Linh đạo Hội Dòng: Cái hồn của linh đạo Dòng Đa Minh bắt nguồn từ chính sứ mạng Chúa trao cho thánh tổ phụ Đa Minh và trải dài qua đời sống của Dòng, được phát biểu qua các phương châm : nói với Chúa và nói về Chúa, Chân lý (Veritas), chuyển trao cho người khác điều mình đã chiêm niệm (Contemplata aliis tradere). Bằng phương cách đó đời sống ơn gọi của Dòng làm lớn lên các nhà giảng thuyết đắm chìm trong chiêm niệm.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DÒNG NỮ ĐA MINH VIỆT NAM
I. Phần chung : (Chung cùng với 6 Hội Dòng Đa Minh)
1. Nguồn gốc các Hội Dòng nữ Đa Minh tại Việt Nam : (Chung cùng với 6 Hội Dòng Đa Minh)
Thời kỳ sơ khai : Chị em Đa Minh Việt Nam được nảy sinh từ cánh đồng truyền giáo thấm máu đào của các anh hùng tử đạo, trong đó có các phần tử gia đình Đa Minh. Từ hậu bán thế kỷ XVII, các thừa sai Đa Minh sang Việt Nam truyền giáo tại đàng ngoài (1676), đã quy tụ chị em và thành lập các cộng đoàn chị em Đa Minh trong địa phận Đông Đàng Ngoài, sau trở thành khu vực địa phận Dòng (nay là các giáo phận Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bùi Chu, Thái Bình).
Nhà Mụ Đa Minh đầu tiên được thiết lập tại Trung Linh năm 1715, do cha chính dòng Bustamante Hy OP. Chị em mặc y phục đơn giản như các phụ nữ đương thời nhưng có đội khăn lúp, sống thành cộng đoàn, giữ ba lời khuyên Phúc Âm, theo luật chung gọi là Lề Luật Nhà Mụ. Mỗi nhà là một cộng đoàn biệt lập dưới quyền điều khiển của Bà Mụ (từ “Bà Mụ” ở Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII để chỉ những phụ nữ học thức và thuộc dòng tôn thất nơi cung đình). Bà Mụ thường phải là người đứng tuổi, nhân đức, kinh nghiệm, do cha chính dòng cắt cử hoặc chị em ái mộ và được cha chính chấp thuận. Năm 1860, đã có bản Lề Luật bằng chữ Nôm, dựa theo luật dòng nữ Đa Minh Tây Ban Nha và sửa đổi cho thích nghi với hoàn cảnh Giáo Hội và xã hội địa phương. Mãi đến thập niên 1920, mới có tên Nhà Phước thay cho Nhà Mụ.
Từ thuở khai sinh, chị em Đa Minh vốn tự lực cánh sinh bằng công sức lao động của chính mình. Các chị thường làm nghề dệt, may, xay lúa, giã gạo, bào chế thuốc Đông Y gia truyền. Nếp sống thanh bần, đạm bạc, nhưng các chị rất tích cực cộng tác với các linh mục trong việc tông đồ mục vụ. Các chị nhận dạy kinh bổn cho các nữ dự tòng, chia thành từng hai người một đi bán thuốc dạo trong các làng lương dân, hầu có dịp tiếp xúc và loan báo Tin Mừng, rửa tội cho trẻ em nguy tử, hoặc chuộc lấy đem về nuôi tại nhà thiên thần. (Nhà Thiên Thần gọi là Cô Nhi viện, thường nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi từ sơ sinh đến 12 tuổi. Năm 1916, địa phận Trung [được gọi là Bùi Chu lúc đó gồm có Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bùi Chu] có 15 nhà, nuôi 3.353 em). Các chị giúp trong các nhà thương, viện dưỡng lão, trại phong (có 17 nhà).
Trong thời cấm đạo, các chị là những người thông tin, liên lạc thư từ, lo liệu cơm nước thuốc men, và có khi đem Minh Thánh Chúa cho các đấng chịu giam cầm vì đức tin.
Sau thời bách hại, chị em được phái đến các làng mạc trong giáo phận, giúp các phụ nữ bị ép bỏ đạo cưới chồng ngoại giáo (khoảng 400 người trở lại vào dịp này, riêng tại địa phận Trung có 2 trường dành cho nữ sinh). Trong thời bình yên, chị em dạy học mẫu giáo và tham gia công tác xã hội (phục vụ nhà thiên thần và nhà thương).
Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là trong thời kỳ bách hại, chị em Đa Minh đã lập nhiều công lớn đối với Giáo Hội Việt Nam, khiến các Công Đồng Kẻ Sặt (1900), Kẻ Sở (1912), và Đông Dương (Hà Nội, 1934) đều có lời khen ngợi. Chính Công đồng kẻ Sở và Công đồng Miền Đông Dương, điều 104-106, đã khuyến khích các đấng bản quyền liên hệ, sớm lo liệu cho chị em Nhà Phước trở thành dòng có lời khấn theo Giáo luật (bộ Giáo luật 1917) và quy tắc các dòng địa phận của Thánh Bộ Truyền giáo. Số chị em ngày càng phát triển và có mặt khắp các địa phận dòng. Năm 1916, địa phận Trung có 475 Dì phước Đa Minh. Năm 1933, có 780 Dì phước Đa Minh (x. Lm Bùi Đức Sinh, OP, Dòng Đa Minh trên đất Việt, quyển II, Sài Gòn 1995, tr. 219-225).
Thời kỳ lập dòng : theo ý tòa Thánh và nguyện vọng của các Công Đồng Miền tại Việt Nam, Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục giáo phận Bùi Chu ([1935-1948], lúc này Giáo phận Trung đã được tách riêng ra thành các giáo phận Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn), đã lấy một phần nhân sự và tài sản của các nhà phước Mến Thánh Giá và Đa Minh để ký sắc lệnh lập Dòng con Đức Mẹ Mân Côi - Bùi Chu ngày 08/09/1946 và chọn Nhà Phước Đa Minh Trung Linh làm nhà Mẹ cho dòng mới. Địa phận Bùi Chu lúc ấy có 14 Nhà Phước Đa Minh và 2 Nhà Phước Mến Thánh giá là Kiên Lao và Liên Thượng. Trong số các Nhà Phước Đa Minh thì 7 nhà : Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Nội, Liên Ngoại, Liên Thượng, Hạ Linh, và một số chị em thuộc 7 nhà còn lại đã gia nhập dòng mới (Dòng con Đức Mẹ Mân Côi - Bùi Chu).
Ngày 04/08/1950, sau khi được tấn phong giám mục và cai quản địa phận Bùi Chu, kế vị Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, công việc đầu tiên của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi thực hiện cho giáo phận là cải tổ 7 Nhà Phước Đa Minh còn lại (Bùi Chu, Phú Nhai, Trung Lao, Quần Cống, Sa Châu, Trung Lễ, và Liễu Đề) thành Hội Dòng nữ Đa Minh theo giáo luật và chọn Nhà Phước Bùi Chu (bên cạnh Tòa Giám Mục Bùi Chu) làm nhà Mẹ.
Đức cha đã nhờ cha Alonso Bá OP, là giáo sư thần học và giáo luật ở Giáo Hoàng chủng viện Thánh Alberto Nam Định, soạn thảo Nội quy cho chị em. Bản nội quy – gồm tu luật Thánh Augustin và Hiến Pháp soạn theo Hiến pháp dòng Anh Em Thuyết Giáo – đã đệ đạt lên tòa Thánh ngày 19/11/1950 và được Hồng Y Pertrus Fumasoni Biondi, Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, châu phê ngày 21/03/1951, qua công văn Port. Số 1.243/51.
Ngày 30/04/1951, Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam đầu tiên được thành lập, có trụ sở thuộc giáo phận Bùi Chu (tên thường gọi là Hội Dòng nữ Đa Minh Bùi Chu), thuộc quyền giám mục giáo phận.
Tại các giáo phận còn lại, các Nhà Phước vẫn phát triển và chờ đợi các giám mục địa phương xúc tiến cải tổ thành các Hội Dòng giáo phận. Tại giáo phận Thái Bình, có 12 nhà phước: Ninh Cù, Trung Đồng, Ngọc Đồng, Cao Mộc, Viên Tiêu, Tiên Chu, Phương Xá, Đông Thành, Bồ Ngọc, Cổ Việt, Thân Thượng. Tại giáo phận Hải Phòng có nhà phước : Kẻ Sặt, Nam Am, Liễu Dinh, Yên Trì, Ba Đông. Tại giáo phận Bắc Ninh có nhà phước : Xuân Hòa, Đình Tổ, Nhã Lộng, Đạo Ngạn, Hương La, Thái Đào, Yên Mỹ, Trung Lai, Vĩnh Tên, Tiên Nha …
Biến cố lịch sử 1954 đã đưa các chị em Nhà Phước di cư vào Nam hầu như toàn bộ. Đức Cha Phạm Ngọc Chi, giám mục đặc trách những người di cư đã gởi một bức thư vào ngày 6/8/1955 cho các Bề Trên trực thuộc các địa phận Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh đã di cư vào Nam, để đề cập đến vấn đề cải tổ các Nhà Phước Đa Minh thuộc các địa phận nói trên. Các chị em Nhà Phước di cư vào Nam quây quần bên nhau tại Hố Nai trong tình hiệp nhất. Ngày 21/01/1958 Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam thứ hai được thành lập, có trụ sở thuộc giáo xứ Thánh Tâm, giáo phận Xuân Lộc (tên thường gọi là Hội Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm).
Ngày 01/01/1973 Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam thứ ba được thành lập, có trụ sở thuộc giáo xứ Xuân Hiệp, giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh (tên thường gọi là Hội Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima – Xuân Hiệp).
Ngày 08/12/1978 Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam thứ tư được thành lập, có trụ sở thuộc giáo xứ Lạng Sơn, giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh (tên thường gọi là Hội Dòng nữ Đa Minh Lạng Sơn).
Ngày 30/04/1995 Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam thứ năm được chính thức biệt lập, có trụ sở thuộc giáo xứ Tam Hiệp, giáo phận Xuân Lộc (tên thường gọi là Hội Dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp).
Ngày 22/08/2003 Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam thứ sáu được thành lập, có trụ sở thuộc giáo phận Thái Bình (tên thường gọi là Hội Dòng nữ Đa Minh Thái Bình).
2. Tiểu sử vị sáng lập Hội Dòng : (Chung cùng với 6 Hội Dòng Đa Minh)
Thánh Đa Minh sinh tại Caleruega, Tây Ban Nha, năm 1170. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã mộ mến học hành và chăm lo cầu nguyện. Lớn lên ngài học thần học tại Palencia, ngài nổi tiếng là người có lòng nhân ái đối với người nghèo khổ, sẵn sàn bán những bộ sách quí giá để giúp đỡ cho người nghèo. Sau khi nhận tác vụ linh mục, khoảng năm 1196 ngài gia nhập kinh sĩ đoàn tại nhà thờ chính tòa giáo phận Osma. Nhờ chuyên cần cầu nguyện ngài tiến rất nhanh trên đường nhân đức nên được Đức Cha Diego de Acevedo đặt làm Bề trên phó khinh sĩ đoàn Osma năm 1201.
Trong thời gian theo Đức Cha đi công tác mục vụ tại Toulouse, thánh nhân đã chững kiến tận mắt những khó khăn do bè rối Albigense gây ra, ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ. Ngài thuyết phục họ bằng lời giảng, bằng đối thoại huynh đệ và nhất là bằng gương sống.
Tháng 3/1206 Đức Giám Mục Diego và Thánh Đa Minh gặp các vị đặc sứ phụ trách truyền giáo tại vùng Montpellier, ngài đưa ra một phương pháp mới để trình bày đức tin, “giảng thuyết trong thanh bần tự nguyện”, Phương pháp này đã được Đức Giáo Hoàng Innocente III chấp nhận.
Tuy nhiên, thánh nhân cũng cần sự hỗ trợ cho việc truyền giáo bằng lời cầu nguyện của các chị em, nên đầu năm 1207 ngài đã thiết lập nữ đan viện đầu tiên tại Prouille. Cũng cần nói thêm rằng : lúc sinh thời, ngài chưa lập tu viện cho chị em dòng ba, nhưng có lẽ trong tâm tưởng và lời trăn trối nên sau này các đấng kế vị thánh nhân đã tiết lập dòng ba Đa Minh như chúng ta thấy ngày nay.
Chính nhờ tinh thần mở rộng đón nhận những cộng sự hiến thân cho việc “rao giảng Chúa Kitô”, mà càng ngày càng có những người cộng tác với thánh nhân. Năm 1215 thánh Đa Minh đã có thể đặt nền tảng dòng mới khi thiết lập tu viện đầu tiên tại Toulouse. Dòng sống theo tu luật thánh Augustinô với tên gọi Dòng Thuyết Giáo, đảm nhận việc rao giảng Lời Chúa, một nhiệm vụ mà thời đó chỉ dành riêng cho các giám mục.
Ngày 21/01/1217 Đức Giáo Hoàng Honorio III đã chính thức châu phê danh hiệu và sứ mạng của các tu sĩ Thuyết Giáo.
Tin tưởng vào ân sủng Chúa ban và cậy trông vào sự bảo trợ của Đức Trinh nữ Maria, ngày 15/08/1217 Thánh Đa Minh đã sai phái anh em đi Paris, Thây Ban Nha, Roma, Bologne…còn chính ngài đi miền Bắc Ý, nơi giáo phái Carthage đang hoành hành đảm trách một sứ mạng nặng nề.
Tháng 2/1218 Đức Giáo Hoàng Honorio III ban hành sắc chỉ giới thiệu Dòng Thuyết Giáo.
Bằng lời giảng và gương lành thánh thiện, ngài đem Chúa đến cho mọi người. Vì thế, ngoài những lúc đi giảng, ngài luôn nói với Chúa qua lời cầu nguyện, để sau đó có thể nói về Chúa cho tha nhân. Đâu đâu ngài cũng tỏ ra là một con người của Tin Mừng cả trong lời nói và hành động.
Thánh nhân qua đời tại Bologne ngày 06/08/1221.
Ngày 03/07/1234 Đức Thánh Cha Gregorio IX đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
3. Đặc sủng Hội Dòng : (Chung 6 Hội Dòng Đa Minh)
Đặc sủng của các Hội Dòng chị em Đa Minh Việt Nam đã được nêu lên trong Hiến pháp như sau :
3.1 Sống tinh thần “chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”, chị em đón nhận nếp sống tông đồ đã được Cha Thánh Đa Minh thể hiện là đời sống cộng đoàn, trung thành tuân giữ các lời khấn, sốt sắng cử hành phụng vụ cộng đoàn, chuyên chăm học hành Chân Lý, tuân giữ kỷ luật tu trì và thi hành sứ vụ.
3.2 Mô phỏng Đức Giêsu giảng thuyết, chị em Đa Minh Việt Nam được mời gọi tham gia đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ của Người. Tính ngôn sứ đó được chị em thể hiện qua việc thông truyền Tin Mừng tình thương Chúa bằng chứng tá đời sống và lời giảng.
3.3 Để đời tu được phong phú và công cuộc loan báo Tin Mừng đạt kết quả dồi dào hơn, chị em cần hội nhập vào nếp sống văn hóa truyền thống địa phương, với sự phân định khôn ngoan theo tiêu chuẩn Tin Mừng.
4. Linh đạo Hội Dòng :
(Chung 6 Hội Dòng Đa Minh)
Cái hồn của linh đạo Dòng Đa Minh bắt nguồn từ chính sứ mạng Chúa trao cho thánh tổ phụ Đa Minh và trải dài qua đời sống của Dòng, được phát biểu qua các phương châm : nói với Chúa và nói về Chúa, Chân lý (Veritas), chuyển trao cho người khác điều mình đã chiêm niệm (Contemplata aliis tradere). Bằng phương cách đó đời sống ơn gọi của Dòng làm lớn lên các nhà giảng thuyết đắm chìm trong chiêm niệm.
Mặc dù các từ ngữ "giảng thuyết" (nói về Chúa) và "chiêm niệm" (nói với Chúa) đã lưu hành trong văn chương Kitô giáo từ lâu đời, nhưng chúng đã được "tô điểm" dưới sáng kiến của thánh Đa Minh. Sự giảng thuyết chú trọng đến việc trình bày Chân Lý đức tin. Nhất là sự giảng thuyết lấy đối tượng là chính Phúc âm. Chính vì thế sự giảng thuyết đòi hỏi tính nhất quán giữa lời nói và cuộc sống, việc chiêm niệm được nuôi dưỡng không những bằng sự suy gẫm mà còn bằng việc phụng vụ, việc học hỏi, việc khổ chế. Tất cả những hành vi vừa nói nhằm đào tạo cho người tu sĩ Đa Minh trở thành "miệng của Chúa", khí cụ ngoan ngoãn của Thánh thần. Một môi trường khác để huấn luyện chiêm niệm và giảng thuyết đó là đời sống huynh đệ cộng đoàn : chiều kích huynh đệ chi phối từ việc cầu nguyện phụng vụ, cho đến việc học hành, việc tuân giữ các lời khuyên Phúc âm, cũng như cách thức quản trị và ngay chính công tác giảng thuyết.
Việc truy tầm chân lý không những thúc đẩy lòng say mê học hỏi Chân Lý, không tìm kiếm Chân Lý cho riêng mình, mà rộng lòng mong muốn thông truyền cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm.
5. Liên hiệp nữ Đa Minh Việt Nam : (Chung cùng với 6 Hội Dòng Đa Minh)
Liên Hiệp Nữ Đa Minh tại Việt Nam (LHNDDMVN) gồm các Hội Dòng thành viên : Đa Minh Bùi Chu, Đa Minh Thánh Tâm, Đa Minh Xuân Hiệp, Đa Minh Lạng Sơn, Đa Minh Tam Hiệp và Đa Minh Thái Bình.
Sau 40 năm, kể từ khi Hội Dòng nữ Đa Minh Việt Nam tiên khởi được thành lập tại Bùi Chu ngày 30/04/1951, các đại diện của các Hội Dòng nữ Đa Minh đã ngồi lại bên nhau trong phiên họp ngày 02/ 05/ 1991, tại Trụ sở Tỉnh Dòng (90 Lê Văn Sỹ, Quận 3, Tp. HCM), dưới sự chủ tọa của Cha Giám tỉnh Giuse Đinh Châu Trân O.P, các Bề trên Tổng quyền và các chị đại diện của bốn Hội Dòng : Đa Minh Thánh Tâm, Đa Minh Xuân Hiệp, Đa Minh Lạng Sơn, Đa Minh Tam Hiệp đã bàn thảo và nhất trí cùng nhau thực hiện : thống nhất một kiểu tu phục và soạn thảo một bản Hiến Pháp chung.
Sau khi các Hội Dòng nữ Đa Minh Việt Nam đã thống nhất một kiểu tu phục (08-08-1991) và hoàn tất bản dự thảo Hiến Pháp chung (12/1995), Chúa Thánh Thần còn thúc đẩy chị em tiến thêm một bước nữa : Thành lập LHNĐMVN, ngày 10/03/1996 đã được chọn là ngày khai sinh liên hiệp.
Về phụng vụ, từ năm 1997, các Hội Dòng đã thống nhất một mẫu nghi thức khấn dòng; Và đã gắn kết sâu xa hơn, cả khi sống cũng như lúc chết, các Hội Dòng có giao ước cầu nguyện cho các chị em qua đời. Và năm 2004 Hiến Pháp chị em Đa Minh Việt Nam được chính thức ban hành và đưa vào áp dụng.
Với mục tiêu chung Cùng Nhau Phục Vụ Lời, chị em các Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam đã hợp tác với nhau trong nhiều lãnh vực : huấn luyện, đào tạo, phụng vụ và sứ vụ…
LHNĐMVN thành lập thì Học viện Liên Dòng Thánh Tôma đã được chào đời, với chương trình hai năm. Từ năm 2001, chương trình này kéo dài ba năm. Ngoài ra các khóa thường huấn dành cho các bề trên và các huấn luyện viên được tổ chức thường xuyên vào tháng 10 mỗi năm. Ngoài ra, Ban điều hành Liên Hiệp đã tham dự những khóa học, và tham dự những cuộc họp do Hiệp hội Nữ tu Đa Minh thế giới tổ chức tại hải ngoại.
Chị em đã tích cực cùng nhau thi hành sứ vụ tại hai thí điểm truyền giáo : Cà Mau và Trảng Tranh và được đánh giá cao về tinh thần tông đồ, sự hòa đồng và dấn thân cho sứ vụ chung. (Cha Đa Minh Trần Xuân Thảo,giáo phận Xuân Lộc đã nhiệt thành hỗ trợ chị em trong sứ vụ này). Chị em cũng tích cực tổ chức những cuộc cứu trợ và đóng góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai tại miền Bắc, miền Trung, cũng như cùng nhau thực hiện các công cuộc bác ái - xã hội khác. Bên cạnh đó, Liên Hiệp đã hỗ trợ bước đầu cho sự hình thành của nữ đan viện Đa Minh tại Việt Nam.
Hiện nay, với sáu Hội Dòng thành viên với nhân số của chị em như sau : 1.095 nữ tu khấn trọn, 513 nữ tu khấn tạm, 91 tập sinh, 129 tiền tập sinh, 695 thỉnh sinh, 49 tận hiến, gồm 127 cộng đoàn hiện diện tại 13 giáo phận và trải dài trên cả ba giáo tỉnh (1 tỉnh dòng hải ngoại và một số cộng đoàn rải rác tại các nước khác). Chị em Liên Hiệp Nữ Đa Minh sẽ có những bước tiến mới trong tinh thần tôn trọng, đối thoại, sẵn sàng tương trợ và cùng nhau dấn thân phục vụ Lời ở mọi biên cương Thánh Thần sai chị em tới, để ngọn đuốc sáng Đa Minh mãi bừng cháy lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét