Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi 2012
Kính thưa quí tu sĩ nam nữ, quí ông bà anh chị em, chúa nhật này, chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Theo như giáo lý dạy, cùng với đức tin, giờ đây chúng ta cùng tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi: Nhân danh Chúa Cha - Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Lời tuyên xưng này thật quen thuộc và gần gủi chúng ta đến độ, là người Kitô hữu ai lại không một lần tuyên xưng mầu nhiệm trọng này đó ư! Biết rằng đây là một mầu nhiệm không ai có thể dùng lý trí để mà hiểu; ngay cả thiên thần cũng không thể thấu hiểu, huống hồ là con người, nhưng đây lại là một mầu nhiệm cao cả và rất cần thiết đến độ, không có Chúa Ba Ngôi thì không có một sự gì hiện hữu trong vũ trụ này.
Kính thưa quí ông bà anh chị em, Khởi đầu cho mọi sinh hoạt đạo đức của người Kitô hữu bắt đầu bằng dấu thánh giá: nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nếu như khởi đầu cho mọi sinh hoạt đạo đức với công thức tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, thì đó cũng có nghĩa là khởi đầu của cuộc đời làm người Kitô hữu cũng bắt đầu lời tuyên xưng vào Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi khi ta lãnh nhận bí tích rửa tội. “Cha rửa con NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN” và kể từ đó, kéo dài suốt cuộc đời chúng ta bằng lời tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua dấu thánh giá.
Như vậy, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi rất gần gủi và gắn bó với chúng ta, cho dù chúng ta có ý thức hay không; đành rằng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không một ai thấu hiểu. Nói như thế không có nghĩa là, không hiểu thì chẳng cần quan tâm làm chi. Không phải như thế, mà chúng ta biết được Chúa Ba Ngôi là nhờ sự mặc khải của Chúa Kitô; đồng thời ta hiểu được phần nào tương tự về Chúa Ba Ngôi là nhờ cuộc sống tình yêu của chúng ta. Vì Thiên Chúa là cội nguồn yêu thương, từ Chúa Cha yêu thương phát xuất Chúa Con. Chúa Con mặc lấy thân xác con người để cứu rỗi con người. Và giữa tình yêu Chúa Cha và Chúa Con được gắn bó mật thiết bởi “sợi dây” là Chúa Thánh Thần. Trong Thiên Chúa, ba Ngôi Vị có cùng bản thể như nhau và không thể tách rời nhau.
Để hiểu phần nào: một mà ba- ba mà một, ta có thể dùng hình ảnh ngọn lửa. Ngọn lửa luôn có ba yếu tố đó là: lửa- ánh sáng và sức nóng. Ba yếu tố này khác biệt nhau nhưng không tách biệt nhau; vì hể có lửa là có ánh sáng đồng thời có sức nóng luôn. Từ hình ảnh này giúp ta hiểu phần nào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ngôi nhất là Cha, Ngôi hai là Con, Ngôi ba là Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng không thể tách rời nhau như sức nóng không tách rời khỏi ngọn lửa và ánh sáng.
Thiên Chúa Ba Ngôi đã đóng dấu ấn trên cuộc đời chúng ta, cho dù ta có ý thức hay không, có tin hay không thì Ngài vẫn yêu thương ta; như thánh Gioan đã ghi lại lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđimô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” ( Ga 3,16).
Như vậy, muốn hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì không chi bằng là: ta trao ban tình yêu cho nhau; khi chúng ta càng yêu thương nhau bao nhiêu, chúng ta mới hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa; vì Thiên Chúa là tình yêu.Thánh Gioan nói: “Chúng ta hãy yêu thuơng nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.” (1 Ga 4,7). Thật vậy, chúng ta không thể nào biết Thiên Chúa là tình yêu, nếu chúng ta không có một chút yêu thương ai, hay yêu quí một điều gì. Thiên Chúa mời gọi chúng ta yêu hết mọi người. Yêu hết mọi người ở đây không nhất thiết về số lượng mà là yêu những người ta chung sống với họ, yêu những người ta gặp gỡ hay cùng làm việc với họ. Có người nói: “Tôi làm sao yêu hết mọi người được”. Thế thì để biết cây trong rừng, anh đâu nhất thiết phải đi hết cách rừng, hay để biết nước mặn, đâu nhất thiết anh phải uống hết nước của đại dương. Vậy, ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa; Không biết Thiên Chúa, và như thế người đó không sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Đừng có ai nghỉ rằng: mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi xa xôi, không có dính dáng gì về cuộc sống của tôi. Hay là Mầu Nhiệm khó hiểu, nên chi, điều này chỉ dành cho một số người tài cao, học rộng. Nhưng chúng ta đâu ngờ rằng: trong lãnh vực này nhiều khi, những người tài cáo học rộng lại thua những kẻ quê mùa chỉ biết đọc kinh lạy Cha , kinh kính mừng nhưng họ lại có một tình yêu sâu sắc về Chúa, về tha nhân. Cho nên trong lãnh vực hiểu biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, thì không nhất thiết là phải tài cao, học rộng mà chỉ cần tình yêu và lòng mến như các thánh Tông Đồ xưa.
Ước gì khi cử mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta hãy trở về trong gia đình, trong cộng đoàn của mình để ta tập sống yêu thương, có nghĩa là ta tập sống mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Hãy cho nhau tình yêu giữ vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ. Bề trên, bề dưới và anh em chị em, bạn bè, lối xóm…. Xin Chúa Ba Ngôi chúc phúc cho chúng con. Amen.
Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét