
Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo. Nhà nghèo và cái nghiệt cứ ở mãi trong nhà tôi cho đến khi khôn lớn.
Ám ảnh về hạt gạo cứ đeo bám day dứt mãi trong tâm trí tôi. Biết rằng hạt gạo đã nuôi tôi khôn lớn đến lúc trưởng thành và mãi về sau, nhưng chính hạt gạo ấy có lúc lại làm tôi buồn xo mất mấy ngày để rồi sút mất mấy ký.
Gạo như chàng trai lãng tử ghé thăm nhà tôi dăm ba bữa rồi vội vã từ biệt ra đi. Bởi thế cho đến chính lúc này tôi đang được ở trong hoàn cảnh tạm gọi là sung túc nhưng vẫn không bao giờ quên những ngày tháng cay đắng tiễn biệt những hạt gạo cuối cùng trong lu, khạp, mà không mong có ngày chúng trở lại.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm. Mẹ phải chạy ăn từng bữa. Không dừng lại đó thôi, nhà ngày càng đông an hem. Mẹ tôi sinh con cứ năm một. Bởi thế mẹ tôi phải vất vả biết chừng nào. Trên vai mẹ khi thì gánh cá tươi, khi thì gánh rau củ. Mẹ thức dậy thật sớm để đón được mối hang từ tỉnh xuống. Lấy hàng xong, mẹ lại kẽo kẹt đôi vai quãng gánh từ đầu làng đến tận cuối xóm. Đi gần ba cây số. Đến chiều mua bán xong mẹ đong vài lít gạo, mua vài bó rau, để có được bữa cơm đạm bạc cho cả gia đình mà không hề nghĩ đến thân phận và lo cho riêng mình.
Ngày tôi bước vào tiểu học, tôi không nhớ là lớp mấy, hình như lớp ba thì phải. Ngày khai giảng niên học mới gần kề mà tôi vẫn chưa có cái áo mới để mặc. Tôi muốn nhắc mẹ nhưng ngại, vì lấy tiền đâu ra để mua áo? Biết ý, mẹ bảo tôi: “Con ra trung tâm chợ đến sạp chị Long Hiền, bảo chị bán cho tôi bộ quần áo may sẵn để đi học, mai mẹ trả tiền.”
Lần đầu tiên trong đời tôi có áo mới, ôi chao đẹp quá! Vải ka-tê trắng mịn, trên túi áo họ còn thêu con chim én màu xanh nữa. Cái quần ka-ki màu xanh nước biển ủi thẳng tắp, có oai không chớ! Tôi ngữi mãi cái mùi vải mới mà quên ngó trước ngó sau khi băng qua đường suýt nữa là xe đạp Cố Tự “thâu thuế chợ” (ở Xuân Phong) đâm phải. Ôi! Một phen hú vía. Đã vậy lại được cụ tặng một câu… “an ủi”: “Mả cha cái quân có tròng mà không có mắt!”
Năm học lớp ba, mẹ sinh em cuối cùng. Mẹ không còn chạy chợ được nữa, mặc dù mẹ đã chuẩn bị kỹ mọi thứ cho hai tháng sinh. Rứa mà trong lu khạp càng ngày hạt gạo càng vơi đi. Buổi sáng đi học, anh em chúng tôi bằng lòng lót dạ với một củ khoai nhỏ đến trường. Vào lớp đầu óc tôi luôn suy nghĩ, sáng nay ăn khoai, trưa nay mẹ không mượn được gạo lấy chi có cơm trắng. Thầy vào lớp giảng bài mà đầu óc tôi cứ miên man lo nghĩ về mẹ và bữa cơm chiều nay. Phần thì bụng đói, mắt tôi hoa lên, mặt gập xuống bàn, tôi chỉ nghe giọng nói tiếng cười hỗn độn và tôi xỉu lúc nào không hay. Đến khi phải tỉnh giấc bởi một “nhát kiếm thần sầu” bằng thước kẻ, giáng mạnh trên vai tôi của thầy Lộc thì tôi mới hoàn hồn tỉnh lại. Muốn khóc nhưng ngại xấu hổ với bạn cùng lớp. Liếc qua hang ghế bên nữ, mọi người đều trố mắt nhìn tôi thương hại. Nhưng tôi không dám khóc, đành nuốt ngược cái đau cái đói vào bụng mà rán chịu đựng. Giá như bây giờ mình đói thì nói với thầy là đói, mắc chi phải dấu để đến khi phải gục trên bàn và lại ăn đòn oan uổng.
Cuối năm Tết đến, tôi cùng 3 người bạn đến nhà mừng tuổi thầy, vẫn dáng nghiêm nghị như trong lớp học, nhưng hôm nay năm mới thầy nở nụ cười tươi hơn. Nhìn xuyên qua vách dưới bếp, bà cố đang chuẩn bị mâm cơm khách cho các trò đến mừng tuổi đầu năm. Khi thức ăn được dọn lên bàn, tôi cứ tưởng còn nhiều người nữa cùng đến dự, nhưng thầy cho biết chỉ bốn anh em tôi cùng thầy. Tay chân rung lên từng chập tôi bắt đầu thay các bạn chúc tuổi thầy đầu năm. Miệng nói nhưng mắt cứ liếc những món gà luộc hấp dẫn trên bàn được bày biện thật khéo léo.
Cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi ăn chung mà ngồi mâm trên với thầy, có phải “oách” không chứ! Chao ôi, trịnh trọng lắm! Giá như hôm nay không phải ở nhà thầy, cũng như không có thầy thì chắc chi chén tôi đầy ắp toàn miếng ngon. Nhưng tôi chợt nhớ ra trước lúc ra đi mẹ tôi có dặn, đến nhà thầy đặt lễ lên bàn, nói lời chúc tuổi là về không được ở lại ăn uống cho dù thầy có mời. Tôi vộ bỏ đũa tính xin phép thầy về. Nhưng thầy ngăn lại và bảo đến đây là phải ăn uống no bụng mới được về. Tôi chỉ biết dạ. Thế là chén tôi đầy rồi lại vơi, hềt rồi thầy lại gắp. Xoáng một lúc là hết nhẵn trong chén. Tôi cùng các bạn bỏ chén xuống xin phép thầy về. Ra đến cửa thầyy kéo tôi lại dúi vào túi áo tờ 5 đồng con cò xanh. Nhìn các bạn mỗi người chỉ được 2 đồng. Tôi nghĩ thần linh mách bảo đầu năm đây, bữa trước thầy đánh oan tôi nên lúc này thầy cho thêm tiền để tạ lỗi (1 phút xin kính nhớ hương hồn thầy Lộc – Vĩnh Lộc). Tôi xếp 5 đồng cẩn thận cho vào túi quần trái, về đến nhà lấy ra khoe với mẹ và rồi đưa cho mẹ, tôi chẳng giữ làm gì.
Những ngày mạnh khoẻ không nói làm gì, chứ những ngày tôi ốm mẹ luôn trực bên giường bệnh. Dành cho tôi mọi thứ tôi muốn, tôi thích. Mẹ đút cho tôi từng muỗng cháo, xẻ cho tôi từng múi cam, mà không quản mọi điều gian khó chỉ mong tôi mau khỏi bệnh là mẹ mừng.
Năm mất mùa, cả làng chạy điên chạy đáo vì miếng ăn. Từ làng trên xóm dưới ai cũng nháo nhác vì hạt gạo. Năm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn sắn lát thay cơm. Nhưng sắn lát mẹ tôi làm kỹ lắm. Bà gọt vỏ sắn từng miếng mỏng, ngâm nước qua đêm rồi đem phơi khô. Sau đó hấp chin cùng với ít cơm đã chín.
Tuổi tôi vừa lớn chập chững bước vào đôi mươi, tình yêu trai gái lúc ấy chẳng quyết định được gì, tương lai mờ mịt. Hơn nữa, lúc ấy khi trong nhà và cả làng đều đói. Mỗi ngày trên mâm cơm lẻ tẻ đôi hạt cơm với số đông áo đảo là sắn lát, khoai khô.
Nhưng rồi cái khổ, cái nghèo cũng lần lượt ra đi. Ngày tôi bước chân xa xứ, với thân hình gầy guộc, mẹ tiễn tôi ra tận phi trường. Trước khi bước vào phòng cách ly, mẹ ôm tôi, trên gò má nhăn nheo, nước mắt dàn dụa. Như sực nhớ ra điều gì, mẹ vội chạy lại mở tung chiếc giỏ đệm cũ kỹ, lôi ra từ trong giỏ một gói nhỏ bọc ngoài bởi chiếc khăn tay của mẹ và trao cho tôi. Tôi mở ra trong ấy có mấy quả trứng gà luộc, mấy trái sapôche chín, mẹ nhắc: “Cầm đi lên máy bay mà ăn kẻo đói.” Những thứ này chắc mẹ đã chuẩn bị kỹ cho tôi trước mấy ngày. Và không quên dúi vào tay tôi mấy trăm ngàn để đi đường như thường khi tôi lên Sài Gòn thăm chú. Tôi gặng lại và nói với mẹ: “lên máy bay chắc là có đồ ăn rồi, mẹ khỏi phải lo, với lại những thứ này chưa chắc gì họ đã cho mang đi. Còn tiền thì mẹ cất lại đi.” Chắc bà nghĩ ở đâu cũng xài tiền giống nhau. Vả lại tiền này chắc mẹ bán gạo cho chị Hương đầu xóm. Cuối cùng rồi tôi cũng phải nhận để làm kỉ niệm. Vì đây là món quà mẹ cho lần cuối.
Tôi ra đi chưa đầy một năm, mọi việc chưa ổn định thì được tin mẹ mất. Tôi đau điếng giã từ mọi người cùng sở âm thầm ra về, suốt đêm không chợp mắt vì hoàn cảnh xa cách mẹ thông cảm con không thể về chôn cất mẹ, với tay nhờ mọi người thân đưa mẹ đi an giấc.
Trên chuyến bay hồi hương lòng tôi tràn ngấp niềm vui lẫn nỗi buồn sau hơn 5 năm xa cách gặp lại người thân nhưng khoảng trống không gian vẫn thiếu vắng một người. Cũng tại góc phi trường mẹ dúi tay tôi vài trăm ngàn, thì giờ đây tôi mang trả lại mẹ. Sao túi tôi lúc này nặng thế vì…vài trăm ngàn khi xưa không biết bao nhiêu ký gạo.
Gặp gỡ mẹ tại nghĩa trang trong một ngày đầu về thăm quê hương. Mẹ nằm đó liếc mắt nhìn tôi như thầm oán trách nhưng trên đôi mắt mẹ có phần cảm thong. Đi xa lâu rồi, giờ đây mới về thăm mẹ. À, cùng bên mẹ có dì Lành, O Hoá, những người thường xuyên đến nhà mà khi xưa mỗi lần họ đến, tôi đều nép mình vào vách nghe thoang thoáng hình như mẹ lại muốn mượn gạo.
Cúi xuống đặt bó hoa và cắm nén hương dâng mẹ. Với đôi mắt nhân từ mẹ nhìn tôi từng động tác và tai tôi nghe văng vẳng lời mẹ trách, “Đi lâu không về thăm mẹ. Mới đó rứa là có cháu nội rồi hầy!”
Nước mắt lăn dài trên đôi má, tôi với tay lau vội vào vai áo, chân bước nhanh tránh ánh nhìn hờn trách của mẹ, lủi đi trong màn đêm khi nắng hoàng hôn vừa vụt tắt.
Những người con xa xứ
New Orleans – Mother’s Day 2013.
Đình Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét