About Me

Chúa Nhật 3 mùa vọng năm C Mừng vui lên



Kính thưa qúi ông bà anh chị em, ai trong chúng ta lại không một lần ước mong và khuyên những người thân yêu hay bạn bè của chúng ta là: “ hãy phấn khởi và vui lên” Tại sao ta lại khuyên như vậy, nếu không phải là ta không muốn họ sống trong cảnh sầu thương đau khổ đó sao. Hiểu như thế thì trong bài đọc 1, Chúa Nhật 3 mùa vọng năm C, sách tiên tri Xôphônia kêu gọi: “Hỡi thiếu nữ Xi-on, hãy hò vang dậy đi nào. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” Lý do là: Chúa đã rút lại án phạt, và đẩy lui mọi quân thù; và nhất là Chúa đang ngự giữa dân Ít-ra-en.

Chúa ở giữa con cái Ít-ra-en đã đành mà, vì dân Ít-ra-en, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới dân riêng của Chúa, và vì dân này, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Các bạn thân mến, dân Ít-ra-en xưa cũng như mọi Kitô hữu chúng ta ngày nay là gì mà Chúa lại mừng vui hoan hỷ và nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội vậy. Thực ra, con người chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa, có chăng là những yếu đuối, tội lỗi, bất trung, và nếu có làm được điều gì thì cũng nhờ ơn Chúa, thế mà tại sao con người lại làm cho Chúa vui mừng hoan hỷ và múa nhảy tưng bừng như trong ngày hội, nếu không phải vì tình yêu quá đỗi của Thiên Chúa đối với loài người, cho nên khi con người từ bỏ những sự gian ác, quanh co, mà trở về với Thiên Chúa thì Ngài vui mừng hoan hỷ như thế đó, và chỉ thế thôi. Ôi! Thiên Chúa, Đấng đầy lòng yêu mến và xót thương. Ngài yêu con người đến nỗi như là Ngài cần đến con người như thể không thể thiếu được. Vâng, tình yêu là như vậy, vì Ngài muốn thông ban cho con người một hạnh phúc và sự sống đời đời của Ngài đến mức Ngài phải hoá thân làm người để rồi có những cử chỉ hành động là của con người, như ngôn ngữ của Xôphônia diễn tả: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương mà đổi lấy ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xph 3,17).

Quả thật, Chúa đã làm người, điều này cho chúng ta suy niệm, chiêm ngắm trong mùa vọng và nhất là đêm giáng sinh. Chúa đã làm người, Chúa đã chia sẻ kiếp người, Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và Chúa vẫn đang rong ruổi đi tìm kiếm con người. Ngài mừng vui khi tìm kiếm được những con người lầm đường lạc lối để đưa họ về tắm gội trong biển tình yêu của Ngài, Chúa vui mừng và cả triều thần thánh trên trời cũng vui mừng. Bạn có tin điều này không? Hãy đọc dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15,3-7).

Tiếp nối tư tưởng niềm vui, thánh Phaolo trong bài đọc 2, mời gọi mọi người: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4). Sao mà phải vui lên, nếu không phải là Chúa đã gần đến. Đấng sáng tạo vạn vật thế giới mà đích thân đến để viếng thăm thụ tạo mà Ngài dựng nên, như vậy thì làm sao mà không vui mừng lên được. Thánh Phaolo đã có một cảm nghiệm vui mừng hạnh phúc trong Chúa, nên cho dù ngài ở trong hoàn cảnh nào, ngài vẫn vui mừng. Chính vì thế mà mọi khổ cực, gian lao, tù đày, đòn vọt không thể dập tắt được niềm vui của ngài hay nói khác đi là, không thể tách ngài ra khỏi lòng mến đối với Đức Kitô.

Thánh Gioan Tiền Hô cũng vậy, ngài cũng đã nếm được niềm vui và hạnh phúc khi có Đức Kitô, chính vì thế mà ngài dù sống trong cảnh cô đơn và thiếu thốn nơi hoang địa. Gioan dùng thức ăn và y phục bận trên mình thật đơn sơ, thế mà ngài lại đầy sức mạnh và sự nồng nhiệt vì Chúa Kitô, đến nỗi khiến thánh nhân say mê rao giảng sứ điệp của Chúa, và đó cũng là những điều kiện cần thiết mà con người cần phải có để đón Chúa đến.

Hôm nay qua bài Tin Mừng ta thấy sứ điệp này thật rõ ràng, Thánh Gioan mời gọi mọi người, dù ở địa vị nào trong xã hội. Với dân chúng thì điều cần phải có trước hết là đức bác ái, yêu thương san sẻ. Với những người thu thuế thì đừng đòi hỏi những gì qúa mức đã ấn định, tức là giữ đức công bằng. Với binh lính thì đừng hà hiếp, cũng đừng chiếm đoạt của người khác. Thánh Gioan không kêu gọi người ta phải từ bỏ những công việc của họ, mà là cải thiện công việc đó cho tốt hơn, để mang lại lợi ích cho chính mình và người khác.

Con đường để cải thiện và canh tân cần phải có là, biết khiêm tốn nhìn ra chính mình và những nhu cầu của anh em. Khiêm tốn như thánh Gioan, ngài là một người danh tiếng đến nỗi người ta tưởng ngài là Đấng Mêsia, nên người ta đã tuôn đến nghe thánh nhân rao giảng, để rồi người ta tự hỏi trong thâm tâm: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng phải là Đấng Mêsia” nhưng Gioan không những khiêm tốn nhận đúng vị trí của mình là kẻ dọn đường, là tiếng kêu trong hoang địa, mà còn là người không đáng cúi xuống cởi dép cho Chúa Kitô.

Con người và lời mời gọi của thánh Gioan Tẩy Giả vẫn vang vọng đến với mỗi người chúng ta hôm nay là: đổi mới canh tân, cải thiện đời sống, tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến. Đó phải chăng là tinh thần của mùa vọng; mùa vọng của chiều kích phụng vụ và cũng là mùa vọng của chiều kích cá nhân hay toàn thể vũ trụ; nghĩa là ngưỡng vọng hướng về Chúa Kitô sẽ trở lại của Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ trần gian.

Hôm nay ta rà xét lại những suy nghĩ và việc làm của chúng ta đối với Chúa và đối với anh em thì còn biết bao nhiêu điều thiếu sót lầm lỗi, đã bao lần lời nói và hành động của ta làm cho Chúa đau lòng và anh em đau đớn khổ sở vì chúng ta. Những lười biếng việc thiêng liêng, những lòng dạ không ngay thẳng, những lời nói gian xảo điêu ngoa, những mưu mô xảo quyệt, những kiêu căng đố kỵ…tất cả làm cho tâm hồn ta khô cằn sỏi đá, đã chết và đang chết.

Xin sức mạnh của Chúa, qua lời mời gọi của Kinh Thánh, với lời rao giảng của các ngôn sứ lôi kéo mọi người chúng con trở về làm lại cuộc đời. Cùng với sức mạnh của bí tích Thánh Thể mà chúng con được rước lấy mỗi lần khi chúng con dâng thánh lễ, là sức mạnh giúp chúng con biến đổi đời sống thiêng liêng nhanh chóng. Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể Các Thánh cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con cũng sống được như các ngài đã sống. Đó là món quà lớn nhất và cần nhất để chúng con dâng cho Chúa. Amen.

Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD.


Bài chia sẻ của Lm. Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R.

DẪN

Là người ai ai cũng mong đón nhận được niềm vui.

Có người tìm niềm vui nơi những thú vui giải trí. Có người tìm niềm vui nơi những phát minh khám phá. Có người tìm niềm vui khi thống trị, hành hạ người khác…

Phụng vụ lời Chúa Chúa nhật III mùa Vọng năm C sẽ hướng người tín hữu tìm niềm vui đích thực trong Chúa.

I. CHÚA THỨC TỈNH

Tiếp xúc và nghe lời giảng dạy của thánh Gio-an Tẩy Giả, dân chúng đủ mọi thành phần túa đến với thánh nhân xin được làm phép rửa và hỏi ngài: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10).

Câu hỏi của họ cho thấy đã có một sự đột biến trong tâm linh. Trước đây, nhiều người đã sống vị kỷ không quan tâm gì đến người nghèo, những binh lính ngông cuồng hà hiếp dân lành, những người thu thuế vẽ chuyện đòi hỏi người khác quá đáng… Nay, thái độ của họ đã khác hẳn. Họ nỗ lực tử tế qua việc xin được lãnh nhận phép rửa và xin được chỉ dạy để tìm về một cuộc sống có ý nghĩa.

Ngày nay, thế giới không ngừng tiến triển; cuộc sống con người xem ra văn minh hơn xưa. Thế nhưng, trong thế giới văn mình đầy đủ tiện ích không ít người vẫn còn sống trong ích kỷ. Khoảng cách người giàu và người nghèo như càng xa hơn. Cũng trong những thế giới văn minh thì không ít người có quyền đã lạm dụng quyền lực để đàn áp những người thấp cổ bé miệng. Bất chấp nỗi thống khổ của người nghèo, họ bao che cho nhau tham nhũng và dùng mọi thủ đoạn mánh khóe để bòn rút của cải vật chất cho riêng mình,

Khi xưa, Thiên Chúa đã dùng cuộc đời khổ hạnh và những lời giảng dạy đanh thép của thánh Gio-an Tẩy Giả để thức tỉnh lương tâm con người, giúp họ tìm về nẻo chính đường ngay. Chắc chắn những lời giảng dạy Chúa thánh Gio-an Tẩy Giả sẽ vượt thời gian thức tỉnh con người mọi thời đại.

Lời Chúa sẽ mang lại niềm vui cho những ai được thức tỉnh để dấn thân bằng cuộc sống bác ái yêu thương, bằng sự chu toàn đúng mức những bổn phận được trao phó

II. CHÚA ĐỔI ĐỜI

Vấn nạn “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10) của đám đông dân chúng đã được thánh Gio-an Tẩy Giả giải mã:

- Mọi người “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 11)

- Người thu thuế: “Đừng đòi hỏi những gì quá mức ấn định cho các anh” (Lc 3, 13).

- Binh lính: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3, 14).

Rõ ràng thánh Gio-an Tẩy Giả không có ý bảo người ta phải bỏ việc đang làm nhưng ngài dạy họ phải làm việc thật tốt đúng với bổn phận đã được lãnh nhận, không những họ phải trở thành người biết yêu thương mà còn phải trở nên những người đáng mến và dễ thương.

Thiên Chúa đã dùng lời của thánh Gio-an Tẩy Giả để ban ơn đổi mới cho nhân loại. Người đổi mới chứ không hủy bỏ những trật tự đã ban cho con người trong trần gian. Thiên Chúa đã muốn con người tìm được niềm vui và hạnh phúc trong chính môi trường sống hòa nhã đáng yêu và dấn thân phục vụ, làm việc bác ái từ thiện giúp đỡ người nghèo.

Niềm vui Thiên Chúa ban chỉ dành cho những ai đón nhận được ơn đổi đời. Từ một người hẹp hòi ích kỷ trở thành người quảng đại dấn thân biết chia sẻ biết sống bác ái yêu thương chan hòa với mọi người được mọi người quý mến. Từ là người lạm dụng quyền hành hà hiếp bạo lực trở nên dễ mến đáng yêu được mọi người kính trọng. Từ là người cơ hội, tham lam thủ đoạn chiếm đoạt của cải người khác khiến họ phải oán giận thậm chi nguyền rủa trở thành người biết sống công bằng.

Ơn sám hối và niềm vui được biến đổi sẽ là khởi đầu để người ta đón nhận ơn cứu độ.

III. CHÚA BAN ƠN CỨU ĐỘ

Được thánh Gio-an Tẩy Giả cử hành phép rửa và được lãnh nhận những lời thánh nhân chỉ dạy, dân chúng ngỡ rằng chính ngài là Đấng Mê-si-a muôn dân mong đợi “Biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a” (Lc 3, 15).

Trước tình trạng này, thánh Gio-an Tẩy Giả đã khiêm tốn hướng họ đến với Đấng Mê-si-a đích thực “Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3, 16).

Vậy là phép rửa của thánh Gio-an chính là giai đoạn chuẩn bị lòng người đón nhận phép rửa bằng lửa và Thánh Thần của Chúa Giê-su Cứu Thế. Niềm vui trọn vẹn là niềm vui trong Chúa “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).

Lễ Giáng Sinh đang đến gần; khung cảnh đất trời như đổi thay nhộn nhịp rõ rệt: những ánh đèn rực rỡ sắc màu, những tiếng thánh ca làm lòng người rộn rã, những tấm thiệp, những món quà truyền đi khắp nơi… Tất cả những điều này sẽ tô điểm cho ngày lễ Giáng Sinh thêm rực rỡ, nhưng chưa thể là niềm vui trọn vẹn.

Niềm vui Giáng Sinh không chỉ dừng lại nơi sự đổi thay nhất thời đời mà sâu xa hơn là niềm vui được thức tỉnh, được biến đổi hưởng ơn cứu độ, được phục hồi quyền làm nghĩa tử của Thiên Chúa, được sống muôn đời.

KẾT

Mùa Vọng, Thiên Chúa dùng Hội Thánh ban cho người tín hữu niềm vui đích thực nhờ “tỉnh thức và cầu nguyện”.

Trong cô tịch và cầu nguyện kết hiệp với Chúa, họ sẽ đón nhận niềm vui trong nội tâm và diễn tả ra bên ngoài bằng cuộc sống biến đổi vượt qua những thói hư tật xấu, những ích kỷ, những lo âu trĩu nặng vật chất, những sợ sệt ngại ngùng, những mặc cảm do tội lỗi gây ra…

Nhờ ơn Chúa, người tín hữu hoán cải cuộc đời để lãnh nhận ơn cứu độ, lãnh nhận niềm vui bất tận trong Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net