About Me

Chúa nhật 27 Thường niên (A)

Thiên Chúa Không Bỏ Rơi Dù Chúng Ta Sai Lỗi


Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43


Lm. Jude Siciliano, O.P.



Kính thưa quý vị,


Ngày càng có nhiều tiểu bang trồng nho. Trước đây, những tiểu bang sản xuất rượu nho chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nay, khi rảo quanh nước Mỹ, tôi thấy các bảng hiệu trên đường cao tốc có nhiều biển quảng cáo các chuyến tham quan vườn nho và thưởng thức rượu nho ở các tiểu bang mà tôi chưa bao giờ biết tới. Với số vườn nho gia tăng và những cơ hội tham quan, tận mắt được xem chế biến rượu nho, nhiều người chúng ta đã biết nhiều về việc trồng nho, thu hoạch và chế biến rượu nho.


Điều chúng ta có thể biết được qua những chuyến tham quan này là dù được trang bị những nông cụ hiện đại, việc trồng và thu hoạch nho để chế rượu vẫn cần rất nhiều thời gian, sức lực và tiền của. Ngày nay còn như thế huống hồ gì là thời xưa. Bài đọc trong sách ngôn sứ Isaia cho thấy đôi nét về việc trồng trọt và chăm sóc vườn nho.


Ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết bạn ông chăm sóc vườn nho trên sườn đồi của mình ra sao. (Vườn nho trồng trên sườn đồi hẳn phải mất công chăm sóc kỹ hơn). Đầu tiên, người bạn của ông cuốc đất, nhặt đá và trồng giống nho quý. Hẳn nhiên, ông đã mong ước có rượu nho để cùng cung vui với gia đình và bạn bè. (Những người làm vườn nho nói họ có thể nếm được vị rượu ngay cả trước khi họ ép nho). Ông xây một vọng gác để canh chừng thú vật và kẻ xấu xâm nhập. Sau mọi nỗ lực, thử tượng tượng ông kinh ngạc ra sao khi mùa màng thất bát, tất cả ông thu được chỉ là “nho dại”.


Như Isaia, các tác giả Kinh thánh khám phá ra trong vườn nho một ẩn dụ thích hợp để diễn tả mối tương quan của Thiên Chúa với dân Isarael. Ngôn sứ Isaia và Đức Giêsu đã dùng hình ảnh vườn nho như một cách so sánh tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhưng chính chúng ta lại không đón nhận và đáp trả. Dụ ngôn của Đức Giêsu lặp lại của Isaia, nhưng có khác, ông chủ vườn nho chỉ tiêu diệt các tá điền, còn vườn nho thì giao cho những những tá điền khác canh tác.


Mẹ tôi chẳng bao giờ thực sự thích câu chuyện Maria và Matta trong Tin mừng Luca và, nếu đưa câu chuyện đó cho bà, bà sẽ cắt vụn nó ra. Bà rất đồng cảm với cô Matta, và cho rằng nghĩ đến việc cô Maria đang ngồi dưới chân Đức Giêsu để lắng nghe Người trong khi chị của cô phải tất tả làm mọi việc cần thiết để tiếp đãi khách, thì thấy cô thật lười biếng và thiếu quan tâm làm sao.


Dù chúng ta có yêu mến Kinh thánh đến thế nào, tôi chắc rằng có những đoạn chúng ta sẽ không thích, vì thấy nó phi thực tế hoặc thậm chí còn ngớ ngẩn nữa. Thực vậy, nếu đưa cho chúng ta câu chuyện ấy, chúng ta sẽ cắt bỏ hay chỉnh sửa cho hợp lý. Một người bạn có thể hỏi: “Anh có thực sự tin điều đó không?” Không cần mất nhiều thời gian để tìm ra các đoạn này. Những lời dạy của Đức Giêsu như hãy yêu thương kẻ thù, đưa má bên kia ra, tha thứ bảy mươi lần bảy thì sao? Nếu có thể, liệu chúng ta có bỏ ngay những đoạn này, hay ít ra là làm cho chúng “thực” hơn không? Hẳn rằng, khi đó bài đọc và bài Tin mừng sẽ bớt rối rắm!


Có lẽ đoạn Kinh thánh hôm nay là một trong số đó, chúng ta chọn, nhưng sẽ sắp xếp lại. Nếu là nhà biên soạn tôi sẽ cắt bỏ phần giữa của dụ ngôn. Tôi sẽ bỏ phần ngay sau khi các đầy tớ đầu tiên được sai tới để thu hoa lợi, bị bắt và bị giết. Tiếp đến, tôi sẽ đi thẳng đến phần Đức Giêsu hỏi: “Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”


Chắc chắn tôi sẽ giữ lại câu trả lời mà các nhà lãnh đạo tôn giáo trả lời Đức Giêsu cách rất hợp lý: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa họ nộp hoa lợi cho ông”. Nếu là nhà biên sạon tôi sẽ đề nghị với Đức Giêsu cắt bỏ câu sau: “Ông lại sai một số đầy tớ khác đến”. Và chắc chắn tôi cũng sẽ nói Người bỏ đi câu: “Sau cùng, ông sai con mình đến gặp chúng”. Tại sao tôi lại có ý như thế? Chẳng lẽ những hành động của ông chủ không gợi ra điều gì cho đầu óc thực tế, nhạy cảm của chúng ta sao? Có cha mẹ nào lại đẩy con mình vào tình trạng đầy hiểm nguy không? Chẳng phải câu chuyện sẽ khó được người ta hiểu và chấp nhận nếu nó chứa đựng những chi tiết không như mong đợi và thiếu thực tế sao? Vì trẻ con thường nói: “Đừng có mơ!”


Nếu tách những phần này khỏi câu chuyện, chúng ta sẽ được một câu chuyện dễ hiểu và thực tế, hợp với cách thức hành động của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ đánh mất Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đang muốn nhắm đến, dù cho bị khước từ ngay lần đầu, nhưng cũng không bỏ chúng ta, nhưng tiếp tục trở lại để mời gọi chúng ta. Đây chính là Thiên Chúa, Đấng không ngừng mời gọi chúng ta hãy sống trung thành hơn trong khu vực cụ thể của vườn nho, nơi mà chúng ta được mời gọi để sống và canh tác.


Chúng ta biết rằng khi Đức Giêsu kể câu chuyện về vườn nho, Người không đề cập đến nho và nông vụ. Nhưng thực  ra, Người cũng có chút hàm ý. Dụ ngôn này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sinh trái của chúng ta trong vườn nho. Đức Giêsu đang có ý nói đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta, công việc chúng ta sống những ngày sống của mình - ở trường, nơi công sở, văn phòng, siêu thị, sân chơi, trên máy tính…. Những hoạt động này, đặc biệt nơi công sở, tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực của chúng ta. Đức Giêsu đề nghị rằng chính những nơi chúng ta dành nhiều tâm huyết và sức lực, chúng ta hãy sống theo luật của Người. Ở đó, mọi hoạt động của chúng ta phải theo những chỉ dẫn mà Người đã dạy: giá trị, phẩm giá của con người và thái độ, tầm quan trọng của công việc. Sẽ chẳng có thu hoạch và rượu vang để chúc mừng nếu thiếu đi những công nhân trung thực và tận tuỵ.


Chúng ta cùng tuyên xưng niềm tin của mình tại đây vào mỗi Chúa Nhật. Nhưng ai trong chúng ta không thể thừa nhận: “Tôi có thể làm cho Chúa hơn nữa?” Hay “Những hành động của tôi có thể phù hợp hơn với niềm tin mà tôi đã tuyên xưng trong thánh đường”. Vâng, tất cả chúng ta đều thất bại. Đó chẳng phải là lý do tại sao mỗi Thánh lễ diễn tả khát mong được xót thương của chúng ta đó sao?


Nếu có cơ hội để biên soạn lại bản văn Kinh thánh, tốt hơn chúng ta cứ hãy giữ nguyên câu chuyện theo cách Đức Giêsu muốn dạy. Mỗi chúng ta cần phần giữa của câu chuyện - phần về các đầy tớ được sai thêm đến với các tá điền bất trung trong vườn nho. Đặc biệt, chúng ta cần giữ lại phần về người con được sai đến với chúng, vì nó là nhắc nhớ rằng Thiên Chúa luôn sẵn lòng đến với chúng ta trong khu vực cụ thể trong vườn nho, nơi Người đã trao cho chúng ta chăm sóc. Chúng ta cần lắng nghe về Thiên Chúa mà Đức Giêsu đang bày tỏ cho chúng ta. Thiên Chúa không từ bỏ chúng ta ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng mạo hiểm nhìn vào những điều ngớ ngẩn trong con mắt của chúng ta; sẵn sàng trở lại với chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa không suy giảm dù cho chúng ta có khước từ Người hay sống đức tin thờ ơ lãnh đạm.


Hết Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác, chúng ta đến đây bởi vì muốn cuộc sống của mình được phản tỉnh từ những câu chuyện Tin mừng chúng ta được nghe. Chúng ta không biết ơn khi chúng ta được trao cho hết cơ hội này đến cơ hội khác, để đổi mới quyết tâm cho tuần tới, để được trở thành những thành viên mang lại nhiều hoa trái hơn trong gia đình của Thiên Chúa hay sao? Trên hết, chẳng lẽ chúng ta không cảm kích vì Thiên Chúa nhìn vào lòng ta và biết rằng chúng ta muốn sống một cuộc đời tốt hơn và tin tưởng hơn đó sao? Vì thế, Thiên Chúa gửi Con của Người đến với chúng ta trong Thánh Lễ này để nuôi dưỡng chúng ta và cho chúng ta thêm một cơ hội nữa để đáp trả tình yêu của Chúa.


Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.






Đức Tin Cần Được Huấn Luyện


28/08/2011


Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27




Các môn đệ cũng như toàn thể dân Do-thái mong chờ ngày giải phóng dân tộc, mong đợi theo cách của mình. Thế nhưng Đức Giê-su lại quan niệm ơn cứu độ theo cách khác. Ngay sau khi ông Phê-rô tuyên tín tại Xê-da-rê Phi-líp, được Đức Giê-su khen là có phúc, thì lại bị Người quở trách là ngăn cản đường lối của Người. Dẫu niềm tin của các môn đệ đã tiến triển, nhưng các ông cần tiến xa thêm nữa. Nhờ đó, các ông có thể nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong công trình cứu độ.


Một sự thật chẳng ai muốn nghe


Đã có lần Đức Giê-su đề cập đến chuyện việc chàng rể bị mang đi khỏi họ (xc. Mt 9,15), về Con Người ở trong lòng đất ba ngày đêm (xc. Mt 12,40). Nhưng các môn đệ chẳng ai hiểu được những lời nói ấy. Đây là lần đầu tiên trong Tin mừng Mát-thêu, Đức Giê-su tiên báo rõ về cuộc thương khó của Người. Người biết rằng sẽ phải chếttại sao phải chết, và cách thức Người sẽ chết. Người nhận thấy mọi chuyện “phải” ứng nghiệm theo kế hoạch cứu độ nhân loại. Hạn từ “đau khổ, thương khó” dùng chỗ này không đơn thuần chỉ là sự “chết”, nhưng nó bao hàm nhiều chiều kích khác như sự bắt bớ, chối từ của người Do-thái (xc. Tv 118,22; Is 53).


Đá tảng chặn đường


Trong Chúa nhật trước chúng ta vừa được nghe Đức Giê-su thay tên đổi họ cho ông Phê-rô. Kể từ đây ông trở thành đá tảng để Người xây dựng Hội thánh. Nhưng ngay trong chỗ này, tức là liền sau đó, ông bị Đức Giê-su coi như là “đá tảng chặn đường” (vì từ “Xa-tan” có nghĩa là cản lối, cản trở, chặn đường). Thực ra, mối bận tâm của ông Phê-rô mang thuần theo nghĩa trần tục. Giáo hội vẫn còn đó những trở ngại đến từ những tín hữu vẫn tuyên xưng lòng tin vào Đức Giê-su, nhưng lại suy nghĩ và hành xử theo thói đời. Vì thế trong mọi thời, họ trở thành Xa-tan hay kẻ cản trở đường lối Thiên Chúa.


Qua câu chuyện này ta nhận thấy, đó chỉ là phản ứng rất tự nhiên của ông Phê-rô. Ông tôn kính Đức Giê-su, và cảm thấy đau xót khi nghe biết Thầy sẽ bị từ chối từ và bị giết. Phê-rô đã từ bỏ mọi sự để đi theo Thầy. Ông đã cảm nghiệm được sự vững tâm khi ở bên Thầy. Lời đề nghị của ông xuất phát từ tấm lòng chân thành và giản dị. Chỉ tình yêu không thôi thì không đủ, vì nếu tình yêu mà không có sự hiểu biết sẽ dễ đưa người ta vào con đường lầm lạc (xc. Pl 1,9). Các môn đệ cần được học biết nhiều hơn nữa để có thể vững tin vào Đức Ki-tô và vững bước trên hành trình làm môn đệ.


Tiến bước trong hành trình làm môn đệ


Khi nói đến tương quan “thầy trò” giữa Đức Giê-su và các môn đệ, tác giả Mát-thêu đã gợi ra cho ta những chiều kích của mối tương quan ấy. “Đi theo” trước hết không hàm ý việc trò chọn Thầy, nhưng chính Đức Giê-su đã chọn các môn đệ (x. Mt 4,22). Kế đến, các môn đệ không phải đi theo để dự thính, nhưng là để cộng tác, làm chứng cho Nước Thiên Chúa và xây dựng vương quốc của Người (x. Mt 10,1-27). Cụ thể, “đi theo” trước hết là vác thập giá theo Người, chấp nhận mọi nỗi gian lao vất vả hàng ngày.


Quả thực, các môn đệ không ngừng được Đức Giê-su huấn luyện để có thể theo Chúa với niềm tin vững chắc. Nói cách khác, sống niềm tin vững chắc vào Đức Giêsu chính là “vác thập giá đi theo bước theo Người mỗi ngày”. Thực ra, đi theo Đức Giê-su, nghĩa là theo vết chân Người, chứ không phải đi trước cản đường, và nhất là cùng đi trên một con đường với Thầy.


Học Viện Đaminh


(Tập san Chia sẻ số 2.2011)






Từ Bỏ Chính Mình Và Vác Thập Giá




Theo lẽ thường, ai cũng muốn đi theo làm môn đệ của người có uy quyền, địa vị để được chia sẻ vinh quang, danh dự với người đó, nhưng đi theo một Con Người bị chối bỏ, bị đóng đinh vào Thập giá, phải chịu hy sinh từ bỏ cả mạng sống mình nữa, thì chẳng mấy người trung thành cho đến cùng.


Các môn đệ theo Đức Giêsu vì hy vọng Người sẽ làm Vua cai trị Israel và họ sẽ nhận được một địa vị trong vương quốc của Người. Tuy nhiên, Người không úp mở, nhưng đã nói thẳng về số phận của Người là: sẽ chịu nhiều đau khổ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Người cũng không hứa cho họ được hạnh phúc đời này, nhưng lại đưa ra những điều kiện để làm môn đệ Người: từ bỏ chính mình và vác Thập giá mình. Hơn nữa, Người còn có những tuyên bố xem ra nghịch lý: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy.


Đức Giêsu muốn cho các môn đệ Người “được phần thưởng”, chẳng phải phần thưởng chóng qua ở đời này, nhưng là phần thưởng vĩnh cửu khi Người ngự đến trong vinh quang. Cách chắc chắn nhất để giành được phần thưởng đó là “theo Người”. “Theo Người” là bước đi trên con đường Người đã đi. Con đường ấy là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình.


Hôm nay, để bước theo Đức Giêsu làm môn đệ, chúng ta cũng phải chấp nhận các điều kiện Người đã trao ban. Đó là chúng ta phải từ bỏ cái tôi, tính ích kỷ, tính kiêu căng, lòng ham mê của cải thế gian… là những thứ vốn ngăn cản bước chân chúng ta bước theo Người. Mặt khác, chúng ta phải chấp nhận vác thập giá mình. Thập giá chính là những bổn phận, trách nhiệm của cuộc đời. Thập giá có khi là sự đau khổ xác hồn, nhưng lại là một phương thế rèn luyện đức tin giúp chúng ta nên thánh.


Chính Đức Giêsu không bao giờ lý giải về nguồn gốc của đau khổ, nhưng Người đón lấy đau khổ và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Người đã biến thập giá - dấu hiệu của sự xỉ nhục, đau khổ và chết chóc - thành biểu tượng tình yêu.  Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá Đức Giêsu mà thái độ đối với đau khổ của chúng ta có ý nghĩa. Chúng ta có thể trốn chạy đau khổ, có thể cả đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng chính chúng ta cũng có thể thông phần đau khổ với Đức Giêsu và biến đau khổ thành một hành động yêu thương. Đó là thái độ của tất cả những ai muốn theo Đức Giêsu làm môn đệ.


Là những môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta cùng nhau tạ ơn Người vì Người đã để lại cho chúng ta một con đường, con đường xem ra chẳng mấy hấp dẫn dưới con mắt người đời, nhưng là con đường để chúng ta giữ gìn được mạng sống và được phần thưởng không bao giờ hư mất. Mẹ Maria, các thánh Tông đồ, các thánh Tử đạo và toàn thể các thánh đã đi trên con đường ấy và đã tiến vào quê hương vĩnh cửu.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết từ bỏ chính mình và chấp nhận vác thập giá theo Ngài, cùng chịu đau khổ với Ngài trong niềm hy vọng sẽ cùng Ngài phục sinh. Amen.


Gợi ý chia sẻ


Là những người theo Chúa Giêsu, đặc biệt trong ơn gọi Giảng Thuyết, chúng ta đã từ bỏ chính mình và vác thập giá mình trong cuộc sống hằng ngày chưa?


Học Viện Đa Minh


(Chia sẻ TMHĐGD ĐM tháng 8.2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net