Chuyện Vui Dịp Bầu Cử
Các Ban Hành Giáo và Ban Ngành Đoàn Thể
Nói về Quê Hương Bình Giã thì cuộc sống vẫn yên lành với đất đai màu mỡ và hầu như chưa một ai đi ăn xin đây đó. Dĩ nhiên trong xã hội phải có kẻ giàu người nghèo nhưng nhìn chung Bình Giã thành phần nghèo cũng không đến nỗi cần cứu đói, đó là nhờ tính cần cù siêng năng của người Bình Giã. Cuộc sống êm ả cứ thế trôi qua theo ngày tháng. Nhưng vào dịp bầu cử các chức vụ vào ban hành giáo (BHG) xứ hoặc họ cùng các ban ngành đoàn thể (bốn năm một lần) thì không khí bàn tán trong Bình Giã lại sôi động một cách lạ thường, giống như mặt nước đang yên lặng bỗng dưng có những làn gió thổi về tạo nên nhiều gợn sóng sống động vui vui.
Bầu cử thì phải có ứng viên và ban ngành đoàn thể đương nhiệm có nhiệm vụ tìm kiếm, vận động người ra ứng cử bằng cách đề cử hoặc họp giáo dân lấy ý khiến biểu quyết. Có một cái lạ là người nào đó dù đức độ tài cao trong lòng muốn ra ứng cử cũng không bao giờ dám nói cho tôi ra làm việc với hoặc tôi muốn ra ứng cử. Tuyệt đối không ai cả mặc dù có uy tín, có khả năng. Ai cũng phải ếm nhẹm cái ý định của mình lỡ mà thiên hạ biết rồi mình không được đề cử thì cảm thấy xấu hổ lắm (suy nghĩ tiêu cực này nên được thay đổi) . Lại phải đắn đo khi được đề cử liệu có đậu (đắc cử) hay không. Những người ra ứng cử nếu không đủ số phiếu để lọt vào một trong bốn người dẫn đầu thì bị loại (tuy nhiên vẫn được mời làm Ủy viên nếu cần) và họ cảm thấy mất uy tín với dân làng, cảm thấy rầy rầy trong con người vì danh dự hơi bị tổn thương (như trên, suy nghĩ tiêu cực này nên được thay đổi). Lại có người (số rất ít) chưa muốn ra ứng cử vì thì giờ eo hẹp, đủ thứ công việc nhà và tài chánh kinh tế khó khăn thì họ sợ trúng cử, và họ áy náy không chu toàn được nhiệm vụ mà giáo dân giao phó nên phải chạy đốn chạy đáo, chạy xắng vận động ngược lại để cho người ta gạch tên mình để được... rớt (bị loại). Khi biết được rớt rồi cũng phải lo tiếp một công việc trọng đại không thể làm ngơ là cố gắng có bữa tiệc nho nhỏ cám ơn những người đã nghe lời mình.
Người được đề cử phải có đạo đức (có trường hợp không đạo đức mấy bầu cho vào làm để trở nên đạo đức,thành con người gương mẫu), có trình độ và tài chánh tương đối. Ví dụ một người có trình độ và tư cách tốt nhưng ăn buổi trưa lo buổi tối thì thử hỏi khi ra làm việc phải bỏ thời gian công tác phục vụ, tối về thấy vợ con không đủ gạo nấu cơm dĩ nhiên lòng họ không sung sướng gì, thậm chí còn bị cả nhà cằn nhằn thì năng nổ mấy cũng phải nản chí. Đó là điều thực tế mà không ai dám phủ nhận và nên được thông cảm.
Có một điều giáo dân Bình Giã nếu nói tới bầu cử thì thường quan tâm tới BHG Họ hơn BHG Xứ, không phải họ có đầu óc địa phương nhưng đó là truyền thống. Lấy ví dụ đội bóng đá của Xã hay của Xứ đi thi đấu,thắng thì được khen, thua thì bị chê và nếu có ủng hộ vật chất hay tinh thần thì người ta cho tượng trưng thôi. Còn với đội bóng của họ đạo, của thôn ấp đi thi đấu thì không khí ủng hộ tưng bừng náo nhiệt hơn. Thắng trận khỏi phải nói, ăn uống vui vẻ, bảng danh sách mạnh thường quân ủng hộ dài cả mấy trang. Còn thua thì vẫn được an ủi có cháo gà ăn, được khuyến khích bằng những tiếng cố gắng. Người Bình Giã quan trọng đối với BHG Họ vì trực tiếp đại diện cho họ. Truyền thống của giáo dân Bình Giã mang theo từ ngoài Bắc vào, người của địa phương nào ngoài Bắc di cư vào Bình Giã vẫn ở gần gũi với nhau thành từng Giáo Họ, chứ không theo số lượng dân số mà thành lập Giáo Họ cho đồng đều. Như giáo Xứ Vinh Hà có họ Vĩnh Hoà,giáo dân chỉ bằng một hàng tổ của họ Phi Lộc, Vinh Châu có họ Phú Linh bằng hàng tổ của họ Nghi Lộc, Vinh Trung có họ Quan Lãng nếu so với họ Bình Thuận thì nhỏ hơn nhiều. Nói về truyền thống thì đương nhiên phải có cái hay của nó,có nghĩa là những cái hay tồn tại lâu năm là trở thành truyền thống. Những người ở hải ngoại thường giúp đỡ ủng hộ cho giáo họ vì bà con giòng họ người ta ở đó, bạn bè thân thích ở đó. Ủng hộ nhiều lần nhiều năm là thành thói quen, thói quen tốt đẹp là phải duy trì, duy trì kéo dài trở thành truyền thống như giúp đỡ học sinh hiếu học, quà Trung Thu quà Tết... Nếu như những khoản này tập trung lên xứ thì đương nhiên bị giảm bớt. Thật sự mọi giáo dân đã hiểu hết hai chữ "hiệp nhất"chưa? Tập trung sinh hoạt trên xứ là điều cần thiết nhưng có những cái cũng phải để lại giáo họ vì những gì người ta sinh hoạt lâu năm quen rồi nay không còn liệu tinh thần hăng say có bị phôi phai đi không?
Làng xã mạnh thì huyện tỉnh lỵ mạnh và đương nhiên đất nước hùng mạnh, từ đó suy ra giáo họ mạnh thì giáo xứ phát triển. Nếu nói một cách có tổ chức thì một giáo xứ được thành lập phải cần tối thiểu bao nhiêu giáo dân,chứ chưa nghe nói cần có bao nhiêu giáo dân để được thành lập một giáo họ ở Bình Giã,và chưa ai dám nói nên sát nhập họ Vĩnh Hoà vào Vĩnh Phước,họ Phú Linh vào Đông Yên, họ Quan Lãng vào Quy Hậu cho đồng đều dễ sinh hoạt. Vì thế, những giáo họ nhỏ vẫn được duy trì và cách thức phân quyền,vai vế chức sắc vẫn ngang nhau với những giáo họ lớn.
Những người sinh hoạt và làm việc trong ban ngành đoàn thể thường là những người hy sinh chịu khó về mọi mặt, bỏ công việc nhà, tiền bạc giao lưu, lương thướng không có nhưng cũng có những phép lạ mà Chúa ban cho. Có người trời nắng chang chang không có dấu hiệu gì mưa cả nhưng phải liều đi trỉa (gieo hạt) bắp vì ngày mai bận làm công tác, vừa trỉa xong thì được trận mưa đã đời. Trỉa nắng gặp mưa bắp lên tốt như thổi. Đó là một ví dụ chứ còn nhiều may mắn đến với họ nữa.
Những người mới làm việc nhiệm kỳ đầu thường hăng say năng nổ, từ trình độ khả năng đều đưa ra áp dụng. Nói tóm lại, mọi chất xám phải xài cho hết với người ta, nhưng nếu làm thêm một nhiệm kỳ nữa thì mọi cái hay đã xử dụng rồi thử hỏi liệu còn vốn liếng nữa đâu kèm theo mất sự phấn đấu nữa. Tuy nhiên, có một số người làm nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác được mọi người khen là có lòng hy sinh nếu trong một tập thể đó thiếu người đủ khả năng thì vẫn chấp nhận được. Trong giáo họ giáo xứ có biết bao nhân tài nên tạo cơ hội cho họ làm để có tính hăng say nhiệt tình của người mới làm việc, hầu có sự đóng góp lợi ích cho cộng đoàn. Với bản tính con người thì khó thoát được trường hợp một số người thích hãnh diện với xóm làng, tiệc tùng khoái ngồi ở bàn trên chung với chức sắc và các cha; dù có câu chuyện vui là đi ăn tiệc cưới ngồi chung bàn với cấp lớn coi như mất năm mươi phần trăm sở hụi, ăn thì phải gắp từ tốn,uống thì đâu dám cụng ly búa xua, đến khổ nỗi vài chai vào muốn nói cho đã mà đâu dám nói, khúm núm lễ phép nhưng về nhà lục cơm nguội ăn, có khi vợ con lại hỏi:" Bố đi ăn tiệc cưới về mà?"
Dân làng Bình Giã người ta biết nhau nên chọn người đại diện ra làm việc trong ban ngành cũng tương đối chính xác. Vài điều nên tránh cho những người được tín nhiệm, đặc biệt cho những trưởng ban ngành chớ bao giờ dành phần thưởng về tinh thần của cấp dưới của mình. Đó là biết chia cắt đọc những bài Thánh Thư và cho họ có đôi lời phát biểu trong những dịp lễ hay tiệc tùng trước là tập cho quen mạnh dạn trước đám đông, sau là biết nghĩ tới anh em cùng làm việc, cùng công tác vì vật chất tiền bạc không có. Nên khuyến khích những người vừa làm việc vừa học hỏi, tránh những người khi cắt công tác thích đổi qua "họ Bùi tên Lan".Cũng có những người thích sai đâu đánh đó, nhìn bề ngoài cứ tưởng vâng lời rắp rắp nhưng thực chất sáng kiến và kế hoạch không biết gì, chỉ thích cái tên "Vũ như Cẩn".
Như những điều kể trên là chuyện vui bên lề vào dịp bầu cử Ban Ngành trong giáo họ, giáo xứ của vùng Quê Hương Bình Giã thân yêu. Nhiệm kỳ 2005-2009 chúng tôi hay “phàn nàn” là làm việc chỉ có chị Nga (Trưởng Giới Hiền Mẫu) là có “lương” thôi chứ không ai có cả, (chị Nga là phu nhân của ông trùm Lương họ Gia Hoà). Mỗi người mỗi tính nhưng những người ra làm việc thường ai cũng lấy tinh thần hy sinh phục vụ hết. Chúc mọi người ở quê nhà ta vui vẻ sáng suốt chọn được người ra gánh vác công việc chỉ biết có phục vụ và họ là những cánh tay nối dài của cha Xứ.
Công Luận
Marshall,Tx.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét