About Me

Chúa Nhật 28 thường niên năm B BIẾT TỪ BỎ


Chúa Nhật 28 thường niên năm B


      Ngày 06 tháng 06 năm 1976, nhà tỷ phú  Paul Getty qua đời, để lại một gia sản từ hai đến bốn tỷ mỹ kim.  Sau năm cuộc hôn nhân và năm lần ly dị, ông đã tuyên bố với phóng viên báo chí: “Tôi mong ước dùng tất cả gia tài của tôi để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.  Tôi sợ thất bại.  Tôi lo không thể tạo được hạnh phúc hôn nhân”.  Một lần khác ông cũng thú nhận rằng mình đã không đạt được hạnh phúc trong gia đình. Và ông đã kết luận: “Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Trái lại, nó còn có họ hàng bà con với những nỗi bất hạnh nữa.”
             Kính thưa qúi ông bà anh chị em, qua Lời Chúa của Chúa Nhật thứ 28 này, giúp mỗi người đặt lại vấn đề cuộc sống của con người hạnh phúc đích thực là ở đâu? Nếu ta nghĩ rằng: hạnh phúc của con người chỉ được xây dựng trên tiền bạc của cải, thì ta lầm to, vì như lời của nhà tỷ phú Paul Getty ở trên, hay như lời của anh chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng mà chúng ta nghe qua Chúa Nhật này cũng thế. Cả hai đều giàu có, thế mà một bên đi tìm kiếm cho mình một mối tình hạnh phúc bên nhau lâu bền mà chẳng được, đàng kia là người thanh niên giàu có lại có đời sống luân lý tốt đẹp, nhưng lòng vẫn khắc khoải tìm kiếm một cái gì đó mà trần gian này không thể có được. Tựu trung, cả hai đều có sự khôn ngoan của người đời nhưng họ còn thiếu một điểm căn bản là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Như trong bài đọc 1, sách Khôn Ngoan, tác giả đã  nhìn thấy sự sâu thẳm căn bản, giá trị và ý nghĩa của cuộc đời này không phải là giàu có, tài trí, sức khoẻ, sắc đẹp, ăn chơi…mà là một cái gì vượt hẳn và giá trị gấp ngàn lần những thứ vật chất. Cái giá trị vĩnh cửu này cần phải có sự khôn ngoan đích thực mới nhìn thấy; đó phải chăng là Đức Khôn Ngoan của Chúa, như tác giả sách Khôn Ngoan nói: “Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với, vì vàng trên thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.” (Kn 7,9).
      Vậy, đức khôn ngoan của Chúa là gì vậy, nếu không phải là: biết Chúa là đầu mối của sự khôn ngoan đó sao! Như tác giả của sách Khôn Ngoan ca tụng: “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người, chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa và được Người tin cậy.” (Kn 7,14).
      Tại sao không dùng đức khôn ngoan mà tìm kiếm những giá trị trên đời này mà lại tìm kiếm Chúa? Nếu không phải là vì, Chúa là Đấng xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, vì không có loài thọ tạo nào mà không phơi bày trước mặt Đấng quyền năng đòi mọi người phải trả lẽ, như trong bài đọc 2, thơ gởi tín hữu Do-thái nói vậy sao! Chính vì Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn tâm can và sự ước muốn của con người, đồng thời Ngài lại có quyền năng đáp trả lòng khao khát và ước muốn của con người, chính vì thế mà trong bài Tin Mừng thuật lại  sự khát vọng vô biên của con người,  mà không có một sự gì ở trên trần gian khỏa lấp nổi; cho dù đó là tiền bạc, quyền lực hay sắc đẹp hoặc sự giao thoa giữa hai phái nam nữ.
       Lòng khao khát sâu thẳm này được bộc lộ qua người thanh niên giàu có lại có đời sống luân lý tuyệt đẹp, mà ta thấy  Tin Mừng mô tả: “một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" 
     Quả thật, ở đời, với chàng thanh niên giàu có, lại có đời sống luân lý tuyệt đẹp như thế thì ai lại không mộ mến, kính nể, như thế thì kể ra anh là người hạnh phúc qúa rồi, cần gì phải tìm kiếm cái gì nữa. Thế nhưng, anh vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó mà lòng cứ day dứt không yên nghỉ được. Là gì vậy, nếu không phải là sự sống đời đời đó sao, để rồi lòng khao khát đó thúc bách anh tìm kiếm, và anh đã tìm được bậc thầy không những chỉ cho anh ta con đường đạt được sự sống đời đời; mà chính người đang mời gọi anh chính là Thiên Chúa, mà anh đang diện kiến, và chỉ có Người mới lấp đầy sự khắc khoải và khát vọng nhất của con người, nhưng khốn nổi chàng thanh niên giàu có này cũng là người đại diện cho vô số người không vượt qua được lời mời gọi dấn thân triệt để hơn nữa; Nghĩa là từ bỏ mọi cái mình đang có để bước theo Chúa Giê-su. Vì thế, Chúa Giê-su rất tiếc trước thái độ buồn sầu bỏ đi của anh ta, chỉ vì tiền bạc, của cải làm cản trở con đường dẫn đến sự sống đời đời. 
      Như thế, qua đó cho ta thấy: tiền bạc nó như con dao hai lưỡi; biết sử dụng nó thì nó trở thành tên đầy tớ tốt, không biết sử dụng nó thì nó là một kẻ thù giết ta không một chút xót thương. Bởi vậy, Chúa Giê-su thấy một sự nguy hiểm cản lối, nên Ngài đã cảnh báo cho tất cả mọi người: “ Người giàu có khó mà vào nước trời” và còn hơn thế nữa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước trời”. (Mc 10, 23.25).
      Người giàu có khó mà vào nước trời khi nào, nếu không phải là khi người ta coi của cải vật chất của họ hơn Thiên Chúa; ở đây ta nên hiểu rộng ra hơn nữa là: tất cả những ai lấy mọi sự ở trần gian này như là lẽ sống, cứu cách cùng đích của mình, kể cả tri thức và nhan sắc, sức khỏe, công ăn việc làm. Tất cả những điều ấy phải là thứ yếu, và nó chỉ là phương tiện giúp con người đạt tới cứu cánh là Thiên Chúa. Điều này, Thánh Phaolo đã xác quyết: “Mọi sự ở trần gian này tôi coi như là rác rưởi, phân bón ngoài một mối lợi mà tôi phải đánh đuổi đó là Thiên Chúa.” Rồi khi ngài viết thơ gởi cho ông Ti-mô-thê trong chương 6, cũng căn dặn Ti-mô-thê khuyên bảo những người giàu có như sau: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng.Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.(Tm 6, 17-19)
      Trở lại câu chuyện người thanh niên trên, có thể là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Cũng như chàng thanh niên, bình thường ta giữ đạo rất dễ dàng. Sáng đi lễ, chiều đọc kinh, không làm điều gì gian ác, không bất công, tham lam của người khác. Nhưng khi gặp thách đố giữa cuộc sống với đức tin, lúc đó ta phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những giá trị trần gian, nhiều khi ta nao núng và rất nhiều người vì một chút lợi lộc hay những giá trị của trần gian mà họ bỏ Chúa. Có những người khi còn nghèo túng thì giữ đạo rất tốt, nhưng khi đứng trước những cám dỗ của tiền của, vì lòng tham nên có những hành động sai trái của gian dối, đánh mất lương tâm . Có những người khi còn nhỏ thì rất ngoan ngoãn đạo đức, nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì, vì thú vui mà bỏ quên việc đạo. Nhưng nhất là có những người vốn con nhà đạo gốc rất sốt sắng, nhưng khi đứng trước những dễ dãi của trần gian thì bỏ Chúa, bỏ đạo. Cụ thể, ai là người công dân Hoa Kỳ, thì ta đang ở thời điểm bầu cử tổng thống. Hiện nay sự ác và thiện đang giao tranh, nếu bất cứ ai vì một chút lợi lộc kinh tế, một vài sự dễ dãi bởi lời hứa hẹn hảo huyền; trong khi biết rõ có những chủ trương mang trọng tội chống lại Thiên Chúa, mà vẫn đứng về sự ác, hậu thuẩn, tiếp tay cho sự ác đó, thì sớm muộn gì người đó phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa.
      Vậy, ai là người Kitô đúng nghĩa, ta được mời gọi bước theo Chúa một cách quyết liệt hơn, triệt để hơn, hãy coi mọi sự ở trần gian này như là của cải, địa vị, bằng cấp, sắc đẹp, ăn uống ... như là phương tiện đã đành và khi cần chúng ta phải từ bỏ tất cả nếu nó cản trở con đường giúp ta đạt tới sự sống đời đời.
      Xin niềm tin mà chúng ta cùng với Giáo Hội đã khai mạc Năm Thánh Đức Tin, giúp chúng con xác tín hơn vào Chúa Kitô và nhờ bí tích Thánh Thể mà ta được rước lấy qua thánh lễ, sẽ là nguồn sức mạnh lớn lao giúp  chúng con một hành trang cho cuộc lữ hành trần thế để đạt tới Thiên Chúa hạnh phúc đời đời. Amen.

Linh mc Phaolô Cao Thế Bình SD D .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net