About Me

Giáo lý Công Giáo (PHẦN II ƠN CHÚA VÀ BÍ TÍCH (SACREMENT) )


THIÊN CHÚA BAN SỰ SỐNG CỦA NGÀI CHO TÔI


Đức Giêsu Kitô nói rằng: "Tôi đến, để họ được sống và được sống dồi dào" (Ga 10, 10)


BÀI THỨ I
ƠN CHÚA


144. Tôi có thể sống đạo và rỗi linh hồn, nhờ sức tự nhiên của tôi không?

Nếu không có ơn Chúa giúp sức, tôi không thể sống đạo và rỗi linh hồn, như lời Chúa Giêsu Kitô đã nói: "Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì" (Ga 15, 5). 

145. Ơn Chúa là gì?

Là ân huệ siêu nhiên (surnaturel) mà Thiên Chúa ban cho tôi - vì công nghiệp của Đức Giêsu Kitô - để tôi được cứu độ. 

146. Có mấy thứ ơn Chúa?

Thưa, có 2 thứ: 
1) ơn thánh hóa (grâce sanctifiante) 
2) ơn trợ giúp (grâce adjuvante) 

147. Ơn thánh hóa là gì?

Ơn thánh hóa là sự sống của Chúa Ba Ngôi thông ban cho tôi, làm cho tôi trở nên giống Đức Giêsu Kitô, thành người con hiếu thảo của Thiên Chúa, vàđược hưởng phần gia tài của Ngài trên trời. 

148. Thiên Chúa dùng phương thế nào để ban ơn thánh hóa cho tôi?

Thưa, Ngài dùng Bí tích Thánh tẩy (baptême) để ban ơn thánh hóa cho tôi. 

149. Tôi có thể mất ơn thánh hóa khi nào?

Khi phạm tội trọng (péché grave/ mortel), tôi sẽ mất ơn thánh hóa. 

150. Tôi phải làm gì để được lại ơn thánh hóa đã mất?

Tôi phải lãnh Bí tích Hòa giải (sacrement de la réconciliation) hay ăn năn tội cách trọn (contrition parfaite), khi không thể lãnh bí tích ấy. 

151. Ơn trợ giúp là gì?

Là ơn soi sáng, thúc giục, giúp tôi làm lành lánh dữ để tăng thêm ơn thánh hóa, rồi khi nào tôi phạm tội thì giúp tôi ăn năn trở lại cùng Chúa. 

152. Chúa có ban cho tôi đủ ơn cần thiết để tôi được rỗi linh hồn không?

Thưa, Ngài luôn sẵn sàng ban cho tôi những ơn cần thiết, để giúp tôi được rỗi linh hồn. 

153. Tôi có thể từ chối ơn Chúa được không?

Tôi có thể từ chối ơn Chúa, vì Chúa để cho tôi được hoàn toàn tự do trong việc đón nhận hay là từ chối ơn Ngài. 

154. Chúa thường ban ơn trợ giúp cho tôi khi nào?

Chúa thường ban ơn trợ giúp cho tôi, khi tôi cầu nguyện, làm việc lành và lãnh các Bí tích (sacrements).


 



BÀI THỨ II
BÍ TÍCH


155. Bí tích là gì?

Bí tích là dấu chỉ (signe) bề ngoài mà Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập, để chỉ ý nghiã và chuyển thông ơn bên trong giúp tôi được nên thánh. 

156. Đức Giêsu Kitô đã thiết lập các Bí tích để làm gì?

Đức Giêsu Kitô đã thiết lập các Bí tích, để tiếp tục công cuộc cứu độ loài người, xây dựng Giáo Hội và thờ phượng Thiên Chúa. 

157. Đức Giêsu Kitô tiếp tục công cuộc cứu rỗi qua các Bí tích như thế nào?

Trong các Bí tích do Giáo Hội cử hành, chính Đức Giêsu Kitô tiếp tục ban ơn để cứu độ nhân loại. 

158. Các Bí tích xây dựng Giáo Hội như thế nào?

Các Bí tích xây dựng Giáo Hội bằng cách qui tụ loài người trong Giáo Hội và giúp họ tham dự vào sự sống của Đức Giêsu Kitô trong Giáo Hội của Ngài. 

159. Trong các Bí tích, chúng ta thờ phượng Thiên Chúa như thế nào?

Trong các Bí tích, chúng ta dùng cử chỉ và kinh nguyện để bầy tỏ lòng tin, trông cậy, kính mến, ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa. 

160. Tại sao lại gọi các Bí tích là Bí tích Đức tin?

Vì khi lãnh nhận các Bí tích tôi phải có lòng tin, và nhờ các Bí tích mà Đức tin của tôi càng thêm mạnh mẽ và sắt đá hơn. 

161. Có mấy Bí tích?

Thưa, có 7 Bí tích: 
1) Bí tích Thánh Tẩy (Baptême - ngày xưa gọi là Bí tích Rửa tội) 
2) Bí tích Thêm Sức (Confirmation) 
3) Bí tích Thánh Thể (Eucharistie - ngày xưa gọi là Bí tích Mình Thánh Chúa) 
4) Bí tích Hòa Giải (Réconciliation - ngày xưa gọi là Bí tích Giải tội, việc xưng tội) 
5) Bí tích Xức dầu Bệnh nhân (L'onction des malades) 
6) Bí tích Truyền Chức thánh (Le sacrement de l'Ordre: ordination) 
7) Bí tích Hôn Phối (Le sacrement du Mariage) 

162. Những Bí tích nào chỉ được lãnh nhận một lần trong đời mà thôi?

Thưa, có 3 Bí tích này: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức thánh. Vì 3 Bí tích ấy in vào linh hồn một dấu thiêng liêng không thể phai nhòa được. 

163. Trong 7 Bí tích, có Bí tích nào cần thiết hơn?

Thưa, có hai Bí tích này: Thánh Tẩy và Hòa Giải. Bí tích Thánh Tẩy cần cho tất cả mọi người; còn Bí tích Hòa Giải cần cho những người đã phạm tội trọng (péché grave/ mortel) từ khi họ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trở về sau. 

164. Trong 7 Bí tích, có Bí tích nào quý trọng hơn?

Thưa, có Bí tích Thánh Thể, vì Bí tích này ban cho tôi chính Đức Giêsu Kitô là nguồn mạch mọi ơn thánh. 

165. Những Bí tích nào ban ơn thánh hóa cho tôi?

Có 2 Bí tích này, đó là Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Hòa Giải. Còn 5 Bí tích kia chỉ ban thêm ơn thánh hóa mà thôi, cho nên những ai không có tội trọng mới được lãnh nhận 5 Bí tích ấy; bằng không sẽ phạm sự thánh. 
(Hai Bí tích Thánh Tẩy và Hòa Giải cũng gọi là "Bí tích kẻ chết", vì 2 Bí tích ấy làm cho những ai chưa có ơn thánh hóa hoặc đã làm mất ơn thánh hóa được Chúa ban cho hoặc trả lại ơn ấy. Trái lại, 5 Bí tích kia cũng gọi là "Bí tích kẻ sống", vì chỉ những ai sống trong ơn thánh hóa mới được lãnh nhận các Bí tích này mà thôi.) 

166. Để lãnh nhận ơn Bí tích, tôi phải làm thế nào?

Tôi phải có lòng tin, phải thành thật ước muốn được lãnh nhận và phải dọn mình xứng đáng trước khi lãnh nhận.

 


 



BÀI THỨ III
BÍ TÍCH THÁNH TẨY


167. Bí tích Thánh Tẩy là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu Kitô đã thiết lập để tái sinh (sinh lại, sinh ra thêm một lần nữa) tôi làm con Thiên Chúa và làm con trong gia đình Giáo Hội. 

168. Vì sao Bí tích Thánh Tẩy tái sinh tôi làm con Thiên Chúa và làm con trong gia đình Giáo Hội?

Vì Bí tích Thánh Tẩy xóa tội Nguyên tổ, ban ơn thánh hóa và đóng dấu riêng trong tâm hồn, biến tôi thành chi thể của mầu nhiệm Chúa Kitô (xin xem thêm thư gởi tín hữu Roma 6, 4-11, ở phần cuối bài này) 

169. Bí tích Thánh Tẩy có tha tội riêng mà tôi đã phạm không?

Bí tích Thánh Tẩy cũng tha hết các tội riêng mà tôi đã phạm và mọi hình phạt do các tội ấy gây ra. 

170. Bí tích Thánh Tẩy có cần thiết, để tôi được rỗi linh hồn không?

Bí tích Thánh Tẩy rất cần thiết để tôi được rỗi linh hồn, vì Đức Giêsu Kitô đã dạy: "Ai không tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần, thì không được vào Nước Trời" (Gioan 3, 5). 

171. Vậy những người không lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì không được rỗi linh hồn sao?

Thưa không. Tuy nhiên, ai ao ước làm con Chúa mà không lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy được, cũng như những người đã chết vì đạo, thì cũng được rỗi linh hồn - Hai trường hợp này được gọi là Thánh Tẩy bằng lửa và bằng máu. Ngoài ra, những người dù chưa biết đến Tin Mừng của Chúa và Giáo Hội, nhưng vẫn sống ngay lành theo tiếng lương tâm thì Chúa cũng sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện để được rỗi linh hồn. 

172. Cha mẹ có phải lo cho con cái lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy sớm không?

Cha mẹ phải lo cho con cái được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy càng sớm càng tốt. 

173. Những ai được ban Bí tích Thánh Tẩy cho người khác?

Trong trường hợp bình thường, các giám mục, linh mục, phó tế (thầy sáu) mới được ban Bí tích ấy. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp thì mọi người đều có quyền ban Bí tích ấy cho người khác, miễn là làm theo cách thức và theo ý hướng của Giáo Hội. 

174. Khi ban Bí tích Thánh Tẩy cho người khác, phải làm thế nào?

Phải lấy nước tự nhiên (*) đổ trên đầu kẻ muốn lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, vừa đổ nước vừa đọc rằng: "Tôi rửa (ông, bà, anh, chị, em, cháu...) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần." 

175. Khi không thể đổ nước trên đầu người muốn lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (thí dụ: đầu người đó bị băng bó) thì phải đổ nước vào chỗ nào?

Thưa, phải chọn một chỗ nào xứng đáng trên thân thể người đó mà đổ nước. 

176. Người đến tuổi khôn lớn, muốn được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, phải làm những việc gì?

Phải làm 3 việc này: 
- Một là học giáo lý 
- Hai là canh tân đời sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa. 
- Ba là thật lòng sám hối về những tội mà mình đã phạm, đồng thời muốn lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy một cách thành tâm. 

177. Người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thề hứa những gì?

Người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thề hứa tin theo Đức Giêsu Kitô, tuân giữ giới luật của Ngài cùng tìm cách tránh xa tội lỗi. 

178. Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, có cần tìm người đỡ đầu (parrain, marraine) không?

Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy một cách trọng thể, nghiã là khi làm đủ lễ nghi, thì phải có người đỡ đầu làm cha mẹ thiêng liêng, mục đích là để nêu gương sáng và dìu dắt kẻ mình đã đỡ đầu luôn sống xứng đáng là người con của Chúa. 

Chú thích:
Thư gởi tín hữu Roma 6, 4-11: "Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài (Đức Giêsu Kitô), chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết, nhờ quyền năng, vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. 
Thật vậy, vì chúng ta đã được nên một với Đức Kitô, nhờ được chết như Ngài đã chết, thì chúng ta cũng được nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. 
Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Ngài chết nữa, cái chết chẳng còn quyền lực gì đối với Ngài. Ngài đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Ngài sống là sống cho Thiên Chúa. Anh chị em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô." 

(*) Nước dùng để ban Bí tích Thánh Tẩy là nước tự nhiên: như nước mưa, nước sông, nước giếng, nước ao hồ, nước biển.

 


 


BÀI THỨ IV 
BÍ TÍCH THÊM SỨC



179. Bí tích Thêm Sức là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu Kitô đã thiết lập, để tôi lãnh nhận Chúa Thánh Thần và các ơn của Ngài, giúp tôi sống đạo và trở thành nhân chứng của Đức Giêsu Kitô. 

180. Đức Chúa Thánh Thần ban cho tôi những ơn nào?

Thưa, 7 ơn này: 
- Một là ơn khôn ngoan 
- Hai là ơn hiểu biết 
- Ba là ơn thông minh 
- Bốn là ơn lo liệu 
- Năm là ơn sức mạnh 
- Sáu là ơn đạo đức 
- Bảy là ơn giúp tôi biết kính thờ Thiên Chúa. 

181. Bí tích Thêm Sức có cần cho tôi được rỗi linh hồn không?

Thưa, không cần. Tuy nhiên, nếu khinh thường hoặc vì lười biếng mà không lãnh nhận Bí tích Thêm Sức thì mắc lỗi, đồng thời không được lãnh nhận những ơn ích do Bí tích ấy sinh ra. 

182. Những ai có quyền ban Bí tích Thêm Sức cho người khác?

Chỉ có các giám mục và những linh mục đã được Giáo Hội hoặc giám mục giáo phận cho phép mới có quyền ban Bí tích ấy cho người khác mà thôi. 

183. Khi ban Bí tích Thêm Sức, phải làm những lễ nghi nào?

Khi ban Bí tích Thêm Sức, Đức giám mục làm những lễ nghi này: 
- Một là cho người muốn lãnh nhận Bí tích Thêm Sức lập lại lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
- Hai là giơ tay trên đầu người đó và cầu nguyện cho họ. 
- Ba là lấy dầu thánh ghi hình Thánh giá trên trán mà đọc lời ban Bí tích Thêm Sức. 

184. Khi xức dầu thánh trên trán, Đức giám mục đọc những lời nào?

Đức giám mục gọi tên người muốn lãnh nhận Bí tích Thêm Sức và đọc những lời này: "Hãy lãnh nhận ấn tín (con dấu, cái mộc: sceau) ơn Chúa Thánh Thần." (bằng tiếng Pháp: "Sois marqué de l'Esprit Saint, le don de Dieu") 

185. Những ai được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức?

Những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy cách thành phép (valide) và đã hội đủ điều kiện thì được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. 

186. Những người muốn lãnh nhận Bí tích Thêm Sức phải làm những gì?

Thưa, phải làm 3 điều này:
- Học hỏi cho biết rõ những mầu nhiệm trong đạo, cách riêng về Bí tích Thêm Sức. 
- Sạch tội trọng. 
- Có lòng ước ao và đã chuẩn bị tâm hồn một cách xứng đáng để lãnh nhận Bí tích đó. 

187. Khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức có cần người đỡ đầu không?

Thưa cần. Người nam chọn người nam, người nữ chọn người nữ. Người đỡ đầu có nhiệm vụ nâng đỡ, hướng dẫn người mới lãnh nhận Bí tích Thêm Sức trong việc sống đạo và trong hoạt động tông đồ sau này.

188. Người đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức có bổn phận nào?

Thưa, có những bổn phận này: 
- Can đảm sống đạo 
- Thẳng thắn bênh vực Đức tin 
- Hăng hái làm việc tông đồ. 

 


 


BÀI THỨ V
BÍ TÍCH THÁNH THỂ (LE SACREMENT DE L'EUCHARISTIE)

 



189. Bí tích Thánh Thể là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu đã lập, để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá, và để ban Mình Máu Ngài hiện diện trong hình bánh rượu, làm của nuôi linh hồn. 

190. Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể khi nào?

Đức Kitô đã lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly (la Cène), trước khi Ngài chịu chết. 

191. Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể thế nào?

Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: "Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình của Thầy." Rồi Ngài cầm chén rượu nho, tạ ơn và trao cho các môn đệ mà nói rằng: "Các con hãy uống chén này, vì này là Máu của Thầy. Máu Tân ước sẽ đổ ra cho mọi người được tha tội." (xem thêm: Matthêu 26, 26-29 (ở phần cuối bài này); Marcô 14, 22-25; Lc 22, 19-20). 

192. Đức Giêsu có ban quyền cho ai được cử hành Bí tích Thánh Thể không?

Đức Giêsu đã ban quyền đó cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài trong chức linh mục, khi nói rằng: "Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy." (Luca 22, 19). 

193. Khi nào bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Giêsu?

Trong Thánh lễ, khi linh mục đọc lời truyền phép: "Này là Mình Thầy" ... "Này là Máu Thầy" thì bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Giêsu. 

194. Đức Giêsu ở trong Bí tích Thánh Thể như thế nào?

Đức Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể, nghiã là trong mỗi hình bánh, hình rượu có cả Mình, Máu và Linh hồn Đức Giêsu, cùng bản tính Thiên Chúa của Ngài nữa. 

195. Khi chia bánh rượu ra nhiều phần, có phân chia Mình Máu Đức Giêsu không?

Thưa không, chỉ phân chia hình bánh hình rượu mà thôi, còn Mình và Máu Đức Giêsu thì không thể phân chia được. Cho nên, trong mỗi hình bánh hình rượu, dù nhỏ, cũng có sự hiện diện toàn vẹn của Đức Giêsu.

196. Khi nào Đức Giêsu không còn ở trong hình bánh, hình rượu nữa?

Khi hình bánh, hình rượu đã bi hư, thì Đức Giêsu không còn hiện diện ở trong đó nữa. 

197. Tôi phải kính thờ Đức Giêsu ở trong Bí tích Thánh Thể như thế nào?

Tôi phải viếng Thánh Thể, tham dự chầu Thánh Thể, ăn ở nghiêm trang, xứng đáng trong nhà thờ, nhất là sốt sắng tham dự Thánh lễ và rước lễ. 

Phần xem thêm:
Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể (Mt 26, 26-29). 
Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy". Rồi Ngài cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống
thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy."


 


BÀI THỨ VI 
THÁNH LỄ

 



198. Thánh lễ là gì?

Là lễ tế Đức Giêsu nhờ tay linh mục hợp cùng toàn thể dân Chúa mà dâng lên Thiên Chúa Cha, như xưa chính Ngài đã dâng hiến thân mình trên cây Thánh giá. 


199. Tại sao Thánh lễ ngày nay cũng là một lễ ngày xưa trên Thánh giá?

Thánh lễ ngày nay cũng là một lễ ngày xưa trên Thánh giá, vì cùng một chủ tế và một của lễ là Đức Giêsu, tuy nhiên vẫn khác hai điểm sau đây: 
- Ngày nay, Đức Giêsu dùng tay linh mục mà dâng mình trên bàn thờ. 
- Ngày nay, Đức Giêsu không còn đổ máu như xưa nữa. 

200. Giáo Hội dâng Thánh lễ với ý gì?

Giáo Hội dâng Thánh lễ với hai ý chỉ sau đây: 
- Để kính nhớ mầu nhiệm Đức Giêsu tử nạn và phục sinh. 
- Để thờ phượng, tạ ơn Thiên Chúa, xin Ngài tha thứ tội lỗi, cùng ban ơn lành hồn xác cho chúng ta. 

201. Tôi phải dự Thánh lễ như thế nào?

Tôi phải hợp lòng, hợp ý với chủ tế và toàn thể cộng đoàn, để cùng dâng Thánh lễ, đồng thời giữ các nghi lễ, tích cực thưa kinh, ca hát, nhất là sốt sắng rước lễ. 

202. Thánh lễ có mấy phần?

Thánh lễ có 2 phần: phần Phụng vụ Lời Chúa và phần Phụng vụ Thánh Thể. 

203. Phụng vụ Lời Chúa là phần nào?

Là phần gồm những lời nguyện, ngợi khen mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa, và những lời Chúa muốn dạy chúng ta, được trích ra từ trong Kinh Thánh. Phần Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ đầu Thánh lễ cho đến hết Lời Nguyện Giáo Dân (Prière universelle). 

204. Phụng vụ Thánh Thể là phần nào?

Là phần Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha, Mình và Máu Đức Giêsu làm của của lễ, để vinh danh Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Phần này bắt đầu từ Bài ca dâng lễ (Chant d'offertoire) cho đến hết lễ. 

205. Phụng vụ Thánh Thể gồm những việc gì?

Gồm 3 việc chính sau đây: dâng lễ vật, truyền phép và hiệp lễ. 

206. Dâng lễ vật là gì?

Là việc linh mục dâng lên Thiên Chúa bánh và rượu, tượng trưng cho những lễ vật của chúng ta, với những lời kinh xin Chúa vui nhận và ban ơn lành xuống cho chúng ta. Phần này bắt đầu từ Bài ca dâng lễ cho đến hết kinh Tiền tụng (Préfaces). 

207. Truyền phép là gì?

Là việc linh mục làm lại những cử chỉ và đọc lại những lời mà Đức Giêsu đã làm và đã nói trong bữa tiệc ly, để bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Giêsu, và dâng lên Thiên Chúa Cha. Phần này bắt đầu từ kinh Tiền tụng cho đến kinh Lạy Cha (Notre Père). 

208. Hiệp lễ là gì?

Là việc rước lễ, để thông phần trọn vẹn vào việc tế lễ, để kết hợp với Đức Giêsu và lãnh nhận ơn lành. Phần này bắt đầu từ kinh Lạy Cha cho đến hết lễ. 

209. Rước lễ được những ơn ích nào?

Thưa, được những ơn ích này: 
a) kết hợp mật thiết với Đức Giêsu và hợp nhất với những anh chị em khác. 
b) xóa bỏ các tội nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa. 
c) thêm sức chống trả các cơn cám dỗ và sửa các tính mê nết xấu. 
d) bảo đảm sự sống đời đời (xem thêm: Gioan 6, 48-58). 

210. Phải làm gì, để việc rước lễ mang lại lợi ích thiêng liêng?

Phải dọn linh hồn và xác. 

211. Phải dọn linh hồn thế nào?

Phải sạch tội trọng và có ý tốt. Phải giục lòng tin, cậy, kính mến, khiêm nhượng và ước ao được rước Chúa vào lòng. 

212. Đang có tội trọng mà cứ rước lễ thì có phạm tội hay không?

Ai biết mình mắc tội trọng mà cố tình rước lễ thì phạm thêm một tội gọi là phạm sự thánh, như lời Thánh Phaolô đã nói: "Ai ăn bánh này hoặc uống chén của Chúa cách bất xứng thì phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa" (1 Côrintô 11, 27). 

213. Phải dọn thân xác thế nào?

Phải giữ chay, nghiã là phải kiêng ăn uống trước khi rước lễ một tiếng đồng hồ. Còn nước lạnh và thuốc chữa bệnh thì không phải kiêng. Ngoài ra, còn phải ăn mặc cho xứng đáng. 

214. Khi lên rước lễ phải giữ thế nào?

Phải đi đứng nghiêm trang. Khi linh mục nói: "Mình Thánh Chúa Kitô" thì thưa "Amen"(*), rồi mới rước lễ.
(*) Amen (tiếng Do Thái) có nghiã là "đúng như thế".

215. Sau khi rước lễ, phải làm gì?

Phải giục lòng tin, thờ lạy và cảm tạ Chúa đang ngự trong lòng, xin Ngài ban cho mọi ơn lành hồn xác, cùng quyết tâm sống thánh thiện, công bằng, bác ái theo tinh thần Tin Mừng. 

216. Mỗi ngày được rước lễ mấy lần?

Mỗi ngày được rước lễ một lần. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp được rước lễ hai lần, như: 
- Khi tham dự 2 Thánh lễ trong cùng một ngày 
- Khi rước lễ như "của ăn đàng" (viatique), nghiã là rước lễ trong giờ hấp hối 
- Khi đã rước lễ đêm Giáng sinh và Phục sinh, mà còn dự lễ ban ngày thì cũng được rước lễ một lần nữa.


 


BÀI THỨ VII
A. BÍ TÍCH HÒA GIẢI

 



217. Bí tích Hòa giải là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu đã lập, để tha những tội mà người ta đã phạm từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy về sau, đồng thời cũng giao hòa giữa người ta với Chúa và với Giáo Hội. 

218. Đức Giêsu đã ban quyền tha tội khi nào?

Sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra, thổi hơi trên các Tông đồ và nói rằng: "Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc" (Gioan 20, 22-23). 

219. Đức Giêsu ban ơn gì cho tôi trong Bí tích Hòa giải?

Trong Bí tích Hòa giải, Đức Giêsu ban những ơn này cho tôi: 
- Tha tội tôi đã phạm và tha cả những hình phạt đời đời, 
- Trả lại hoặc ban thêm ơn thánh hóa cho tôi, 
- Ban sức mạnh giúp tôi sửa mình và tiến tới trên đường nhân đức. 

220. Những ai có quyền ban Bí tích Hòa giải?

Các Giám mục (les évêques) là những người kế vị các Thánh Tông đồ, và những Linh mục đã được Giám mục cho phép, đều có quyền ban Bí tích Hòa giải cho người khác. 

221. Những ai cần lãnh nhận Bí tích Hòa giải?

Ai đã phạm tội nặng (tội trọng) thì đều cần lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Còn ai chỉ phạm tội nhẹ mà lãnh nhận Bí tích này với lòng sốt sắng thì cũng được nhiều ơn ích thiêng liêng. 

222. Tôi phải làm gì, khi muốn lãnh nhận Bí tích Hòa giải?

Tôi phải làm 4 việc này: (1) xét mình (tự kiểm thảo đời sống của mình trong quá khứ), (2) ăn năn tội (thống hối tội lỗi đã phạm) (3) xưng tội, (4) đền tội. 

223. Xét mình là gì?

Là nhớ lại - từ lần xưng tội vừa qua cho đến nay - những tội đã phạm, mỗi tội đã phạm mấy lần và những hoàn cảnh có thể làm cho tội đã phạm trở thành nặng hơn.

224. Ăn năn tội là gì?

Là thật lòng thống hối vì đã phạm tội mất lòng Chúa và dốc lòng không tái phạm nữa. 

225. Có mấy cách ăn năn tội?

Có hai cách: (1) ăn năn tội cách trọn (contrition parfaite: hoàn hảo) và (2) ăn năn tội cách chẳng trọn (contrition imparfaite: bất toàn). 

226. Ăn năn tội cách trọn là gì?

Là ăn năn thống hối vì đã làm mất lòng Chúa là người Cha nhân từ, đáng mến, đã yêu thương tôi, và cũng để đền bù tội lỗi tôi mà Đức Giêsu đã chết trên Thánh giá.

227. Ăn năn tội cách chẳng trọn là gì?

Là ăn năn thống hối vì hổ thẹn, hay vì sợ Chúa phạt đời này và đời sau. 

228. Xưng tội là gì?

Là xưng ra (nói ra) những tội mà mình đã phạm với một linh mục có quyền tha tội. 

229. Phải xưng những tội nào?

Phải xưng hết tất cả những tội trọng (tội nặng) và cả những hoàn cảnh đã làm cho tội đó ra nặng hơn hoặc thêm tội khác. Còn tội nhẹ không buộc phải xưng, nhưng nếu có lòng thống hối mà xưng ra thì được nhiều ơn ích. 

230. Nếu chỉ giấu (không xưng ra, không nói ra cho linh mục giải tội) một tội trọng mà thôi thì có được tha các tội khác không?

Thưa không. Như thế, sẽ không được tha tội nào mà còn phạm thêm một tội nữa gọi là tội phạm sự thánh. Cho nên khi xưng tội lần sau đó, phải xưng tội phạm sự thánh này, phải xưng những tội đã giấu cùng tất cả những tội đã xưng lần trước, dĩ nhiên cũng phải xưng cả những tội trọng mới phạm nữa.

231. Những tội trọng mà tôi quên xưng ra có được tha không?

Thưa cũng được tha. Nhưng khi xưng tội lần sau đó - nếu tôi nhớ lại - thì buộc phải xưng tội ấy ra.

232. Phải xưng tội như thế nào?

Phải xưng cho rõ ràng, đầy đủ và thành thực. 

233. Khi xưng tội, phải có những tâm tình nào?

Phải có lòng khiêm tốn, thống hối và cậy trông vào Chúa là người Cha rất nhân từ, sẵn sàng tha thứ cho con cái, khi con cái thực lòng ăn năn. 

234. Đền tội là gì?

Là làm những việc mà linh mục đã giải tội cho mình bảo mình phải làm, để tạ lỗi cùng Thiên Chúa và đền bù những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người khác. 

235. Ngoài những việc linh mục giải tội bảo làm, tôi còn có cách nào để đền tội nữa không?

Tôi còn có thể hy sinh hãm mình, làm việc thiện và lãnh nhận các ân xá. 

236. Ân xá là gì?

Là ơn Giáo Hội ban - nhờ công nghiệp của Đức Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh - để tha những hình phạt mà một người phải chịu, dù tội lỗi của người ấy đã được tha. 

237. Có mấy thứ ân xá?

Có hai thứ: (1) ơn đại xá và (2) ơn tiểu xá. Ơn đại xá thì tha hết mọi hình phạt, còn tiểu xá chỉ tha một phần hình phạt mà thôi. 

238. Muốn lãnh nhận ân xá, phải có những điều kiện nào?

Phải có 3 điều kiện này: 
1. Sạch (không còn) các tội trọng, 
2. Có ý hướng muốn lãnh nhận ân xá, 
3. Làm theo những việc Giáo Hội dạy phải làm.


 


BÀI THỨ VII
A. BÍ TÍCH HÒA GIẢI

 



217. Bí tích Hòa giải là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu đã lập, để tha những tội mà người ta đã phạm từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy về sau, đồng thời cũng giao hòa giữa người ta với Chúa và với Giáo Hội. 

218. Đức Giêsu đã ban quyền tha tội khi nào?

Sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra, thổi hơi trên các Tông đồ và nói rằng: "Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc" (Gioan 20, 22-23). 

219. Đức Giêsu ban ơn gì cho tôi trong Bí tích Hòa giải?

Trong Bí tích Hòa giải, Đức Giêsu ban những ơn này cho tôi: 
- Tha tội tôi đã phạm và tha cả những hình phạt đời đời, 
- Trả lại hoặc ban thêm ơn thánh hóa cho tôi, 
- Ban sức mạnh giúp tôi sửa mình và tiến tới trên đường nhân đức. 

220. Những ai có quyền ban Bí tích Hòa giải?

Các Giám mục (les évêques) là những người kế vị các Thánh Tông đồ, và những Linh mục đã được Giám mục cho phép, đều có quyền ban Bí tích Hòa giải cho người khác. 

221. Những ai cần lãnh nhận Bí tích Hòa giải?

Ai đã phạm tội nặng (tội trọng) thì đều cần lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Còn ai chỉ phạm tội nhẹ mà lãnh nhận Bí tích này với lòng sốt sắng thì cũng được nhiều ơn ích thiêng liêng. 

222. Tôi phải làm gì, khi muốn lãnh nhận Bí tích Hòa giải?

Tôi phải làm 4 việc này: (1) xét mình (tự kiểm thảo đời sống của mình trong quá khứ), (2) ăn năn tội (thống hối tội lỗi đã phạm) (3) xưng tội, (4) đền tội. 

223. Xét mình là gì?

Là nhớ lại - từ lần xưng tội vừa qua cho đến nay - những tội đã phạm, mỗi tội đã phạm mấy lần và những hoàn cảnh có thể làm cho tội đã phạm trở thành nặng hơn.

224. Ăn năn tội là gì?

Là thật lòng thống hối vì đã phạm tội mất lòng Chúa và dốc lòng không tái phạm nữa. 

225. Có mấy cách ăn năn tội?

Có hai cách: (1) ăn năn tội cách trọn (contrition parfaite: hoàn hảo) và (2) ăn năn tội cách chẳng trọn (contrition imparfaite: bất toàn). 

226. Ăn năn tội cách trọn là gì?

Là ăn năn thống hối vì đã làm mất lòng Chúa là người Cha nhân từ, đáng mến, đã yêu thương tôi, và cũng để đền bù tội lỗi tôi mà Đức Giêsu đã chết trên Thánh giá.

227. Ăn năn tội cách chẳng trọn là gì?

Là ăn năn thống hối vì hổ thẹn, hay vì sợ Chúa phạt đời này và đời sau. 

228. Xưng tội là gì?

Là xưng ra (nói ra) những tội mà mình đã phạm với một linh mục có quyền tha tội. 

229. Phải xưng những tội nào?

Phải xưng hết tất cả những tội trọng (tội nặng) và cả những hoàn cảnh đã làm cho tội đó ra nặng hơn hoặc thêm tội khác. Còn tội nhẹ không buộc phải xưng, nhưng nếu có lòng thống hối mà xưng ra thì được nhiều ơn ích. 

230. Nếu chỉ giấu (không xưng ra, không nói ra cho linh mục giải tội) một tội trọng mà thôi thì có được tha các tội khác không?

Thưa không. Như thế, sẽ không được tha tội nào mà còn phạm thêm một tội nữa gọi là tội phạm sự thánh. Cho nên khi xưng tội lần sau đó, phải xưng tội phạm sự thánh này, phải xưng những tội đã giấu cùng tất cả những tội đã xưng lần trước, dĩ nhiên cũng phải xưng cả những tội trọng mới phạm nữa.

231. Những tội trọng mà tôi quên xưng ra có được tha không?

Thưa cũng được tha. Nhưng khi xưng tội lần sau đó - nếu tôi nhớ lại - thì buộc phải xưng tội ấy ra.

232. Phải xưng tội như thế nào?

Phải xưng cho rõ ràng, đầy đủ và thành thực. 

233. Khi xưng tội, phải có những tâm tình nào?

Phải có lòng khiêm tốn, thống hối và cậy trông vào Chúa là người Cha rất nhân từ, sẵn sàng tha thứ cho con cái, khi con cái thực lòng ăn năn. 

234. Đền tội là gì?

Là làm những việc mà linh mục đã giải tội cho mình bảo mình phải làm, để tạ lỗi cùng Thiên Chúa và đền bù những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người khác. 

235. Ngoài những việc linh mục giải tội bảo làm, tôi còn có cách nào để đền tội nữa không?

Tôi còn có thể hy sinh hãm mình, làm việc thiện và lãnh nhận các ân xá. 

236. Ân xá là gì?
Là ơn Giáo Hội ban - nhờ công nghiệp của Đức Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh - để tha những hình phạt mà một người phải chịu, dù tội lỗi của người ấy đã được tha. 

237. Có mấy thứ ân xá?

Có hai thứ: (1) ơn đại xá và (2) ơn tiểu xá. Ơn đại xá thì tha hết mọi hình phạt, còn tiểu xá chỉ tha một phần hình phạt mà thôi. 

238. Muốn lãnh nhận ân xá, phải có những điều kiện nào?

Phải có 3 điều kiện này: 
1. Sạch (không còn) các tội trọng, 
2. Có ý hướng muốn lãnh nhận ân xá, 
3. Làm theo những việc Giáo Hội dạy phải làm.


 


B. CÁCH THỨC XƯNG TỘI


239. Để chuẩn bị xưng tội, tôi nên làm những việc gì?

Tôi nên làm những việc này: 
1. Giục lòng tin, cậy, mến. 
2. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi nhận ra những tội đã phạm và giúp
tôi thực lòng thống hối ăn năn. 
3. Cầu cùng Đức Mẹ và các Thánh giúp tôi xưng tội cho nên. 

240. Có cách nào giúp tôi dễ xét mình hay không?

Có hai cách: 
1. Xét theo mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh và bảy mối tội đầu (xin xem tài liệu đọc thêm *, ở cuối bài này), hoặc là 
2. Xét theo việc bổn phận đối với Chúa, đối với chính mình và đối với người khác. 

241. Có cách nào giúp tôi dễ ăn năn tội không?

Có ba cách này: 
1. Nhớ tới Chúa là Cha rất nhân từ, luôn yêu thương và ban mọi ơn lành cho tôi, mà tôi lại phạm tội xúc phạm tới Ngài. 
2. Nhớ tới Đức Giêsu đã chịu đau khổ và chịu chết trên Thánh giá vì tội lỗi nhân loại. 
3. Nhớ rằng tội lỗi làm cho tôi mất hạnh phúc Thiên đàng và bị phạt đời đời. 

242. Khi vào tòa xưng tội (confessionnal), tôi phải làm gì?

Tôi có thể nói với linh mục những lời mở đầu đại khái như sau: "Thưa cha, con là kẻ có tội, xin cha ban phép lành cho con. Con xưng tội đã được... (mấy tuần, mấy tháng, mấy năm). Lần trước con đã lãnh nhận Bí tích Hòa giải và đã làm việc đền tội rồi (nếu đã nhớ làm xong việc đền tội mà linh mục trước đã bảo)." 
Sau đó, bắt đầu xưng ra những tội mà tôi nhớ được và muốn xưng. 
Và để kết thúc, tôi có thể nói những lời đại khái như sau: "Thưa cha, đó là những tội mà con nhớ được. Còn các tội không nhớ được, con cũng muốn xưng hết. Xin cha ban phép giải tội cho con."
Lưu ý: Nên đọc kinh Cáo Mình, trước khi vào tòa xưng tội (xin xem tài liệu đọc thêm **, ở cuối bài này)

243. Khi xưng tội xong, tôi phải làm gì?

Phải lắng tai nghe lời linh mục khuyên bảo và đề nghị việc đền tội với tôi. Rồi đọc thầm kinh ăn năn tội (xin xem tài liệu đọc thêm ***, ở cuối bài này) cho sốt sắng, để lãnh ơn tha thội. 

244. Khi ra khỏi tòa giải tội, tôi phải làm gì?

Tôi phải cám ơn Chúa đã thương tha thứ tội lỗi cho tôi. Cầu xin Ngài ban ơn giúp tôi sửa mình. Và nếu có thể, thì làm việc đền tội ngay (việc mà linh mục giải tội đã đề nghị với tôi). 


 * KINH MƯỜI ĐIỀU RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI

Đạo Đức Chúa Trời có 10 điều răn: 
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. 
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. 
Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật. 
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ. 
Thứ năm: Chớ giết người. 
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục. 
Thứ bảy: Chớ lấy của người. 
Thứ tám: Chớ làm chứng dối. 
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người. 
Thứ mười: Chớ tham của người. 
Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến Đức Chúa Trời trên
hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen. 


KINH SÁU ĐIỀU RĂN HỘI THÁNH


Hội Thánh có 6 điều răn: 
Thứ nhất: Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc (chú thích: lễ lớn, lễ trọng).
Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc. 
Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần. 
Thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh. 
Thứ năm: Giữ chay (chú thích: ăn chay) những ngày Hội Thánh buộc (chú thích: ngày Thứ Tư Lễ Tro (Mercredi des Cendres) và ngày Thứ sáu Tuần Thánh (Vendredi Saint). 
Thứ sáu: Kiêng thịt ngày Thứ Sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dạy (có hai ngày như chú thích ở điều thứ năm, trên).


KINH BẢY MỐI TỘI ĐẦU


Cải tội 7 mối có 7 đức: 
Thứ nhất: khiêm nhường chớ kêu ngạo. 
Thứ hai: rộng rãi chớ hà tiện. 
Thứ ba: giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục. 
Thứ bốn: hay nhịn chớ hờn giận. 
Thứ năm: kiêng bớt chớ mê ăn uống. 
Thứ sáu: yêu người chớ ghen ghét. 
Thứ bảy: siêng năng việc Đức Cháu Trời chớ làm biếng. 


** KINH CÁO MÌNH (kinh mới)
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em: Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên thần, các Thánh và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.


*** KINH ĂN NĂN TỘI

Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con; mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghiã cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.



 


 


BÀI THỨ VIII 
BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

 



245. Bí tích Xức dầu là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu đã lập, để giúp đỡ bệnh nhân về phần hồn và về phần xác. 

246. Bí tích Xức dầu giúp đỡ phần hồn bệnh nhân thế nào?

Bí tích Xức dầu tẩy sạch dấu vết tội lỗi, tha các tội quên sót hay những tội vì cơn bệnh mà xưng chẳng được. Nhất là ban ơn thêm sức chống trả những cơn cám dỗ, vui lòng chịu đau khổ và giúp bệnh nhân dọn mình chết lành. 

247. Bí tích Xức dầu giúp đỡ phần xác bệnh nhân thế nào?

Bí tích Xức dầu giúp bệnh nhân bớt đau đớn hoặc vơi đi những đau khổ, hoặc làm cho bệnh nhân được khỏe mạnh lại, nếu Chúa xét việc ấy có ích lợi cho linh hồn người đó. 

248. Ai có quyền ban Bí tích Xức dầu?

Các giám mục và các linh mục là những người có quyền ban Bí tích ấy cho người khác. 

249. Giám mục và linh mục xức dầu bệnh nhân thế nào?

Các ngài lấy dầu thánh, ghi hình Thánh giá trên trán bệnh nhân mà nói: "Bằng việc xức dầu thánh này, xin Chúa nhân từ cứu chữa con (...), nhờ ơn Chúa Thánh Thần." Sau đó, lại xức dầu trên hai bàn tay người đó mà nói: "Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa và làm cho bệnh tật con (...) được thuyên giảm. Amen." 

250. Ai cần lãnh nhận Bí tích Xức dầu?

Mọi tín hữu đã đến tuổi khôn lớn, khi thấy mình kiệt sức hoặc đau nặng, thì cần lãnh nhận Bí tích Xức dầu, không nên trì hoãn. 

251. Muốn lãnh nhận Bí tích Xức dầu xứng đáng, cần những điều kiện gì?

Phải sạch tội trọng (tội nặng). Nếu vì bệnh tật mà không thể xưng tội được thì phải có lòng ăn năn tội, ít là ăn năn tội cách chẳng trọn (contrition imparfaite). 

252. Có thể lãnh Bí tích Xức dầu mấy lần?

Mỗi khi bị bệnh nặng thì được lãnh nhận Bí tích Xức dầu một lần. 

253. Người coi sóc bệnh nhân phải làm gì?

Phải an ủi, khuyên bảo bệnh nhân vui lòng chịu đau đớn để thông phần đau khổ với Đức Giêsu. Và khi thấy bệnh họ nặng thêm thì giúp họ dọn mình lãnh các Bí tích (Hòa giải, Xức dầu, Thánh Thể) rồi báo tin cho linh mục hữu trách.


 



BÀI THỨ IX
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH


254. Bí tích Truyền chức Thánh là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu đã lập, để thông quyền Linh mục của Ngài cho những người được chọn, cùng ban ơn cho họ ăn ở xứng đáng, chu toàn chức vụ mình trong việc cứu rỗi loài người. 

255. Đức Giêsu đã thông quyền Linh mục của Ngài cho Giáo Hội khi nào?

Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu nói rằng: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19). Đó là lúc Đức Giêsu đã trao quyền tế lễ cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài. 

256. Trong Bí tích Truyền chức Thánh, Đức Giêsu trao cho linh mục những quyền gì?

Đức Giêsu đã trao cho linh mục quyền dâng Thánh lễ, quyền ban các Bí tích để phân phát ân sủng của Chúa, quyền rao giảng Lời Chúa, và quyền chúc lành cho người khác. 

257. Ai có quyền ban Bí tích Truyền chức Thánh?

Chỉ có các giám mục mới có quyền ban Bí tích đó mà thôi, vì các ngài đã nhận quyền ấy nơi các Thánh Tông đồ. 

258. Ai được lãnh nhận Bí tích Truyền chức Thánh?

Những tín hữu được Chúa kêu gọi, có đủ điều kiện theo giáo luật, và được các bậc bề trên chọn vào chức vụ ấy. 

259. Người tín hữu có bổn phận gì với các linh mục?

Người tín hữu có bổn phận cầu nguyện cho các linh mục, phải tôn kính, vâng lời trong các điều hợp lẽ đạo, phải cộng tác trong việc bảo vệ và mở rộng Nước Chúa, sau hết cũng phải nâng đỡ các linh mục về tinh thần và vật chất.

 


 



BÀI THỨ X
BÍ TÍCH HÔN PHỐI


260. Bí tích Hôn phối là gì?

Là Bí tích Đức Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu - một nam, một nữ - thành vợ chồng trước mặt Chúa và Giáo Hội, cùng ban ơn cho họ sống xứng đáng trong chức vụ của mình. 

261. Đức Giêsu ban những ơn gì trong Bí tích Hôn Phối?

Ngài ban nhiều ơn đặc biệt, để thánh hóa đời sống vợ chồng, cùng giúp họ chu toàn nghiã vụ đối với bạn (chồng/ vợ) mình và con cái của mình. 

262. Nghiã vụ vợ chồng là gì?

Nghiã vụ vợ chồng là phải trung thành, thương yêu, giúp đỡ nhau phần hồn phần xác, sinh sản con cái và giáo dục chúng theo lề luật Chúa. 

263. Đức Giêsu dạy gì về Bí tích Hôn Phối?

Đức Giêsu dạy phải giữ một vợ một chồng, không được bỏ nhau, và phải sống hòa thuận với nhau cho đến chết, như lời Ngài đã nói: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 6). 

264. Để thành Bí tích Hôn Phối, phải có những điều kiện nào?

Phải có 3 điều kiện này: 
1) giữa hai người không có ngăn trở gì, 
2) hai người hiểu biết và tự ý ưng thuận việc hôn nhân, 
3) hai người công bố bằng lòng lấy nhau theo nghi thức của Giáo Hội. 

265. Những người không Công giáo lấy nhau có thành vợ chồng trước mặt Chúa hay không

Thưa, có. Họ là vợ chồng với nhau trước mặt Chúa, nhưng hôn nhân của họ không phải là Bí tích.

266. Tôi phải làm gì, khi sắp lấy vợ hoặc lấy chồng?

Phải cầu nguyện, suy nghĩ, bàn hỏi với những người khôn ngoan, phải học thêm giáo lý, nhất là về Bí tích Hôn Phối, và phải giữ trong sạch. 

267. Cha mẹ có quyền ép duyên con cái mình không?

Thưa, không. Nhưng có bổn phận giáo dục và hướng dẫn con cái mình trong việc hôn nhân. 

268. Bậc hôn nhân Công giáo có quan trọng không?

Thưa, rất quan trọng vì 2 lý do sau đây: 
1) Tình yêu giữa vợ chồng là hình ảnh tình yêu của Đức Giêsu đối với Giáo Hội. 
2) Hai người cộng tác với Chúa trong việc sáng tạo là sinh sản con cái, thêm số người thờ thượng Chúa đời này và đời sau.

 


 



BÀI THỨ XI
ƠN THIÊN TRIỆU


269. Chúa có muốn cho hết mọi người tín hữu sống trong bậc vợ chồng không?

Chúa không muốn cho hết mọi người tín hữu sống trong bậc vợ chồng, vì Ngài còn kêu gọi nhiều người dâng mình cho Ngài trong đời sống tu trì, để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. 

270. Ơn thiên triệu là gì?

Ơn thiên triệu là ý Chúa muốn cho mỗi người sống trong một địa vị nào đó. Nhưng theo nghiã thông thường thì ơn thiên triệu là tiếng Chúa gọi một số người dâng mình cho Chúa trong đời sống tu dòng hoặc trong hàng giáo sĩ triều (sécularité). 

271. Nhờ đâu mà biết mình có ơn thiên triệu?

Nhờ 3 dấu này: (1) có ý hướng ngay lành, (2) có đủ điều kiện, (3) được Bề trên chấp thuận. 

272. Người muốn dâng mình cho Chúa phải làm gì?

Phải cầu nguyện, suy nghĩ, nhờ người khôn ngoan chỉ dẫn và sẵn sàng đáp lại lời Chúa kêu gọi mình. 

273. Người dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì thường khấn giữ những điều gì?

Thưa, 3 điều này: (1) sống nghèo khó, (2) sống trong sạch, (3) sống vâng lời. 

274. Cha mẹ có quyền ngăn cản hoặc ép buộc con cái dâng mình cho Chúa không?

Thưa không, vì như vậy là trái ý Chúa và lỗi luật Giáo Hội. Nhưng khi thấy con mình muốn dâng mình cho Chúa, cha mẹ hãy hy sinh giúp đỡ và sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa về con cái mình.

275. Bậc vợ chồng và bậc tu trì, trong hai bậc đó bậc nào trọng hơn?

Bậc tu trì trọng hơn, vì người đi tu dâng hiến trọn đời mình để chuyên lo việc Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại.

 


 



BÀI THỨ XII
PHỤ TÍCH
(hay còn gọi là Á Bí tích)



276. Phụ tích là gì?

Là những dấu chỉ bề ngoài do Giáo Hội lập ra, nhờ đó người tín hữu chuẩn bị chu đáo, nhận được nhiều ơn Chúa giúp do lời Giáo Hội cầu xin. 

277. Có mấy loại phụ tích?

Có 3 loại phụ tích: 
(1) Những lễ nghi làm phép người và đồ dùng. 
(2) Những lễ nghi cung hiến người và những dụng cụ dành riêng cho việc thờ phượng. 
(3) Những lễ nghi trừ khử ma quỷ. 

278. Giáo Hội có ý gì khi lập ra các Phụ tích?

Giáo Hội muốn cho người tín hữu hiểu rằng: Ơn cứu độ có thể khử trừ ảnh hưởng xấu xa của ma quỷ, và làm cho mọi vật trở nên phương tiện lành thánh giúp chúng ta kết hợp được với Chúa.

279. Đối với các Phụ tích, tôi phải có tâm tình nào?

Tôi phải có lòng tôn kính và tin tưởng, nhưng cần tránh sự mê tín dị đoan.





Liên kết:





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net