Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm B
Suy niệm Lời Chúa trích từ Radio Veritas Asia
Suy niệm Lời Chúa của Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD.
Phúc Âm: Mc 1, 1-8
"Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng".
Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".
Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.
Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: "Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần".
Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B:
(Is 40,1-5.9-11; 2P 3,8-14; Mc 1,1-8)
Suy niệm: Tiếng Kêu
Ðiểm nổi bật trong các bài đọc hôm nay là tiếng kêu. Khi một âm thanh vang động, thì tiếng ấy phải phát xuất từ đâu, muốn nói gì và cho ai? Tiếng kếu chúng ta nghe hôm nay phát xuất từ Thiên Chúa qua Yoan Tiền hô loan báo cho ta một sứ điệp: "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước để dọn đường cho con". Sứ giả Yoan chính là tiếng kêu trong sa mạc: "Hãy dọn đường cho Chúa, chỗ quanh co hãy uốn lại cho ngay thẳng" (Mc 1,1-3).
1. Tiếng Kêu Của Chúa
Từ ngày xưa cũng như bây giờ, Thiên Chúa vẫn làm phát xuất những tiếng kêu: qua các ngôn sứ, qua tiếng lương tâm và qua cả những trạng huống của đời sống con người. Những tiếng kêu bi thiết trầm thống của mọi thời đại đã vang tới Chúa. Phải chăng chỉ vì vậy mà Chúa mới nhắn bảo các sứ ngôn: "Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta. Hãy nói cho Yêrusalem biết rằng: nó không còn phải mang kiếp tôi đòi nữa và tội lỗi của nói đã được tha" (Is 40,2-2).
Vì thế tiếng kêu của Chúa là một tiếng kêu đặc biệt. Thông thường khi nói tới tiếng kêu, chúng ta quen nghĩ tới kêu cứu, kêu gọi, kêu cầu: kêu cứu vì mình đang lâm nguy; kêu cầu để van xin giúp đỡ; kêu gọi để nhắc bảo phải làm một cái gì. Tiếng kêu của Chúa không hàm nghĩa kêu cứu và kêu cầu, mà chỉ ngụ ý kêu gọi.
2. Chúa Kêu Gọi Ta Làm Gì?
Ðể lay động thức tỉnh ta, bắt ta chú ý và chuẩn bị đón nhận một sứ điệp. Tiếng kêu của Yoan tiền hô giữa nơi hoang vắng tiên vàn cũng đánh thức, gây chú ý và quy tụ dân chúng để nghe ông nói.
Sứ điệp của ông cũng tương tự như những điều ngôn sứ trong sách Ðệ nhị Isaia đã nói với dân Dothái vào thế kỷ VI, sau khi họ vừa thoát khỏi cảnh lưu đày ở Babylon.
Chúa đã thẳng tay trừng trị Yêrusalem, nhưng giờ đây họ không còn phải làm nô lệ nữa, và tội lỗi của họ đã được tha thứ.
Phải dọn đường cho Chúa trong sa mạc. Chỗ gập ghềnh khúc khuỷu hãy uốn lại cho ngay.
Mọi người sẽ được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, vì Người đến với đầy vẻ lẫm liệt oai phong.
Người lãnh đạo dân mình như mục tử chăn dắt đoàn chiên (Is 40,1-5.9-11).
Những năm tháng lưu đày đã giúp họ hồi tâm lại và nhận thức lý do đem tới đau khổ là chính tội lỗi của họ (Is 7,25-28). Từ đó nhóm dậy trong lòng họ những tâm tình sám hối, dẫn đến quyết định dứt khoát với tội lỗi.
Khi làm như thế là họ sửa sang đường lối trong tâm hồn cho ngay thẳng để đón tiếp vinh quang Chúa đến. Ðó chính là điều các ngôn sứ nhắm, khi các ngài gióng lên tiếng kêu.
3. Tiếng Kêu Của Yoan Gây Nên Âm Hưởng Nào Ðối Với Người Do Thái Ðương Thời?
Chắc chắn, tiếng kêu ấy đã khiến họ ngỡ ngàng, băn khoăn và làm cho họ như phải đối diện với một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội (Lc 3,7-14). Họ đã chịu phép rửa sám hối, xin ơn tha tội để dọn tâm hồn tiếp nhận Ðức Kitô.
Còn đối với chúng ta hôm nay thì sao?
Sứ điệp của sách Ðệ nhị Isaia và của Yoan tiền hô vẫn thúc bách chúng ta dọn đường cho Chúa trong sa mạc, nhưng là để đón Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Quả vậy, kinh nghiệm sa mạc của người Dothái trong biến cố Xuất hành khỏi Aicập hướng về Ðất Hứa và trên đường hồi cư từ Babylon trở về Quê Hương vẫn mang một giá trị hiện thực cho cuộc sống chúng ta hôm nay. Sa mạc trong lịch sử cứu độ mang những ý nghĩa thần học sâu xa. Chính trong sa mạc con người chịu thử thách và phải chiến đấu để trung thành với Giao ước; cũng chính trong sa mạc, con người được thanh luyện tinh tuyền để xứng đáng với Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ ân tình. Giáo hội hôm nay cũng phải trải qua kinh nghiệm sa mạc bằng cuộc sống chiến đấu và thử thách để minh chứng lòng trung thành với ơn gọi Kitô hữu của mình và để tự thanh luyện xứng đáng gặp lại Ðức Kitô đến thiết lập Trời mới Ðất mới (2P 3,13).
4. Phải Chăng Trời Mới Ðất Mới Chỉ Hình Thành Trong Thời Viễn Lai?
Ngay từ bây giờ Trời mới Ðất mới xuất hiện khi mỗi người thi hành sứ điệp dọn đường cho Chúa và biến cõi đời này thành nơi đáng sống hơn. Ở đó mỗi ngày một bớt dần những cảnh bất công tàn ác; ở đó nhân phẩm được kính trọng và các quyền lợi căn bản của con người được bảo đảm; và nhất là ở đó mọi người được hòa giải với Thiên Chúa và với anh em đồng loại. Như thế, vinh quang Thiên Chúa đang xuất hiện giữa thế giới loài người, vì theo thánh Irênê: "Con người là vinh quang của Thiên Chúa". Chúng ta không ngừng xây dựng Trời mới Ðất mới để tiến tới ngày viên mãn rực rỡ lúc mà Ðức Kitô trở lại hoàn tất lịch sử cứu độ, thu hồi vạn vật về một mối (Ep 1,10) và trao phó vương quyền cho Thiên Chúa Cha, để Người trở nên mọi sự trong mọi người. (1Co 15,28).
Ðó là viễn tượng giúp ta hiểu đúng câu nói của thánh Phêrô trong bài đọc thứ 2: "Ngày đó, các tầng trời sẽ sụp đổ tan tành, lửa, nước, ánh sáng, gió, mây đều cháy tiêu tan, và trái đất với tất cả mọi công trình xây dựng của con người đều bị thiêu đốt" (2P 3,10). Câu đó có nghĩa là chính Ðức Kitô sẽ dùng năng lực Thánh Thần và lửa tình yêu nung nấu tất cả, để siêu thăng và biến đổi chúng nên rực rỡ tốt đẹp cách nhiệm mầu chứ không hủy diệt chúng. Ðó sẽ là cuộc biến hình hoàn vũ, mà cuộc biến hình trên núi Tabo là dấu chỉ và khởi đầu.
Tiếng kêu của Yoan vọng lại tiếng kêu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, đang gọi ta đứng dậy, ngước mắt nhìn lên và hướng về tương lai. Viễn tượng Chúa đến trong vinh quang đem lại cho ta niềm tin, phấn khởi trong cuộc hành trình qua sa mạc của đời sống hiện tại.
Vì thế, tiếng kêu của vị tiền hô là một tiếng kêu mang đầy Hy Vọng và Niềm Vui.
Bài Giảng Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B:
Chúa nhật hôm nay có thể gọi được là Chúa nhật của vị Tiền Hô, của Yoan Tẩy giả, của "tiếng kêu" dọn đường Chúa đến, và như thế là Chúa nhật của niềm trông đợi chứa chan hy vọng.
Chúng ta ngày nay, xét về mặt xã hội, không còn như Israel ngày xưa. Dân Chúa bấy giờ đang lầm than trong cảnh nô lệ lưu vong. Nhưng xét về nhiều phương diện khác, đời người luôn luôn có những khổ sở. Và chẳng bao giờ nhân loại thấy đã thoát khỏi lầm than, đau đớn... Luôn luôn chúng ta có một số vấn đề không làm đau khổ thể xác thì cũng làm khắc khoải tâm hồn. Và cái khổ là bao giờ những khó khăn hiện tại đối với tâm lý, cũng vẫn là những gò bó khó chịu nhất mà chúng ta muốn cựa quậy, giũ đi cho bằng hết. Trong hoàn cảnh đó tiếng kêu của vị Tiền hô đang muốn khơi lại niềm tin hun đúc niềm cậy, để mọi người chúng ta tìm lại được tinh thần chứa chan hy vọng do Tin Mừng cứu độ mang tới.
Yoan không bịa ra những nguồn tin giả dối, trần tục, vô căn cứ và miễn cho ta những nỗ lực chính đáng. Chính ông cũng không tự xưng là người sẽ giải thoát anh em. Ông chỉ cho chúng ta thấy Ðấng Cứu thế đích thực, là Ðức Yêsu Kitô. Nói đúng hơn, khi rao giảng, ông bảo mọi người hãy trông cậy vào Ðấng sẽ đến sau, Ðấng chưa ai thấy, nhưng chắc chắn sẽ đến mà ông chẳng đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Yoan không nói viển vông. Ðặt niềm tin ở Sách Thánh, căn cứ vào mạc khải của Thiên Chúa, Yoan khẳng định Ðấng Cứu thế không phải là phàm nhân, không hành động như các vĩ nhân trong lịch sử. Ngài đến chăn dắt đoàn chiên mình như mục tử; Ngài ẵm chiên con trên cánh tay; ôm ấp chúng vào lòng và nhẹ tay dẫn dắt các chiên mẹ.
Ðấng Cứu thế chúng ta trông đợi là như thế. Ngài không có những toan tính trần gian. Ngài là một mục tử hiền lành săn sóc từng con chiên và cả đoàn chiên. Vì thế, chúng ta hãy trút bỏ não trạng trần tục khi khắc khoải đợi chờ Ðức Kitô trở lại. Trong bất cứ thử thách nào Ðấng Cứu chuộc chúng ta vẫn là Chúa, vì chỉ có Ngài mới đáp ứng được niềm trông cậy của ta.
Niềm trông cậy ấy tạo nên ở nơi ta một thái độ, một tác phong, một nếp sống đặc biệt. Khi người ta ao ước những sự hão huyền hay chờ đợi những giải pháp trần tục, thường người ta dành công việc cứu thế cho người khác; còn chính bản thân người ta chỉ thụ động ỷ lại và biếng nhác. Ngược lại, khi rao giảng Ðấng Cứu thế là ai, thì Yoan cũng vạch ra cho mỗi người con đường phải sửa soạn có thể tiếp một vị cứu tinh như thế. Người sẽ rửa ta trong Thánh Thần. Người sẽ thánh hóa tất cả những ai sẵn sàng. Thế nên hết mọi người phải ăn năn thống hối, phải thú tội và sửa lại đường lối xưa nay. Không còn được sống quanh co, lúc thế này khi thế khác. Phải trước sau như một, thi hành một đòi hỏi của sự thánh thiện. Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình người và lòng bác ái cứu độ của Ðức Kitô đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn và chúng ta mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa trải rộng trên khắp mặt địa cầu.
Không những rao giảng, Yoan còn sống cuộc đời sám hối. Ông ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da thú. Ông sống như các thánh nhân thời bấy giờ: không quan tâm đến việc trang điểm bằng các sản phẩm mỹ nghệ, không ăn dùng như những người tưởng chỉ có các thú vui ở đời này. Ngược lại, ông thấy hạnh phúc trong nếp sống gần thiên nhiên, thấy thiên nhiên như tiếng gọi trở về đời sống chất phác và chân thật. Ông coi cuộc đời phù phiếm như đã qua, và trông đợi Trời mới và Ðất mới trong đó có công lý sẽ ngự trị.
Tất cả chúng ta không đang được kêu gọi đi vào một nếp sống cụ thể như thế sao? Cả một lối sống phù phiếm như đã qua rồi. Những giờ lao động tiếp xúc với thiên nhiên như đang khiến ta có một nhân-sinh-quan mới: chân thật và đơn sơ hơn. Nhiều nhân đức Phúc Âm như đang có cơ hội được thực thi dễ dàng hơn trước. Chúng ta phải bắt lấy thời cơ, nhờ ơn từ trời xuống, giúp nhau sám hối và đổi đời. Làm được như vậy, là đang san phẳng đường đi cho Chúa đến. Nói đúng hơn, Thánh Thần Chúa ở trong ta đang muốn dùng ta để thay đổi mặt đất này cho công lý ngự trị.
Thánh Thể mà chúng ta cử hành bây giờ cũng chỉ muốn thực hiện những điều đó. Ðức Kitô cứu thế mời ta góp phần đời sống sám hối canh tân của chúng ta vào mầu nhiệm Tử nạn của Người, để ơn Phục sinh của Người tràn vào tâm hồn và đời sống chúng ta, dùng nếp sống đổi mới hằng ngày của ta, canh cải mặt đất này tạo nên một Trời mới Ðất mới cho tất cả mọi người.
Xin anh em hãy hết mình đi vào mầu nhiệm bàn thờ với những tâm tư quyết liệt như thế.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Chia sẽ Lời Chúa của Linh mục Phaolô Cao Thế Bình, SDD
Kính thưa quí ông bà anh chị em, có lẽ ai cũng đã một cảm thấy niềm vui sướng và an tâm khi mình gặp hoạn nạn khổ đau mà có người tới an ủi, động viên, khích lệ; cũng vậy, dân Do-thái xưa kia, đang sống trong cảnh lưu đày xa quê hương, nhất là xa Giêrusalem. Trong bối cảnh đó, tiên tri Isaia đã đến với họ với những lời an ủi khích lệ như hãy an tâm, hãy an tâm, vì thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban nhiều ơn gấp hai lần tội lỗi. Quả thật, đây là ân huệ đến từ Thiên Chúa, nhưng về phía con người đón nhận thì sao? Nếu không phải là cần có một sự chuẩn bị, đó là, dọn một con đường, nhưng đường nào đây nếu không phải là đường thiêng liêng đó sao.
Để hiểu được sự cần thiết của việc dọn đường thiêng liêng, tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh con đường rất cụ thể. Nếu đường quanh co phải uốn cho ngay thẳng, đường gồ ghề thì san cho bằng, đường hố sâu thì lấp cho đầy. Nếu con đường vật chất được sửa đổi tốt, thì các phương tiện di chuyển đi lại thật dễ dàng; cũng vậy, đường thiêng liêng của mỗi người cần phải sửa đổi cho tốt, thì lúc đó, con người sẽ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, đồng thời sẽ đón nhận được ơn cứu độ của Ngài. Và, khi ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với con người, thì không ai còn có lý do gì để mà u sầu buồn bã. Riêng những người loan báo tin mừng thì lại càng phải hân hoan vui mừng hơn nữa; niềm hân hoan vui mừng sẽ thúc bách người sứ giả leo lên cao mà gào thét cho mọi người biết Thiên Chúa là Đấng sẽ giải thoát và là Đấng cứu độ của mọi người.
Nhưng để được giải thoát và đón nhận ơn cứu độ thì không có cách nào khác hơn là con người phải sám hối trở về, đổi mới tâm can, đổi mới con người, như tiếng hô trong sa mạc của thánh Gioan Tiền Hô mà bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần 2 mùa vọng này mời gọi mỗi người. Lời mời gọi này vẫn vang vọng đến với hết mọi người qua mọi thời, mọi nơi. Lời mời gọi đó, điều đầu tiên cần phải có, là dọn đường, sửa lối cho ngay thẳng để Chúa ngự đến, nghĩa là, sám hối khiêm tốn trở về. Tại sao đây là điều kiện đầu tiên cần phải có. Thưa, bởi vì, khi con người khiêm tốn thì sẽ nhận ra rõ tình trạng con người của mình và thấy được sự cần thiết của ơn cứu độ mà Thiên Chúa mang đến cho con người. Khi con người khiêm tốn trở về, thì họ sẽ thấy cần phải sửa đổi những điều này:
- Trong con người có những đồi núi cao của tự mãn, tự cao, tự đại, tự ái, kiêu căng, những ngọn núi này cần phải san cho phẳng, bằng sự khiêm tốn và nhẫn nại.
- Trong con người có những hố sâu của nghi kỵ, hiềm khích, tham lam, keo kiệt, ghen ghét, hận thù, cần phải lấp cho đầy bằng yêu thương, tin tưởng.
- Những đường nẻo quanh co của sự gian dối, xảo trá, lẫn tránh, đổ lỗi, thì cần phải lấp cho đầy bằng sự thật thà, ngay thẳng.
Tắt một lời, nếu con người cứ sống theo những nếp sống ươn hèn, ích kỷ, tội lỗi thì đó là những chướng ngại lớn trong việc đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Cho nên, muốn sửa đổi được những điều trên ta cần phải có những cung cách và lối sống đơn sơ, giản dị, rồi cùng với ơn Chúa, ta sẽ có được con đường thiêng liêng tốt đẹp. Các phương thế giúp ta sửa đổi là:
- Noi gương thánh Gioan vào sa mạc- sa mạc của lòng người; nghĩa là, cần phải có những giây phút tĩnh mịch trong thinh lặng để cầu nguyện, chiêm niệm, có như thế ta mới gặp gỡ được Chúa, và nghe Chúa muốn nói với ta điều gì, để ta cần đáp trả.
- Phương thế tiếp theo là, nếu như y phục của Thánh Gioan tẩy giả đơn sơ, điều này muốn nói cho chúng ta rằng cuộc sống đừng quá chú trọng bên ngoài qua diện mạo, áo quần; mà điều quan trọng và cần thiết là chú tâm vào đời sống nội tâm qua chay tịnh, sám hối, sống lời Chúa.
- Một phương thế khác nữa cũng giúp ta nhẹ nhàng thanh thoát là, nếu như Thánh Gioan dùng những lương thực bình dị, nói lên đời sống khổ chế; nghĩa là, ta cũng có những sự khổ chế nào đó trong việc ăn uống, đừng quá đam mê trong sự ăn uống và cũng đừng quá lo lắng phải ăn gì mặc gì, mà cái cần phải quan tâm và lo lắng là sự sống đời đời qua việc tìm kiếm những của ăn thiêng liêng.
Như vậy, mùa vọng là dịp thuận tiện để giúp ta trở về với những thực tại cho những gì là giá trị vĩnh cửu đối với cuộc sống con người. Với sự tỉnh thức và hiểu biết về tâm linh, sẽ thúc bách ta sửa lại con đường thiêng liêng của chúng ta mỗi ngày, để ta có được tâm hồn xứng đáng đón mừng lễ Giáng Sinh và mở rộng tâm hồn để cho Ngôi Lời sinh ra trong lòng chúng ta. Có như thế việc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh hằng năm mới có một ý nghĩa đích thực và hữu ích cho phần rỗi linh hồn của chúng ta. Amen.
Linh mục Phaolô Cao Thế Bình, SDD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét