Chúa Nhật 19 năm B
Kính thưa quí ông bà anh chị em, buồn chán, khổ đau dễ làm cho con người nản chí thoái lui, hoặc có những thái độ tiêu cực. Điều này cũng chẳng lấy làm lạ gì, vì cũng đã có những khuôn mặt trong kinh Thánh, mà cũng đã có lúc buồn chán nên nói ra những lời cũng rất là ư con người; chẳng hạn như tiên tri Giona, Kinh Thánh ghi lại: “Ông Gio-na bực mình, bực lắm, và ông nổi giận.” (Gn 4,1). Hay như tiên tri Êlia, mà trong bài đọc 1, của Chúa Nhật 19 năm B này, cũng đã ghi lại, khi hoàng hậu I-de-ven đuổi bắt để giết, nên trên đường chạy trốn, tiên tri chán nản và đã xin chết, ông nói: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi, bây giờ xin Chúa lấy mạng con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” (1v 19,4). Trong cơn khốn khổ đó, thì có sứ thần của Thiên Chúa đến đưa cho tiên tri nước và bánh, với lương thực đã đem lại sức mạnh cho ông, để ông tiếp tục hành trình của chặng đường tới núi Khô-rép, bốn mươi ngày, bốn mươi đêm.
Thế thì, cuộc đời của mỗi người lại không phải là cuộc lữ hành đó sao? Cuộc lữ hành cần phải có lương thực đi đường. Như xưa Êlia nhờ thiên thần của Chúa cung cấp lương thực để ông tiếp tục hành trình tiến về núi Hô-rép, hay nói khác đi: để ông tiếp tục sứ vụ ngôn sứ. Phần chúng ta cũng vậy, là người lữ hành đức tin, chúng ta cần được nuôi dưỡng lương thực của lời Chúa và bí tích Thánh Thể.
Nếu như cuộc hành trình của Elia đã có lúc mệt mỏi và ông đã ngủ đi, thiên thần đã phải đánh thức ông dậy để ăn, rồi tiếp tục lên đường, chu toàn sứ mạng. Thì hôm nay, cũng không thiếu những cuộc hành trình chán nản hay muốn ngủ lại trong vật chất, của cải, tiện nghi, hưởng thụ, thì lúc đó ta cần thiên sứ của Chúa tới đánh thức ta dậy ra khỏi cơn mê. Sự đánh thức của Thiên sứ cũng có thể qua những cảnh tượng biến động trong trời đất, qua những thiên tại, bệnh tật, hay qua cái chết của người thân yêu hay qua sự phản bội của người gần gủi ta nhất, hoặc cũng có thể qua một sự thất bại nào đó…
Hãy thức tỉnh ra khỏi cơn mê trần thế để ta lên đường với bao chờ đợi trước mắt cùng với bao khó khăn gian nguy, nên ta cần phải có một thứ lương thực giúp ta đủ sức để thắng vượt được bao cạm bẩy thế gian. Lương thực chính Chúa cho ta; đó chính là Chúa, vì Chúa đã chẳng nói trong bài Tin Mừng mà ta nghe trong tuần này thế này sao: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi tặng ban, chính là thịt tôi đây, để thế gian được sống.” (Ga 5,50-51).
Ai dám nghĩ, dám mơ tưởng và dám tin về một việc quá sức tưởng tượng của con người, nếu Chúa không nói ra như thế. Với một việc ngoài sự suy tính và mơ tưởng của con người, nên đã bao người xưa cũng như nay, không dám tin, không chịu tin: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52).
Đối với những người thân yêu nhất của chúng ta, chúng ta muốn cho họ cái gì quí giá và mong sao món qùa ta trao tặng làm cho họ hạnh phúc và vật ta tặng đó luôn ở với họ, nhưng có một điều con ngưòi không thể làm được cho người thân yêu của mình; đó là lấy chính mình biến thành của ăn cho người thân yêu, để người thân yêu trở nên một với mình. Thiên Chúa đã có một sáng kiến có một không ai đó là muốn cho người yêu giữ lấy trọn vẹn con người của Ngài nơi sâu thẳm nhất của lòng người, hay nói khác đi là: Chúa muốn ai rước lấy Chúa thì Chúa trở nên thịt, máu và tất cả các quan năng trong cơ thể con người . Tất cả đều có “chất” Chúa trong đó. Đây là điều mà các thánh đã cảm nghiệm được điều này; vì thế mà thánh Phaolô đã quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Khi đã có được như vậy thì mọi sự ở trần gian này chẳng là vấn đề gì nữa. Như thánh Phalô đã thách đố thế gian, những điều mà bình thường không ai muốn và ai cũng sợ, đó là: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào , trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 35.38-39).
Để có được niềm tin sắt son trong cuộc lữ hành tiến về Thiên Quốc, là người Kitô hữu, chúng ta cần phải nhận lãnh của ăn thiêng liêng là lời Chúa và Thánh Thể Chúa. Thiếu của ăn này làm sao ta chiến đấu và chiến thắng ba thù được, và làm sao ta có được đời sống và lời tuyên xưng như trên của thánh Tông Đồ Phaolô được.
Xin Chúa cho chúng con biết khao khát tìm đến của ăn không bao giờ hư nát, đó chính là Chúa qua bí tích Thánh Thể, mà Chúa đã sắm sẵn và luôn mời gọi chúng con tới nhận lãnh, bất cứ nơi đâu, Chúa đều hiện diện cách đặt biệt qua thánh lễ, qua bí tích Thánh Thể. Xin Mẹ Maria giúp con luôn biết lắng nghe và đón nhận Chúa Giêsu như Mẹ vậy.Amen.
Linhmục Phaolô Cao Thế Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét