About Me

Giáo lý Công Giáo (PHẦN I: NHỮNG ĐIỀU TÔI CẦN TIN)

THIÊN CHÚA NÓI VỚI LOÀI NGƯỜI

.
Ngày xưa, Thiên Chúa đã nhiều lần dùng các Ngôn sứ mà chỉ dạy cha ông chúng ta. Rồi mới đây, Thiên Chúa đã dùng Con của Ngài (Đức Giêsu Kitô) mà chỉ dạy chúng ta.


(xin xem: Thư gởi Tín hữu Do Thái 1, 1-2).


BÀI THỨ I


THIÊN CHÚA VÀ BẢN TÍNH THIÊN CHÚA



5. Làm sao tôi biết được là có Thiên Chúa?

Khi nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự trong vũ trụ, tôi phải tin rằng có một Đấng nào đó đã sáng tạo và xếp đặt một thế giới kỳ diệu như vậy. Người Công giáo gọi Đấng ấy là Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ bình dân Việt Nam còn gọi Đấng ấy là Thượng Đế, Tạo Hóa, (Ông) Trời... 

6. Thiên Chúa có tiết lộ về Ngài cho loài người biết không?

Thiên Chúa đã nhờ các vị Tổ tiên, các Ngôn sứ và chính người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu Kitô để tiết lộ cho chúng ta biết về Ngài. 

7. Có mấy Thiên Chúa?

Có một Thiên Chúa mà thôi. 

8. Thiên Chúa là Đấng như thế nào?

Thiên Chúa là Đấng tự mình mà có, thiêng liêng và đã có Ngài ngay từ thuở đời đời. Thiên Chúa đầy quyền năng, rất thánh thiện, rất tốt lành, rất nhân từ, rất công bằng và rất chân thực. 


9. Thiên Chúa là Đấng tự mình mà có, điều đó có nghiã là gì?

Nghiã là Thiên Chúa không do bất cứ một ai, bất cứ một vị nào tạo thành. Ngài là Đấng đầu tiên và là Đấng cuối cùng (Alpha và Omega) của mọi loài, mọi vật. 


10. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, điều đó có nghiã là gì?

Nghiã là Thiên Chúa không có hình thù, không có thân xác như loài người chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng không thể trông thấy Ngài được. 


11. Thiên Chúa ở nơi nào?

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nghiã là ở bất cứ nơi nào cũng có Thiên Chúa hiện diện ở đó. 


12. Đã có Thiên Chúa ngay từ thuở đời đời, điều đó có nghiã là gì?

Nghiã là ngay trước khi mọi loài, mọi vật được tạo thành, đã có Thiên Chúa rồi. Không có lúc nào, không có thời nào mà không có Thiên Chúa. 


13. Thiên Chúa đầy quyền năng, điều đó có nghĩa là gì?

Nghiã là Thiên Chúa có thể làm được bất cứ việc gì mà Ngài muốn làm. 


14. Thiên Chúa có thấy được và biết được tất cả mọi sự không?

Thiên Chúa có thể thấy được và biết được tất cả mọi sự. Ngài có thể thông suốt cả những điều riêng tư, kín đáo trong lòng chúng ta nữa. 


15. Thiên Chúa là Đấng rất thánh thiện, điều đó có nghiã là gì?

Nghiã là Thiên Chúa cao trọng hơn hết mọi loài, mọi vật. Ngài yêu điều tốt, điều lành và Ngài ghét điều xấu, điều ác. 


16. Thiên Chúa là Đấng rất tốt lành, điều đó có nghiã là gì?

Nghiã là Thiên Chúa hoàn hảo về mọi phương diện. Ngài rất đáng yêu, đáng mến và Ngài luôn ban mọi ơn lành cho tất cả chúng ta. 


17. Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, điều đó có nghiã là gì?

Nghiã là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ngài cũng sẵn sàng tha thứ cho những người đã phạm tội lỗi, khi họ thực tình thống hối, ăn năn. 


18. Thiên Chúa là Đấng rất công bằng, điều đó có nghiã là gì?

Nghĩa là Thiên Chúa thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ, tùy theo tội phạm hay công phúc của mỗi người.


19. Thiên Chúa là Đấng rất chân thực, điều đó có nghiã là gì?

Nghiã là Thiên Chúa luôn nói sự thật. Ngài không thể sai lầm và không bao giờ lừa dối một ai.


 


BÀI THỨ II .
MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

 



20. Mầu nhiệm là gì?

Mầu: cao siêu; nhiệm: kín đáo. - Mầu nhiệm là những sự thực mà Thiên Chúa, vì lòng yêu thương, đã cho chúng ta biết dù trí khôn chưa hiểu thấu được. 

21. Có mấy mầu nhiệm chính?

Có 3 mầu nhiệm chính: mầu nhiệm 1 Thiên Chúa có 3 ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người như chúng ta và mầu nhiệm Ngôi Hai cứu độ nhân loại. 

22. Khi nào tôi tuyên xưng 3 mầu nhiệm đó?

Thưa, khi tôi làm dấu Thánh giá trên người và đọc rằng: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 

23. Mầu nhiệm 1 Chúa 3 Ngôi dạy tôi điều gì?

Mầu nhiệm 1 Thiên Chúa 3 Ngôi dạy tôi biết rằng: Chỉ có 1 Thiên Chúa mà thôi, nhưng vị Thiên Chúa ấy lại có tới 3 Ngôi (un seul Dieu en trois personnes): Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần (Thánh Linh).

24. Tại sao có 3 Ngôi mà không phải là 3 Thiên Chúa?

Thưa, vì 3 Ngôi đó có cùng 1 bản tính (substance, essence ou nature divine), nên dù 3 Ngôi nhưng chỉ có 1 Thiên Chúa mà thôi. (Xin xem thêm: Tin Mừng theo Thánh Gioan 5, 19; 8, 19; 14, 8-9; 14, 26; 15, 26...) 

25. Trong 3 Ngôi, có Ngôi nào hơn hoặc kém Ngôi khác không?

Thưa, cả 3 Ngôi đều bằng nhau. Không có Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém. 

26. Ai đã dạy cho chúng ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

Chính Chúa Giêsu Kitô đã dạy cho chúng ta biết về mầu nhiệm ấy, khi Ngài nói với các môn đệ rằng: "Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (xin xem Mátthêu 28, 19). 

27. Ba Ngôi làm gì cho chúng ta?

Ngôi Cha đã tạo dựng nên chúng ta, Ngôi Con đã cứu độ chúng ta và Ngôi Thánh Thần thánh hóa chúng ta (làm cho chúng ta nên tốt lành, thánh thiện). 

28. Tôi phải làm gì đối với Thiên Chúa Ba Ngôi?

Tôi phải tin cậy, kính mến, thờ lạy và biết ơn Ngài. Nhất là luôn nhớ tới Ngài đang hiện diện trong tâm hồn tôi, vì tâm hồn tôi chính là đền thờ của Ngài. Chúa Giêsu Kitô đã cho biết: "Ai yêu mến Thầy thì sống theo lời Thầy, Cha của Thầy sẽ thương yêu người ấy, và chúng ta sẽ đến ở trong người ấy" (Gioan 14, 23).


 


BÀI THỨ III
THIÊN CHÚA TẠO DỰNG VŨ TRỤ VÀ SĂN SÓC MỌI LOÀI

 



29. Vũ trũ do đâu mà có?

Vũ trụ có được là do Thiên Chúa tạo dựng nên. 

30. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ theo cách thế nào?

Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà tạo dựng vũ trụ bằng lời nói của Ngài. Mọi sự đều đã được tạo thành từ hư vô do ước muốn của Ngài được biểu lộ qua lời nói (xin xem sách Sáng thế [Genèse] đoạn 1). 

31. Thiên Chúa có ý gì khi tạo dựng vũ trụ?

Khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa có ý muốn thông ban sự tốt lành của Ngài cho muôn loài muôn vật, để làm sáng danh Ngài và cho ta dùng mà làm sáng danh Chúa hơn nữa. 

32. Thiên Chúa có tiếp tục săn sóc các loài do Ngài đã dựng nên không?

Thưa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục săn sóc tất cả mọi loài, nhất là loài người. Chúng ta gọi đó là việc Chúa quan phòng (providence). (Quan: xem xét, lưu ý; phòng: giữ gìn, ngừa trước). 

33. Trong các loài do Thiên Chúa tạo dựng, loài nào trọng hơn?

Có hai loài trọng hơn: Thiên Thần và loài người. 

34. Thiên Thần là loài gì?

Thiên Thần là loài thiêng liêng (không có thân xác, nên không thấy được) được Chúa tạo dựng, để thờ phượng, kính mến và thi hành mệnh lệnh Chúa, đồng thời cũng được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa. 

35. Có phải mọi Thiên Thần đều được hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa không?

Thưa không, vì có một số chống lại Thiên Chúa, nên bị phạt trong hỏa ngục, đó là ma quỷ. 

36. Các Thiên Thần có giúp gì cho loài người không?

Thưa có, các Thiên Thần - nhất là Thiên Thần bản mệnh (ange gardien); bản: của mình; mệnh: mạng, sự sống còn) - luôn gìn giữ hồn xác chúng ta và thúc giục chúng ta làm điều lành, tránh điều dữ. Vì thế, chúng ta nên tin cậy và tôn kính các Thiên Thần. 

37. Loài người là loài gì?

Loài người là loài có linh hồn và xác, được Thiên Chúa tạo dựng nên, giống như hình ảnh của Ngài (xin xem sách Sáng Thế 1, 26-27; 9, 6 - xin xem thêm sách Sáng Thế, đoạn 1).


 


BÀI THỨ IV
LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI TỔ TÔNG

 



38. Tổ tông loài người là ai?

Tổ tông loài người là ông Ađam (Adong) và bà Evà. 

39. Thiên Chúa đã ban cho ông Ađam và bà Evà sự sống nào?

Thiên Chúa đã ban cho ông Ađam và bà Evà sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên. 

40. Sự sống siêu nhiên là gì?

Là sự sống Chúa ban cho tôi, để tôi được làm con cái Chúa và sau này cùng được hưởng hạnh phúc với Ngài. 

41. Tổ tông loài người còn được Chúa ban cho những đặc ân nào nữa không?

Tổ tông loài người còn được ban cho những đặc ân này: trí khôn sáng suốt, lòng hướng về điều thiện, không phải đau khổ và không phải chết. 

42. Tổ tông loài người có được hưởng mãi những ơn ấy không?

Thưa không, vì tổ tông loài người đã nghe ma quỷ cám dỗ, phạm tội trái lệnh Thiên Chúa. 

43. Tội ấy có truyền lại cho con cháu không?

Thưa có, tội ấy truyền lại cho con cháu từ đời này tới đời kia, nên gọi là tội tổ tông truyền. 

44. Tội tổ tông đã gây ra những thiệt hại nào?

Tội đó đã làm cho ông Ađam và bà Evà cũng như tất cả con cháu sau này mất sự sống siêu nhiên, mất cả những đặc ân Chúa đã ban: Từ đó, lòng trí con người trở thành yếu đuối, tối tăm, họ phải đau khổ và phải chết. 

45. Sau khi tổ tông phạm tội như thế, Chúa có bỏ rơi loài người không?

Thưa không, Thiên Chúa đã không bỏ rơi loài người, mà còn hứa ban một Đấng Cứu Thế để cứu chuộc loài người. (Nên đọc thêm: Sách Sáng Thế (Khởi Nguyên) 2, 4b - 3, 24: Thử thách, sa ngã.)


 


BÀI THỨ V
NGÔI HAI THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI

 




46. Đấng Cứu Thế là ai?

Đấng Cứu Thế chính là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài là người con duy nhất (Con Một) của Thiên Chúa Cha. Ngài đã xuống trần gian, làm người để cứu chuộc loài người. 

47. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người có tên là gì?

Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người có tên là Giêsu (Jésus). Tên đó do chính Thiên Chúa Cha đã đặt (xin xem Luca 1, 31), và có nghiã là "Thiên Chúa cứu độ". 

48. Tại sao Chúa Giêsu còn được gọi là Đấng Kitô (Christ)?

Kitô (Christ) có nghiã là người đã được "xức dầu" thánh hiến. Chúa Giêsu đãđược Thiên Chúa xức dầu thánh hiến, để làm Ngôn sứ (tiên tri), Tư tế (linh mục), và làm Vua (hoàng đế) nữa. Vì thế, Ngài còn được gọi là Đấng Kitô. Chúng ta cũng thường gọi Ngài là Chúa Giêsu Kitô. 

49. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống làm người bằng cách nào?

Bằng cách hạ sinh bởi Mẹ Maria đồng trinh. Ngài sinh ra làm người, có hồn có xác như chúng ta. 

50. Tại sao Mẹ Maria đã sinh con mà còn đồng trinh?

Vì Mẹ Maria đã sinh Chúa Giêsu Kitô, không theo cách bình thường của loài người, nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần (xin xem: Luca 1, 35-37), nên Mẹ Maria vẫn còn đồng trinh. 

51. Như thế, Thánh Giuse có phải là chồng của Mẹ Maria không?

Thánh Giuse là chồng đích thực của Mẹ Maria. Nhưng hai người chung sống với nhau không như các cặp vợ chồng thế gian. Các ngài vẫn sống trinh khiết. 

52. Chúa Giêsu có mấy bản tính?

Chúa Giêsu có 2 bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thực, vừa là người thực như chúng ta. 

53. Vậy Chúa Giêsu có mấy ngôi (personne)?

Chúa Giêsu chỉ có một ngôi mà thôi. Đó là Ngôi Hai Thiên Chúa. 

54. Chúa Giêsu sinh ra ở đâu?

Chúa Giêsu sinh ra ở thành phố Belem, miền Giuđêa, trong nước Do thái (Israel). 

55. Chúa Giêsu sống được bao nhiêu tuổi?

Ngài sống được khoảng 33 tuổi đời. 

56. Trong khoảng thời gian 33 năm đó, Ngài đã làm những gì?

Trong 30 năm đầu, Ngài sống âm thầm tại thành phố Nadarét. Rồi 3 năm cuối đời, Ngài đã đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, làm nhiều phép lạ (miracle) để chứng minh rằng Ngài là Đấng do Thiên Chúa sai đến trần gian. Sau cùng, Ngài đã bị đóng đinh trên cây Thánh giá, nhưng Ngài lại sống lại và lên trời. 

57. Chúa Giêsu đã sống ở Nadarét như thế nào?

Ngài đã sống rất âm thầm, nghèo khó. Ngài cầu nguyện, vâng lời và làm việc giúp đỡ cha mẹ Ngài là Mẹ Maria và Thánh Giuse. 

58. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy những gì?

Ngài đã loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Trong nước đó, Thiên Chúa là một người Cha nhân từ, còn mọi người đều là anh chị em với nhau. 

59. Chúa Giêsu có tiết lộ điều gì về chính Ngài không?

Ngài tiết lộ cho biết: Ngài là con Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa thực. Ngài là Đấng Cứu Thế mà loài người đang mong đợi. 

60. Chúa Giêsu đã làm gì, để minh chứng về những điều Ngài đã dạy?

Ngài thực hiện đúng những lời tiên tri đã tiên báo về Ngài. Ngài cũng nói tiên tri và làm nhiều phép lạ, để chứng thực những điều Ngài đã dạy. 

61. Chúa Giêsu đã làm những phép lạ nào?

Ngài đã làm nhiều phép lạ, như: biến nước thành rượu, làm cho bánh ít hóa ra nhiều để nuôi sống dân chúng, xua đuổi ma quỷ ra khỏi bệnh nhân, chữa lành các bệnh tật, cho người đã chết được sống lại, và phép lạ lớn nhất đó là Ngài đã sống lại, sau khi tử nạn trên Thánh giá. (Nên đọc thêm: Tin Mừng theo Thánh Luca 1, 26-38)


 


BÀI THỨ VI
NGÔI HAI THIÊN CHÚA CỨU CHUỘC LOÀI NGƯỜI

 



62. Đức Giêsu Kitô đã làm gì để cứu chuộc nhân loại?

Đức Giêsu Kitô đã tự hiến đời mình, chịu đau khổ, chịu chết trên cây Thánh giá và sống lại để cứu chuộc nhân loại. 

63. Đức Giêsu Kitô đã tự hiến đời mình như thế nào?

Đức Giêsu Kitô luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha trong mọi việc, vâng phục cho đến chết và chết trên Thánh giá (xin xem Philipphê 2, 8). 

64. Đức Giêsu Kitô đã chịu đau khổ như thế nào?

Đức Giêsu Kitô đã chịu nhiều đau khổ nơi thân xác và trong tâm hồn. 

65. Đức Giêsu Kitô đã chịu những đau khổ nào nơi thân xác?

Đức Giêsu Kitô đã sống đời sống vất vả, khó nhọc. Rồi trong cuộc khổ nạn, Ngài đã bị đánh đòn, đội mão gai, vác Thánh giá, chịu đóng đinh (hình phạt tử hình của người Rôma thời xưa) và chết giữa hai người trộm cướp. 

66. Đức Giêsu Kitô đã chịu những đau khổ nào trong tâm hồn?

Trong khi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu Kitô thường bị hiểu lầm, chống đối. Cuối cùng, Ngài bị Giuđa (1 trong 12 người môn đệ của Ngài) phản bội, các môn đệ chối bỏ, dân chúng chế nhạo, chê cười. Rồi trên Thánh giá, chính Ngài cũng có cảm tưởng bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi (xin xem Marcô 15, 34). 

67. Đức Giêsu Kitô chịu chết ở đâu và bao giờ?

Đức Giêsu Kitô chịu chết trên cây Thánh giá, phía ngoài tường vòng đai thành phố Giêrusalem (thủ đô nước Israel: Do Thái), vào thời ông Phongxiô Philatô đại điện hoàng đế Roma cai trị nước Israel, vào một ngày Thứ Sáu, trước ngày Đại lễ Vượt Qua (pâque) của người Do Thái. 

68. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, tại sao lại chết được?

Đức Giêsu chỉ chết theo bản tính (substance, essence, nature) loài người, còn theo bản tính Thiên Chúa, dĩ nhiên Ngài không chết được. 

69. Thân xác Đức Giêsu Kitô được chôn táng ở đâu?

Thân xác Đức Giêsu Kitô, sau khi chết, được môn đệ hạ xuống khỏi Thánh giá, rồi chôn táng trong một hầm mộ khoét sâu trong núi đá (theo kiểu chôn của người Do Thái thời xưa). 

70. Còn linh hồn của Đức Kitô, sau khi chết, thì đi đâu?

Linh hồn Đức Giêsu Kitô xuống ngục tổ tông, đem những người ngay lành đã chết được lên Thiên đàng. Vì từ khi ông Ađam (Adong) và bà Evà phạm tội cho tới lúc đó, chưa có ai được lên Thiên đàng. 

71. Đức Giêsu Kitô có sống lại không?

Chết chưa đủ 3 ngày, Đức Giêsu Kitô đã sống lại như lời Ngài đã báo trước. 

72. Sự sống lại của Đức Giêsu Kitô mang ý nghiã gì?

Đức Giêsu Kitô sống lại để minh chứng Ngài là Thiên Chúa thật, và để chúng ta trong ngày tận thế cũng sẽ được sống lại như Ngài. 

73. Nhờ đâu chúng ta biết chắc rằng Đức Giêsu Kitô đã sống lại?

Vì sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô đã hiện ra nhiều lần cho nhiều người xem thấy (xin xem thêm: Matthêu đoạn 28; Marcô đoạn 16; Luca đoạn 24; Gioan đoạn 20...) Nhất là, các môn đệ của Ngài đã sẵn lòng chịu chết (tử vì đạo) để làm chứng cho điều đó nữa. 

74. Sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô còn làm những gì?

Sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô còn ở lại trên trần gian 40 ngày. Trong thời gian này, Ngài dạy dỗ, an ủi các môn đệ, rồi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Cuối cùng, Ngài đã về trời cùng Thiên Chúa Cha. 

75. Khi về trời, Đức Giêsu Kitô có bỏ các môn đệ của Ngài mồ côi không?

Thưa không, vì sau 10 ngày, Ngài lại sai Đức Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba Thiên Chúa) hiện xuống, để soi sáng và thêm sức cho các môn đệ của Ngài (xin xem thêm: sách Tông đồ Công vụ 2, 1-41). 

76. Đức Giêsu Kitô còn xuống thế gian một lần nữa không?
Đến ngày tận thế, Đức Giêsu Kitô lại ngự xuống uy nghi, sáng láng mà phán xét tất cả loài người.


 



BÀI THỨ VII
ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN


77. Đức Chúa Thánh Thần là ai?

Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, ngôi Thứ Ba. Ngài bởi Thiên Chúa Cha (ngôi Thứ Nhất) và Thiên Chúa Con (ngôi Thứ Hai) mà ra. Ngài có cùng một bản tính và cùng một quyền năng như hai ngôi kia. 

78. Đức Chúa Thánh Thần có xuất hiện cho người ta thấy không?

Đức Chúa Thánh Thần đã xuất hiện dưới hình chim bồ câu, khi Đức Giêsu Kitô chịu phép Rửa trong sông Giođan (xin xem: Matthêu 3, 13-17). Ngài còn lấy hình lửa mà hiện xuống trên đầu các Thánh Tông đồ (apôtre, môn đệ Đức Giêsu Kitô) trong ngày lễ Ngũ Tuần (xin xem: Tông đồ công vụ 2, 3-4). 

79. Đức Chúa Thánh Thần đã ban ơn gì cho các Thánh Tông đồ?

Đức Chúa Thánh Thần đã soi sáng trí khôn, thêm sức mạnh và thánh hóa (sanctifier) các Tông đồ, để các ngài rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Đức Giêsu Kitô (điển hình là trường hợp của Thánh Phêrô được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ 2, 14-41). 

80. Đức Chúa Thánh Thần đóng vai trò gì trong Giáo Hội?

Đức Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ, hướng dẫn và thánh hóa Giáo Hội trên trần gian.

81. Đức Chúa Thánh Thần làm gì cho những người tín hữu?

Đức Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn những người sống trong ơn nghiã Chúa. Ngài ban cho họ sự sống siêu nhiên, ban các ơn cần thiết, giúp họ sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. 

82. Tôi phải làm gì đối với Đức Chúa Thánh Thần?

Tôi phải tôn kính, thờ lạy, cầu xin Ngài và tôn trọng hồn xác tôi là đền thờ của Đức Chúa Thánh Thần.

 


 


BÀI THỨ VIII



GIÁO HỘI CHÚA KITÔ




A. TỔ CHỨC GIÁO HỘI



83. Sau khi Đức Giêsu Kitô về trời, ai tiếp tục công việc của Ngài ở trần gian?

Sau khi Đức Giêsu Kitô về trời, Giáo Hội do Ngài sáng lập có bổn phận tiếp tục công việc cứu chuộc nhân loại cho đến ngày tận thế. 

84. Đức Giêsu Kitô đã thiết lập Giáo Hội như thế nào?

Đức Giêsu Kitô bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Chúa, quy tụ những kẻ tin theo Ngài, rồi chọn riêng 12 Tông đồ, và đặt Phêrô (St Pierre) đại diện Ngài cầm đầu Giáo Hội ở trần gian. 

85. Đức Giêsu Kitô đã nói gì, khi đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội?

Đức Giêsu Kitô đã nói với Phêrô rằng: "Con là Đá (la pierre) và trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, mà quyền lực hỏa ngục sẽ không lấn át nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời. Điều gì con cầm buộc (lier) dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo gỡ (délier), trên trời cũng tháo gỡ." Ngoài ra, sau khi sống lại, Chúa còn nói thêm với Phêrô: "Hãy chăn các chiên con... Hãy chăn các chiên mẹ của Thầy." (Xin xem Matthêu 16, 18-19 vàGioan 21, 15-17). 

86. Đức Giêsu Kitô đã trao cho Giáo Hội những nhiệm vụ nào?

Đức Giêsu Kitô đã trao cho Giáo Hội ba nhiệm vụ này: thứ nhất giảng dạy, thứ hai thánh hóa, thứ ba cai quản các linh hồn. 

87. Giáo Hội có thể sai lầm, khi giảng dạy không?

Khi giảng dạy về Đức tin và luân lý, Giáo Hội sẽ không sai lầm, vì có Đức Chúa Thánh Thần luôn soi sáng và hướng dẫn. 

88. Những ai được ơn không thể sai lầm đó?

1) Đức Giáo Hoàng (pape) - còn gọi là Đức Thánh Cha: saint père - khi dùng quyền Thánh Phêrô công bố (ex cathedra) một điều gì thuộc lãnh vực Đức tin hoặc luân lý, để toàn thể Giáo Hội cùng tin và cùng giữ. 

2) Khi các Giám mục (évêques) họp công đồng chung (concile) trong sự hợp
nhất với Đức Giáo Hoàng, hoặc là rải rắc khắp nơi trên thế giới, để cùng
dạy tín hữu những điều phải tin hoặc phải giữ. 

3) Khi toàn thể Giáo Hội cùng công nhận một điều gì thuộc lãnh vực Đức tin
hoặc luân lý. 

89. Giáo Hội Công giáo gồm những ai?

Giáo Hội Công giáo gồm những tín hữu khắp nơi trên thế giới, dưới quyền cai quản của Đức Giáo Hoàng và các Giám mục hợp nhất với ngài. 

90. Đức Giáo Hoàng là ai?

Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị Thánh Phêrô, thay mặt Đức Giêsu Kitô, làm đầu Giáo Hội ở trần gian. 

91. Các Đức Giám mục là ai?

Các Đức Giám mục là những người kế vị các Thánh Tông đồ (apôtres: những người đã được Đức Kitô chọn làm môn đệ của ngài ngày trước) theo ý định của Chúa, để cai quản các giáo phận (diocèses), và cùng với Đức Giáo Hoàng cai quản các tín hữu trên khắp hoàn cầu. 

92. Các Đức Giám mục có được ai giúp đỡ trong việc cai quản các tín hữu trong giáo phận của mình không?

Có các Linh mục là những người đã được Đức Giám mục truyền chức và bổ nhiệm để coi sóc các tín hữu trong giáo phận mình. 

93. Tín hữu là ai?

Tín hữu là những người đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (Rửa Tội: baptême) trên khắp thế giới, thuộc quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng. Khối người ấy làm thành cộng đồng Dân Chúa. 

94. Người tín hữu có trách nhiệm gì đối với Giáo Hội?

Người tín hữu có trách nhiệm yêu mến, vâng phục và bênh vực Giáo Hội, nhất là cộng tác với giáo quyền trong việc duy trì và truyền bá Đức tin. 

95. Duy trì Đức tin là thế nào?

Là tìm hiểu và thực hành Giáo lý Công giáo trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. 

96. Truyền bá Đức tin là thế nào?

Là dùng lời cầu nguyện, gương sáng và việc tông đồ mà làm cho người khác hiểu biết là yêu mến Chúa. 

97. Trong Giáo Hội có những tổ chức nào giúp cho tôi duy trì và truyền bá Đức tin không?

Có rất nhiều tổ chức, hội đoàn đã được giáo quyền chấp nhận và hậu thuẫn, đang hoạt động trong Giáo Hội và ngoài xã hội. 

98. Giáo Hội và quốc gia khác nhau thế nào?

Giáo Hội lo những chuyện thuộc phạm vi tôn giáo. Quốc gia lo những chuyện thuộc phạm vi trần thế. Cả hai cần hợp tác với nhau, để mưu ích chung cho con người. 


B. MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

 




99. Tại sao lại gọi Giáo Hội là một mầu nhiệm?

Gọi Giáo hội là một mầu nhiệm (mystère), vì ngoài hình thức của một tổ chức hữu hình như các tổ chức khác, Giáo Hội còn có một sức sống siêu nhiên bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô, để thông ban cho mọi tín hữu. 

100. Trong Kinh Thánh, mầu nhiệm Giáo Hội đã được diễn tả như thế nào?

Kinh Thánh đã diễn tả Giáo Hội bằng nhiều hình ảnh và danh hiệu khác nhau, như là Dân Chúa (peuple de Dieu), Nước Trời (Royaume des cieux), Hiền thê (épouse) và Nhiệm thể (corps mystique) của Đức Giêsu Kitô. 

101. Tại sao gọi Giáo Hội là Dân Chúa?

Gọi Giáo Hội là Dân Chúa, vì như xưa Chúa đã chọn dân Do thái (Israel) làm dân riêng của Ngài để thực hiện lời hứa cứu độ, thì Giáo Hội cũng được Chúa chọn để thay thế dân Do thái, tiếp tục công việc truyền bá ơn cứu độ giữa loài người. Thánh Phêrô nói: "Anh chị em là dòng giống được tuyển lựa..., một dân tộc thánh, một dân tộc mà Chúa đã tự chọn lấy để anh chị em rao truyền những sự hoàn hảo của Đấng đã kêu gọi anh chị em từ trong bóng tối
vào ánh sáng huyền diệu của Ngài, ngày xưa anh chị em chưa phải là một dân, nhưng ngày nay anh chị em là dân Thiên Chúa" (1 Phêrô 2, 9-10). 

102. Tại sao gọi Giáo Hội là Nước Trời?

Gọi Hội Thánh là Nước Trời, vì Giáo Hội cũng cần có một phẩm trật (hiérarchie) và luật lệ như một quốc gia trên trần gian, nhưng không có biên giới lãnh thổ. Trái lại, Nước Trời lan tràn tới mọi tâm hồn, làm nên một nước đặc biệt, bắt đầu từ dưới đất để hoàn tất ở trên trời. 

103. Tại sao gọi Giáo Hội là Hiền thê của Đức Giêsu Kitô?

Gọi Giáo Hội là Hiền thê của Đức Giêsu Kitô, vì cũng như vợ chồng yêu thương, kết hợp với nhau trong cùng một cuộc sống, Giáo Hội cũng được Đức Giêsu Kitô chọn lựa, để kết hợp mật thiết với Ngài, sinh sản con cái là những người tín hữu. Thánh Phaolô đã nói: "Chồng là cái đầu của vợ, như Chúa Kitô là cái đầu của Giáo Hội... Hỡi những ai làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội, và hiến thân vì Giáo Hội... Không ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại người ta nuôi dưỡng và chăm sóc nó. Đó chính là điều mà Đức Kitô cũng làm cho Giáo Hội" (Êphêsô 5, 23-25-29).

104. Tại sao gọi Giáo Hội là Nhiệm thể của Đức Giêsu Kitô?

Gọi Giáo Hội là Nhiệm thể của Đức Giêsu Kitô, vì cũng như cái đầu và thân thể nối kết với nhau và chuyển thông sự sống cho nhau thế nào, thì Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội cũng liên kết mật thiết với nhau như vậy. Thánh Phaolô nói: "Thiên Chúa đã đặt Đức Kitô trên tất cả mọi loài, làm đầu Giáo Hội. Giáo Hội ấy là thân thể của Ngài, là sự viên mãn (plénitude) của Đấng hoàn tất mọi sự trong mọi người" (Êphêsô 1, 22-23). 

105. Nhờ những dấu chỉ (signes) nào mà chúng ta biết được Giáo Hội là một Giáo Hội chân chính?

Thưa, nhờ bốn dấu chỉ này: (1) duy nhất và hợp nhất, (2) thánh thiện, (3) phổ quát (universel), (4) tông truyền (apostolique). 

106. Tại sao Giáo Hội chân chính phải duy nhất và hợp nhất?

Vì Đức Giêsu Kitô chỉ lập một Giáo Hội, vì tất cả các tín hữu phải đồng tâm nhất trí cùng tin như nhau, cùng lãnh các Bí tích như nhau, cầu nguyện chung với nhau, và tuân phục một vị thủ lãnh là Đức Giáo Hoàng, đại diện cho Đức Giêsu Kitô ở trần gian. 

107. Tại sao Giáo Hội chân chính phải thánh thiện?

(1) Vì Đức Giêsu Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội, là nguồn mạch sự thánh thiện. 
(2) Vì giáo lý Ngài dạy và các Bí tích Ngài lập ra đều là sự thánh. 
(3) Vì những hoa trái thánh thiện vẫn phát sinh trong Giáo Hội của Ngài. 

108. Tại sao Giáo Hội chân chính phải có tính cách phổ quát?

Vì Giáo Hội có sứ mệnh và khả năng quy tụ tất cả mọi dân tộc về cùng Đức Giêsu Kitô, và trong thực tế, ở nơi nào và vào thời nào cũng có những người xin gia nhập Giáo Hội. 

109. Tại sao Giáo Hội chân chính phải là tông truyền?

Vì các vị thủ lãnh trong Giáo Hội là những người kế vị các Thánh Tông đồ, vì giáo lý mà Giáo Hội dạy là do các Tông đồ truyền lại. 

110. Giáo Hội nào có đủ bốn dấu chỉ trên?

Thưa, đó là Giáo Hội Công giáo.


 


BÀI THỨ IX 
CÁC THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG

 




111. Các tín hữu trong Giáo Hội có liên lạc gì với nhau không?

Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời - đã được lên thiên đàng (paradis) hay còn đang ở luyện tội (purgatoire) - đều có liên lạc mật thiết. Đó là tín điều (dogme) các Thánh cùng thông công.
- Các tín hữu còn sống làm thành Giáo Hội chiến đấu. 
- Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo Hội khải hoàn. 
- Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo Hội đau khổ. 

112. Các tín hữu còn sống thông công với các Thánh trên trời như thế nào?

Các tín hữu tôn kính, cầu xin các Thánh. Còn các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa. 

113. Các tín hữu còn sống thông công với các linh hồn trong luyện tội như như thế nào?

Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống. 

114. Các tín hữu còn đang sống thông công với nhau như thế nào?

Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác. 

115. Các tín hữu phạm tội trọng, có được thông công như vậy nữa không?

Thưa không. Tuy nhiên họ vẫn thuộc về Giáo Hội, nên có thể nhờ công nghiệp và lời cầu nguyện của những người lành mà ăn năn trở lại cùng Chúa. 

116. Tại sao các Thánh được được thông công cùng nhau?

Vì Chúa Kitô đã kết hợp các tín hữu thành một nhiệm thể, mà Ngài là đầu. Cho nên, mọi tín hữu sống trong ơn Chúa - dù còn sống hay đã chết đi - đều được hưởng một tình yêu và một sức sống thiêng liêng do chính Ngài ban cho.


 



BÀI THỨ X
ĐỨC MẸ MARIA


117. Mẹ Maria là ai?

Mẹ Maria là Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, và đã cộng tác với Ngài trong việc cứu độ nhân loại. 

118. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria những đặc ân nào?

Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria những đặc ân này: 
(1) Được làm Mẹ Chúa Giêsu tức là làm Mẹ Thiên Chúa. 
(2) Được ơn vô nhiễm nguyên tội (không mắc tội tổ tông [của Ađam và Evà] như những người khác). 
(3) Được đồng trinh trọn đời. 
(4) Được lên trời cả hồn lẫn xác. 

119. Tại sao Mẹ Maria lại là Mẹ Thiên Chúa?

Vì Mẹ Maria đã sinh ra Đấng Cứu Thế, là Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy bản tính loài người, nên Đức Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa. 

120. Vô nhiễm nguyên tội nghiã là gì?

Nghiã là: ngay từ lúc mới thụ thai trong lòng mẹ, Đức Maria đã được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi vướng mắc tội tổ tông do ông Ađam và bà Evà truyền lại. 

121. Đồng trinh trọn đời nghiã là gì?

Nghiã là: khi có thai bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần, và sinh ra Chúa Giêsu thì Mẹ Maria vẫn đồng trinh và còn đồng trinh cho đến chết. 

122. Có thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần là thế nào?

Nghiã là: Chúa Thánh Thần dùng quyền phép của Ngài mà dựng nên một bào thai trong lòng Mẹ Maria, và Ngôi Hai Thiên Chúa đã hợp cùng bào thai ấy mà sinh hạ làm người như chúng ta. 

123. Vậy tại sao Mẹ Maria lại kết bạn với Thánh Giuse?

Mẹ Maria kết bạn với Thánh Giuse vì thánh ý Thiên Chúa muốn cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu có người bảo vệ, dưỡng nuôi, và để nêu gương gia đình thánh thiện cho chúng ta. 

124. Đức Maria đã cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ nhân loại như thế nào?

Mẹ Maria đã sinh ra và dưỡng nuôi Chúa Giêsu, cùng thông phần đau khổ với Ngài, nhất là trong cuộc tử nạn của Ngài. 

125. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa thưởng công như thế nào?

Khi mãn đời, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa cả hồn xác về trời và đặt làm nữ vương trên trời dưới đất. 

126. Mẹ Maria có phải là Mẹ chúng ta không?

Thưa phải, vì Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là đầu nhiệm thể, mà chúng ta là chi thể của Ngài. Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội, nên cũng là Mẹ chúng ta. Hơn nữa, trên Thánh giá chính Chúa Giêsu đã trối Mẹ Maria cho Thánh Gioan, đại diện cho cả nhân loại, khi Ngài nói: "Đây là Mẹ con" (Gioan 19, 27). 

127. Chúng ta có bổn phận nào đối với Mẹ Maria?

Chúng ta phải đặc biệt tôn kính, yêu mến, cầu xin và trông cậy vào Mẹ, nhất là bắt chước những nhân đức của Ngài.

 


 


BÀI XI
SỰ CHẾT VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU


128. Sao tôi không sống mãi ở đời này?


Vì tổ tông loài người là ông Ađam và bà Evà đã phạm tội, nên mọi người đều phải chết, như lời Thánh Phaolô đã dạy: "Bởi một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và bởi tội lỗi nên có sự chết" (Roma 5, 12).


129. Chết là gì?


Chết là linh hồn lìa khỏi xác.


130. Khi chết, linh hồn có thể hư nát như thân xác không?


Thưa không, linh hồn thiêng liêng nên không thể hư nát được.


131. Sau khi chết, số phận linh hồn sẽ ra sao?


Linh hồn được Chúa Giêsu xét xử: đó là phán xét riêng.


132. Chúa phán xét linh hồn về những điểm gì?


Chúa phán xét linh hồn về tư tưởng, lời nói, việc làm, và về những việc thiện phải làm nhưng đã bỏ qua không làm.


133. Sau khi phán xét rồi, linh hồn sẽ đi đâu?


Sau khi phán xét rồi, linh hồn sẽ lên thiên đàng, xuống hỏa ngục hay là vào nơi luyện tội, tùy theo việc lành hay việc dữ đã làm khi còn sống.


134. Những ai được lên thiên đàng?


Những người, khi chết, sống trong ơn nghiã Chúa và đã đền tội đủ rồi thì được lên thiên đàng.


135. Thiên đàng là gì?


Là nơi Thiên thần và các Thánh được hưởng hạnh phúc đời đời, vì được thấy Thiên Chúa tận mắt và được kết hợp với Ngài trong tình yêu vô tận.


136. Những ai phải xuống hỏa ngục?


Những kẻ, khi chết, không còn sống trong ơn nghiã Chúa - nghiã là chết đang khi còn có tội trọng - thì phải xuống hỏa ngục.


137. Hỏa ngục là gì?


Là nơi Thiên Chúa phạt ma quỷ và những kẻ dữ. Hình phạt nặng nề nhất là không được đoàn tụ với Thiên Chúa là người Cha của mình và phải xa cách Ngài muôn đời.


138. Những ai phải vào luyện tội?


Những ai, khi chết, sống trong ơn nghiã Chúa, nhưng còn mắc tội nhẹ hay là chưa đền hết những hình phạt do tội mà ra, thì vào luyện tội mà đền tội cho hết, sau đó mới được lên thiên đàng.


139. Tôi có thể giúp các linh hồn nơi luyện tội bằng cách nào?


Tôi có thể dâng việc lành như: đọc kinh, lần hạt, ăn chay hãm mình, bố thí, nhường ân xá, nhất là dự lễ và xin lễ cho các linh hồn.


140. Thân xác con người có hư nát đời đời không?


Thưa không. Đến ngày tận thế, thân xác sẽ hợp với linh hồn mà sống lại, để chịu phán xét chung.


141. Đã phán xét riêng, còn phán xét chung làm gì nữa?


(1) Để tỏ sự công bằng của Thiên Chúa, 
(2) Để Chúa Giêsu Kitô được vinh hiển trước mặt mọi người, 
(3) Để người lành thêm vinh dự, và người dữ thêm xấu hổ .


142. Sau khi phán xét chung, số phận mỗi người sẽ ra sao?


Sau khi phán xét chung, kẻ dữ vào hoả ngục cả hồn và xác, chịu khổ hình mãi mãi; còn kẻ lành lên thiên đàng cả hồn và xác, hưởng hạnh phúc đời đời.


143. Có kinh nào tóm tắt những điều tôi phải tin?


Thưa, có kinh Tin Kính. Kinh đó như sau (đọc trong Thánh lễ): 
Tôi tin kính một Thiên Chúa 
là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.


Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, 
Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. 
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, 
Ánh sáng bởi Ánh sáng, 
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, 
được sinh ra mà không phải tạo thành, 
đồng bản tính với Đức Chúa Cha, 
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. 
Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, 
Người đã từ trời xuống thế. 
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, 
Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, và đã làm người. 
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, 
chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô. 
Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. 
Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. 
Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, 
để phán xét kẻ sống và kẻ chết, 
nước Người sẽ không bao giờ cùng.



Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần 
là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. 
Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. 
Người cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. 
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy. 
Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. 
Tôi tuyên xưng một phép rửa để tha tội. 
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.

 


Nguồn: Sách Giáo Lý Tân Định


 


Liên kết:


Giáo lý Công Giáo (PHẦN MỞ ĐẦU)


Giáo lý Công Giáo (PHẦN II ƠN CHÚA VÀ BÍ TÍCH (SACREMENT) )


Giáo lý Công Giáo (PHẦN III: LUÂN LÝ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net