About Me

« THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG »


                                              Chúa nhật X Thường Niên, năm C 

                                        « THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG » 

                                                       Bài đọc 1: 1V 17, 17-24 

                                                       Bài đọc 2: Gl 1, 11-19 

                                                       Tin Mừng: Lc 7, 11-17 

Trong nhãn quan bình dân, con người, khi sinh ra trong trời đất đã phải đối diện với nhiều điều bất công về danh phận, về sắc tộc, về giai cấp và địa vị xã hội,… những câu hỏi căn bản: Tại sao người này giàu, người kia nghèo? Tại sao lại có người đẹp người xấu, có người cao người thấp? Tại sao có người quá thông minh, nhưng lại cũng có người quá dại khờ? Tại sao, tại sao và tại sao? … bao nhiêu cái tại sao đã cho thấy sự chênh lệch, bất công, vô lý của cuộc sống, nhưng có một điều công bằng nhất là ai cũng phải chết, và đứng trước cái chết thì mọi người đều như nhau. 

Con người ai cũng phải chết! Khoa học dù có tân tiến đến đâu cũng không tìm đâu ra phương thuốc giúp con người trường sinh bất lão. Chính vì vậy mà: 

- Các thuyết duy vật đều quan niệm cái chết là một hiện tượng tự nhiên, thuộc quy luật sinh lý, tức là các yếu tố lý hóa của thân thể con người sẽ tan biến trong thời gian và không gian. 

            - Lập trường của các thuyết sức sống (Vitalisme) thì chấp nhận một nguyên tắc sống không có bản ngã. Họ cho rằng, chết là trở về với nguyên tắc xoay vần của vũ trụ. Chẳng hạn, Bà-la-môn giáo cho rằng chết là trở về với Brahman, tức là hồn của vũ trụ. Mạnh Tử cũng cho rằng chết là hợp nhất với vũ trụ. Còn Hégel cho rằng chết là tan mất trong tinh thần tuyệt đối. 

            - Theo Nhị nguyên thuyết xuất phát từ Platon, lại cho rằng chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác. 

            - Còn triết hiện sinh vô thần thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy (J. Sartre). 

            - Riêng Trang Tử coi sống và chết là lẽ tự nhiên, bình thường và bình đẳng, nên ông chẳng xao xuyến gì trước cái chết, thản nhiên ra vào cuộc đời: “Bậc chân nhân không ham sống, không sợ chết, vào không vui, ra không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi”. Đối với ông, sống chết cũng giống như chuyện Được Mất, mà Được là thời, Mất là thuận. “Thuận Thiên giả tồn”, cứ theo ý Trời thì chẳng phải lo sợ gì. 

Chỉ có cái chết mới giải quyết mọi bất công trong cuộc đời . Nhưng con người, ai cũng sợ chết. Không có một đức tin sâu xa, thì cái chết quả là điều kinh khủng, đáng lo sợ, vì không biết cuộc đời mình sẽ đi đâu, về đâu? Do đó, nhiều người muốn tránh né, không muốn nghe hoặc không muốn nói đến sự chết. 

Lời Chúa hôm nay nói đến hình ảnh của hai người đàn bà đang đớn đau vì sự chết. họ đau khổ, họ tuyệt vọng khi đứng trước cái chết của con mình. Nỗi buồn càng nhân lên, sự mất mát càng nặng nề khi đó là đứa con duy nhất của họ, và họ lại là những bà góa phụ. Tác giả Luca mô tả lại tình cảnh của bà góa ấy theo một vài tóm tắt đơn giản và đượm buồn: « … người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa » (c. 12) . Một tình cảnh tuyệt vọng. Chẳng cần ai khóc thương cho bà, vì bà đã tự khóc thương cho chính mình nhiều quá rồi. Trong tình cảnh tuyệt vọng của một xã hội nghèo đói ấy, người ta chẳng còn có lương thực để nuôi sống gia đình của chính mình thì liệu còn có ai có thể cưu mang bà góa ấy, lo thêm cho một miệng ăn nữa?
 
Bước vào Chúa nhật X thường niên, Giáo hội muốn giúp chúng ta khám phá ra khuôn mặt của một Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, qua chính con người, lời nói cũng như việc làm của Đức Giêsu đã cho con trai bà góa thành Na-in chỗi dậy từ cõi chết. Đây là dấu chỉ vĩ đại của Thiên Chúa là làm cho kẻ chết sống lại, bởi đặc tính của Ngài là làm cho sống, khiến cho dân chúng phải kêu lên: « Một vị ngôn sứ vĩ đại xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người » (Lc 7, 16 – Bài Tin Mừng). 

Đức Giêsu chính là ngôn sứ, là Thiên Chúa viếng thăm nhân loại. Ngài là hiện than của Thiên Chúa tình thương. Ngài nhập thể làm người như mọi người, để đồng cảm với những nỗi đau của sự mất mát. Ngài vui với người vui, khóc với người khóc. Ngài trở nên người hoàn toàn như ta, đến nỗi khi đứng trước cái chết Ngài cũng cảm thấy run sợ và thốt lên: « Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?» (Mc 15, 34). Đức Giêsu đó đã chết và đã sống lại để làm Chúa của kẻ sống. Chính Ngài đã dùng cái chết nơi thân xác mình để đập tan thần chết và phá tan ngục tù âm phủ, hầu giải thoát và dẫn đưa con người trở về với Thiên Chúa. 

Người kitô hữu, không còn là con người của sự chết nữa, nhưng là con người của sự sống. Bởi một khi được dìm vào trong dòng nước Thanh Tẩy là đã được chết với Đức Kitô, và khi được nhấc lên là được cùng sống lại với Người.   Như Thánh Phaolô, trong một thân xác nhưng lại là hai con người hoàn toàn khác. Con người trước kia là môn đồ của sự chết, và con người sau này lại là môn đệ của Sự Sống. Chính ngài đã tự thú: « Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái: Tôi đã quá hang say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa […] Nhưng Thiên đã dành riêng tôi trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về con của Người cho dân ngoại » (Gl 1, 13.15 – Bài đọc II). 

Thánh Phaolô đã biến đổi hoàn toàn khi trở lại. Đó là sự biến đổi từ thù thành bạn, từ bóng tối bước ra ánh sáng, từ cõi chết trở về cõi sống. Đó là một sự biển đổi tuyệt đẹp, như con sâu chuyển mình trở thành bướm. Một Phaolô ngã ngựa đã trở thành vị tông đồ của dân ngoại và một trong hai cột trụ của Hội Thánh sau này. 

Người kitô hữu là thuộc về Đức Kitô, nghĩa là con người của sự sống. Nhưng nhiều lần ta lìa bỏ sự sống để đi tìm sự chết. Đó là những lẫn vấp ngã trong tội và tránh xa Thiên Chúa. Nhưng Ngài vẫn ở đó, vẫn mở rộng vòng tay mời gọi ta trở về để nhận lại sự sống mới. Bởi Người là Thiên Chúa nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn và từ bi. Và trên hết Người chính là Thiên Chúa của kẻ sống. 

Người kitô hữu là thuộc về Đức Kitô, nghĩa là con người của sự sống. Với Đức Kitô, chúng ta sẽ chặn đứng đám rước của sự chết vốn coi thường cuộc sống của những đứa trẻ chưa chào đời; Với Đức Giêsu, chúng ta chặn đứng cái chết và những sự trá hình của nó, là sự nghèo đói, sự bộc lột sức lao động, bòn rút tài nguyên và hiểm họa chiến tranh. 

Lm. Quốc Bảo        


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net