Tặng Kaito Hideo - Nguyễn Hùng - HTH
Bạn tôi ở Nhật Bản báo tin về anh vẫn sống sót sau ngày hủy diệt 11 tháng ba của cơn địa chấn kinh hoàng và sóng thần khủng khiếp. Rất may là người độc thân nên anh không có gì để mất dù đã phải trôi lông lốc trên con sóng dữ dằn cùng với những mảnh vỡ cuồn cuộn sôi sục của một thứ canh thập cẩm nháo nhào. Rồi cuối cùng rồi cũng đáp xuống được một thành phố tan hoang như cháo nhão. Những xe cộ bị hất tung bừa bãi cùng máy bay dồn thành những mớ hổ lốn. Những con tàu từ khơi xa bỗng dưng có mặt giữa trung tâm thành phố. Những chiếc xe tải lên nằm vắt vẻo trên những nóc nhà. Như những món đồ chơi qua tay của một chú bé ngỗ ngược? Và đến hôm nay đất vẫn còn rung chuyển dưới chân. Hàng ngàn con người không biết đã về đâu? Làm sao mà khóc cho hết cho từng ấy sinh linh. Lại nữa những nhà máy điện hạt nhân sắp nổ tung để kết liễu cho hết những số phận hoi hóp trơ vơ.
Nhưng tôi đọc báo thấy những nạn nhân vẫn bình thản trật tự, vẫn nhường nhịn xếp hàng và chờ đến phiên mình tại những điểm tiếp tế, trong những cửa hàng, siêu thị. Và nhân viên bán hàng cũng không cần nhìn khách hàng có nhấn mật mã và cà thẻ tín dụng để trả tiền hay không. Không có ai giành giật và lấy hơn phần mình. Vẫn không than van và tuyệt vọng. Vẫn làm người tử tế trong cơn cùng cực nhất một cách diệu kỳ. Không hoảng loạn và sợ hãi. Để cả thế giới phải thán phục người Nhật cao cả đáng yêu đến như thế nào. Bây giờ tôi mới hiểu con cháu của những Samurai anh dũng, của những con người tự mổ bụng mình ra để bảo tồn danh dự - hara-kiri, hara-kiri.
Tôi chưa một lần hỏi bạn tại sao lại chọn nơi đứt gãy và mỏng manh của địa cầu này để sống. Nơi đất nước cùng sinh ra một ngày với tai ương. Có lẽ đất nước ấy đẹp như hoa anh đào trong gió xuân? Có thơ haiku điệu nghệ? áo kimono mỹ miều? Hay những tuồng ‘Nõ’ huyền bí? Những “Ngàn Cánh Hạc”1 man mác bay trong mưa thu? Hay những chàng Sumo lực lưỡng trên sàn đấu vật? Hay những trà đạo? hoa đạo?- thâm trầm sâu lắng triết lý nhân sinh.
Bạn tôi vẫn ở lại nơi thành phố hoang tàn ấy. Để hít và thở mùi tử thi làm dưỡng khí. Và anh gọi nơi ấy là quê hương. Vì không chỉ là cái đẹp. Mà còn là xương thịt của những con người đã tan lẫn vào trong đất đai sau khi đã sống tử tế và anh hùng. “Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại”2.
Tôi đã học bài học khổ đau cả ngàn lần, đã thuộc làu nhưng vẫn không sao chịu được một điều thị phi đừng nói chi đến một dấu đinh. Tôi biết mọi người có ngày cũng sẽ bị chôn vùi trong địa chấn và sóng thần hay biến mất nhẹ nhàng như hơi may. Nhưng sao không một lần tử tế khi còn bình thường, khi chưa có cảnh báo của ngày hủy diệt?
1 tên một tác phẩm của Kawabata Yasunari (Nobel văn chương 1968)
2trích từ một bài báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét