About Me

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG, năm C

Tin Mừng Lc 3: 1-6
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-kho-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Khan-na và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên.
Chúa. Đó là lời Chúa.

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, các bạn trẻ thân mến, có lẽ bất cứ ai đang có cuộc sống vui tươi đầm ấm, mà chẳng may bị thay đổi bởi đau khổ, buồn chán thì chẳng ai muốn chút nào. Ngược lại đang trong cảnh sầu khổ đớn đau bước sang cuộc sống sung sướng hạnh phúc thì ai ai chẳng muốn. Hôm nay, qua bài đọc 1 sách tiên tri Ba-rúc mời gọi mọi người: “Hãy cởi áo tang chế và sầu khổ, để mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa”. Lời mời gọi trên, qua môi miệng tiên tri Barúc, nếu nhìn trên phương diện cuộc sống của con người thật là dễ hiểu, vì đó là ý muốn và ước vọng rất tự nhiên của con người. Nhưng qua đó giúp con người dễ hiểu hơn trên phương diện thiêng liêng về ơn cứu độ của Thiên Chúa; nghĩa là trước khi Đấng cứu thế xuất hiện thì cuộc sống con người giống như cảnh tang chế, sầu khổ vậy đó. Chiếc áo tang chế biểu trưng cho phẩm giá con người bị tội lỗi làm hoen ố, tanh hôi, nhưng khi Đấng cứu độ đến, chẳng khác nào cởi bỏ chiếc áo tang chế, để mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang của Thiên Chúa . Ôi còn gì sung sướng hạnh phúc hơn nữa, nhưng khốn nỗi, điều này con người cần phải có cặp mắt tinh anh, nghĩa là cần có sự khôn ngoan của Chúa, lúc đó con người mới nhìn ra cái sâu thẳm của ơn cứu độ mà Thiên Chúa mang lại cho con người một đời sống thiêng liêng cao qúi biết là dường nào.

Vậy làm sao để ta có được cặp mắt thiêng liêng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì không chi bằng tạo trong tâm hồn ta một sa mạc thiêng liêng. Bởi vì, sa mạc là nơi giúp con người dễ gặp gỡ Thiên Chúa. Sa mạc là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Sa mạc với cái khô cằn nóng bỏng ban ngày và cái lạnh giá ban đêm. Giữa cảnh hoang vu và mênh mông của cát, con người như mất phương hướng và đói khát. Trước tình trạng như thế sẽ giúp con người ý thức được mình so với vũ trụ thì chỉ như là hạt cát bé bỏng. Từ nhận thức ấy, giúp cho con người gột rửa những ý nghĩ kiêu căng, ngạo mạn, hay chủ trương coi mình là thần thánh và có thể tự giải thoát lấy mình. Có được thái độ và tâm tình khiêm tốn sẽ giúp cho con người rộng mở lòng mình ra để đón nhận ơn thánh của Chúa. Với sa mạc của tâm hồn như thế sẽ là con đường dẫn đưa con người đến chỗ gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài. Trong cuộc sống thiêng liêng càng năng bước vào sa mạc bao nhiêu, chúng ta càng sống cảm nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa bấy nhiêu.

Thánh Phaolo trong bài đọc hai, ngài nói: “Tôi luôn hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc âm; nghĩa là anh em đã chọn được phần tốt nhất của cuộc sống, đó là anh em đã biết vượt lên trên cái bình thường để mặc lấy sự huy hoàng vĩnh cửu, là ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong cụ thể, để muốn được mặc lấy vinh quang huy hoàng vĩnh cửu của Thiên Chúa, thì ta cần phải đi vào con đường mà Thánh Gioan Tẩy Gỉa kêu gọi trong sa mạc là: hãy dọn đường cho Chúa, sửa đường cho ngay thẳng, hố sâu lấp cho đầy, đồi cao bạt cho bằng, nơi nào cong queo hãy uốn cho ngay thẳng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Ôi ở đời, người ta làm con đường giao thông thật dễ dàng như ngày hôm nay ta thấy đó, nhưng để xây dựng một con đường thiêng liêng không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng bất cứ ai, nếu biết dành cho Chúa một chổ trong tâm hồn của mình thì mọi cái đều dễ dàng tốt đẹp. Vậy, để tâm hồn trở thành ngôi nhà cho Thiên Chúa ngự trị, thì con người cần phải sửa soạn con đường lòng mình như sứ điệp của Thánh Gioan mời gọi như sau:

Đồi cao phải bạt cho bằng. Đồi cao là gì, nếu không phải là triệt hạ sự kiêu ngạo, khoe khoang, luôn cho mình là hay, là giỏi và cái gì cũng nhất.

Hố sâu hãy lấp cho bằng. Hố sâu là gì đây, nếu không phải là những tham lam, ham hố điều này, điều kia. Sự chia rẽ, gây bất hoà, bất thuận, giận hờn, ganh ghét, nghi kỵ , hay chìm đắm trong danh, lợi, thú.

Đường quanh co hãy uốn cho ngay thẳng. Đường quanh co là gì đây, nếu không phải là sự dối trá, trốn tránh bổn phận, trách nhiệm, lườn lẽo, lắt léo.

Đường gồ ghề hãy san cho phẳng. Đường gồ ghề san cho phẳng là gì đây, nếu không phải là những lời nói độc ác, tàn nhẫn, mưu mô, nham hiểm hay phê bình, chỉ trích, chê bai.

Tất cả những ngọn đồi, những hố sâu, những khúc quanh co, lượn sóng gồ ghề của tâm hồn, đều là chướng ngại ngăn cản Chúa đến thăm viếng căn nhà tâm hồn của chúng ta. Trong Mùa vọng này, chúng ta được mời gọi, hãy sửa chữa con đường thiêng liêng thật tốt đẹp để đón Chúa đến.

Hãy cố gắng tâm niệm mỗi ngày trong mùa vọng như là một lời nguyện hướng về sự giáng sinh của Chúa, nghĩ về Máng cỏ, một chổ thấp hèn bé nhỏ nhất, thế mà tại sao con Thiên Chúa, Đấng tối cao lại sinh ra trong cảnh nghèo hèn như thế? Nếu ta luôn nghĩ về những hình ảnh đó để suy niệm và sống thì chúng ta đang sống tinh thần của mùa vọng. Đó là tinh thần hay nhất để đón mừng đại lễ Giáng Sinh đúng nghĩa nhất, đồng thời ta cũng đang sẵn sàng đón ngày Chúa đến lần thứ hai.

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức cho chúng con trong tinh thần chuẩn bị đón mừng đại lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người; đồng thời giúp chúng con có một tâm hồn luôn tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi Chúa đến lần thứ hai. Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse giúp chúng con dọn tâm hồn để cho Chúa sinh ra trong lòng chúng con, trong gia đình và trong giáo xứ chúng con. Amen.

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD.

HÃY SÁM HỐI VÀ ĐỔI MỚI

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG, năm C
Mỗi khi mùa vọng tới, chúng ta như được đánh động bởi mẫu gương của Gioan Tẩy Giả. Một con người sống đời sống đơn giản và được trao cho sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế: ” Có tiếng kêu trong hoang địa.Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi “ ( Lc 3, 4 ). Gioan Tẩy Giả đã chứng kiến cuộc đời muôn mặt và lòng người thì đầy nham hiểm, hố sâu, lồi lõm. Do đó, thánh nhân đã mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối, canh tân đổi mới để đón chờ Đấng Cứu Độ.

Đọc kỹ đoạn Tin Mừng của thánh sử Luca 3, 1-6, chúng ta sẽ thấy bối cảnh chính trị khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Tin Mừng vạch rõ đủ mặt các vị vì vọng như hoàng đế Tibêriô, Phongxiô Philatô, các tiểu vương vùng Palettin là Hêrôđê, Philip, Lysiana, sau cùng là các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái: Ông Anna và ông Caipha. Gioan chỉ là một người vô danh tiểu tốt, một người khó nghèo, khiêm tốn và đơn sơ. “ Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa…”.Vâng, đã từ lâu từ thời các ngôn sứ, dân Israen không được nghe chính Thiên Chúa trực tiếp dạy bảo. Nay, Thiên Chúa lên tiếng qua một con người xem ra rất dân dã, hoang dã mình khoác mảnh da lạc đà. Thiên Chúa không lên tiếng trong đền thờ nhưng Ngài lên tiếng trong hoang địa, gần sông Giođanô.Gioan Tẩy Giả là người hoang dã, nhưng ông được Thiên Chúa ban ơn. Nên, ông thông minh, ăn nói lưu loát, miệng lưỡi đầy Thần Khí của Chúa. Thánh nhân trưng dẫn lời ngôn sứ Isaia rằng dân Israen đã được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi cảnh lưu đầy ở Babylon, họ được trở về quê hương cũ và được chính Thiên đến nâng đỡ, an ủi, vỗ về. Gioan Tẩy Giả đã loan báo rằng: ” Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng “ ( Lc 3, 5 ). Thánh Gioan đã làm phép rửa thống hối. Ngài đã dìm những hối nhân xuống nước để họ chết đi cho tội lỗi và tâm hồn được sạch hầu đón nhận ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ. Đây là nghi thức nói lên rằng con người phải thay đổi tận gốc rễ.Con người phải ăn năn sám hối, đổi mới con tim, chia sẻ với tha nhân và chờ đợi Chúa Kitô đến.

Hậu quả việc làm của Gioan là làm cho cả xã hội lúc đó biến đổi khiến những nhà lãnh đạo đời và cả đạo đâm ra lo lắng, hoang mang. Gioan Tẩy Giả bị hành hình, nhưng " Đấng đến sau Gioan quyền năng hơn ông đến nỗi ông nói không sợ hãi rằng ông không xứng đáng cỏi giây giầy cho Ngài “. Đấng đến sau là Chúa Kitô lại tiếp tục đương đầu với bọn cầm quyền đạo đời khiến họ cũng theo một sách lược là kiếm cách khử trừ Ngài để tránh hậu họa.

Tuy nhiên,trước mặt họ những nhà cầm quyền đạo đời lúc đó chỉ thấy một vị vua phục vụ: ” Đến để hầu hạ chứ không để được hầu hạ “. Nhưng họ vẫn cam tâm khử trừ Ngài.

Gioan Tẩy Giả luôn lớn tiếng kêu mời mọi người sửa sang đường sá. Nhưng ý của Gioan Tẩy Giả là đường vào tâm hồn mới thật quan trọng:

Con người phải lấp cho đầy những tỵ hiềm, tham lam, ích kỷ hẹp hòi, nông cạn. Con người phải uốn cho những lối nghĩ đúng theo suy nghĩ của Chúa. Phải san cho bằng những nẻo đi trệch đường của ngạo mạn, tự tôn, tự đắc. Phải bạt cho thấp, cho bằng những gồ ghề của bất chính, bất công, bất nghĩa.

Những chướng ngại ngăn cản con người đến với Chúa, chúng ta phải thật lòng ăn năn sám hối, đổi mới tâm hồn để Chúa có thể đến và ngự lại trong tâm hồn chúng ta. Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ đến dọn đường cho nhân loại đón Chúa lần đầu, chúng ta là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến từng ngày trong cuộc sống của tha nhân.

Chúa Kitô chỉ có thể đến với con người trên những con đường ngay nẻo chính. Ơn cứu độ của Chúa cũng chỉ được ban cho những con tim, những tâm hồn, những bàn tay biết mở rộng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra những lỗi lầm của chúng con để chúng con biết ăn năn, sám hối hầu Chúa thứ tha và thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net