SUY NGHĨ VỀ HÁT NHÉP
Hát nhép là gì ? Hát nhép là thay vì hát bằng giọng thật của mình thì miệng chỉ cử động ( không phát ra thành tiếng ) theo bài hát đang được phát ra từ băng đĩa. Nhìn qua thì cứ tưởng đang hát thật.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hát nhép?
Một số “ca sĩ chạy sô” hát ban ngày, hát ban đêm, được mời đi nhiều nơi ca hát liên tục và do quá mất nhiều giờ, mất nhiều công sức khiến họ ngày càng thêm bận rộn, dẫn đến căng thẳng mệt mọi, từ đó họ nảy sinh ý nghĩ “ hát nhép” để có thể lên sân khấu một đêm nhiều nơi mà không phải hao hơi tổn sức, vì chỉ cần cầm mic, biểu diễn, nháy môi mà không cần ra sức hát là xong, nhận tiền cát-xê ra về không hao hơi tổn sức. Trong khi đó kỹ thuật công nghệ thâu âm thanh, dàn nhạc điện tử ngày càng phát triển, đã lôi kéo các ca sĩ chạy theo hướng thâu phát băng đĩa làm công cụ hỗ trợ cho mình.
Hình thức “hát nhép” ngày càng phổ biến trong giới ca sĩ, khi mà nó hỗ trợ tốt, và khán giả xem cũng “vô tư”. Chuyện hát nhép dần dà đã không thể dấu diếm được khán giả, cho đến lúc khán giả cảm thấy chán gét cảnh bỏ tiền ra để đi xem một buổi hát nhép, họ cảm thấy tình cảm bị xúc phạm, họ bị chính thần tượng mình lừa dối, giả tạo và khô cứng. Sự phản ảnh của khán giả chẳng có gì đáng nói nếu chỉ dừng lại ở chuyện tình cảm. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn đã hối thúc các nhà giáo dục vào cuộc lên tiếng và đưa ra luật lệ đó chính là một sự giả dối công khai, Việc này làm giảm uy tín và phẩm chất của giới nghệ sĩ mà họ vẫn chủ quan.
Theo “NSND Trần Hiếu: Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc hát nhép là do nhiều người không chịu rèn luyện mà cứ hát thoải mái. Họ chưa thật sự đủ lực, đủ tự tin để làm ca sĩ. Nguyên nhân nữa là do các nhà tổ chức. Để tạo ra sự đồng nhất từ đầu đến cuối, nhiều chương trình buộc ca sĩ phải thu trước ra đĩa, như vậy khi lên sân khấu, dù có cố gắng thể hiện thì tình cảm cũng sẽ không thuần khiết và thật nữa.
Phản ánh hiển thực
Nhiều chương trình ca nhạc ngày càng trở nên giống nhau; không chỉ ca sĩ hát nhép, mà các nhạc công cũng "múa đàn" trên sân khấu.
Nhạc sĩ biên tập chương trình cũng không quên "xào xáo" những món ăn cũ... Căn bệnh "nhép" và "xào" đã thuộc hàng "di căn" khó chữa.
Nhạc sĩ Trần Quốc Hùng cho biết: "5 năm trở lại đây, có trên 95% các chương trình lưu diễn ở tỉnh đều có các nghệ sĩ ( tân nhạc và ca cổ ) hát nhép và ban nhạc chỉ "đứng múa". Thậm chí, có trường hợp dàn nhạc giao hưởng thính phòng chơi ngoài trời trước hàng ngàn khán giả tây, ta mà lại múa đàn, múa trống và nhép kèn!".
Các công viên lớn trong TPHCM như Đầm Sen, Suối Tiên, Lê Thị Riêng, Thảo Cầm viên... thường đồng loạt tổ chức hoạt động biểu diễn, nhưng hầu hết các ca sĩ chuyên nghiệp đều hát nhép. Sở dĩ tình trạng hát nhép bùng phát, là vì công tác hậu kiểm hầu như là con số không. Hàng đêm, tại TPHCM, có hàng trăm nhà hàng, khách sạn, quán bar, phòng trà lớn tổ chức biểu diễn, nhưng lại không hề có sự giám sát của cơ quan chức năng”. ( Minh Trang – trích web 2 sao ).
Sẽ phạt ca sĩ hát nhép !
Ông Hoàng Tuấn, giám đốc HT Production, phản ánh tình trạng hát nhép của một số ca sĩ trong mùa tết và tình trạng ca sĩ tự "chép" album của mình để tặng khán giả ái mộ. Ông đề nghị phạt nặng các ca sĩ hát nhép và thưởng 50% tiền phạt cho người phát hiện, để những ca sĩ hát đàng hoàng khỏi bị ảnh hưởng. Bà Hoàng Điệp, Nhạc viện TP.HCM, than thở hiện trạng "người người làm ca sĩ, nhà nhà ca sĩ" khiến việc giáo dục đào tạo "bị ảnh hưởng"!
Bà Thế Thanh ( phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM ) cũng nêu tên ba ca sĩ T.T.L. (tối 30 tết tại sân khấu công viên 23-9), V.Q. và Q.H. (tối mồng 1 tết tại sân khấu Phương Nam) bị phát hiện hát nhép. Bà cho biết từ đầu quí 2-2005 sở sẽ bắt đầu phạt những ca sĩ hát nhép, đồng thời từ chối cấp giấy phép sản xuất băng đĩa mới cho các cơ sở nếu chưa có biên nhận nộp lưu chiểu và từ chối cấp giấy phép hoạt động nếu các đơn vị chưa nộp báo cáo nhận xét của chính quyền địa phương sau khi lưu diễn về. Và đây cũng là những ý kiến được cơ sở hoan nghên ( Theo www.tuoitre.com.vn )
Chính phủ lên tiếng
Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngăn cấm “hát nhép”. (xem điều 33 mục C)
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH -TT&DL) có công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi hát nhép trong các chương trình ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật bắt đầu từ ngày 01/01/2010. Với mức phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng cho ca sĩ vi phạm.
So ra ở Việt Nam mức phạt còn nhẹ so với các nước láng giềng chẳng hạn như Hàn Quốc.
Vào ngày 13/5, Thượng nghị sĩ Lee Myung Soo đệ trình Luật biểu diễn trước công chúng, trong đó đề xuất rằng các nghệ sĩ không được phép hát nhép (lip-sync), hoặc giả chơi nhạc cụ (hand-sync), trong các buổi biểu diễn có bán vé hoặc các chương trình truyền hình, nơi các nghệ sĩ được trả tiền cátsê.
Trong trường hợp nghệ sỹ buộc phải lip-sync hoặc hand-sync, thì họ phải công bố để các khán giả biết trước khi biểu diễn. Nếu nghệ sỹ vi phạm luật này, họ sẽ phải ngồi tù ít nhất là một năm hoặc phạt tiền ít nhất là 10.000 USD (210 triệu đồng).
Còn tại Trung Quốc Mới đây, hai diễn viên Phương Tử Viên và Ân Hữu Xán (Trung Quốc) bị xác định là hát nhép khi biểu diễn, đã phải nhận quyết định nộp phạt cho Cục Văn hóa Thể thao huyện Song Lưu tỉnh Tứ Xuyên mỗi người 5 vạn nhân dân tệ (khoảng 128 triệu VNĐ). Đây là vụ hát nhép ở Trung Quốc bị xử mạnh tay nhất từ trước tới nay.
Suy tư :
Điều lạ lùng là ít thấy hiện tượng hát nhép ở Châu Âu. Tại mỹ đất nước văn minh, có nền khoa học hiện đại, hàng đầu trong các kỹ thuật âm thanh, nhạc cụ nhưng họ không có hiện tượng về hát nhép, do đó cũng không có luật lệ về hát nhép, phải chăng chỉ một số nước Châu Á mới xẩy ra hiện tượng này. Phải chăng con người ở Châu Âu vốn thẳng thắn và ghét điều giả dối, họ thích được tôn trọng và do đó họ cũng tôn trọng kẻ khác ( khán giả ). Một số nước Châu Á lại quen lươn lẹo,lọc lừa, không biết trân trọng bản thân dù cả khi ở đỉnh cao của nghệ thuật
Tại Việt Nam – hiện tượng chạy đua thành tích, bề nổi khá tốt nhưng bề trong một số đơn vị lại cố chạy theo thành tích do đó họ đánh bóng bên ngoài và báo cáo với những ngôn từ rất “kêu” để có điểm với cấp trên, thực chất là phô bề ngoài và lừa dối bề trong. Chẳng hạn những cuộc trình diện, đối phó tạm thời cho qua một đợt thanh tra…Cơ cấu báo cáo của một tổ chức, đôi khi dẫn đến một số tập thể báo cáo láo. Cấp trên dựa vào báo cáo láo của cấp dưới để báo cáo láo với cấp trên hơn. Chính đây nảy sinh hiện tượng tiêu cực là lừa dối nhau. Hát nhép là hiện tượng lừa dối công khai, nó không phải là một việc trình diện để phô trương thành tích nhưng phần nào nó ảnh hưởng bởi một môi trường sống quen dối gian, báo láo, lọc lừa, lọc lừa khi có thể để tồn tại và hạnh phúc với những vinh vang giả tảo. Đôi khi quên dừng lại để nhận định cuộc sống, chúng ta cũng lạc vào con đường giả tạo mà mình không nhận ra.
Chúng ta thường hay chê bai, chỉ trích những tổ chức, hệ thống báo cáo láo, chúng ta nản lòng, chúng ta dùng những ngôn từ tệ hại nhất để phê bình cái gây ra nguồn gốc của sự lừa dối. Chúng ta viết bài đã kích, chúng ta đàm luận khi gặp bất cứ ai. Nhưng hỡi ơi! Chính chúng ta đang làm điều đó, chúng ta gờm tởm sự giả dối làm băng hoại thế hệ trẻ, thế hệ mầm non. Nhưng chúng ta đang công khai trình diễn nó. Như vậy chúng ta còn kinh khủng hơn những tổ chức báo cáo láo khác, chúng ta đang đẩy mạnh hoặc góp phần xây dựng một sự dối trá cho lớp trẻ. Mà hằng ngày chúng ta khuyên dạy họ phải sống thật thà không dối gian. Một trong những điều đó có hiện tượng “hát nhép” đã và đang xảy ra trong các giáo xứ Công giáo, nhất là những giáo xứ vùng quê, họ dùng những phương tiện kỹ thuật điện tử để làm nổi bật, tạo sự hoành tráng, tạo sự hoàn thiện bề ngoài, để lấy lòng thiên hạ, để nhận được những lời khen và để thưởng thức với những tin nhắn nỉnh hót của những kẻ quen nỉnh, hời hợt. Một cách nào đó khi thiên hạ thán phục ta, là ta gián tiếp muốn kiếm điểm với cấp trên để mong có ngày thăng quan tiến chức. Nhưng do kém nhận định ta không hề biết rằng những thành phần hiểu biết trong dân trí họ không chấp nhận một môi trường cả đạo lẫn đời đều tạo ra thành tích để kiếm điểm cho cá nhân, còn giới trẻ thì hả hê trong ảo tưởng, trong sự hào nhoáng giả tạo, và vô tình thấm nhiệm một sự lừa dối rất thường tình không lấy chi làm hộ thẹn. Điều này còn dẫn đến chai lì trong sự giả dối, từ giả dối này đến giả dối khác, từ giả dối nhỏ đến giả dối lớn, giả dối trong ăn uống, trong hàng hóa, giả dối muôn hình muôn vể, để giới trẻ ngày nay không biết tin vào đâu, để giới trẻ quay ra thấy sự thật là phi lý giữa một xã hội sống dựa vào sự giả dối. Là người Công giáo luôn vinh danh sự thật, chúng hãy cảnh giác để khỏi dạy người ta tránh cái điều mà mình đang làm cớ cho họ mắc phải.
GÕ mõ ( suy tư và tổng hợp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét