Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.
Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.
Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.
Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.
Kiểm điểm đời sống
1- Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Kính thưa quí ông bà anh chị em, với người Kitô hữu thì lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống quá là quen thuôc về thời gian; nghĩa là sau khi mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, thì 10 ngày sau ta lại mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Một sự quen thuộc như thế không phải về sự tiếp nối của thời gian, nhưng là muốn diễn tả nội dung của lòng tin, bởi vì như thánh Gioan nói: “ Khi Chúa Giê-su về với Chúa Cha thì Ngài sẽ gởi Thánh Thần đến”.
Chúa Giê-su về trời, không có nghĩa là Ngài chấm dứt mọi liên hệ với con người, nhưng Ngài có một cách thế hiện diện khác; hiện diện bằng tình yêu, hiện diện bằng Chúa Thánh Thần. Mặc dầu, Chúa Thánh Thần ta chỉ biết Ngài qua các biểu tượng như là: chim bồ câu, lửa, nước, gió, nhưng Chúa Thánh Thần lại rất gần gũi và cần thiết với chúng ta; gần gủi và cần thiết đến độ như là hơi thở. Thánh Thần là tình yêu. Tình yêu là một sức mạnh đến nỗi sẽ biến đổi được tất cả. Tình yêu len lõi và có mặt khắp mọi nơi. Tình yêu có mặt trong lòng mọi người, và nhất là tình yêu thấm nhập nơi các tâm hồn tin vào Thiên Chúa, nhờ Thánh Thần làm việc bên trong và biến đổi lòng trí họ.
Hiện diện của Chúa Thánh Thần là hiện diện bằng tình yêu, bằng thần khí, bằng sự sống. Sự sống được khai mào với giây phút đầu tiên gặp gỡ giữa hai chất tố của người nam và người nữ, sự sống được khai sinh, Thánh Thần hoạt động qua sự sống đó, vì thế người ta cần phải tôn trọng và yêu quí sự sống, nên không ai có một lý do gì để mà đào thải, hay loại bỏ sự sống, tức là loại bỏ tình yêu Thánh Thần của Thiên Chúa.
Vậy thì ở đâu biết tôn trọng và làm cho sự sống triển nở, thì ở đó có Chúa Thánh Thần đang hoạt động. Và với sự hiện diện của tình yêu sáng tạo, tình yêu biến đổi các Tông Đồ qua hình lưỡi lửa, đậu trên từng người một, khiến các ông nói được nhiều thứ tiếng lạ khác nhau. Lưỡi lửa tượng trưng cho ngôn ngữ, như thế khi Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, thúc bách các ông đã mở toang cánh cửa, ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu, mà không sợ hãi một mảnh lực trần thế nào ngăn cản, cho dù phải đòn vọt, tù đày, đầu rơi máu đổ. Ai làm được như vậy, nếu không phải là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần đó sao.
Vậy, nếu như xưa kia các Tông Đồ được Chúa Thánh Thần hiện điện trong tâm hồn, để Ngài hướng dẫn các ông, thì ngày hôm nay, mỗi một người chúng ta hãy mời cho bằng được Chúa Thánh Thần đến ngôi nhà tâm hồn của chúng ta và hãy để cho Ngài làm chủ tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta. Vì Chúa Thánh Thần là Thầy dạy sự khôn ngoan, là Đấng Bảo Trợ, là Trạng Sư bênh vực cho chúng ta và cũng là Người cáo trạng mỗi người trước toà Thiên Chúa.
Như vậy, chúng ta là những Ki-tô hữu cần phải đón nhận Chúa Thánh Thần, bằng cách là mở toang cánh cửa tâm hồn để Chúa Thánh Thần ngự vào lòng chúng ta; biết rằng, không ai tự tạo ra Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta có cách đóng góp vào công việc của Ngài, là khiêm tốn, lắng nghe lời Chúa dạy mỗi ngày, qua lời cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham dự các bí tích trong Giáo Hội. Đây là những điều cần phải có, cùng với sự tác động của Chúa Thánh Thần, con người mới biến đổi để trở nên đền thờ của Thiên Chúa Ba. Trong đền thờ này không còn bóng dáng của ích kỷ, hận thù, ham hố, kiêu căng, tự mãn và đủ mọi thứ xấu xa. Biết là vậy, nhưng nhiều lúc con người không dám mở lòng mình ra để mời Chúa Thánh Thần đến; vì khi Thánh Thần ngự đến, Ngài sẽ cày xới tâm hồn chúng ta, Thánh Thần sẽ dẫn ta đến một lối sống mới; lối sống theo Thần Khí. Lối sống này phải từ giả lối sống củ, một lối sống chẳng tốt đẹp gì đối với Chúa, nhưng ta lại thích chui rúc trong lối sống tù túng, chật hẹp, tanh hôi bẩn thỉu này. Đó là một sự trớ trêu của con người, vì con người còn u mê, vấn vương mùi đời. Bởi vậy, bao lâu con người chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đó thì, đời sống con người vẫn bất an, lo lắng, bối vối đủ mọi thứ chuyện, trong khi lòng con người vẫn khắc khoải tìm kiếm một thứ bình an hạnh phúc thật sự. Nhưng tội nghiệp thay cho con người không để cho Thánh Thần hướng dẫn, nên đi đầu tư những thứ tốn bao nhiêu thời giờ,công sức, tiền của để đạt những gì là thế gian tìm kiếm và cho đó là hạnh phúc bình an, nhưng than ôi đó lại là thứ hạnh phúc bình an giả tạo, chóng qua, chứ không phải là thứ hạnh phúc bình an đích thực như Chúa Giêsu đã cầu chúc cho các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, mà bài Tin Mừng của Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cho chúng ta thấy điều Chúa Giêsu ban tặng cho các môn sinh của Ngài: “Bình an cho các con” Sự bình an được kèm theo hơi thở của Chúa, đó phải chăng là sự sống mới, việc làm mới, bầu không khí mới. Tất cả đều được đổi mới, bởi các Tông Đồ đã đón nhận thứ bình an mà Chúa Giêsu ban tặng, vì thế tất cả các Tông đồ đều nhìn dưới lăng kính mới mẻ qua đau khổ, đòn vọt, tù đày và cả cái chết nữa nhưng các ngài vẫn bình an hạnh phúc.
Sự sống mới của Chúa phục sinh, sức sống mới của Chúa Thánh Thần thổi mạnh vào tâm hồn các Tông Đồ xưa kia, thì đó cũng là sự sống mới đang tác động mạnh trong tâm hồn các tín hữu hôm nay, nên chi ngày hôm nay cho dù sống giữa một thế giới hổn loại bất an, đủ mọi thứ đe dọa, đủ mọi thứ lo lắng, nhưng nếu ta có sự bình an của Chúa. Hay nói khác đi, nếu ta để cho Chúa Thánh Thần điều kiển và hướng dẫn đời ta, thì ta là những người an vui, bình an, hạnh phúc; vì chính Đức Kitô là Đấng quyền năng, Đấng tốt lành, Đấng bình an và hằng thông ban cho con cái mình tất cả những gì là tốt lành nhất, thế nhưng nhiều khi con cái của Ngài lại không nhìn ra, nên chi, sợ hãi, mất bình an, lo lắng đủ thứ vẫn còn đó. Quả thật là một sự tiếc thay và thương thay cho những người con mang danh của Chúa mà lại không có Chúa trong cuộc đời.
Ước gì mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, giúp mỗi người chúng ta nhìn lại cuộc đời ta đã tín thác hoàn toàn vào Chúa hay chưa? Nếu chưa thì ngay giờ phút này ta hãy mời Chúa Thánh Thần đến để Ngài giúp ta có được những ơn của Chúa Thánh Thần. Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến, để đổi mới cuộc đời chúng con và canh tân bộ mặt trái đất. A men.
Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét