"THÀNH KHÔNG CẦN MẶT TRỜI"
- Bài đọc 1: Cv 15, 1-2.22-29
- Bài đọc 2: Kh 21, 10-14.22-23
- Tin Mừng: Ga 14, 23-29
SỐNG ĐẠO CHÂN TÌNHCó một huyền thoại kể rằng: ngày kia một vị thiên thần rảo khắp đường phố, một tay cầm một ngọn đuốc còn tay kia xách một thùng nước. Người đi đường lấy làm lạ hỏi thì thiên thần giải thích : “Với ngọn đuốc này, ta sẽ thiêu rụi hết những toà nhà trên thiên đàng ; còn với thùng nước này, ta sẽ dập tắt hết mọi đám lửa dưới hoả ngục”. Người ta càng ngạc nhiên hơn nữa và hỏi tại sao. Thiên thần giải thích : nhờ đó mà Thiên Chúa sẽ biết những ai yêu mến Ngài thật lòng. Bởi vì, có những người sống tốt chỉ vì phần thưởng thiên đàng và cũng có những người giữ luật chỉ vì sợ hình phạt hoả ngục.
Ở thời đại nào cũng có những con người giả dối. Ở môi trường nào cũng có những con người sống thiếu chân thành, sống hai mặt. Họ sống tốt, sống đẹp không phải bởi tình yêu chân tình mà chỉ là đóng kịch để khoe mình hay để kiếm bổng lộc. Có những người vì lợi nhuận, vì danh vọng họ sẵn sàng luồn cúi, sống thiếu chân thật để đạt được ý định của mình. Cũng có những người vì sợ mất việc, sợ bị đuổi việc nên sống giả hình. Cách sống và làm việc của họ không vì tình yêu mà chỉ vì bổng lộc. Họ bất chấp lối sống giả dối, hai mặt miễn sao đạt được mục đích của mình.
Cách đây một thời gian, báo tuổi trẻ đã phát động phong trào “nói không với giả dối”. Nhiều người tham gia ý kiến, nhiều người đều có chung nhận xét : Ở Việt Nam bây giờ, có quá nhiều gian dối trong lời nói và việc làm. Nói dối nhiều nên mất niềm tin nơi nhau. Ra ngoài thương trường không nói dối thì thiệt thòi, và quá tin người cũng thiệt thân. Thế nên, người người nói dối. Nhà nhà nói dối . . . . Một xã hội không thật sẽ làm nghiêng cán cân công lý . Một xã hội không còn sống thật thì con người sống bên nhau chỉ toan tính hại nhau và tìm vụ lợi cho bản thân của mình.
Ai cũng biết sống gian dối là tội lỗi. Ai cũng biết gian dối sẽ mang lại rất nhiều bi kịch cho xã hội. Nhưng dường như, ai cũng để cho gian dối lên ngôi. Gian dối trong gia đình khi vợ chồng thiếu chung thủy với nhau. Gian dối trong học đường khi người người chỉ biết chạy theo thành tích. Gian dối trong thương trường khi người ta chỉ cần có lợi nhuận mà không cần biết hậu quả thiệt hại tới tha nhân.
Trong đời sống tôn giáo, sự gian dối là sống đạo mà thiếu tình yêu. Họ sống đạo không phải vì yêu Chúa mà vì muốn khoe mình hay chỉ muốn an phận đời sau. Cũng có khi họ sống đạo chỉ vì sợ đau khổ hỏa ngục đời sau. Một đời sống đạo thiếu tình yêu sẽ làm cho con người cảm thấy tôn giáo là một gánh nặng. Họ sống đạo, giữ đạo theo kiểu chiếu lệ, làm cho xong, làm cho đủ lễ nghi. Một đời sống đạo thiếu tình yêu sẽ chỉ chú trọng tới hình thức bên ngoài như tổ chức lễ thật lớn, quần áo thật đẹp, đi hành hương thật nhiều . . ., nhưng trong lòng vẫn ngổn ngang những tham sân si, những thói hư tật xấu. Một đời sống đạo không có tình yêu như là những mồ mả đẹp bên ngoài nhưng trong lòng thì đầy sâu bọ . . .
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Giữ lời Chúa thì phải yêu mến Ngài”. Tình yêu là lý do để chúng ta tuân giữ lời Chúa. Chính nhờ tình yêu mà việc chúng ta tuân giữ lời Chúa thật êm ái, nhẹ nhàng. Chính tình yêu khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi luôn được sống trung tín với Chúa. Giống như một đứa trẻ, giữ lời cha mẹ không phải vì phân thưởng, hay sợ đòn roi mà vì tình yêu dành cho cha mẹ. Nó sẽ cảm thấy việc giữ lời cha mẹ không là một gánh nặng mà là một niềm vui. Ngược lại, nó sẽ cảm thấy nặng nề khi phải giữ lời cha mẹ chỉ vì sợ mà thiếu tình yêu.
Ước gì đời sống đạo của chúng ta luôn là dấu chỉ cho tình yêu chân thành với Chúa. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng Chúa là Đấng tạo dựng nên ta, là Đấng yêu thương ta vô cùng, thế nên, ta phải đền đáp ơn Ngài bằng việc tuân giữ lời Ngài trong tình yêu. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Trái Đất là hành tinh thứ ba tính từ Mặt Trời , đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời xét về bán kính , khối lượng và mật độ vật chất . Trái Đất còn được biết với các tên "thế giới", "hành tinh xanh" hay "Địa Cầu", là nhà của hàng triệu loài sinh vật, trong đó có con người và cho đến nay đây là nơi duy nhất trong vũ trụ được biết đến là có sự sống . Hành tinh này được hình thành cách đây 4,55 tỷ năm và sự sống xuất hiện trên bề mặt của nó khoảng 1 tỷ năm trước . ( Xem tại: vi.wikipedia.org/wiki/Trái_Đất, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.) .
Từ những khảo cổ xương hóa thạch, các nhà khoa học vẫn chưa có sự đồng thuận giữa vô vàn giả thiết về sự xuất hiện của con người bắt đầu từ khi nào. Ngay cả trình thuật Thánh Kinh trong sách Sáng Thế cũng chưa bao giờ được cho là một luận chứng khoa học, mà đó chỉ là một biểu trưng mang tính tôn giáo về sự xác tín rằng con người được chính Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người.
Chỉ biết rằng từ thuở sơ khai, thời đồ đồng đồ đá cho đến thời đại ngày nay, xã hội con người đã trải qua biết bao thể chế xã hội, phân chia thành nhiều dân tộc và quốc gia khác nhau, trong đó có những tỗ chức xã hội người ta tự cho là lý tưởng và hoàn hảo đáng để theo đuổi và kiến thiết cho toàn thế giới. Tuy nhiên, cứ nhìn vào đất nước Hoa Kỳ giàu sang và quyền lực, vốn được nhiều người cho đó là bến bờ tự do để tìm đến, thì lại là nơi dẫy đầy những bất an vì thảm cảnh khủng bố có thể ập đến bất cứ khi nào; hay như thành phố Roma vĩnh hằng và kinh thành Paris ánh sáng, trong những ngày qua cũng đã trở nên mong manh tăm tối với nhiều cuộc bạo loạn, biểu tình đình công diễn ra khắp nước,… đó là hệ quả của một xã hội loài người đang dần đánh mất bản tính của mình, bởi chân họ còn đạp đất nhưng đầu lại không muốn đội trời , con người đang loại bỏ và lìa xa Thiên Chúa.
Trái lại, trong thị kiến của mình, Thánh Gioan giới thiệu cho ta một thế giới hoàn toàn khác, đó là Thành Thánh, « 11 chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. 23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và con Chiên là ngọn đuốc chiếu soi ». ( Kh 21,11.23 – Bài đọc II).
Thành chẳng cần mặt trời , đó là dấu hiệu báo trước về một thành tuyệt hảo, là cộng đoàn các tín hữu, là Giáo Hội, đang khi bước đi trong hành trình dương thế vẫn luôn biết hướng về tương lai cuối cùng là “thành của Thiên Chúa”, bởi luôn có Thiên Chúa ở cùng. Đó là một mối tương quan không thể tách rời, một sự đồng hóa trở nên “thành thánh” được quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa bao bọc chở che.
Tuy nhiên, đó chỉ là một thị kiến báo trước tương lai sẽ tỏ hiện ở điểm cuối của cuộc hành trình: nó chỉ mang giá trị là giúp cho cộng đoàn tín hữu vững vàng bước đi trong gian khó để hướng về ngày chung thẩm. Trong khi đó, Đức Giêsu lại muốn các môn đệ của mình phải ra sức biến đổi xã hội hiện tại, không phải bằng sức mạnh của bạo quyền, nhưng bằng sức mạnh của tình yêu qua sự lắng nghe và thi hành các giới răn: « Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy » (Ga 14, 23 – Bài Tin Mừng). Chỉ khi nào sống như thế thì Giáo Hội mới trở nên hình ảnh đích thực của mình: là cộng đoàn thuộc kinh thành ánh sáng.
Phụng vụ mùa phục sinh là khởi điểm thời gian của Giáo Hội, cộng đoàn được cứu độ và được sai đi, của những người « đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên » (Kh 7, 14) bằng sự trung thành với lời dạy của Thầy để củng cố mối tương quan mật thiết với Người, và như thế họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Người và của Chúa Cha rất cận kề: « Người sẽ lập cư giữa họ, họ sẽ là dân của Người, còn chính Người là Thiên Chúa của họ » (Kh 21, 3).
Một trong những đặc điểm trên hành trình xuất Ai-cập thời Cựu Ước chính là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Đó là sự hiện diện cách cụ thể trong “Lều hội ngộ” (Xh 26), là một sự hiện diện bên cạnh và rất gần gũi. “Lều” là dấu chỉ hữu hình về sự gần gũi của Thiên Chúa, nhưng nó cũng diễn tả tính bất khả tri của nhân loại trước sự siêu việt của Người. Tuy nhiên, các bài đọc trong Chúa nhật hôm nay, lại cho ta thấy một sự đổi mới diệu kỳ: Thiên Chúa đã trở nên gần gũi con người hơn bao giờ, Ngài đến và cư ngụ giữa con người qua mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Ngôi Lời: Chúa Cha và Đức Giêsu cùng chia sẻ cuộc sống với các môn đệ trong sự thân tình của đời sống gia đình. Đó là một gia đình mới của các tín hữu, của Giáo hội để làm nên “Thành Thánh” tràn ngập tình yêu thương: « Trong Đức Giêsu, anh em được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí » (Eph 2, 22).
Đó cũng là một lời hứa về sự đồng hành của Thiên Chúa, một giao ước riêng tư giữa Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu và người môn đệ. Trong cuộc xuất hành mới, mỗi thành phần của cộng đoàn tín hữu cũng được mời gọi trở nên “lều” cho Thiên Chúa cư ngụ và gặp gỡ; nhờ đó toàn thể cộng đoàn sẽ trở nên “Thành Thánh” chiếu tỏa vinh quang của Thiên Chúa. Và trong thành trì ấy, chính Đức Giêsu làm cho các môn đệ được thông dự và nên đồng hình dạng với Người qua việc chân thành lắng nghe lời Người.
Ngoài ra, trong hành trình này ta còn có sự đồng hành của một “huấn luyện viên” nội tâm nữa là chính Chúa Thánh Thần, Đấng có sứ mạng củng cố ta trong chân lý (Ga 14, 26), và làm cho ta cảm nhận được hoa trái của sự bình an. Đó không phải là « bình an theo kiểu thế gian » (Ga 14, 27 b ), nhưng là sự bình an rộ nở từ bên trong, như là dấu chỉ và hoa trái của sự trải nghiệm nội tâm khi được trở thành môn đệ của Đức Kitô: « Thầy ban cho anh em bình an của Thầy » (Ga 14, 27 a ). Từ đó Giáo Hội được thúc đẩy, cộng đoàn tín hữu được mời gọi dấn thân và làm lan tỏa sự bình an cho nhân loại hôm nay, đồng thời cùng với họ chung tay kiến thiết nên một thế giới đại đồng, yêu thương như “Thành đô của Thiên Chúa”. Một Thành đô vô biên giới, không bị giới hạn bởi rừng núi, sông biển hay những thể chế chính trị và tôn giáo, nhưng là được xác định bằng tình yêu, bằng tấm lòng. Một thành đô trong đó các thị dân « sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sang mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời » (Kh 22, 5).
Lm. Quốc Bảo
Kính thưa quí ông bà anh chị em, chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh, thời đại thị trường kinh tế; nhất là, nếu những ai đang sống trên đất nước Hoa Kỳ, một đất nước có rất nhiều cơ hội tiến thân trong việc học hành, làm ăn, phát triển tài năng, hay sử dụng các phương tiện, nhưng tất cả phải có điều kiện của nó; Điều kiện là: “nếu”. Nếu anh có cái này, thì anh mới được cái kia, và hầu như không có cái gì là free trăm phần trăm, cho dù có những điều xem ra free, nhưng khi đi sâu vào trong đó thì chẳng có free như ta tưởng đâu. Và nói cho cùng, những cái ta có được trên đời này, tất cả chỉ được một thời gian nào đó thôi, để rồi cuối cùng tất cả đều phải tan biến như mây khói, vì chẳng có sự gì ở trần gian này bền vững. Thế mà tất cả phải có “điều kiện”. Vậy thì, có một món quà vô cùng quí giá, và bền vững muôn đời thì nó lại càng đòi hỏi ‘điều kiện” biết chừng nào.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rất rõ về vấn đề này, vì đây là điều mà Chúa Giê-su đã từng nói thế này sao: “ Ai yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy”. ( Ga 14, 23). Yêu mến “Điều kiện” phải giữ lời Chúa.
Kính thưa quí ông bà anh chị em, nếu ở đời, giả sử chúng ta có được người nào đó có thế lực, giàu có và họ luôn giúp ta, thì chắc là ta an tâm và sung sướng biết dường nào. Thế mà ở đây, như lời của Chúa Giê-su phán qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thì ta không những có Chúa Giê-su luôn ở bên cạnh chúng ta mà còn ở ngay trong lòng chúng ta, và còn hơn thế nữa là: chúng ta lại được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng ngự trị trong lòng chúng ta, thế thì còn niềm vui sướng hạnh phúc nào hơn nữa; thế mà không chừng chúng ta chẳng có chút cảm nghiệm hạnh phúc này. Thế mới là: Chúa ở rất gần ta nhưng lòng ta lại xa Chúa. Thánh Augustino cũng đã có một kinh nghiệm về “gần mà xa”, khi ngài nói: “Chúa ở trong sâu thẳm nhất của tâm hồn con thế mà con lại đi tìm Chúa ở đâu đâu. Ôi ! lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng”.
Vậy thì cuộc sống lòng tin của chúng ta nếu ta được Chúa Ba Ngôi ở trong tâm hồn chúng ta thì còn gì bằng nữa, còn ai làm gì được ta nữa. Nói như tác giả Thánh Vịnh 27, vua Đa-vít đã thốt lên: “ Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa”. ( Tv 27,1). Phải chăng đây là lời của Chúa Giê-su phán: “ Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”. Xao xuyến và sợ hãi làm cho cuộc sống con người mất bình an; nhất là ngày hôm nay chúng ta đang sống giữa một xã hội đầy dẫy những biến loạn do con người gây ra, bên cạnh còn biết bao sự đau khổ do sự tàn phá của thiên nhiên bão lụt, gió lốc đó đây, nạn đói kém, bệnh tật gia tăng. Sống trong tình trạng như thế thì nỗi xao xuyến và sợ hãi lại càng gia tăng.
Với cuộc sống như thế thì, hơn bao giờ hết chúng ta lại càng phải xác tín mạnh mẽ hơn nữa vào Thiên Chúa và vào lời của Chúa Giê-su khuyên bảo chúng ta: “Anh em đừng xao xuyến và sợ hãi”. Phương thế để giúp ta đẩy lui những sự bất an đó thì tốt hơn hết ta tìm đến Chúa để xin sự bình an, và chắc chắn Chúa ban cho; vì Ngài không những đã hứa mà còn luôn muốn ban cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian”. ( Ga 14,27). Nhưng “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho sau” (Mt 6,33).
Quả thật, bình an của Thiên Chúa ban thật khác với thứ bình an mà con người ban tặng cho nhau. Nhưng thật nghịch lý ở chổ: xem ra sự bình an mà con người ban tặng cho nhau chóng qua đó nhưng nó lại hấp dẫn, mùi mẫn, ngọt ngào; vì sao vậy. Vì loại bình an con người trao tặng cho nhau là những thứ ta cảm nhận được ngay qua cảm giác của các giác quan như: giọng nói gọt ngào của yêu thương, hứa hẹn, các loại quảng cáo đầy hấp dẫn đập vào mắt như: tiền bạc, sắc đẹp, quyền lực, hưởng thụ… Thành thử ra, những thứ đó như những liều thuốc mê làm cho con người mê mẫn, đắm đuối, ngã vào. Còn bình an của Chúa trao ban qua những điều thoạt mới nghe thì thật chói tai và ai cũng sợ như: chịu đau khổ, hiền lành, khiêm nhường, chịu bắt bớ, hiểu lầm, bị xỉ nhục. Những điều này, Chúa Giêsu đã từng công bố qua Tám Mối Phúc thật rõ ràng. Và bất cứ ai sống một cách triệt để các mối phúc thật thì chắc chắn tâm hồn họ có được sự bình an đích thực; thứ bình an khác với con người ban tặng, vì sự bình an của Chúa ban không ai lấy đi được, và chỉ có sự bình an đích thực này mới giúp ta đứng vững giữa bao nhiêu thăng trầm thay đổi, biến loạn, thử thách, đói khổ, tù đày và kể cả cái chết cũng không làm gì được, vì bình an này là của Chúa ban, hay nói cách khác BÌNH AN CỦA CHÚA BAN CHÍNH LÀ CHÚA.
Ta thử nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su, trong mọi nghịch cảnh Ngài luôn bình an kể cả trong sự đau khổ tột cùng nhất, giây phút trút hơi thở cuối cùng trên thánh giá, giữa bao nhiêu tiếng thét gào nhạo báng, chê cười mà Ngài vẫn bình an.
Bước theo Thầy Chí Thánh Giê-su, bao người đã sống đích thực niềm vui hạnh phúc của sự bình an múc lấy từ Thiên Chúa, những người này ta gọi là những vị thánh; như các thánh tông đồ, các thánh giáo phụ, các thánh nam nữ tử đạo, hiển tu, ẩn tu...Chẳng hạn như thánh giáo phụ Ba-si-li-ô, khi ngài bị các nhà cầm quyền bắt, đứng trước những đe dọa, ngài không một chút sợ hãi, ngài trả lời: “ Các ông làm gì được tôi, tịch thu tài sản ư? Tôi chẳng có gì để mà sợ. Bắt bớ tù đày ư? Chẳng có sao, vì đâu đâu cũng có Chúa. Giết chết tôi ư? Lại càng hay, vì tôi hằng khao khát được về với Chúa càng sớm càng tốt”.
Với thánh giáo phụ Ba-si-li-ô là như thế, còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thực sự được bình an của Chúa chưa? Nếu chúng ta có được sự bình an của Chúa thì ta sẽ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Ta chẳng sợ hãi và xao xuyến giữa bao thử thách mà ta đang gặp phải, như: khó khăn về tiền bạc, mất công việc làm, nhà cửa, bị hiểu lầm, bỏ rơi, phản bội, bệnh tật và ngay cả cái chết. Tất cả nếu chúng ta có Chúa Ba Ngôi ở trong ta thì ta không còn lo lắng, xao xuyến và sợ hãi nữa, như lời của tác giả Thánh Vịnh 62 mà ta đã trích ra ở trên: “ Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng. Người là núi đá vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân”. ( Tv 62, 6-8)
Chúc quí ông bà anh chị em cũng như tôi, chúng ta có được một sự bình an đích thực của Chúa, có như thế ta mới có được niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay và mai sau. Lạy Chúa, nếu đời con có Chúa, là con có tất cả, và bằng mọi cách, xin cho con biết tìm kiếm và chiếm lấy được Chúa làm gia nghiệp đời con. Amen.
Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét