thêm sau câu 244 trang 3).

315. Có mấy thứ tội?

Có hai thứ tội: tội trọng (tội nặng) và tội nhẹ. 

316. Khi nào người ta phạm một tội trọng (tội nặng)?

Là khi người ta cố tình phạm một điều luật nặng, dù đã kịp suy nghĩ trước. 

317. Tội trọng (tội nặng) gây thiệt hại cho tôi thế nào?

Tội trọng làm cho tôi mất sự sống siêu nhiên Chúa ban cho tôi, mất công phúc tôi đã lập trước, đáng chịu hình phạt của Chúa ở đời sau - và có khi cả hình phạt của Giáo Hội ở đời này nữa. 

318. Khi đã lỡ phạm tội trọng (tội nặng), tôi phải làm gì?

Tôi phải giục lòng ăn năn tội cách trọn (xin xem lại các câu số 225, 226, 227 nơi trang 3), rồi tìm cách lãnh nhận Bí tích Hòa giải (đi xưng tội với một linh mục) càng sớm càng tốt. Sau đó, còn phải dùng mọi phương thế để khỏi phạm lại tội đó nữa. 

319. Khi nào tôi phạm tội nhẹ?

Khi tôi lỗi phạm một điều luật nhẹ, hoặc một điều luật nặng mà chưa kịp suy nghĩ hay là chưa hoàn toàn ưng theo. 

320. Tội nhẹ có gây thiệt hại gì cho tôi không?

Thưa có. Tội nhẹ dù không làm mất sự sống siêu nhiên Chúa đã ban cho tôi, nhưng làm cho tôi bớt lòng kính mến Chúa, hướng lòng về điều xấu, dễ phạm tội trọng (tội nặng) và đáng chịu hình phạt đời này hoặc đời sau trong luyện ngục (luyện tội/ purgatoire: nơi thanh luyện tội nhân, xin xem lại câu số 138 nơi trang 2.) 

321. Nếu bị cám dỗ mà thôi thì đã phạm tội chưa?

Nếu chỉ bị cám dỗ mà thôi thì chưa phải là phạm tội. Trái lại, nếu chống trả lại cơn cám dỗ ấy thì tôi càng có công trước mặt Chúa. 

322. Tôi phải làm gì để khỏi chiều theo các cơn cám dỗ?

Tôi phải siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận Bí tích Hòa giải (xưng tội), Bí tích Mình Thánh Chúa (rước lễ) và tránh các cơ hội có thể đưa tôi tới việc phạm tội, như lời Đức Giêsu đã dạy rằng: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ" (Matthêu 26, 41). 

323. Các tội người ta phạm thường do những nết xấu nào?

Các tội người ta thường phạm do 7 nết xấu này mà ra, quen gọi là 7 mối tội đầu: kêu ngạo, hà tiện, dâm dục, ghen ghét, mê ăn uống, hờn giận, lười biếng (xin xem lại "Kinh bảy mối tội đầu" nơi Phần tài liệu đọc thêm sau câu 244, trang 3). 

324. Tại sao lại gọi là 7 mối tội đầu?

Vì 7 tội ấy là nguồn gốc sinh ra (làm đầu) nhiều tội lỗi khác.


 



BÀI THỨ V
GIỚI LUẬT THỨ NHẤT


325. Giới luật (điều răn) thứ nhất dạy tôi điều gì?

Giới luật thứ nhất dạy tôi thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Ngài trên hết mọi sự. 

326. Thờ phượng Thiên Chúa là gì?

Là nhận biết Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và là chủ tể trời đất muôn vật, đồng thời hết lòng tôn thờ, kính phục và yêu mến Ngài. 

327. Tôi có phải thờ phượng Đức Giêsu Kitô không?

Thưa có, vì Đức Giêsu Kitô cũng là Thiên Chúa. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người. 

328. Tôi phải thờ phượng Thiên Chúa cách nào?

Tôi phải thờ phượng Thiên Chúa bề trong cũng như bề ngoài, cùng tham dự các việc thờ phượng chính thức của Giáo Hội gọi là Phụng vụ. 

329. Những việc Phụng vụ quan trọng nhất là những việc nào?

Là Thánh lễ, các Bí tích và kinh Nhật tụng (kinh nguyện hằng ngày của các linh mục, tu sĩ. Công đồng Vatican II cho phép và khuyên giáo dân cùng đọc). 

330. Hằng năm, Phụng vụ được tổ chức như thế nào?

Được tổ chức theo 2 mùa chính:
(1) Mùa Giáng sinh (Noel): giúp người tín hữu sống mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người. 
(2) Mùa Phục sinh (Pâques): giúp người tín hữu sống mầu nhiệm Đức Giêsu cứu độ nhân loại bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài. 

331. Mùa Giáng sinh có những lễ lớn (lễ trọng) nào?

Có 2 lễ lớn này: lễ Giáng sinh (Noel, còn gọi là lễ Sinh nhật: Nativité du Seigneur) và lễ Hiển linh (Epiphanie du Seigneur, quen gọi là lễ Ba Vua). Trước lễ Giáng sinh có 4 tuần chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ, gọi là Mùa Vọng (Avent). 

332. Mùa Phục sinh có những lễ lớn (lễ trọng) nào?

Có 3 lễ lớn này: lễ Phục sinh (Pâques), lễ Chúa Giêsu lên trời (gọi tắt là lễ Lên Trời, ngày trước gọi là lễ Thăng Thiên: Ascension) và lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống (gọi tắt là lễ Hiện xuống: Pentecôte). Trước lễ Phục sinh có một thời kỳ chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ, gọi là Mùa Chay (Carême). 

333. Ngoài những ngày lễ thờ phượng Chúa, Giáo Hội còn có những ngày lễ nào khác không?

Giáo Hội còn nhiều ngày lễ khác kính Đức Mẹ và các Thánh là những vị đã sống trung thành với Chúa và hằng cầu khẩn cho chúng ta trước mặt Chúa. 

334. Có những tội nào vi phạm giới luật thứ nhất?

Có những tội này: (1) thờ loài thụ tạo, (2) mê tín dị đoan và (3) phạm sự thánh. 

335. Tội thờ loài thụ tạo là những tội nào?

Là tội thờ tà thần ma quỷ, thờ súc vật, gỗ đá, mặt trời, mặt trăng, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác và coi đó như là Thiên Chúa của mình vậy. 

336. Có được thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ không?

Chữ "thờ" theo nghiã tuyệt đối chỉ dành cho việc thờ Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng là người như chúng ta, nghiã là các ngài cũng là loài thụ tạo do Chúa dựng nên, nên chúng ta không thể thờ các ngài như là thờ Thiên Chúa của chúng ta. Ở đây, chỉ có thể dùng chữ "thờ" trong việc thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ theo nghiã tương đối mà thôi. 
Tuy nhiên, lúc nào chúng ta cũng phải tôn kính, biết ơn, hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ theo luật Chúa dạy và theo giáo huấn của Giáo Hội, qua việc tưởng nhớ, xin lễ và cầu nguyện cho các ngài. 

337. Mê tín dị đoan là gì?

Là tin rằng các loài thụ tạo cũng có quyền năng phi thường như Chúa, như là phù thủy, bói toán, hoặc tin vào những tiếng chim kêu, gà gáy, cùng những điều khác tương tự như vậy. 

338. Tội phạm sự thánh là tội gì?

Là tội xúc phạm đến những người, những nơi hay là những của gì đã được hiến dâng cho Thiên Chúa để làm việc thờ phượng Ngài, như xúc phạm vào những vị có chức thánh, thánh đường hoặc lạm dụng của thánh...

 


 



CẦU NGUYỆN


339. Cầu nguyện là gì?

Là nâng lòng trí lên cùng Chúa mà thờ lạy, cảm tạ, xin Ngài tha thứ tội lỗi và ban những ơn lành hồn xác. 

340. Cầu nguyện có phải là việc cần thiết không?

Là việc rất cần thiết, như lời Đức Giêsu đã dạy: "Phải cầu nguyện luôn, đừngbao giờ chán". Ngài còn cho biết: "Không có Thầy, các con không làm được gì" (xin xem Luca 18, 1; Gioan 15, 5). 

341. Tôi phải cầu nguyện khi nào?

Tôi phải cầu nguyện luôn, nhất là buổi sáng, buổi tối, những khi bị cám dỗ hoặc những khi gặp đau khổ, hiểm nguy phần hồn phần xác. 

342. Khi cầu nguyện tôi phải có tâm tình nào?

Khi cầu nguyện thì bên trong tôi phải có lòng khiêm nhường, kiên nhẫn và cậy trông; còn bên ngoài, tôi phải có cử chỉ nghiêm trang, cung kính. 

343. Có mấy cách cầu nguyện?

Có hai cách: đọc kinh ngoài miệng hay là cầu nguyện trong lòng. 

344. Có mấy hình thức cầu nguyện trong Giáo Hội?

Có 2 hình thức: 
(1) Hình thức chính thức cũng gọi là Phụng vụ, như khi có linh mục hoặc phó tế chủ sự một lễ nghi nào đó.
(2) Hình thức không chính thức: như đọc kinh ban sáng, ban tối, hoặc riêng tư hoặc đọc chung với nhau. 

345. Đức Giêsu có dạy chúng ta kinh nào, để cầu nguyện không?

Thưa có, Ngài dạy chúng ta kinh Lạy Cha như sau: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ." (bản dịch năm 1992).

 


 


TÔN KÍNH ĐỨC MẸ VÀ CÁC THÁNH

 



346. Chúng ta có được thờ Đức Mẹ Maria không?

Thưa không, vì Ngài cũng là loài thụ tạo do Chúa dựng nên. Tuy nhiên, chúng ta phải đặc biệt tôn kính Ngài vì Ngài là Mẹ Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên Ngài cũng là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. 

347. Chúng ta có phải tôn kính các Thiên Thần (les anges) và các Thánh (les saints) không?

Thưa có, vì các Ngài là những tôi trung, con thảo của Chúa và có thể cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa. 

348. Tại sao chúng ta kính ảnh tượng của Đức Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh?

Vì các ảnh tượng đó nhắc nhở chúng ta nhớ đến các Ngài, để chúng ta thêm lòng kính mến và noi gương các Ngài. 

349. Tại sao chúng ta lại tôn kính hài cốt (xương thánh) và di tích của các Thánh?

Vì đó là những kỷ niệm của các phần tử ưu tú trong Giáo Hội là Nhiệm thể Chúa Kitô (corps mystique de Jésus), và vì Chúa thường dùng những di tích ấy mà làm nhiều phép lạ. 

350. Tôi phải làm gì để tôn kính Đức Mẹ và các Thánh?

Tôi có thể làm những việc này: 
- Yêu mến, cậy trông cùng siêng năng cầu xin cùng Đức Mẹ và các Thánh. 
- Mừng lễ các Ngài cho sốt sắng và làm những việc sùng kính các Ngài như Giáo Hội khuyên dạy. 
- Noi gương nhân đức của các Ngài.


 


BÀI THỨ VI
GIỚI LUẬT THỨ HAI

 



351. Giới luật thứ hai dạy tôi điều gì?

Điều răn thứ hai dạy tôi tôn kính Tên của Chúa, và giữ những điều tôi đã lấy danh của Ngài mà thề hoặc khấn hứa điều gì đó.

352. Để tôn kính Tên của Chúa, tôi phải tránh những gì?

Tôi phải tránh lộng ngôn phạm thượng, không được lỗi lời thề hoặc lời khấn hứa với Chúa.

353. Lộng ngôn hay phạm thượng là gì?

Là nói hay làm điều gì xúc phạm tới Chúa, Đức Mẹ hoặc các Thánh.

354. Thề là gì?

Là nhân danh Chúa, để làm chứng điều mình nói hay điều mình hứa là đúng sự thật.

355. Khi nào tôi nên thề?

Khi có việc quan trọng thì tôi có thể nhân danh Chúa mà thề, hoặc khi có lệnh chính đáng của giáo quyền thì tôi phải thề.

356. Có khi nào tôi thề mà lại mắc tội không?

Có! khi tôi thề vô cớ (thiếu lý do chính đáng), thề gian dối, thề làm điều xấu, hoặc lấy tên tà ma, quỷ thần mà thề.

357. Ai thề làm điều xấu thì có phải giữ lời thề không?

Thưa không phải giữ lời thề đó. Vì ai thề như thế là đã phạm tội rồi, nếu còn thực hiện lời thề đó là còn phạm thêm một tội khác nữa.

358. Khấn là gì?

Là hứa cùng Chúa sẽ làm một việc lành nào đó. Và qua việc khấn hứa đó, người ta có ý buộc mình, nếu không làm điều lành đó thì sẽ mắc tội với Chúa.

359. Có phải giữ lời khấn không?

Thưa có! Còn nếu không giữ nổi lời khấn thì tôi phải xin giáo quyền hay là linh mục giải tội đổi việc mà tôi đã khấn đó ra một việc khác, hoặc là chuẩn chước (tha luôn) cho tôi khỏi phải làm việc đó nữa.

360. Khấn hứa có phải là việc quan trọng không?

Thưa, là việc quan trọng. Vì thế, trước khi khấn hứa phải suy nghĩ chín chắn hoặc là bàn với linh mục giải tội.


 



BÀI THỨ VII.
GIỚI LUẬT THỨ BA

361. Giới luật thứ ba dạy tôi điều gì?

Dạy tôi thánh hóa các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc (*).
(*) Lễ buộc: ngày lễ lớn trong Giáo Hội mà mọi người tín hữu buộc phải thánh hóa ngày ấy (xin xem thêm câu 367, phía dưới.)

362. Tôi phải làm gì để thánh hóa những ngày ấy?

Tôi phải tham dự Thánh lễ, phải nghỉ việc xác (xin xem câu 365, phía dưới), và làm thêm những việc tốt lành như dự các giờ kinh chung, đọc sách báo đạo đức, đi thăm viếng, làm việc thiện, làm việc tông đồ...

363. Phải tham dự Thánh lễ như thế nào?

Phải tham dự Thánh lễ với lòng tin, chăm chỉ, sốt sắng và dự trọn lễ từ đầu cho đến hết. Ai vì lười biếng hoặc vì khinh thường mà bỏ lễ một phần quan trọng trong Thánh lễ, thì buộc phải dự thêm một lễ khác trong ngày hôm đó để bù lại.

364. Khi có lý do chính đáng mà không dự lễ được thì phải làm thế nào?

Khi có lý do chính đáng mà không dự lễ được thì không phải là tội. Tuy nhiên, tôi nên làm một hai việc lành để thánh hóa ngày ấy, như lần hột (méditation du chapelet), đọc Sách Thánh (Bible) hoặc dự Phép lành Mình Thánh Chúa (adoration du Saint-Sacrement).

365. Nghỉ việc xác là thế nào?

Là không làm những việc nặng nhọc phần xác, những việc mà người ta vẫn làm để lấy tiền sinh sống. Ai cố tình làm những việc ấy quá 2 giờ đồng hồ (bất kể liên tục hay gián đoạn) vào những ngày Chúa Nhật hoặc lễ lớn thì mặc tội nặng (tội trọng). Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng và khẩn thiết hoặc khi đã có phép của giáo quyền thì được phép làm mà không lỗi luật này.

366. Có việc nào được phép làm vào những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc không?

Những việc hằng ngày như nấu ăn, lau nhà... hoặc những việc học hành, giải trí thì được làm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng, phải biết nghỉ ngơi, dành thời giờ làm những việc có mục đích thánh hóa ngày lễ đó.

367. Ở Việt Nam, có bao nhiêu ngày lễ buộc?

Chỉ còn 1 lễ buộc mà thôi, đó là ngày lễ Giáng Sinh (Noel). Các ngày lễ Chúa Giêsu lên trời (Ascension), lễ Đức Mẹ lên trời (Assomption) và lễ Các Thánh (La Toussaint) không còn là lễ buộc nữa. Còn các ngày lễ lớn khác thì đã trùng vào ngày Chúa Nhật rồi.

 


 


BÀI THỨ VIII
GIỚI LUẬT THỨ TƯ

 


368. Giới luật thứ tư dạy tôi điều gì?

Giới luật thứ tư dạy tôi phải thảo kính cha mẹ cho trọn đạo hiếu.

369. Thảo kính cha mẹ là gì?

Là kính mến, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

370. Tại sao phải kính mến cha mẹ?

Vì cha mẹ có công sinh thành và dưỡng dục con cái. Các ngài thay quyền Chúa để săn sóc con cái phần hồn cũng như phần xác.

371. Tôi phải kính mến cha mẹ cách nào?

Tôi phải tỏ lòng tôn kính, yêu mến và biết ơn cha mẹ trong lời nói, việc làm, cùng ước ao cho cha mẹ được mọi sự lành hồn xác.

372. Tôi phải vâng lời cha mẹ thế nào?

Khi cha mẹ dạy điều gì hợp lẽ phải, tôi phải mau mắn và vui thi hành cho đầy đủ.

373. Khi nào tôi phải giúp đỡ cha mẹ?

Tôi phải sẵn lòng giúp đỡ cha mẹ phần hồn phần xác, nhất là lúc nghèo khổ, đau yếu. Khi cha mẹ bị bệnh nặng, tôi phải lo cho các ngài được lãnh các Bí tích, và khi cha mẹ đã qua đời rồi thì lo chôn cất, cầu nguyện cùng xin lễ cho các ngài.

374. Cha mẹ có bổn phận gì đối với con cái?

Cha mẹ có bổn phận nuôi nấng, thương yêu, giáo dục và làm gương sáng cho con cái.

375. Ngoài cha mẹ ra, tôi có bổn phận gì đối với những người trong gia tộc không?

Tôi phải kính nể và yêu mến tất cả mọi người trong gia tộc, như ông bà, chú bác, cô dì và anh chị em, cùng giúp đỡ họ tùy theo khả năng của tôi.

376. Tôi còn phải kính nể và vâng lời ai nữa không?

Tôi còn phải kính nể và vâng lời những người có quyền trong đạo cũng như ngoài đời, như giáo quyền, chính quyền, thầy cô giáo và chủ nhân...

377. Tôi có bổn phận gì đối với Tổ quốc không?

Đối với Tổ quốc, tôi phải tuân hành những luật lệ chính đáng và chu toàn nhiệm vụ của một công dân, như nộp thuế, thi hành quân dịch, bỏ phiếu.

378. Chính quyền có bổn phận gì đối với quốc dân?

Chính quyền có bổn phận duy trì trật tự công cộng, đảm trách công vụ, tôn trọng quyền lợi căn bản của mọi người dân, và dùng mọi cách để nâng cao mức sống vật chất cũng như tinh thần của dân chúng...

379. Thầy cô có bổn phận gì đối với học sinh?

Thầy cô có bổn phận giáo dục học sinh cho nên người thông minh, đạo đức vàphải làm gương tốt cho học sinh noi theo.

380. Chủ nhân có bổn phận gì đối với nhân công?

Chủ nhân phải cư xử nhân đạo đối với nhân công của mình, trả lương công bằng, lại phải lo cho họ có đủ thời giờ chu toàn bổn phận tôn giáo của họ.

381. Tôi phải có thái độ nào đối với người ngoại quốc?

Tôi phải coi họ như những người anh chị em tôi, tôn trọng quyền lợi chính đáng của họ và duy trì tình thân hữu giữa các dân tộc với nhau.


 



BÀI THỨ IX
GIỚI LUẬT THỨ NĂM

382. Giới luật thứ năm dạy tôi điều gì?

Giới luật thứ năm dạy tôi tôn trọng, giữ gìn thân xác và mạng sống của tôi cũng như của người khác.

383. Tại sao tôi phải tôn trọng, giữ gìn thân xác và mạng sống?

Vì Chúa đã dựng nên thân xác tôi cho tôi sử dụng, chứ không phải cho tôi hoàn toàn làm chủ. Hơn nữa, thân xác tôi đã được Chúa cứu chuộc, là đền thờ của Chúa Thánh Thần (xem: Thư thứ nhất Côrintô 3, 16-17; 6, 19), và ngày sau chính thân xác ấy sẽ sống lại đời đời.

384. Tôi phải tôn trọng, giữ gìn thân xác và mạng sống tôi thế nào?

Tôi phải làm việc nuôi thân, phải chăm sóc sức khoẻ và không bao giờ được phép tự ý giết mình (tự tử) hoặc liều mạng sống mình khi không có lý do chính đáng.

385. Tôi phải tôn trọng, giữ gìn thân xác và mạng sống người khác như thế nào?

Tôi không được cố tình hay vì khinh thường mà giết người khác, cũng không được đánh đập và đả thương (*) người ta trái phép.
(*) Đả thương: làm cho người ta bị thương bằng mọi cách trực tiếp hay gián tiếp, như: đánh đập, đâm chém, gây tai nạn xe cộ, làm cho nhà sập, cây đổ...

386. Có trường hợp nào giết người mà không có tội?

Có những trường hợp đặc biệt này:
- Khi chính quyền xử người gian ác theo luật pháp công minh.
- Khi bảo vệ Tổ quốc chống lại kẻ thù.
- Khi bị kẻ gian ác tấn công, mà không còn cách nào hơn là giết họ, để bảo vệ mạng sống mình.

387. Giới luật thứ năm còn cấm điều gì nữa không?

Điều răn thứ năm còn cấm giận hờn, ghen ghét, oán thù, chửi rủa, hay là xúi giục kẻ khác làm hại người ta, hoặc làm gương xấu lôi kéo người khác phạm tội.

388. Giới luật thứ năm còn dạy điều gì nữa không?

Giới luật thứ năm còn dạy tôi phải chăm lo cho phần rỗi linh hồn mình (chăm lo cho linh hồn mình được Chúa giải thoát và cứu rỗi đời đời), cũng như giúp đỡ người khác phần hồn (giúp đỡ về tinh thần) và phần xác (giúp đỡ về vật chất).

389. Tôi phải giúp đỡ người khác về vật chất như thế nào?

Tôi phải làm những việc này (**):
- Thứ nhất: cho kẻ đói ăn,
- Thứ hai: cho kẻ khát uống,
- Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc (cho quần áo người thiếu mặc),
- Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc (thăm viếng người đau yếu và người bị tù tội),
- Thứ năm: cho khách đỗ nhà (cho kẻ lỡ đường tạm tú trong nhà mình),
- Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi (chuộc người tôi tớ, nô lệ, bị áp bức... để họ được trả tự do),
- Thứ bảy: chôn xác kẻ chết (chôn táng người chết không có thân nhân).

390. Tôi phải làm gì để giúp đỡ người khác về phần tinh thần?

Tôi phải làm những việc này:
- Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người,
- Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội (dạy kẻ dốt nát, tối tăm),
- Thứ ba: an ủi kẻ âu lo,
- Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội,
- Thứ năm: tha kẻ dể (khinh dể) ta,
- Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta,
- Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

(**) Câu 389 và 390 chính là "Kinh mười bốn mối" được chia làm 2 phần (lời kinh đã xưa, nhưng còn quen đọc hiện nay).



BÀI THỨ X
GIỚI LUẬT THỨ SÁU VÀ THỨ CHÍN

 



391. Giới luật thứ sáu và thứ chín dạy tôi điều gì?

Hai giới luật này dạy tôi giữ đức trong sạch (chasteté: trong trắng, không liên quan tới tình dục, không gian dâm) trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

392. Tại sao tôi phải giữ đức trong sạch?

Vì tôi đã được dựng nên giống hình ảnh của Chúa (xem: Sáng Thế 1, 26-27; 9, 6), vì tôi là chi thể mầu nhiệm của Đức Kitô (xem: Thư Ephêsô 5, 30), và vì thân xác tôi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (xem: Thư thứ 1 Côrintô 3, 16-17; 6, 19).

393. Giới luật thứ sáu cấm những điều gì?

Cấm những tội dâm dục bề ngoài như nói năng, nhìn xem hay là làm những điều dâm ô trái phép.

394. Giới luật thứ chín cấm những điều gì?

Cấm những tư tưởng, ước muốn nghịch với đức trong sạch.

395. Người có vợ có chồng có phải giữ đức trong sạch không?

Cũng phải giữ đức trong sạch theo bậc sống của mình, như luật Chúa và Giáo Hội dạy.

396. Nếu mới chỉ có những tư tưởng và hình ảnh xấu trong đầu óc thôi thì đã phạm tội chưa?

Chưa phải là tội, nếu tôi không ưng thuận theo. Trái lại, nếu tôi mau lẹ chống lại những tư tưởng và hình ảnh đó thì càng có công trước mặt Chúa.

397. Tôi phải làm gì để giữ đức trong sạch?

Tôi phải làm những việc này:
- Siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận Bí tích Hòa giải (xưng tội) và rước lễ (communion),
- Giữ gìn ngũ quan và nết na trong cách ăn mặc, đi đứng,
- Tránh xa các dịp tội,
- Mạnh mẽ chống lại các cơn cám dỗ.

398. Có những dịp nào thường làm cho người ta lỗi đức trong sạch?

Có những dịp này:
- Lười biếng, không chịu làm việc,
- Làm bạn với những người xấu nết,
- Xem sách báo, phim ảnh dâm ô,
- Trai gái giao thiệp quá tự do,
- Ăn uống say sưa quá độ.

399. Khi bị cám dỗ, tôi phải chống trả thế nào?

Tôi phải xin Chúa và Đức Mẹ giúp sức, rồi tưởng nhớ tới những việc khác và tránh ngay dịp tội đó đi.

400. Dâm ô có phải là một tội nặng không?

Là một tội nặng vì làm cho người ta mất hạnh phúc đời đời, như Thánh Phaolô đã viết: "Kẻ gian dâm, ô uế... không được thừa hưởng cơ nghiệp trong nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa" (xem: Thư Êphêsô 5, 5). Vả lại, tội phạm vào giới luật thứ sáu và thứ chín thường làm cho người ta chìm đắm trong tội và chán ngán những việc đạo đức.


 


BÀI THỨ XI
GIỚI LUẬT THỨ BẢY VÀ THỨ MƯỜI

 



401. Giới luật thứ bảy và thứ mười dạy tôi điều gì?

Giới luật thứ bảy và thứ mười dạy tôi giữ đức công bằng và tôn trọng của cải của người khác.

402. Giới luật thứ bảy và thứ mười cấm tôi điều gì?

Giới luật thứ bảy cấm tôi lấy của người khác hay là giữ của người khác cách trái phép công bằng, cũng như làm hư hại đồ vật của người khác. Còn giới luật thứ mười cấm tôi tham lam mơ ước của cải của người khác.

403. Tội lấy của người cách bất công là những tội nào?

Là những tội này: trộm cắp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, nhận của hối lộ hay là thâm lạm công quỹ.

404. Tội giữ của cải của người cách bất công là những tội nào?

Là những tội này: không trả món nợ đã vay, không trả lại những gì đã mượn hay là lượm được, không trả tiền lương xứng đáng, trốn thuế, chứa chấp đồ gian.

405. Lấy của người khác bao nhiêu mới là tội trọng (tội nặng)?

Phải xét theo cái mà mình đã lấy như thế là nhiều hay ít, và cũng phải tùy người bị mất của đó nghèo hay giàu mà xác định tội trọng hay tội nhẹ.

406. Ai đã lấy hay là giữ của người khác cách bất công thì phải làm thế nào?

Phải lo trả lại cho người đó càng sớm càng tốt. Còn nếu đã làm hư hại của họ thì phải bồi thường cho cân xứng.

407. Phải bồi thường cho ai?

Phải bồi thường cho người mà mình đã lấy. Nếu người đó đã chết hay là mất tích, thì phải bồi thường cho con cháu họ hay là người thừa tự của họ. Còn nếu không biết phải bồi thường cho ai nữa, thì hãy dâng tiền của ấy vào công việc từ thiện, bác ái.


 



BÀI THỨ XII
GIỚI LUẬT THỨ TÁM


408. Giới luật thứ tám dạy tôi điều gì?

Giới luật thứ tám dạy tôi tôn trọng sự thật (sự thực: vérité) và tôn trọng danh giá của người khác.

409. Tôn trọng sự thật là thế nào?

Là giữ sự thành thực trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

410. Tại sao tôi phải tôn trọng sự thật?

Vì những lý do sau đây:
- Vì Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng, Ngài thấu suốt mọi sự và dạy tôi phải luôn thành thực,
- Sự thành thực rất cần cho đời sống chung.

411. Tôi phải tôn trọng danh giá người khác như thế nào?

Tôi phải nghĩ tốt cho mọi người, không nên nói xấu ai, và khi không có luật lệ hay công ích đòi buộc, thì không được tố cáo điều lỗi của người khác.

412. Giới luật thứ tám cấm những điều gì?

Giới luật thứ tám cấm nói dối (nói dóc, nói sai sự thật), cấm làm chứng gian, cấm tiết lộ những điều phải giữ kín và cấm làm hại danh giá của người khác.

413. Có bao giờ được phép nói dối không?

Không bao giờ. Dù là để chữa mình hay là để bênh vực người khác.

414. Tôi có được phép tiết lộ những điều phải giữ kín không?

Thưa không. Trừ khi người có điều kín đó cho phép nói ra, hoặc là khi nói ra như thế thì có ích lợi lớn lao cho nhiều người.

415. Khi nào tôi làm hại danh giá của người khác?

Khi tôi bỏ vạ (làm cho họ có lỗi, bị phạt), nói hành nói xấu, hoặc là khi hồ nghi điều xấu cho người khác mà không có lý do.

416. Khi làm hại danh giá người khác, tôi có phải đền trả không?

Thưa có. Tôi phải đền trả tiếng tốt và danh dự cho họ. Nếu có gây thiệt hại về vật chất, tôi còn phải bồi thường cho họ nữa.

 


 



BÀI THỨ XIII
6 ĐIỀU LUẬT CỦA GIÁO HỘI

417. Giáo Hội có mấy điều luật?

Giáo Hội có 6 điều luật, như sau (*):
- Thứ nhất: Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc (chú thích: lễ lớn, lễ trọng).
- Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.
- Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần.
- Thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu (chú thích: rước lễ) trong mùa Phục sinh.
- Thứ năm: Giữ chay (chú thích: ăn chay) những ngày Hội Thánh buộc (chú thích: ngày Thứ Tư Lễ Tro (Mercredi des Cendres) và ngày Thứ sáu Tuần Thánh (Vendredi Saint).
- Thứ sáu: Kiêng thịt ngày Thứ Sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dạy.
(*) Nguyên văn kinh Sáu Điều Răn Hội Thánh (lời văn đã xưa, nhưng còn quen đọc hiện nay)

418. Những ai buộc phải giữ những điều luật của Giáo Hội?

Tất cả những người đã gia nhập Giáo Hội qua Bí tích Thánh Tẩy và đã đến tuổi do Giáo Hội ấn định là phải giữ luật đó.

419. Điều luật thứ nhất và thứ hai của Giáo Hội dạy tôi điều gì?

Dạy tôi phải tham dự lễ và nghỉ ngơi (không làm việc xác) vào những ngày Chúa Nhật và lễ buộc (xem thêm câu 367, ở phía trên).

420. Điều luật thứ ba của Giáo Hội dạy tôi điều gì?

Giáo Hội dạy tôi mỗi năm ít nhất phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải (xưng tội) một lần. Tuy nhiên, Giáo Hội khuyên tôi lãnh nhận Bí tích đó thường xuyên hơn, nhất là mỗi khi mắc tội trọng (tội nặng).

421. Giáo Hội có buộc tôi phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải vào một thời kỳ nào nhất định không?

Thưa không. Nhưng để tiện giữ luật rước lễ (communion) vào mùa Phục sinh (Pâques), thì tôi nên lãnh nhận Bí tích Hòa giải cũng vào mùa ấy. Nếu trong mùa Phục sinh mà không lãnh nhận Bí tích Hòa giải được thì Giáo Hội buộc tôi phải lãnh nhận Bí tích ấy bất cứ lúc nào trong năm.

422. Điều luật thứ tư của Giáo Hội dạy tôi điều gì?

Dạy tôi phải rước lễ (communion) mỗi năm ít nhất một lần trong mùa Phục sinh (Pâques). Mùa Phục sinh bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro (Mercredi des Cendres) cho tới Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Pentecôte).

423. Điều luật thứ năm của Giáo Hội dạy tôi điều gì?

Dạy tôi từ 18 tuổi trọn cho đến hết 60 tuổi phải ăn chay vào những ngày Giáo Hội ấn định.

424. Ăn chay như thế nào?

Là ngày hôm đó chỉ được ăn một bữa no mà thôi. (Nếu lấy bữa trưa làm bữa chính, thì 2 bữa sáng và tối chỉ ăn chút ít. Còn nếu lấy bữa tối làm bữa chính, thì 2 bữa sáng và trưa chỉ ăn chút ít.)

425. Những ngày Giáo Hội chỉ định ăn chay là những ngày nào?

Là 2 ngày sau đây: Thứ Tư Lễ Tro (Mercredi des Cendres) và Thứ Sáu Tuần Thánh (Vendredi Saint).

426. Điều luật thứ sáu của Giáo Hội dạy tôi điều gì?

Dạy tôi từ 14 tuổi trọn trở lên phải kiêng thịt (không ăn thịt) vào những ngày Thứ Sáu (Vendcredi) và vào 2 ngày ăn chay ở trên (*).
(*) Khi không thể kiêng thịt vào ngày Thứ Sáu được, có thể làm một việc tốt lành khác thay thế. Luật này tập cho tôi biết hy sinh và chế ngự chính mình. Nên ở những nơi thịt mắc hơn cá, người ta thường chọn cá mà ăn. Còn ở những nơi cá mắc hơn thịt và cá ngon miệng hơn thịt, thì tôi nên chọn một thứ gì rẻ hơn, kém ngon miệng hơn mà ăn, cho hợp với tinh thần chay tịnh.

427. Tại sao Giáo Hội lập ra luật kiêng thịt và ăn chay?

Giáo Hội có ý tập cho tôi biết hy sinh, chế ngự chính mình, đền tội lập công, noi gương Đức Giêsu. Tuy nhiên, những người đau yếu, già nua, những người phải làm việc cực nhọc, hay phải đi đường xa xôi thì không buộc phải giữ luật này.

428. Ngoài 6 điều luật ấy, Giáo Hội còn luật nào nữa không?

Giáo Hội còn nhiều luật lệ khác nằm trong bộ Giáo luật (*) hoặc trong các văn kiện quy định những luật lệ về Phụng vụ, Bí tích, về giáo sĩ (**), giáo dân và các Dòng tu nam nữ...
(*) Bộ Giáo luật đang áp dụng hiện nay đã được sửa đổi và ban hành vào năm 1983, gồm 1752 điều luật.
(**) Hàng giáo sĩ: gồm các Giám mục, linh mục và phó tế.

 


 



BÀI THỨ XIV
THÁNH HÓA ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY


429. Tôi phải làm gì để thánh hóa (làm cho đời sống tôi nên thánh thiện, tốt lành) đời sống hằng ngày?

Tôi phải sống kết hợp với Chúa trong mọi công việc tôi làm hằng ngày, và phải sống hòa thuận thương yêu giúp đỡ mọi người, về vật chất cũng như tinh thần tùy theo khả năng của tôi.

430. Buổi sáng, khi thức dậy tôi nên làm gì?

Tôi nên làm dấu Thánh giá, cám ơn Chúa đã cho tôi qua một đêm bằng an và phó thác cho Chúa mọi việc tôi sẽ làm trong ngày hôm đó. Nếu là ngày không đến nhà thờ dự Thánh lễ được, thì hãy đọc một số kinh ban sáng, như đề nghị ở câu 431 kế tiếp.

431. Buổi sáng, khi thức dậy, tôi nên đọc những kinh gì?

Nếu không có nhiều giờ thì tôi nên đọc tối thiểu những kinh này: kinh Tin, kinh Cậy, kinh Kính Mến và những kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh (xin xem Phần Phụ Thêm, số 5, 6, 7, 8, 9, 10 ở cuối trang này) hay là dành một vài phút tưởng nhớ tới Chúa.

432. Trước và sau bữa ăn, tôi nên làm gì?

Trước bữa ăn, tôi nên làm dấu Thánh giá, đọc kinh Lạy Cha (xin xem Phần Phụ Thêm, số 1 và số 8, ở cuối trang này) xin Chúa ban phép lành cho những của ăn. Còn sau bữa ăn thì nên cám ơn Chúa.

433. Khi làm những công việc hằng ngày, tôi nên có ý gì?

Tôi nên có ý làm những việc đó để sáng danh Chúa, để cứu rỗi chính mình và cứu rỗi những người khác. Rồi đang khi làm việc như vậy, cũng nên thỉnh thoảng nâng lòng mình lên tưởng nhớ tới Chúa.

434. Khi gặp đau khổ, tôi nên làm gì?

Tôi nên cầu nguyện với Chúa và với Đức Mẹ, xin giúp tôi vui lòng vâng theo thánh ý Chúa, chịu đựng gian nan đau khổ, để đền bù tội lỗi, khuyết điểm của tôi và cũng là để lập công trước mặt Chúa. Và nếu đẹp lòng Chúa, thì xin Chúa giúp tôi thoát khỏi những đau khổ đó.

435. Trước khi đi ngủ, tôi nên làm gì?

Tôi nên đọc kinh ban tối, xét mình kiểm điểm về cách sống của tôi trong ngày hôm đó và ăn năn thống hối, nếu cần. Đồng thời, dâng mình cho Chúa, Đức Mẹ và Thiên Thần bản mệnh (Ange gardien) xin cho tôi được giấc ngủ bình an.

436. Ban tối và ban sáng, có nên đọc kinh chung với người khác không?

Nên đọc kinh chung với nhau, như lời Chúa dạy: "Nếu ở dưới đất có hai người trong chúng con hợp ý cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy - Đấng ngự trên trời - sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại vì danh Thầy, thì Thầy cũng ở đấy, giữa họ" (Matthêu 18, 19-20).

437. Khi nghe đánh chuông nhà thờ ban sáng, ban trưa và ban chiều (thường là 8 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều), tôi nên làm gì?

Tôi nên đọc kinh Truyền Tin (*) để cảm tạ Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, và cũng là để tỏ lòng kính mến Đức MẹMaria.
(*) Vào mùa Phục sinh (Pâques) thì đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Xem cả 2 kinh ấy trong Phần Phụ Thêm, số 2 và số 3, ở cuối trang này.

Chúng ta vừa học xong 45 bài Giáo lý Công giáo. Hy vọng rằng các ACE Công giáo có dịp ôn lại kiến thức giáo lý của mình và các ACE muốn tìm hiểu về Giáo lý Công giáo cũng có cơ hội phổ cập thêm.
Các kinh quen đọc trong phụ mục vì đã post trong chuyên mục Kinh nguyện - Topic Kinh nguyện thường ngày nên Nến không post tại nơi đây.
Xin Chúa Giêsu- Đấng là Thầy, là Đường và là Sự Sống soi dẫn chúng ta trên con đường tìm về Chân - Thiện - Mỹ. Xin cảm ơn mọi người.





(Tài liệu Sưu tầm : Nguồn http://niemhyvong.net)


Liên kết




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net