About Me

CUỘC HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG ANH EM HÈN MỌN TẠI VIỆT NAM

Dòng Anh Em Hèn Mọn, do thánh Phanxicô thành Atxidi sáng lập, là một huynh đệ đoàn, trong đó các anh em được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi theo Đức Giêsu Kitô sát hơn; qua việc tuyên khấn, họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, là Đấng họ yêu mến trên hết mọi sự, bằng cách sống Phúc âm trong Giáo hội theo thể thức mà thánh Phanxicô đã tuân giữ và đề xướng.


 


 


CUỘC HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG ANH EM HÈN MỌN TẠI VIỆT NAM


LƯỢC SỬ DÒNG PHAN SINH TẠI VIỆT NAM

Đi mở nước Chúa ở những miền đất xa xôi, đầy phiêu lưu mạo hiểm, xưa nay vẫn là một truyền thống của Dòng Phanxicô.

Từ thế kỷ 12, đã có vết chân của các nhà truyền giáo mạo hiểm này vượt trùng dương, băng rừng băng núi đem ánh sáng Phúc Am đến cho các dân tộc Á đông. Từ năm 1245-1314, đã có những vị hoặc đi một mình hoặc đi thành phái đoàn, thành công mỹ mãn hoặc có đi mà không có về …

Ở Việt Nam, vào thế kỷ 16, đã có những nhà truyền giáo Phanxicô đến mở Nước Chúa. Ngay từ năm 1583 và nhất là sau năm 1680, đã có những linh mục từ Phi Luật Tân qua truyền giáo và rửa tội được rất nhiều người, nhất là ở Nam Việt và Cao Miên. Có người nói số giáo hữu lên tới 30.000 người …

Nhưng vào khoảng năm 1750, Giáo hội bị bách hại, vì thế các giáo đoàn nói trên phải tan rã. Các cha còn tìm cách trở lại nhưng không kết quả. Người cuối cùng mà sử sách còn biết tới là cha Odoric de Collodi, làm cha sở Cái Nhum 13 năm, dưới triều Minh Mạng, bị bắt ra Phú Xuân, bị án đày lên Lao Bảo với các Chân phước Gagelin, Jacquard và chết rũ tù nơi rừng thiêng nước độc ấy vào ngày 23/5/1834.

Như thế, tuy anh em tu sĩ Dòng Phanxicô đã đến truyền giáo trên giải đất Việt Nam từ cuối thế kỷ 16, nhưng cho đến đầu thế kỷ 20, vẫn chưa thành lập một nhà dòng nào cho người Việt muốn sống đời tu trì theo tinh thần Thánh Phanxicô.

Một dịp thuận tiện đã đến để liên kết Dòng với giải đất mà một số con cái thánh Phanxicô đã từng hy sinh gian khổ đem ánh sáng Phúc Âm chiếu giãi sáng ngời. Tháng 11 năm 1928, Đức Cha Colomban Dreyer, một tu sĩ Phanxicô, trước đây một thời đã hoạt động cùng Cha Maurice Bertin ở Canađa, được Tòa Thánh cử làm Khâm mạng Tòa Thánh ở đế đô Huế. Đức Cha nghĩ đến việc lập Dòng, thể theo ý Đức Giáo Hoàng Piô XI đang khuyến khích các địa phận truyền giáo mời các Dòng tu đến giúp sức.

Đầu năm 1929, với sự chấp nhận và khuyến khích của Hội Truyền Giáo Paris, và riêng của Đức Cha Eloy, Giám mục Địa phận Vinh, công cuộc lập Dòng Phanxicô Việt Nam, và nhà đầu tiên ở Vinh, được giao cho một Tỉnh Dòng Pháp đảm nhận. Và cha Maurice Bertin vừa ở Nhật Bản về định chuẩn bị lập Dòng ở Tokyo và Nagasaki, được giao cho việc hướng dẫn anh em sang lập Dòng ở Việt Nam.

Ngày 21/11/1929, cha Maurice Bertin cùng với hai anh em là cha Hugolin Lemesre và thầy Jean-Marie Couden đặt chân lên hải cảng Đà Nẵng. Và suốt 17 năm trời, mặc dầu đã ngoài 60 tuổi, cha không ngừng vận dụng hết tài năng sức lực lo đặt nền móng vững chắc cho việc đào tạo giúp Hội Thánh Việt Nam, những tu sĩ Phanxicô và phát huy cuộc đời tu hành theo tinh thần của vị Thánh Nghèo trên đất Việt.




 



CÁC VĂN BẢN THÀNH LẬP



Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn
Thánh Antôn, Via Merulana 124



Roma, (124) 9 tháng Giêng 1929


Kính gửi: Đức Cha Colomban Dreyer
Khâm mạng Toà Thánh tại Đông Dương
Đường Marie-Rose, 9 Paris XIV


Đức Khâm mạng kính mến,
Như Đức Khâm mạng biết, cha Maurice Bertin đã được cấp bài sai để có thể đến Pháp với mục đích tìm các phương tiện và nhân sự nhằm thiết lập một tu viện tại Tôkyô, thủ đô của Nhật Bản.



Bây giờ cha ấy viết cho con là cha đã tìm được nhân sự, nhưng không hy vọng có thể tìm ra những phương tiện và hỏi con là Nhà Trung ương này có thể cấp các thứ ấy cho cha, ít ra là phần lớn chăng.


Phải nói là con rất muốn chấp nhận nguyện vọng của cha Maurice Bertin, nhưng các món nợ đang phải gánh cho các tu viện Trung Hoa và các phí tổn bỏ ra để xây cất Học viện Truyền giáo Rôma khiến con không thể kham thêm bất cứ gánh năng nào nữa.


Trong tình huống như thế, và do chiếu cố đến thiện chí của các cha đã đi theo lời mời của cha Maurice Bertin, con lại nghĩ đến một địa điểm truyền giáo bên xứ Annam được đề xuất cho chúng con, mà hẳn là con hết sức sẵn sàng đón nhận và giao phó cho một hoặc nhiều Tỉnh Dòng Pháp.


Đức Cha Aiuti, vị Tiền nhiệm của Đức Khâm mạng, mà chúng con trân trọng tưởng nhớ, trong những tháng cuối năm 1927, vào dịp ngài đến Rôma, đã đề xuất cho chúng con một địa điểm truyền giáo bên Đông Dương và Thánh Bộ đã sẵn lòng chấp nhận; ngài khuyên chúng con liên hệ trong mục tiêu ấy với Đức Cha J. de Guébriant, Bề Trên Hội Thừa Sai Ngoại Quốc, hiện ngụ tại Paris, đường Du Bac, 128.


Vị Giám Mục này đã viết một thư trả lời rất dễ thương, khi tỏ ra rất hài lòng vì tìm thấy nơi chúng con những cộng sự viên làm việc với các Thừa sai của ngài. Tuy nhiên, ngài nói rằng ngài không thể đảm nhận trách nhiệm nếu như các thừa sai được gửi đến đó không là người Pháp; bởi vì như ngài đã nhận xét chí lý, nhà cầm quyền Pháp đang bảo hộ vùng này, chắc hẳn sẽ gây nhiều khó khăn cho những người mang quốc tịch khác.


Thế là chúng con đã đề nghị cho Chi Tỉnh Alsace và Lorraine nhận lập địa điểm truyền giáo ấy, và đã đề nghị nhiều lần, nhưng họ đều không muốn chấp nhận.


Chính vì thế mà chúng con đã phải miễn cưỡng từ bỏ giấc mọng có được một địa điểm truyền giáo tại những miền đất hiện nay được ký thác cho quyền điều hành đầy tình từ phụ của Đức Khâm mạng kính yêu.


Con nói là chúng con đã phải miễn cưỡng từ bỏ, bởi vì như Đức Khâm mạng biết, Dòng chúng ta có những truyền thống quang vinh tại các miền đất này, là nơi Dòng đã duy trì, trong suốt hai thế kỷ rưỡi, những địa điểm truyền giáo phồn thịnh, được 8 anh em phan sinh Phi Luật Tân khởi sự vào năm 1583, rồi được nối tiếp vào năm 1644 bởi người anh em trứ danh là Antonio di S. Maria (Calalero), anh này đã đến đó cùng với 6 chị Dòng Clara; các chị đã được triều đình Huế tiếp đón rất trọng hậu, và trong lịch sử Họi Thánh, các chị là những nữ tu đầu tiên đi truyền giáo. Vào năm 1739, các anh em phan sinh đã rửa tội cho mười ba ngàn người tại Đàng Ngoài và đến năm 1750, các anh đã có ở đó 44 nhà thờ, 61 nhà nguyện và hơn 30 ngàn Kitô hữu. Do các tranh chấp giữa nước Tây Ban Nha và nước Pháp, các địa điềm truyền giáo ấy bị tàn lụi đi và nhà thừa sai cuối cùng của chúng ta trong các miền này là cha Odorico Ciomei di Collodi thuộc Tỉnh Dòng Toscana, chết vì đạo năm 1834, trong lúc bị đi đày, nhưng đã được một cha thuộc Hội Thừa Sai Ngoại Quốc Paris ở bên cạnh giúp đỡ.
Thưa Đức Khâm mạng kính mến, như Đức Khâm mạng thấy, chúng con đã được toại nguyện nhờ sự đón tiếp nhân hậu, thậm chí khả ái mà Đức Cha de Guébriant đã dành cho chúng con, vì ngài đã tạo cho chúng con những điều kiện thuận lợi nhất, để chúng con có thể gửi đến đó các thừa sai Pháp, kính xin Đức Khâm mạng cứu xét xem có thể có được bên Annam một địa điểm truyền giáo để giao phó cho tất cả các Tỉnh Dòng Pháp chăng, kể cả Chi Tỉnh Alsace và Lorraine. Đức Khâm mạng có thể xem xét các cha trước đây đã tình nguyện đi sang Tôkyô, bây giờ có sẵn sàng tháp tùng Đức Khâm mạng không, và như thế họ sẽ làm thành nhóm đầu tiên của địa điểm truyền giáo ấy.


Như thế, Đức Khâm mạng sẽ không những là vị Bảo trợ có thế giá của những dân tộc và những địa điểm truyền giáo nói trên, do Đức Thánh cha tin cẩn cử đến, mà còn là vị Tông đồ của Tổ Phụ Chí ái, là người sau nhiều năm lại mở ra những trang sử phan sinh quang vinh.


Con xin kết hợp vào lời thỉnh cầu này những lời cầu nguyện nồng nhiệt tha thiết của con để xin Chúa phù hộ Đức Khâm mạng trong sự chọn lựa tốt nhất hầu mưu ích cho các linh hồn và các Tỉnh Dòng thân thương của chúng ta tại Pháp; và trong khi chờ đợi thư phúc đáp của Đức Khâm mạng, con xin hết sức trân trọng kính chào Đức Khâm mạng với tâm tình tận tụy và yêu mến.


Ts. Bonaventura Marrani Ofm
Tổng Phục vụ



Paris, ngày 17 tháng 01 năm 1929


Kính gởi: Cha Bonaventura MARRANI 
Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn - Roma


Trọng kính cha,
Sau khi tiếp kính văn thư của cha đề ngày 9 tháng này, con đã làm những cuộc vận động như ý cha muốn với kết quả như sau:


1- Các linh mục trẻ trước đây đã hưởng ứng dự án Tôkyô do cha Bertin đề xuất sẽ không do dự chấp nhận dự án mới, nghĩa là đi Đông Dương.


2- Đức Cha De Guébriant thấy không có trở ngại gì khi bỏ dự án ở Tôkyô, hình như Ngài còn thích việc Lập Dòng ở Đông Dương hơn là đàng khác..


3- Vì thế, Ngài đã đề nghị cho chúng ta một địa điểm thuộc cấp Tỉnh lỵ, tuy chưa phải là một địa điểm có tầm quan trọng hàng đầu, nhưng trên đà phát triển và sẽ sớm trở thành một trong những thành phố lớn nhất vì là tuyến đầu của hệ thống đường sắt đi vào nước Lào. Đây là trung tâm của một Giáo phận truyền giáo thuộc quyền Đại Diện Tông Toà có nhiều ơn gọi bản địa nhất, trong thực tế, hiện đang có tới 173 linh Mục bản địa so với 27 linh mục gốc Âu Châu; vậy là có triển vọng vững chắc tìm kiếm được những ơn gọi cho Hội Dòng. Đó là Thành phố Vinh, một thành phố nằm ở phía Nam của xứ Bắc Kỳ, có khí hậu thích hợp hơn là khí hậu ở Nam Kỳ, nơi mà trước đây con đã đề nghị chọn Saigon.


4- Kế cận Giáo phận Vinh, là Giáo phận Phát Diệm, nơi có số tín hữu Kitô đông nhất; có thể từ nơi đây sẽ hình thành Giáo phận đầu tiên được trao cho hàng giáo sĩ bản địa coi sóc. Đức Cha De Guébriant cho biết, trong trường hợp này, phần đất của Giáo phận Phát Diệm không được giao cho người bản địa thì sẽ được giao cho chúng ta.


5- Tuy nhiên, việc duy nhất cần làm lúc này là thành lập một tu viện hợp lệ tại Thành phố Vinh, có thể nhận coi sóc một giáo xứ nếu chúng ta chấp thuận, ở phần mới của Thành phố đang phát triển không ngừng.


6- Tỉnh Dòng Pháp có ý định một mình thực hiện việc lập Dòng tại đây, cũng như Tỉnh Dòng đã muốn một mình thực hiện việc lập Dòng ở Tôkyô, với hy vọng, sau này, Tỉnh Dòng cũng sẽ một mình đảm trách Miền truyền giáo tương lai.


7- Điều cần thiết cuối cùng là xin cho được sự ưng thuận của Vị Đại Diện Tông Toà Giáo phận Vinh. Đức Cha De Guébriant sẽ đứng ra lo việc này và ngài thấy trước sẽ không có gì khó khăn.


8- Trong tất cả các việc trên, con thấy rằng Đức Cha De Guébriant rất quan tâm tới lợi ích của các Miền truyền giáo và sự phát triển của Dòng chúng ta. Ngài đáng nhận được những lời cám ơn vì lòng tốt của ngài.


Phần con, con rất vui mừng...


Ts. Colomban-Marie Dreyer Ofm
Khâm mạng Toà Thánh


Văn Phòng Tổng Thư Ký
DÒNG ANH EM HÈN MỌN
Via Merulana, 124
S. ANTONIO


Protocollo: Estr. Or. 10



Roma (Q. 124) Ngày 30 tháng 01 năm 1929



Kính gởi: Cha ANGE MARIE HIRAL
Giám tỉnh Tỉnh dòng Pháp
Rue Marie Rose, 9, Paris XIV


Trọng kính cha,
Chúng tôi hân hoan đón nhận đề xuất của cha, với sự ưng thuận của Ban Cố Vấn Tỉnh Dòng, thành lâp một Nhà Dòng hợp lệ của Hội Dòng chúng ta ở Đông Dương, để nối lại những truyền thống quang vinh của Hội Dòng chúng ta tại đất nước này. Trong thời gian sớm nhất, xin cha vui lòng cho chúng tôi biết các tu sĩ được chỉ định cho việc lập Dòng này, để, một khi nhận được sự ưng thuận của Vị Đại Diện Tông Toà Vinh, chúng tôi có thể gởi bài sai đến cho họ kịp thời


Hết lòng cầu chúc cho công cuộc Lập Dòng mới này phát đạt viên mãn, để thêm vinh quang mới cho Dòng Phan sinh và Tỉnh Dòng Pháp; Chúng tôi thành tâm cầu xin Cha Thánh Chí Ái ban phúc lành cho cha.


Trọng kính chào cha với tâm tình tận tụy trong Chúa



Ts. Bonaventura MARRANI Ofm
Tổng Phục vụ



GIÁO PHẬN ĐẠI DIỆN TÔNG TOÀ VINH
Xã Đoài – Vinh (Annam)


Vinh, ngày 01 tháng 03 năm 1929



Kính gởi: Cha HIRAL, 
Giám tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn


Cha kính mến,
Qua Đức Cha De Guébriant, tôi được biết Tỉnh Dòng của cha muốn lập một Nhà Dòng tại Đông Dương. Tôi thành khẩn xin cha vui lòng lập Nhà Dòng này tại thành phố chính của Giáo phận Tông Toà của tôi, nghĩa là tại Vinh. Trong Miền truyền giáo này, tất cả chúng tôi sẽ rất vui mừng khi cha nhận lời thỉnh cầu của tôi, và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập Nhà Dòng của cha.
Vinh gần như nằm ở trung tâm vương quốc Annam, có khoảng cách ra Hà Nội và vào Huế bằng nhau. Từ Vinh, các cha sẽ dễ toả lan ra các Miền truyền giáo khác. Miền truyền giáo Lào cũng có thể được hưởng lợi ích từ việc tông đồ của các cha bên cạnh các nhà truyền giáo và các nữ tu ở vùng này, nhờ hiện nay đã có nhiều đường giao thông, và một ngày gần đây sẽ có thêm tuyến đường sắt nối Vinh với trung tâm Nước Lào.
Hy vọng cha sẽ vui lòng chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi. Thưa cha khả kính, tôi xin cha nhận nơi đây tâm tình kính trọng của tôi.



Eloy
Giám mục Đại Diện Tông Toà





Văn phòng Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn
Tỉnh Dòng Pháp
9, Rue Marie Rose
Paris – 14


8 tháng 9 năm 1929


Trọng kính cha Tổng Phục Vụ,

Tu nghị Tỉnh Dòng chúng con vào tháng 8 có bàn bạc việc chỉ định các tu sĩ đi Đông Dương để chuẩn bị lập một tập viện bản địa. Các tu sĩ gồm:
Cha Maurice Bertin, Trưởng điểm
Cha Hugolin Lemesre
Thầy Jean-Marie Couden, anh em KLM khấn trọng.
Tất cả ba người hy vọng sẽ đáp chuyến tàu đi sang miền truyền giáo vào ngày 9 tháng10 tới. Và con hân hạnh kính xin cha ban bài sai cho họ.
Thưa cha rất khả kính, con cũng mạo muội xin cha ban phép lành đặc biệt cho họ. Theo yêu cầu của cha, Tỉnh Dòng chúng con chấp nhận sứ vụ vinh dự thành lập Dòng tại Đông Dương, và cả ba người ra đi đầu tiên này đều muốn đáp lại lời kêu gọi của cha. Nếu cha rất khả kính vui lòng viết cho họ một lời chúc lành đặc biệt để con công bố trong nghi thức sai đi, thì toàn thể Tỉnh Dòng cũng như ba vị thừa sai sẽ hết lòng biết ơn cha.
Thưa cha rất khả kính, xin cha nhận nơi đây lòng kính trọng sâu xa và lòng phục tùng hiếu thảo của con.


Ts Rémi M. Leprêtre, Ofm
Giám Tỉnh


 


CỘT MỐC THỜI GIAN DÒNG PHAN SINH TẠI VIỆT NAM


I. Thời kỳ truyền giáo



































































Thế kỷ 16-19


Trong 250 năm, trải dài suốt bốn thế kỷ của lịch sử thời đại, có nhiều đoàn thừa sai phan sinh đem Tin mừng đến cho dân tộc Việt Nam.

1583


8 anh em phan sinh Tây Ban Nha thuộc Tỉnh Dòng Phi Luật Tân đã đặt chân lên miền đất Việt Nam mà các sử liệu phương Tây gọi là Cochinchina.

1584


Cha Bartolomé Ruiz Ofm. đến Thăng Long, được vua Mạc Mậu Hợp trọng đãi và cho truyền đạo.

1644


Cha Antonio de S. Maria Caballero Ofm. cùng với nhóm 6 chị Dòng Nhì Clara được đón tiếp nồng hậu tại triều đình Huế. Các chị đã gặp bà Minh Đức Vương Thái Phi, có đạo. Bà xin các chị chiếc áo dòng để mặc khi qua đời.

1699


Cha Juan Simon Ofm. và cha Nicolas de San José Ofm. giảng đạo ở Bắc Việt. Juan Simon là vị tử đạo đầu tiên ở Bắc Việt.

1701     –1834



1701


Cha Stephano de Illicelo Ofm. và cha Vincentê Royale Ofm. truyền giáo ở miền Nha Trang.

1702


13 thừa sai phan sinh thuộc Thánh Bộ đến truyền giáo ở Việt Nam.

1711


Cha Francois Drian Ofm. truyền giáo ở Đàng Ngoài.

1739


Các anh em phan sinh đã rửa tội cho 13.000 người tại Đàng Ngoài và đến năm 1750, các anh đã có ở đó 44 nhà thờ, 61 nhà nguyện và hơn 30.000 giáo dân.

1719


Cha Jeronimo de la Santissima Trinidad Ofm. và cha José Garcia Ofm. đến Đàng Trong, sau đó truyền đạo ở Đồng Nai. Nhiều thừa sai khác tiếp sang. Theo thống kê năm 1744 anh em trông coi 20.000 giáo dân.

1722


Cha José Garcia là vị thừa sai đầu tiên của miền Saigon và đã lập ra họ Chợ Quán. Ngài cất nhà thờ Chợ Quán, nhà thờ Chợ Lớn, nhà thờ Bến Nghé, nhà nguyện ở Rạch Cát. Từ Chợ Quán, cha José Garcia đã đi cùng lưu dân, qui tụ họ lại thành họ đạo và cất cho họ nhà thờ. Từ Lái Thiêu đến Hà Tiên, đếm được 7 khu vực. Ở mỗi khu vực đều có một số họ đạo và nhà thờ.

1724


Cha Valère Ritz Ofm. truyền giáo ở Campuchia và Đàng Trong, làm Giám Mục Phó năm 1737 và không may, cũng vào năm ấy ngài qua đời ngày 19/3 và được an táng tại Hội An.

1798-1822


Cha Francesco del Finochietto Ofm. giảng đạo tại Đàng Trong. Ngài đã coi sóc các họ đạo Bãi Xan, Cái Nhum, Ba Giồng và Cà Hon (Thủ Ngữ)

19/3/1834


Cha Odorico da Collodi Ofm. vị thừa sai phan sinh cuối cùng truyền giáo ở Đàng Trong, chết vì đạo khi ngài bị lưu đày lên Lao Bảo, nơi rừng thiêng nước độc, ở tỉnh Quảng Trị thời vua Minh Mạng cấm đạo. Ngài đã coi sóc họ Cái Nhum và các miền chung quanh, gồm chừng 6.000 giáo dân. Cái chết vì đạo của cha chấm dứt trang lịch sử truyền giáo đầy vẻ lung linh màu sắc và đẹp của Dòng Phan Sinh trên đất Viêt.


Sự nghiệp truyền giáo của anh em phan sinh ở Đàng Trong được thể hiện bằng những con số như sau : 
- Số thừa sai là 80. 32 anh em đã gởi lại hình hài trên đất Việt. 
- Số họ đạo: 282 
- Số nhà thờ: 72 
- Số nhà nguyện: 50
- Số bàn thờ: 30 
- Số tu viện: 1


II. THÀNH LẬP DÒNG VÀ CÁC NHÀ



































































































































































1927


Đức Cha Aiuti, Khâm mạng Toà Thánh đề xuất với Dòng OFM. mở một địa điểm truyền giáo ở Đông Dương

1929


Dòng Anh Em Hèn Mọn trở lại lập Dòng tại Việt Nam, với diễn tiến lịch sử như sau:

9/1/1929


Cha Tổng phục vụ Bonaventura Marrani Ofm. đề xuất việc lập Dòng ở Đông Dương với Đức Cha Colomban Deyer Ofm. Khâm mạng Toà Thánh tại đây

17/1/1929


Đức Cha Colomban Deyer chấp thuận và vận động thực hiện đề xuất

1/3/1929


Đức Cha Eloy, Đại diện Tông toà Vinh, đề nghị Dòng OFM đến lập tu viện tại Vinh

11/4/1929


Hội đồng Tỉnh dòng thánh Phêrô (Nước Pháp) chấp thuận lập Dòng tại Đông Dương

20/5/1929


Bộ Tu sĩ ký nghị định thành lập Dòng

9/10/1929


Phái đoàn lập Dòng, gồm cha Maurice Bertin, cha Hugolin Lemesre và tu sĩ Jean-Marie Couden lên đường sang Đông Dương

1931


Xây tu viện Vinh, tu viện Phanxicô đầu tiên tại Việt Nam (giải thể năm 1954)

1933


Xây chủng viện Thanh Hoá (giải thể năm 1954)

1939


Xây tu viện Nha Trang (giải thể năm 21.12.1978)

1949


Tu viện Cầu Ông Lãnh

1950


Tu viện Đakao

1953


Tu viện Tiểu Cần (giải thể năm 1964)

1957


Tu viện Cù Lao Giêng (Chủng viện của Giáo phận Nam Vang cũ)

1958


Chủng viện Thủ Đức

1968


Học viện Du Sinh

1975


Cộng đoàn Bình giả

1975


Cộng đoàn Đồng Dài

1975


Cộng đoàn Suối Dầu

1975


Cộng đoàn Suối Thông B (giải thể năm 1995)

1976


Cộng đoàn Cư Thịnh

1976


Cộng đoàn Xuân Sơn

1978


Cộng đoàn Vĩnh Phước

1978


Cộng đoàn Thanh Hải

1978


Cộng đoàn Ngọc Thanh (sát nhập Vĩnh Phước 3.2008)

1978


Cộng đoàn Phù Sa (giải thể năm 2002)

1978


Điểm Quảng Thành (giải thể 28.9.1998)

1980


Điểm Cồn En

1980


Cộng đoàn Xuyên Mộc (giải thể 2005)

1988


Điểm Dục Mỹ (giải thể năm 1994)

1989


Cộng đoàn Hoà Hội

1994


Cộng đoàn Đất Sét

1994


Giáo điểm Đồng Trăng

1996


Cộng đoàn Sông Bé

1997


Điểm Cần Giờ (giải thể năm 2008)

1997


Nhà Cần Thơ

1998


Nhà Văn Thánh

2008


Cộng đoàn Vinh


NHỮNG CỘT MỐC HÌNH THÀNH TỈNH DÒNG



























1929


CHI TỈNHCha Maurice Bertin, Tỉnh ủy tiên khởi

9/1/1955


CHI TỈNHCha Pacifique Nguyễn Bình An, Tỉnh ủy người Việt Nam tiên khởi

1969


HẠT DÒNGCha Pacifique Nguyễn Bình An, Giám hạt tiên khởi

1984


TỈNH DÒNGCha Guy-Marie Nguyễn Hồng Giáo, Giám tỉnh tiên khởi 


CÁC TỈNH ỦY, GIÁM HẠT VÀ GIÁM TỈNH





























































Cha Maurice BertinTỉnh ủy

1929-1947


Cha Joseph VermeulenTỉnh ủy

1947-1955


Cha Pacifique Nguyễn Bình AnTỉnh ủy

1955-1966


Cha Emmanuel Nguyễn Văn ThứTỉnh ủy

1966-1969


Cha Pacifique Nguyễn Bình AnGiám hạt

1969-1970


Cha Agnello Vũ Văn ĐìnhGiám hạt

1970-1981


Cha Guy-Marie Nguyễn Hồng GiáoGiám hạt

1981-1984


Cha Guy-Marie Nguyễn Hồng GiáoGiám tỉnh

1984-1993


Cha Alexis Trần Đức HảiGiám tỉnh

1993-2002


Cha Phi Khanh Vương Đình KhởiGiám tỉnh

2002- 2008


Cha Phanxicô Xaviê Vũ Phan LongGiám tỉnh

2008





Tu sĩ lm. Maurice Bertin


Tu sĩ lm. Joseph Vermeulen


Tu sĩ lm. Pacifique Nguyễn Bình An


Tu sĩ lm. Emmanuel Nguyễn Văn Thứ


Tu sĩ lm. Agnello Vũ Văn Đình


Tu sĩ lm. Guy-Marie Nguyễn Hồng Giáo


Tu sĩ lm. Alexis Trần Đức Hải


Tu sĩ lm. Phi Khanh Vương Đình Khởi


Tu sĩ lm. Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long

LINH ĐẠO

Ơn gọi và chân tính, nghĩa là đoàn sủng của Dòng Anh em hèn mọn trong Giáo hội và trong thế giới, được diễn tả cách cô đọng trong điều 1 của Tổng Hiến Chương Dòng:

“Dòng Anh Em Hèn Mọn, do thánh Phanxicô thành Atxidi sáng lập, là một huynh đệ đoàn, trong đó các anh em được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi theo Đức Giêsu Kitô sát hơn; qua việc tuyên khấn, họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, là Đấng họ yêu mến trên hết mọi sự, bằng cách sống Phúc âm trong Giáo hội theo thể thức mà thánh Phanxicô đã tuân giữ và đề xướng.


Các anh em, những môn đệ của thánh Phanxicô, phải sống Phúc âm cách triệt để trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến và trong tình hiệp thông huynh đệ; phải làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn; phải mang sứ điệp Phúc âm đến cho toàn thế giới trong tình bác ái đối với tất cả mọi người, và dùng hành động rao giảng sự hòa giải, hòa bình và công lý”


1. Chúng ta là một huynh đệ đoàn: Hội Dòng gồm những người “anh em” (frater) không tự ý chọn lựa nhau, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa. Mỗi người được mời gọi đích danh bước theo dấu chân Chúa Kitô và chịu trách nhiệm về cả tập thể mình.


2. Chiều kích Ba Ngôi: Linh đạo của người anh em hèn mọn lấy Chúa Thánh Thần làm khởi điểm, chọn Đức Kitô làm trung tâm và quy hướng về Chúa Cha là cùng đích.


3. Sống Phúc Am cách triệt để: “Luật và đời sống” của người anh em hèn mọn là Phúc âm, là Tin vui nhập thể. Nếp sống đó được biểu lộ cụ thể như sau:

- Sống trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến;
- Sống trong tình hiệp thông huynh đệ;
- Làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn; 
- Mang sứ điệp Phúc âm đến cho toàn thế giới trong tình bác ái đối với tất cả mọi người;
- Dùng hành động rao giảng sự hòa giải, hòa bình và công lý;
- Tỏ bày sự tôn trọng đối với mọi loài thọ tạo.

4. Trong Giáo hội:
Giáo hội là môi trường trong đó người anh em hèn mọn được mời gọi sống Tin Mừng và trổ sinh những hoa trái thánh thiện, để nhờ đó Thiên Chúa được tôn vinh và nhiều người được ơn cứu rỗi.


5. Theo cách thức của Thánh Phanxicô: Người anh em hèn mọn luôn quy chiếu về thánh Phanxicô và xem ngài như một trung gian và khuôn mẫu để giúp mình thực hiện dự phóng: sống và loan báo Phúc âm cùng với những anh em do Chúa ban cho (x. Di chúc 14-15).


(x. Dấu Ấn Mọn Hèn, trang 112-115)

MỘT VÀI TÀI LIỆU TÌM HIỂU VỀ DÒNG

- Thánh Phanxicô Assisi (Antôn & Một nhóm tác giả. Học viện Phanxicô).
- Di cảo Thánh Phanxicô (VPTD ấn hành 2007).
- Hạnh Thánh Phanxicô (Tôma Cêlanô. Ban Tu Thư TD 2004).
- Lần Giở Trước Đèn (Maria Antôn Trần Phổ. Học viện Thủ Đức 2003)
- Dấu Ấn Mọn Hèn (Kỷ niệm 75 năm thành lập TDVN 1929 – 2004).
- Những bông hoa nhỏ (M.A. Trần Phổ)


ƠN GỌI VÀ HUẤN LUYỆN

CÁC CƠ SỞ HUẤN LUYỆN

Ngay từ những ngày đầu thành lập dòng tại Việt Nam, công tác huấn luyện đã được quan tâm đặc biệt. Công tác này được đầu tư về nhân sự và cơ sở vượt trên tất cả các lãnh vực khác. Mục đích đào tạo những người tu sĩ phan sinh và Việt Nam.



TẬP VIỆN Vinh - Nghệ An (1931 - 1954)


 



CHỦNG VIỆN Thanh Hóa 1935 - 1945



TU VIỆN Nha Trang (1942 - 21.12.1978)



Chủng Viện Thủ Đức





Dự tu viện Cù Lao Giêng





Cùng với kí túc xá Nha Trang là kí túc xá Cầu Ông Lãnh





Nhà Thỉnh Sinh Bình Giã





Tập Viện Du Sinh









Học viện Phanxicô Thủ Đức


- Chủng viện Phanxicô Thủ Đức (1956 – 1975)


- Dự tu viện Cù Lao Giêng (1959 – 1972)


- Ký túc xá Nha Trang (1967 – 1975)


- Ký túc xá Cầu Ong Lãnh (1968 – 1969) và Sơ tập viện (1969 – 1974)


- Tập viện Tiểu Cần (1955 – 1960)


- Học viện Du Sinh (1967 – 1975) và Tập viện (1988 – đến nay 2008)


- Nhà Thỉnh sinh Bình Giả (1997 – đến nay 2008)


- Học viện Phanxicô Thủ Đức (1995 – đến nay 2008)


- Nhà Tìm hiểu (9.2008 - )


ƠN GỌI VÀ HUẤN LUYỆN

A. Các nguyên tắc chung
1) Công tác huấn luyện trong Tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam đã được tiến hành theo các nguyên tắc căn bản là giáo dục nhân bản, giáo dục kitô hữu và giáo dục phan sinh, nhằm đào tạo một con người tốt, một người kitô hữu tốt và một tu sĩ phan sinh tốt.


2) Trong từng hoàn cảnh cụ thể, chương trình huấn luyện được điều chỉnh để phù hợp với các ưu tiên của Giáo hội, của Dòng, của Giáo hội địa phương và của Tỉnh dòng, cũng như để phù hợp với các biến chuyển trong xã hội.


B. Một số đặc điểm
1) Từ 1929 đến 1975:
- Ở Tiểu chủng viện, các chủng sinh theo hướng linh mục được học chương trình Pháp, ban Nhân văn. Việc tuyển lựa và sàng lọc chủng sinh nhấn mạnh nhiều đến khả năng học vấn, được hướng dẫn về giáo lý đức tin và đồng hành trau dồi các đức tính nhân bản.


- Ở Nhà tập, các tập sinh ngưng việc học các môn “thế tục”, tiếp tục được chỉ dẫn về các đức tính nhân bản, đặc biệt các đức tính cần thiết cho đời sống chung cũng như được hướng dẫn để thực tập lối sống phan sinh: cầu nguyện, huynh đệ, đơn sơ, khó nghèo.


- Ở Học viện, các ứng viên cho chức linh mục (các học sĩ) học các môn do Giáo luật qui định: triết học, thần học (tín lý, luân lý, Thánh Kinh…). Đến những năm 60, bắt đầu học triết học ở ngoài (Học Viện Đa Minh, Đại Học Văn Khoa). Bắt đầu từ 1968, học thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt.


- Công tác huấn luyện theo định hướng không linh mục được tổ chức theo một hệ riêng: chủ yếu là học tu và học làm việc.


2) Từ 1975 đến 1993:
- Trong điều kiện không có cơ sở vật chất chuyên dụng, công việc huấn luyện vẫn được kiên trì tiến hành theo phương châm “giáo dục trong cuộc sống và qua cuộc sống” và được địa phương hóa; nghĩa là ở cộng đoàn nào có anh em đang trong giai đoạn thụ huấn, thì ở đó tự sắp xếp thời gian phối hợp hài hòa: việc cầu nguyện, học tu và học tập, lao động, thư giãn.


- Công tác huấn luyện cho các ứng sinh và tu sĩ có định hướng linh mục hay không linh mục tiến hành chung với nhau.


3) Từ 1989 đến nay (2008):
- Chấm dứt thời kỳ huấn luyện theo phương châm “huấn luyện qua cuộc sống và bằng cuộc sống”, và trở lại với mô hình huấn luyện tập trung theo đúng mô hình của Giáo luật (1989: Tập viện tại Du Sinh, Lâm Đồng. 1996: Học viện tại Thủ Đức, Quận 9 Sàigòn. 1998: Thỉnh viện tại Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu. 8/2008: Nhà tìm hiểu tại Thủ Đức, Quận 9 Sàigòn).


- Các giai đoạn huấn luyện được tổ chức qui củ và công tác huấn luyện được phân công phân nhiệm rõ ràng hơn trước.


- Thành lập Ban Mục Vụ Ơn Gọi: lên dự phóng tìm kiếm, tuyển lựa, huấn luyện và đồng hành ơn gọi mới trong giai đoạn tìm hiểu (thường kéo dài từ 2 đến 4 năm), trước khi bước sang các giai đoạn huấn luyện kế tiếp.


- Công tác Thường Huấn được tổ chức qui mô hơn: Ban Thường Huấn tiếp tục gởi những bài học hàng tháng đến các cộng đoàn để anh em tự tổ chức học tập với nhau. Ngoài ra còn có những khóa bồi dưỡng tập trung cho những nhóm đối tượng khác nhau: các anh em linh mục làm mục vụ, các anh em mới chịu chức và mới khấn trọng trong vòng 5 năm, các anh em khấn sinh theo định hướng không linh mục, hoặc các khóa chuyên đề (về thánh Bonaventura, về Cảnh giới trong Phật Giáo). 
(x. Dấu Ấn Mọn Hèn, trang 233-237)

C. các giai đoạn huấn luyện hiện nay
1) Giai đoạn tìm hiểu:
- Dành cho các em nam đã tốt nghiệp PTTH (lớp 12/12) và có thể ghi danh tìm hiểu ơn gọi Phan Sinh tại bất cứ cộng đoàn Phan Sinh nào gần nhất.


- Trải qua một tuần lễ tĩnh tâm giúp định hướng ơn gọi, gọi là “Khóa Khám Phá Ơn Gọi”, thông thường được tổ chức hàng năm tại Tu viện Thủ Đức, vào khoảng thời gian cuối tháng bảy dương lịch.


- Diện tập trung (tại Nhà tìm hiểu Thủ Đức): đối với những ứng sinh đã trúng tuyển, không tiếp tục học thêm tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngoài; hoặc đã học xong chương trình tại các trường nêu trên. Thời gian kéo dài từ 1 đến 2 năm.


- Diện tập trung (tại một số cộng đoàn như Đakao, Thủ Đức, Vĩnh Phước): đối với những ứng sinh đã trúng tuyển, đang theo học tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngoài. Thời gian có thể kéo dài đến 4 hoặc 5 năm, tuỳ theo ngành học.


- Tham dự một tuần lễ dã ngoại, giao lưu, học hỏi chung với nhau, gọi là “Khóa Đamianô”, thường được tổ chức hàng năm vào khoảng cuối tháng tám dương lịch.


2) Giai đoạn thỉnh sinh:
- Dành cho các ứng sinh đã qua giai đoạn tìm hiểu và sau khi trải qua một tuần lễ giúp xác tín ơn gọi, gọi là “Khóa Đào Sâu Ơn Gọi”, thường được tổ chức hàng năm vào khoảng đầu tháng tám dương lịch.


- Sống tập trung tại Nhà Thỉnh, thuộc Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thời gian kéo dài trong vòng một năm.


- Thực tập sống đời sống cộng đoàn, cầu nguyện, lao động và học tập một số môn nhập môn Kinh Thánh, Phụng vụ, Triết học …vv.


- Cầu nguyện, suy nghĩ và trao đổi với những người đồng hành thiêng liêng và hữu trách, để tiến tới chọn lựa định hướng tu sĩ không linh mục hoặc tu sĩ linh mục.


3) Giai đoạn Tập viện:
- Tiếp nối giai đoạn Thỉnh sinh, các ứng sinh sẽ nhận lãnh tu phục và bước vào giai đoạn Nhà Tập kéo dài trong vòng một năm. Sau năm tập là tuyên khấn lần đầu.


- Tại Tập viện Du sinh, thuộc Đà Lạt, Lâm Đồng, các tập sinh học hỏi và thực tập đời sống cầu nguyện, một số môn truyền thống như: Luật Dòng, lịch sử Dòng, linh đạo Phan Sinh …vv.


- Nhờ cầu nguyện và với sự đồng hành của những người hữu trách, các tập sinh xác tín ơn gọi Phan sinh và quyết định định hướng tu sĩ không linh mục hoặc tu sĩ linh mục.


4) Giai đoạn Khấn tạm:
- Tất cả các khấn sinh sống tập trung tại Học viện Thủ Đức và trải qua khóa “Thần học cơ bản”, thường kéo dài hai năm. Sau đó, các khấn sinh sẽ có một năm được gởi đi thực tập sống chung tại các cộng đoàn, hoặc các địa điểm truyền giáo quốc nội.


- Sau năm đi thực tập và trở về lại Học viện, các khấn sinh định hướng linh mục sẽ tiếp tục học thần học tại Học viện của Dòng và Học Viện Liên Dòng. Các khấn sinh định hướng không linh mục, tùy nhu cầu của Tỉnh Dòng và sự thẩm định của Ban Huấn Luyện, tùy khả năng và nguyện vọng của bản thân, có thể theo học các ngành nghề chuyên môn hoặc về sống và làm việc tại các cộng đoàn.


- Vào những dịp mùa hè, có thể các khấn sinh sẽ được chia ra thành từng nhóm và được gởi đi tham gia công tác phục vụ mục vụ hoặc xã hội trong một thời gian ngắn.


- Sau mỗi năm, các khấn sinh sẽ lặp lại lời khấn; và sau năm hoặc sáu năm, các khấn sinh có thể làm đơn xin khấn trọn.


TĂNG TRIỂN SỐ TU SĨ


















































































Thời gian



Tổng số



Khấn trọn



khấn tạm



Linh mục



Không linh mục



Hiến sĩ



Tập sĩ



1929 – 1954



49



 



 



24



25



 



 



1954 – 1969



60



 



 



27



33



 



 



1969 – 1975



95



 



 



 



 



+ 27 sơ tập sinh



1975 – 1987



95



79



12



45



34



03



01



1987 – 2000



154



96



42



54



42



03



13



2000 – 2008



183



131



52



88



35



 



10



 



 



 



08 sinh viên thần học


32 định hướng tu sĩ linh mục


20 định hướng ts. không linh mục




(x. Lần Giở Trước Đèn, trang 47,72, 111, 155, 222; Tài liệu thống kê nhân sự Tỉnh Dòng).


CÁC CƠ SỞ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH

Bản tính con cái vị Thánh Nghèo là đến với người nghèo đói khổ cực, bệnh hoạn tật nguyền, không có điều kiện để học chữ, học và hành nghề .v.v. Ngay từ ban đầu, các Anh em hèn mọn đã quan tâm đến công tác truyền giáo xã hội và giáo dục, tổ chức những trung tâm, những trường lớp để phục vụ cho anh chị em …
Một số cơ sở tiêu biểu:


1) Về mặt xã hội:
- Nhà hưu dưỡng Lạc Thiện, Nha Trang (1946)
- Trung tâm giáo dưỡng thanh niên Pháp & Việt , Cầu Ông Lãnh, Sàigòn (6.1949)
- Trung tâm bài cùi Núi Sạn, Đồng Đế, Nha Trang (1962 – 1975)
- Trung tâm hưu dưỡng Phước Thiện, Rù Rì, Nha Trang (1956 – 1975)
- Trung tâm Hansen Cửu Long, An Giang (8.1967 – 1999)
- Trung tâm Hansen Tam Hiệp, Đồng Nai (1968 – 1975)


2) Về mặt giáo dục:
- Trường tiểu học Nam Thông, Thanh Hải, Nha Trang (1953)
- Trường tiểu học Thánh Antôn, Vĩnh Phước, Nha Trang (1958)
- Trường Lavang và trường Mẫu tâm, Tiểu Cần.
- Trường trung học Vạn Xuân, Cù Lao Giêng, An Giang (1959)
- Trường trung học Hưng Đạo, Nha Trang (1965 – 1975)
- Trường tiểu học Thánh Giuse, Quảng Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu (1992 – 1998)
- Trường tiểu học tình thương Antôn, Cầu Ong Lãnh, Sàigòn (1989 – 2008)


3) Một số khác:
- Trung tâm truyền giáo cho đồng bào ít người, Diên Khánh, Khánh Hòa
- Hợp tác xã mành trúc, Cầu Ông Lãnh, Sàigòn (1975)
- Cơ sở Giống cây trồng Phan sinh, Du Sinh, Đà Lạt, Lâm Đồng 
- Công ty xi mạ Phan Sinh (1994 – 2008)

Ngoài ra, noi gương Đức Kitô, Đấng “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình vì đoàn chiên”, tùy môi trường và điều kiện tại chỗ, cộng tác với nhiều tổ chức khác trong và ngoài nước, anh em còn tham gia hoạt động trong các lãnh vực khác với quy mô nhỏ hơn như: mở phòng khám và phát thuốc miễn phí, các lớp học tình thương tại giáo xứ; cộng tác phục vụ trong các phong trào hoặc các hoạt động như: Thanh Sinh Công, Pax Romana Vietnam, Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Liên Tu sĩ …vv.


Nói chung, từ sau năm 1975 đến nay, hầu hết các cơ sở phục vụ xã hội do anh em trong Dòng đảm nhận không còn nữa. Hiện nay, có ba cơ sở là:


Chủng viện Phanxicô Thủ Đức (được Nhà Nước trao trả lại năm 1995), được trùng tu và mở rộng trở thành Học viện Phanxicô, để phục vụ cho nhu cầu huấn luyện và đào tạo tu sĩ trong Dòng, bước đầu với hai phân ban triết học và thần học. Tại đây, một nhà tĩnh tâm cũng được thiết lập, đáp ứng nhu cầu tìm về gặp gỡ Thiên Chúa của nhiều người.


Cơ sở Giống cây trồng Phan sinh, Du Sinh, Đà Lạt, góp phần cải thiện đời sống của anh em và tạo công ăn việc làm cho những người dân nghèo tại địa phương.


Cơ sở sở sản xuất tại Sông Bé, để anh em vừa lao động sinh sống vừa huấn luyện ơn làm việc cho các tu sĩ trong Dòng.


CÁC LOẠI HÌNH PHỤC VỤ


Hiện nay, đa số trường hợp chính trong môi trường giáo xứ mà các hoạt động xã hội của Tỉnh Dòng được triển khai. Anh em vừa chăm lo đời sống tinh thần vừa quan tâm đến các nhu cầu vật chất của cuộc sống cụ thể của đồng bào và giáo dân. Tỉnh Dòng có Văn Phòng Phúc Âm Hóa – Truyền Giáo giúp hướng dẫn, điều phối, hỗ trợ và đẩy mạnh công tác phục vụ của anh em.

Chính anh em chủ động hoặc cộng tác với các tổ chức Giáo hội và xã hội, hoạt động trong một số lãnh vực:

Mục vụ người nghèo như: trợ giúp các nạn nhân thiên tai, những người túng thiếu, nhà ở và công ăn việc làm cho người nghèo, bếp ăn bình dân và nhà trọ cho sinh viên …

Mục vụ y tế như: phòng khám và phát thuốc, tham gia chăm sóc bệnh nhân HIV/ AIDS và bệnh nhân phong …

Mục vụ giáo dục như: trợ giúp học bổng cho sinh viên, sách vở cho trẻ em nghèo, lớp học tình thương và phòng đọc sách cho thiếu nhi vùng nông thôn …

Mục vụ văn hóa và truyền thông như: tham gia phiên dịch Kinh Thánh, biên tập sách báo Công giáo, tham gia các hoạt động thánh nhạc, hội mỹ thuật …

Mục vụ môi trường như: bắc cầu, làm đường nơi vùng hẻo lánh …

Mục vụ truyền giáo cho anh chị em dân tộc ít người … và mục vụ đại kết …


MỘT VÀI LỄ HỘI QUAN TRỌNG

04.10 : Lễ Kính Cha Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (Lễ Giỗ Tổ, LễBổn Mạng Tỉnh Dòng)
08.12 : Lễ Kính Đức Trinh Nữ Maria VNNT (Bổn mạng Hội Dòng)
20.5.2004 : Tạ ơn 75 năm lập Dòng tại Việt Nam (20.5.1929 – 20.5.2004)
04.10.2009 : Mừng 800 năm lập Dòng và 80 năm Tỉnh Dòng Anh em hèn mọn Việt Nam (Anh em sẽ cử hành trong một năm trọn 04/10/2008-04/10/2009) 


II. NHẬN ĐỊNH

Qua những thăng trầm của đất nước và Giáo hội Việt Nam, nhờ ơn Thiên Chúa trợ giúp, các Anh em hẹn mọn Việt Nam vẫn giữ vững được chân tính của mình, đó là sống đời sống huynh đệ trong tinh thần nghèo khó bé nhỏ, để phục vụ hạnh phúc của anh chị em mình. Anh em hiểu rằng con số các ơn gọi vẫn đến với đời sống Phan sinh là một sự chuẩn nhận và khích lệ Thiên Chúa ban cho anh em.

III. HƯỚNG TỚI

Tỉnh Dòng một đàng phải tiếp tục tìm ra những phương thức hợp thời mà huấn luyện các tu sĩ của mình, qua giai đoạn huấn luyện khởi đầu cũng như thường huấn, đồng thời phải đáp ứng tiếng gọi lên đường truyền giáo trong nước cũng như tại nước ngoài. Đấy là những thách đố mà anh em phải can đảm đón lấy và sáng suốt tìm ra các giải pháp. Với ơn Chúa Ba Ngôi trợ giúp, với sự hướng dẫn liên tục của Giáo hội cũng như của Hội dòng, và sự hỗ trợ khiêm tốn nhưng không kém phần hữu hiệu của mọi anh chị em xa gần, anh em tin tưởng rằng anh em sẽ tiếp tục đi tới trong sự phong phú và trong niềm vui.

IV. MỘT SỐ ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

Tu viện Phanxicô Đakao
03 Mai Thị Lựu, Đakao, Quận I, Tp HCM
Tel 08.8222294 – Email: ofmvietnam@gmail.com

Tu viện Phanxicô Cầu Ong Lãnh
18 Phan Văn Trường, Quận I, Tp HCM
Tel 08.8299810 – Email: tutinofm@gmail.com

Học viện Phanxicô Thủ Đức
42 Đình Phong Phú, Kp 2, P. Tăng Nhơn Phú
Quận 9, Tp HCM
Tel 08. 8960017 – Email: giusetiendung@yahoo.fr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net