Trong cuộc sống, có những điều người ta muốn nhớ, nhưng lại quên, có những điều người ta cố quên, nhưng không thể quên được, vì “cố” quên nghĩa là còn rất nhớ. Như câu chuyện tình của Em và Tôi. Tôi không thể quên, nhưng liệu em có nhớ?
Tôi quen em thật tình cờ.
Hôm ấy, một chiều mưa, tôi còn nhớ rõ, trên đường từ Ngãi giao về Bình giã, mưa lất phất, tôi đang gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ, thì một “bóng hồng” thấp thoáng phía trước, một bóng hồng đúng nghĩa, vì em mặc chiếc áo đỏ, cũng đang cố nhấn bàn đạp của một chiếc xe cũng chẳng mới gì hơn xe tôi, mong tránh được cơn mưa lớn đang xuất hiện phía sau. Bỗng dưng, con ốc của chiếc chân chống xe em lỏng ra, chân chống rơi xuống và lết theo mấy vòng xe của em, em dừng lại, và tôi vội trờ tới.
- Xe em bị sao vậy? Chân chống gãy hả? Tôi hỏi.
- Nó bị tuột ốc.- Vừa nói, em vừa ngước mắt lên.
Ánh mắt em vừa chạm vào mắt tôi, tôi đã thấy bồi hồi và buông ra một câu ngớ ngẩn:
- Em ở Bình giã hả? -Tay tôi lần vặn con ốc của cái chân chống ra.- Thôi, tháo ra luôn đi, về nhà lắp lại, kẻo không kịp. mưa to đến rồi.
- Vâng. Anh cũng vậy hả?- Em hỏi 1 câu cũng…ngớ ngẩn chẳng kém gì tôi.
Chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện khi cùng chầm chậm đạp xe bên nhau, bất chấp cơn mưa to đang đuổi theo, ngày càng gần.
- Ừ, anh ở làng một. Em ở làng hai hay làng ba?
- Làng hai. Anh đi đâu về vậy?
- Anh lên Bà rịa, lên Phòng giáo dục để lo hồ sơ cho các em đi thi tốt nghiệp.
- Ủa…Thầy… là Thầy giáo hả? - Em lúng túng.
- Ừ, thì…đi dạy cho…vui vậy ấy mà. Em ra Ngãi giao làm gì vậy?
- Đi dạy mà cũng cho vui à? Thầy nói hay thật đấy. Em ra thăm người bạn cũ, mới…đẻ.
Cơn mưa to ập đến, chúng tôi cùng tấp vào hiên 1 ngôi nhà dưới dốc làng một.
- Bạn em mà đã…đẻ rồi cơ á? – Hỏi xong tôi mới thấy mình…vô duyên! Lại chợt nghĩ : “ H ơi, coi chừng mày đang vớ phải 1 em có chồng rồi đấy”.
- Tại bạn em nó “lạu” nên lấy chồng sớm. – Em vừa cười, vừa nói, còn tôi thấy…yên tâm vì câu nói đó.
- Vậy em chưa lạu à?
Em cười như nắc nẻ :
- Em cũng lạu chứ, nhưng chẳng ai thèm lấy, em...ế rồi.
Rồi như để che dấu nỗi thẹn thùng sau câu nói , em vội hỏi :
- Thầy đi Bà rịa bằng xe đạp à ?
- Không, anh đi xe đò, nhưng mang theo xe đạp lên để còn chạy chỗ này, chỗ kia cho tiện.
Đứng dưới hiên nhà trò chuyện, tôi mới có dịp quan sát kỹ em. Khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt to, sáng long lanh nhưng đầy tinh nghịch, đôi môi đỏ và miệng luôn nhoẻn cười từ khi nói chuyện với tôi.
Em cất tiếng hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi :
- Thầy đi dạy lâu chưa ?
- Anh dạy gần 10 năm rồi
- Thầy dạy ở trường nào vậy ?
- Anh dạy ở trường X
- Vậy ạ. Nếu Thầy dạy ở trường Y, không chừng em là học trò của Thầy rồi. Hihihi.
Em cười, giọng cười hồn nhiên như một cô bé mới lớn.
- Em nghỉ học lâu chưa ? Sao không học lên nữa ? – Tôi hỏi, dựa vào sự phán đoán của mình.
- Hơn ba năm rồi Thầy ạ. Cha mẹ em hay nói con gái học làm gì cho cao, chỉ tổ khó...lấy chồng. Bạn em nó còn nghỉ sớm hơn em, chưa học hết lớp 9 đã nghỉ, được mấy năm là lấy chồng. Nó lấy chồng ngoài Ngãi giao đó. Em đi thăm nó về nè. Hihi...
Vẫn cái giọng cười hồn nhiên ấy, giọng cười làm bâng khuâng lòng người.
- Vậy có nghĩa là bạn em « lạu » đó hả ? – Tôi dùng lại cái từ của em.
- Hihihi...
- Em cũng nghỉ học sớm, sao không lạu như bạn em đi ?
- Thầy xúi dại em nhá.
- Sao lại xúi dại ? Ba Mẹ em bảo học cao khó lấy chồng là gì ? Chắc Ba Mẹ muốn em nghỉ học để lấy chồng mà ?
- Em...ế rồi Thầy ơi !
- Sao em cứ hay nói chữ ế vậy ? Em mà ế thì mắt con trai Bình Giả có vấn đề hết. Hahaha...
- Thật đó Thầy ơi, mấy đứa bạn em nó lấy chồng hết rồi.
- Chắc tại em kén quá thôi. Em mà lạu như mấy bạn em thì...
- Thì sao Thầy ?
- Thì ...có bạn khác lại đi thăm em...
- Hihihi... Nỏ có mô Thầy ơi. – Em nói, thỉnh thoảng mới chêm vào một từ địa phương, không như đa số các cô gái Bình giả.
Mưa đã bớt dần, nhưng trời đã thấy tối sầm, dù chỉ mới gần 6g chiều. Em giục tôi :
- Về đi Thầy ơi, Em mà về muộn thế nào cũng bị nạt.
Hai đứa dắt xe ra, nhấn bàn đạp, cố leo lên hết cái dốc làng một. Tôi tiếp tục câu chuyện :
- Ba Mẹ khó lắm hả ? Về muộn vì trời mưa mà.
- Cũng nỏ khó lắm đâu Thầy, nhưng em nói đi đến khoảng 5g thôi, với lại là con gái, nên Mẹ không muốn em về muộn. Vì Mẹ lo thôi mà.
- Ba Mẹ nào cũng lo cho con, nhất là con gái. Nhưng hôm nay em có lý do chính đáng mà.
- Vâng.
...........................................................................................................................
Cuộc trò chuyện chấm dứt khi hai chiếc xe đến ngã ba rẽ về nhà tôi.
- Anh về nhé.
- Vâng. Nhà Thầy ở trong này à ?
- Ừ. – vừa nói tôi vừa bẻ guidon xe quẹo vào con ngõ nhỏ. Chợt nhớ ra suốt cuộc nói chuyện, tôi chưa hề hỏi tên em. Thắng xe và lui ngược lại thì bóng em đã khuất xa xa.
« Ngu ơi là ngu ! » - Tôi thầm trách mình.
Đêm đó, tôi nằm nghĩ đến em, thấy vui vui, nhớ về cuộc trò chuyện ban chiều, nhớ đến cái chữ « lạu » của em, nhất là cứ nghĩ mãi về chữ Ế mà em lặp lại đến mấy lần.
Vâng, hình như con gái Bình Giã khi mới sinh ra đã mang cái chữ ế trong đầu ! hoặc chịu nỗi ám ảnh từ suy nghĩ của các bậc Cha mẹ. Cứ đến 20 tuổi mà chưa lấy chồng là đã lo ngay ngáy. Trên hai mươi đã gọi là...HÂM (hăm...), hâm đi hâm lại thì chả ai thèm ngó ngàng... Khi mới về Bình Giã, đi làm, gặp mấy cô « kheo khéo », cỡ 17, 18 thôi, buông lời chọc ghẹo cho vui, ai ngờ đụng toàn mấy cô đã có chồng ! Ngạc nhiên vô cùng, vì ở các nơi khác, tuổi này còn...vô tư lắm, cùng lắm là mới bồ bịch lăng nhăng tí chút, chưa có thể nói là yêu đúng nghĩa, chứ đừng nói là đã có chồng. Có lẽ người Bình Giã lúc bấy giờ quan niệm đơn giản quá. Đến tuổi thì phải lấy chồng. Vả lại, chỉ cần biết cuốc, cày... làm nông được là lấy chồng được rồi, tương lai cũng chỉ ở mấy đám rẫy, đám ruộng. Lấy chồng, chẳng phải làm dâu lâu, chỉ vài ba tháng là gia đình chồng cất cho căn nhà, chia cho mấy sào ruộng rẫy và cho « ra riêng », thế là xong. Cứ chịu khó làm là sống khỏe mà chả cần đắn đo về tương lai, về công việc, về mức thu nhập hàng tháng như các cô gái ở tỉnh thành. Cũng vì quan niệm của người Bình Giã như thế, nên bản thân tôi đã từng phải chia tay một cô, dù mới quen nhau chưa được bao lâu.
Hồi ấy, tôi cũng quen với một nàng, tới lui với nhau được hơn 3 tháng, thì một tối, đến nhà, nàng không ra tiếp chuyện như mọi khi, mà là...Ba Mẹ nàng ! Hai Ông Bà đặt thẳng vấn đề : « Nếu chú thương con L nhà tôi, thì nói Ông Bà đến chơi, người lớn nói chuyện với nhau, chứ con tôi là con gái, để lâu quá thì cũng thiệt cho nó ». Ôi ! sao mà vội thế, tôi là thằng con trai mới hơn 20 tuổi, đang còn muốn bay nhảy, chứ đã muốn mang « gông » đâu, dù yêu thì yêu đấy, nhưng...lấy vợ thì thú thật, tôi chưa hề nghĩ đến điều này. Con trai từng sống ở Thành phố như tôi, tuổi này thì chưa có ai nghĩ đến chuyện lập gia đình. Ngay cả các cô, 24, 25 tuổi, nếu có hỏi, còn lắc đầu nguầy nguậy, chứ có đâu lo lắng như các cô ở Bình Giã... Thế là tôi chủ động chia tay nàng, vì không muốn nàng phải khổ vì chịu đựng những sức ép từ gia đình, từ dư luận... Tội nghiệp nàng, mãi hơn 4 năm sau, nàng mới lấy chồng, mà chấp nhận lấy một người không cùng tôn giáo, vì từ khi tôi rút lui, chẳng có anh Bình giã nào tìm đến với nàng. Cuộc sống hôn nhân của nàng bước đầu rất cơ cực khiến tôi cứ bị dằn vặt mãi. Tất cả những điều trên đã ảnh hưởng lớn đến quyết định của tôi, mỗi khi có ý nghĩ muốn làm quen một ai đó. Tôi tự nhủ với lòng : « H ơi, bao giờ mày quyết định lập gia đình, hãy ngỏ lời với người ta, đừng làm khổ mấy cô nữa, con gái Bình Giã đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi ». Đó cũng là một kỷ niệm khó quên, một kỷ niệm tình yêu đầu đời mà kết cục không như mong đợi của tôi, mãi vẫn thấy chua chua, cay cay cho thân phận con gái xứ Bình ngày ấy....
Trở lại câu chuyện về em, sau cái buổi chiều mưa ấy, và sau một đêm...thao thức, tôi không còn nghĩ đến em nhiều lắm, cho đến một buổi chiều...Cũng là một buổi chiều...
Một chiều Chúa Nhật, lang thang lên trước nhà Thờ Làng Hai, tình cờ tôi thấy em, áo dài trắng, mang khăn quàng đỏ, đang đứng cùng với một số Huynh Trưởng khác, sinh hoạt với các em Thiếu nhi. À, thì ra em là một Huynh trưởng. Tự nhiên, có một chút tình cảm len nhẹ vào hồn, nhẹ nhàng, êm dịu như làn gió thu, nhưng cũng đủ lay động trái tim tôi, khiến tôi bồn chồn, nao nao, mà không sao giải thích được. Có một sự đồng cảm nào đó từ tôi. Có lẽ vì tôi cũng ham mê sinh hoạt đoàn thể từ nhỏ chăng ?... Em chợt nhìn thấy tôi, và vội đứng nép vào sau lưng các bạn khác, nhưng tôi cũng kịp thấy mắt em long lanh sáng, và nụ cười hồn nhiên trong buổi chiều mưa hôm nào vẫn còn giữ lại trên đôi môi mọng đỏ của em. Chỉ có thế, nhưng lại khiến tôi thêm một đêm thao thức vì em. Lần này, tôi quyết định tìm hiểu và làm quen với em. Điều này có lẽ không khó khăn lắm, vì các Huynh Trưởng Thiếu nhi Xứ Vinh Châu trước kia tôi quen biết cũng nhiều.
Đã quyết định là làm, nên chỉ đúng một tuần sau, tôi đã biết tên và nhà em. Tối Chủ nhật ấy, xỏ vào chân một đôi sabot mới mua, tôi « đơn thương, độc mã » lên nhà em, một ngôi nhà ba gian cùng một cái chái, đơn sơ như bao ngôi nhà khác ở Bình Giã, với một khoảng sân rộng trước nhà. Mới 7g tối mà nhà em đã sáng trưng ánh đèn dầu và bốn, năm anh chàng si tình nào đó đã ngồi quây quần quanh chiếc bàn gỗ kê sát cửa sổ hướng ra ngoài sân. Tôi ngập ngừng... vào hay về, về hay vào... ? Chẳng lẽ lội bộ hơn cây số trên con đường lầy lội bùn đất đến nhà em rồi lại quay về ? Cũng không thể làm...cây si trước sân nhà em mãi ? Cuối cùng, tôi quyết định bỏ đôi sabot dưới sân, chung với mấy đôi dép khác, chắc của mấy chàng trai đang ngồi trong kia, bước lên thềm nhà em...
Tới ngạch cửa, nhìn vào nhà, thấy em đang ngồi ở mép giường đối diện với chiếc bàn gỗ. Thấy tôi, vẻ ngạc nhiên xen lẫn nỗi vui mừng không dấu diếm hiện lên trong đôi mắt mở tròn xoe của em, em đứng phắt dậy, tiến ra cửa, nhoẻn miệng cười, đon đả :
- Chào Thầy, mời Thầy vào nhà chơi.
Bước qua ngưỡng cửa, nhìn về phía chiếc bàn, đã thấy 5 cặp mắt nhìn vào tôi xoi mói. Chẳng có ai quen, khiến tôi cũng hơi...nhột ! Tôi gật đầu chào, chỉ có 1 cái đầu gật lại.
- Vào chơi. – một anh chàng, tỏ vẻ ta đây là...thân thiết với gia chủ nhất, lên tiếng.
Tôi chậm rãi tiến vào chiếc bàn, có hai chiếc ghế dài bằng gỗ kê dọc 2 bên, một ghế có 3 chàng, ghế kia thì hai. Tất cả đều im lặng khi tôi bước vào. Một chàng ngồi xích vào trong, tay vỗ vỗ xuống đầu mép ghế, có ý mời tôi ngồi. Chẳng do dự, tôi tiến đến và ngồi xuống đó, còn em, lại đến bên mép giường, nhưng không ngồi, mà đứng khép nép ở đấy.
Như muốn phá tan bầu không khí có vẻ căng thẳng, em lên tiếng :
- Mấy anh ở bên... qua chơi...
Tôi mạnh dạn :
- Mình là H, ở Phi Lộc.
Không khí nặng nề bao trùm cả căn phòng, chẳng ai nói thêm lời nào. Một anh với tay lấy cái điếu cày đặt trên thành cửa sổ. Bây giờ tôi mới để ý, cũng như đa số các nhà khác mà tôi đã từng vào chơi, nhà nào cũng thấy có cái điếu cày, hộp thuốc lào và ấm nước chè xanh mà ở Bình Giã hay gọi là chè chát, cùng cái khay úp mấy cái ly nhỏ. Hồi mới về Bình Giã, đến nhà ai chơi cũng được mời thứ chè chát này. Lần đầu uống vào, tôi không chịu nổi, nó cồn cào cả ruột gan, uống vào buổi tối thì đêm cứ thức trắng mắt ra, nhưng dần rồi cũng quen, đâm nghiện cái thứ nước uống dân dã, đượm chất quê hương này, nó đậm đà, pha chút ngòn ngọt như tình cảm của người dân chân chất nơi đây, và tôi đã yêu người dân xứ Bình như yêu hương vị của loại nước uống có thể gọi là « đặc sản » này.
Chờ cho khói thuốc lào được thả ra từ miệng anh chàng kia tan dần, em đến bàn, rót một ly nước mới, đặt trước mặt tôi, tíu tít mời :
- Thầy uống nước.
Vài cặp mắt lén nhìn em, rồi nhìn tôi, vẻ khó chịu, khiến tôi cũng cảm thấy ái ngại. Bỗng đâu, Mẹ em từ phía buồng bước ra, như muốn giải cứu cho tình thế đang ngày một xấu đi. Thấy Bà, tôi vội đứng dậy, Bà tươi cười lên tiếng :
- Chào Thầy, mời Thầy cứ ngồi chơi.
- Dạ, chào Bà. – tôi gật đầu chào đáp lễ. Thấy em cười toe toét.
- Thầy H ở mãi Phi Lộc mà cũng chịu khó đi chơi xa nhỉ ? – Bà vừa nói vừa cười. – Tôi nghe con T nhà tôi có kể về Thầy, Thầy đã sửa xe giúp nó.
Nói xong Bà đến ngồi xuống mép giường, còn em vẫn đứng nép một bên.
Chúa ơi ! Chắc em lại... « ...về nhà dối Mẹ » chuyện... « qua cầu... Ngãi Giao... » rồi. Mà sao Bà lại biết cả tên tôi ? Tôi đành ...nói dối theo em, chẳng dám đính chính, mà lòng thấy...bất an.
- Có gì đâu ạ. Hôm ấy trời mưa lớn quá...
- Hôm đó nó về muộn, làm tôi cũng lo.
Thấy Mẹ em ra tiếp chuyện tôi và có vẻ quan tâm đến tôi, một bàn chân quờ quạng dưới gầm bàn, vô tình chạm phải chân tôi. Một cái nháy mắt đầy ý nhị. Mấy anh chàng vào trước tôi đứng dậy cáo từ ra về . Thấy vậy, em lên tiếng, nói một câu, chắc cũng chỉ là một câu...xã giao :
- Còn sớm mà, mấy anh ngồi chơi đã...
Tuy nói vậy, nhưng em vẫn bước ra phía cửa, như để...tiễn khách. Năm chàng trai đồng loạt chào Mẹ em và ra về. Cũng chỉ một cái đầu gật với tôi. Tôi gật đầu chào lại, mặt anh nào cũng tiu nghỉu. Có tiếng xì xầm, làu bàu ngoài sân...
Chờ cho mấy anh chàng kia ra khỏi cổng, tôi ngồi xịch vào giữa ghế. Mẹ em cũng đứng dậy, đến bàn và ngồi xuống ghế đối diện, em vào và ngồi bên Mẹ. Mẹ em hỏi thăm mấy câu về gia đình tôi, công việc của tôi, rồi « xin phép » vào nhà trong, có lẽ nhường không gian cho chúng tôi. Chỉ còn em và tôi ngồi đối diện nhau. Hai tay em cứ cạy mấy miếng gỗ xước ở cạnh bàn. Tôi lên tiếng :
- Sao T lại biết tên anh vậy ? – Tôi hỏi mà lòng thật vui.
- Hihihi... – Em cười, vẫn giọng cười hồn nhiên như một đứa trẻ. – Sao Thầy cũng biết tên em ? – Em không trả lời, mà hỏi lại, làm tôi thấy bối rối, nhưng rồi cũng nói đầy tự tin :
- Trước kia Phi Lộc cũng thuộc Xứ Vinh Châu mà. Anh cũng từng sinh hoạt Đoàn thể tại Vinh Châu, nên quen biết nhiều lắm.
- Chắc hồi đó em...còn nhỏ, nên không biết Thầy.
- Em là Huynh Trưởng Thiếu nhi à ?
- Vâng. Hồi đó Thầy có « ở » Thiếu nhi không ?
- Thôi, T đừng xưng là Thầy nữa, khó nói chuyện quá. Hồi ở Vinh Châu, anh không ở Thiếu Nhi, mà sinh hoạt với Giới Trẻ, nhưng anh quen hầu hết các Huynh Trưởng của Vinh Châu, như anh A, Anh C, chị P...
- Vậy hồi đó em còn nhỏ, mới lên ngành Thiếu... nên không biết Thầy là đúng rồi.
- Lại Thầy...
- Hihihi...
- Vậy em lên Huynh Trưởng lâu chưa ?
- Mới hơn 2 năm...Thầy...ạ.
- Thôi nhá...
- Em...quen miệng. Hihihi...
- Em có phải là học trò của anh đâu mà gọi là Thầy ?
- Bộ cứ là học trò mới gọi là Thầy à ? Hihihi...
- Không phải, nhưng... gọi vậy...khó nói chuyện quá....
- Anh...qua Làng Một còn tham gia Giới Trẻ nữa không ? – Em bắt qua chuyện khác, như để thay đổi cách xưng hô cho dễ. Tôi thấy....mát cả lòng.
- Anh vẫn tiếp tục tham gia sinh hoạt với Giới Trẻ. Hồi mới chia xứ, Cha B giới thiệu Anh với Cha K, và đích thân Cha K qua nhà mời anh tham gia...
- Oai nhỉ ? Hihihi...Chắc anh qua Làng một, quên Làng Hai luôn rồi...
- Quên đâu mà quên ? Anh đang...đi chơi ở Làng Hai nè...
- Hihihi...
Nói chuyện lan man một lúc mà đã 9g, tôi đành chào em ra về, dù chưa muốn, nhưng bước đầu cần...lấy lòng gia đình em đã. - tôi nghĩ thầm, và đứng dậy :
- Muộn rồi, anh về nhé.
Ngó vào phía cửa buồng, không thấy bóng ai, tôi hạ giọng :
- Chắc Ba Mẹ ngủ hết rồi. Cho anh gửi lời chào Ba Mẹ nhé.
- Cha em mất mấy năm nay rồi, chỉ còn Mẹ. Anh cứ về đi, em nói lại cho.
- Vậy à ? Anh không biết, anh xin lỗi...
- Có gì đâu anh. Rảnh anh xuống nhà em chơi nữa nhá. Hihihi...
- Ừ, anh sẽ đến nữa mà.
Em ra thềm tiễn tôi. Bước xuống sân, tôi mò mẫm tìm đôi sabot. Chẳng thấy đâu nữa ! Thấy tôi loay hoay mãi, em lên tiếng hỏi :
- Anh tìm dép à ?
- Ừ... Chắc...chó tha đâu rồi.
- Anh để chỗ nào ? Nhà em làm gì có chó !
Ừ nhỉ. Lúc tôi vào đâu thấy con chó nào ra sủa. Hay là... mấy thằng chó kia. – Tôi nghĩ thầm, khi nhớ đến mấy tiếng làu bàu, xầm xì ngoài sân lúc nãy.
- Để em vào lấy đèn...
Em chạy vội vào nhà, mấy phút sau, em bước ra với cây đèn dầu lớn trên tay, cả Mẹ em và cô em gái nhỏ, khoảng 12, 13 tuổi cùng ra theo. Chúng tôi soi tìm khắp sân nhà em, rồi ra cổng, đi dọc cả hai bên đường phía trước nhà, nhưng đôi sabot mới của tôi vẫn ... ra đi, không lời từ biệt.
Tìm cả 15 phút mà không thấy, tôi đành chào Mẹ con em ra về, không quên nói lời cám ơn, mà lòng cứ thấy...xấu hổ sao đó. Mẹ em ái ngại :
- Chắc mấy Cậu lúc nãy về, đi nhầm. Để mấy cậu ấy đến chơi, tôi sẽ hỏi...
- Mẹ nói hay nhỉ ! Đi lộn thì cũng phải có một đôi khác để lại chứ. – em nói, giọng đầy ấm ức. Tội nghiệp em, chắc em cũng đang « rầy » lắm.
Chào thêm lần nữa, tôi lủi thủi đi chân đất về trước những cặp mắt ngượng ngùng của Mẹ con em. Đêm nay chắc em không ngủ được vì chuyện... mất dép này.
Trên đường về, tôi mang tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Buồn vì tiếc đôi sabot mới mua, nhưng vui vì có vẻ như cả nhà em đều có cảm tình với tôi. Cái giá để được làm quen với gia đình em có đắt không nhỉ ? – Tôi vừa nghĩ, vừa cười thầm. Đắt hay không thì đây cũng là một kỷ niệm khó quên trong lần đầu tiên đến nhà em.
Sau cái lần mất « guốc » ấy, thỉnh thoảng tôi lại đến chơi nhà em. Giữa tôi và gia đình em ngày một thân thiết. Em đã quen với câu xưng hô anh em, nhưng Mẹ em thì lúc nào cũng cứ dùng tiếng Thầy, dù tôi đã mấy lần can ngăn, năn nỉ. Dịp xứ Vinh Châu chầu lượt năm ấy, gia đình em cũng mời tôi ghé nhà chơi, em đãi tôi món chè đậu xanh nấu với đậu phộng bọc bột do chính tay em nấu. Chén chè mới « ngọt » làm sao ! Đến ngày xứ Vinh Hà chầu, tôi mời đáp lễ, em cũng đến, nhưng không dám đi một mình, mà đi cùng một người bạn gái nữa. Đó là một bất ngờ với tôi, vì ở Bình giả thời điểm ấy, con gái đến chơi nhà con trai là điều ít xảy ra.
Tình cảm giữa chúng tôi ngày một gắn bó. Tôi biết em thương tôi, cả gia đình em cũng thích, cũng quý tôi, và tôi, dĩ nhiên cũng dành tình cảm « đặc biệt » cho em. Thế nhưng, chính cuộc tình đầu tiên của tôi tại xứ Bình, chính sự chia tay ngoài ý muốn ấy, cùng với cái gọi là « quyết tâm » của tôi : Bao giờ có ý lập gia đình thì mới ngỏ lời... Không muốn con gái phải khổ vì sức ép của gia đình, của dư luận... đã khiến tôi không dám ngỏ lời với em, đành cứ để « Tình trong như đã, mặt ngoài còn e ». Tôi xem em như « của để dành », định khi sửa sang lại được nhà cửa cho tươm tất, tôi sẽ.... Nhưng, có lẽ con gái Bình Giã không phải để dành cho những người có quyết tâm....không giống ai như tôi.
Vì « máu bay nhảy », vì niềm đam mê sinh hoạt Đoàn thể, suốt gần ba tháng hè năm đó, hầu như tôi rất ít khi có mặt ở nhà, ở Bình Giã, mà đi tham dự các trại huấn luyện khắp nơi. Khi về lại gia đình được mấy hôm, nhớ đến em, chưa kịp lên thăm, thì một buổi chiều, lại vẫn là một buổi chiều, em đến nhà tôi. Tôi ngạc nhiên đến mừng rỡ, vội bước ra sân đón em, cũng chưa kịp mời em vào nhà, chỉ kịp hỏi thăm em mấy câu thì em đã... đâm vào tim tôi một nhát chí mạng :
- Em đến chào anh... Ngày ... em đi... – Giọng em đượm buồn.
- Em đi đâu ? – Tôi ngỡ ngàng. Linh cảm có một điều gì đó chẳng lành.
- Em đi nước ngoài anh ạ.
Nghe giọng nói và nhìn nét mặt của em, tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó, nhưng cũng cố hỏi em, bằng giọng run run, pha một chút hy vọng :
- Em đi du lịch à ?
- Không, em đi theo diện kết hôn. – Em nói mà rươm rướm nước mắt.
Tôi lặng người. Đất dưới chân tôi như sụp xuống. Cổ họng tôi nghẹn lại, muốn hỏi em mấy câu, nhưng không thể nói được gì. Bỗng em nắm lấy tay tôi, giọng nghẹn ngào :
- Muộn mất rồi anh ạ ! Anh ở lại mạnh khỏe nhé. Em chào anh.
Em buông tay tôi ra, rồi quay lưng đi vội vã. Tôi đứng như trời trồng, không nói được một câu nào, chỉ nhìn theo dáng người nhỏ nhắn, đôi bờ vai rung rung của em khuất dần trên con đường gồ ghề đầy bụi đỏ trước nhà tôi. Mắt tôi ráo hoảnh, nhưng cổ thấy mặn đắng. Tôi đang khóc, khóc trong lòng. Chắc em cũng như tôi ?!
Suốt mấy ngày sau đó, tôi như người mất hồn, các suy nghĩ cứ nửa hư, nửa thực. Nhớ lại câu nói của em lúc chia tay : « Muộn mất rồi anh ạ », tôi tự hỏi : Muộn vì trời đã chập tối rồi hay muộn vì tôi đã không còn thời gian để ngỏ lời với em ?! Tôi muốn một lần đến nhà em trước khi em ra đi, nhưng rồi nghĩ lại, tôi không đến nữa, vì chắc em đang bận rộn cho chuyến đi xa...Và đến làm gì nữa ? Em sắp về...quê chồng !!
Ngày em lên máy bay, tôi quyết định gặp em lần cuối, dù chẳng để làm gì. Có thể chỉ để nói một lời chào, một lời chúc mà buổi chiều hôm em đến nhà, tôi chưa kịp nói.
Hôm ấy, tôi lên Phi trường Tân Sơn Nhất thật sớm. Biết chắc sẽ có Mẹ em và những người thân của em cùng có mặt, nên tôi làm như vô tình cũng đi tiễn người quen mà gặp. Ngồi ở chiếc ghế đá trong sảnh cả gần một tiếng mới thấy gia đình em đến. Em, vẫn mặc một chiếc áo khoác màu đỏ, nổi bật giữa những người thân, nhưng vẻ hồn nhiên trong lần gặp đầu tiên đã không còn nữa. Đợi cho đến khi Mẹ em và em nhìn thấy tôi, tôi mới đứng lên tiến đến chào.
- Chào Bà. - Rồi gật đầu chào mấy người cùng đi tiễn em. Em nhìn tôi, hơi ngạc nhiên, đượm buồn.
- Chào Thầy. Thầy cũng bỏ công lên tiễn con T đấy à ? – Bà hỏi, giọng vui vẻ, nhưng như sợ bị lỡ lời, nên nói thêm :
- Hay Thầy cũng đi tiễn ai ?
Tôi dựa vào câu hỏi của Bà để...nói dối :
- Con đi đón người bạn về thăm nhà, cũng trùng với ngày T đi, nên sẵn lên sớm một chút để ...tiễn T luôn ạ.
- Bạn Thầy cũng từ Mỹ về à ?
À, vậy có lẽ em đi Mỹ. Ngay cả ... « quê chồng » em ở đâu, em đi nước nào... ? Chiều hôm trước tôi cũng đã kịp hỏi đâu !
- Không ạ, bạn con về từ Úc.
Thấy em đứng ngó mông lung nơi khác, Mẹ em đập nhẹ lên vai em :
- Nói chuyện với Thầy mấy câu, rồi chào Thầy đi. Sắp đến giờ rồi...
Nói xong, Bà bước sang quầy bán hàng lưu niệm gần đó, chắc để cho chúng tôi được tự nhiên. Tôi tiến đến bên em :
- Em đi Mỹ à ?
- Vâng.
- Em đi một mình sao ?
- Vâng. Anh ấy đón em ở bên kia. – Em nói với giọng ngượng ngùng.
- Anh không ngờ lại ...nhanh vậy !
- Chính em cũng không ngờ... – Em lí nhí.
- Sao mà em cũng không ngờ ?
- Biết nói sao được...Thôi, chắc là do...duyên số anh ạ. – Em vừa nói vừa thở dài.
- Em sang bên đó mới làm đám cưới à ?
- Vâng, nhưng chưa biết ngày nào...
- Ngày nào Lễ cưới của em, nhớ cho anh biết để anh cầu nguyện cho nhé. – Tôi nói, mà tim đau nhói.
- Vâng, em sẽ dặn Mẹ em.
Có tiếng loa thông báo những người xuất cảnh vào phòng « cách ly » để làm thủ tục và lên máy bay. Tiếng Mẹ em giục :
- Thôi, chào Thầy đi con ơi, đến giờ rồi.
Em nói, giọng thật nhỏ và nghèn nghẹn :
- Em đi anh nhé. Anh ở lại mạnh khỏe.
- Em đi bình an. – Giọng tôi cũng như nghẹn lại.
Em quay vội đi, đến phía cửa phòng cách ly. Tôi đứng yên, nhìn theo dáng em, cái dáng nhỏ nhắn, bờ vai rung rung, như buổi chiều em đến chào tôi.
Trước cửa phòng, hai Mẹ con em ôm nhau khóc như mưa, mấy đứa em của em cũng khóc. Từ xa, trong lòng tôi cũng đang...mưa. Khi buông Mẹ ra để bước vào phòng, em liếc lại phía tôi với hai mắt đỏ hoe, rồi em mất hút sau cánh cửa kiếng cùng với những người khác.
Tôi theo dòng người lũ lượt leo lên sân thượng của tòa nhà, nơi đó mọi người có thể nhìn vào trong sân bay, tôi tìm một chỗ tốt nhất để đứng. Mọi người chen chúc, xô đẩy nhau. Khoảng nửa tiếng sau mới thấy hành khách lần lượt tiến vào sân bay. Ồ, em kia rồi. Dáng em nhỏ nhắn nhưng không lẫn vào đâu với cái áo khoác màu đỏ tươi nổi bật giữa đám đông. Nhiều người ngoái lại, đưa tay vẫy vẫy về hướng chúng tôi, nhưng em vẫn lầm lũi bước. Quanh tôi, mọi người cũng vẫy tay, gào tên người thân của mình, dù biết rằng sẽ chẳng ai nghe được gì. Tôi im lặng nhìn theo em. Tới chân cầu thang máy bay mới thấy em dừng lại, quay về phía chúng tôi, ngước mặt lên và vẫy nhẹ tay. Biết em chẳng nhìn thấy gì, nhưng sao tôi cứ nghĩ rằng em đang vẫy cho tôi. Bằng phản xạ tự nhiên, tôi vẫy tay lại, vẫy như để chào từ biệt một cuộc tình thầm lặng, một cuộc tình có hồi kết thật buồn !
Bóng em như một chấm đỏ khuất hẳn trong cửa chiếc phi cơ không lồ. Tôi cùng một số người cố nán lại. Quay ra sau nhìn một vòng, không thấy Mẹ em và người thân nào của em. Cửa máy bay đóng lại, tiếng động cơ gầm rú, máy bay chạy một đoạn dài trên phi đạo rồi cất cánh bay lên, mang theo em đến một phương trời xa lạ, và tôi biết, tôi đã mất em vĩnh viễn.
Ra khỏi khu vực sân bay với tâm trạng mệt mỏi, tôi ghé vào một quán nước gần đó gọi ly cà phê đá. Chẳng biết vô tình hay cố ý, các quán nước gần sân bay đều phát ra những bản nhạc có lời lẽ chia ly. Ở quán bên cạnh, Jean Francois Michael đang hát vang bài nhạc Pháp quen thuộc « ADIEU JOLIE CANDY » :
« Adieu Jolie Candy...
C’est à Orly, que finissent les vacances à Paris...
Adieu Jolie Candy. Une voix t’appelle.
C’est l’heure déjà de t’en aller.... »
Và rồi giọng ca của Elvis Phương lại cất lên lời Việt, nghe càng não nề hơn :
« Từ nay cách xa nghìn trùng...
Người em bé bỏng. Anh tiễn em ra mãi tới nơi phi trường...
Trèo lên máy bay mịt mùng...Đường bay não nùng...
Em hỡi em, đưa em vào mênh mông.... »
Tôi bỏ dở ly cà phê, đứng lên trả tiền. Cà phê hôm nay sao thật đắng !
*
Sáu tháng sau, tôi nhận được lá thư đầu tiên của em. Mừng, nhưng lòng tan nát. Đọc thư, tôi thấy buốt lòng khi nghe em kể về nỗi vất vả em phải gánh trong những tháng đầu tiên xa gia đình, sống nơi đất khách quê người, dù tôi biết, nếu em là của tôi, thì chưa chắc tôi đã có thể giúp em có được hạnh phúc hơn. Điều mà tôi thường dùng để tự an ủi mình, là dù sao người mình yêu dấu cũng đang được sung sướng. Đến lá thư thứ hai thì đã có kèm theo tấm hình, chụp trong một căn phòng sang trọng, em bế đứa con đầu lòng trên tay, đứa con đầu lòng của em và…người khác, trong khi hằng đêm tôi vẫn mơ cùng em có được một khung cảnh ấm cúng như thế….Những nỗi đau ngày càng chồng chất, có vẻ như bao sự đau đớn trong tình yêu đều dồn hết vào tôi, vì càng đau xót, tôi lại càng thấy yêu và nhớ em nhiều hơn. Những lá thư bình thường thỉnh thoảng em gửi về, chỉ để hỏi thăm, kể về cuộc sống trên đất Mỹ, về công việc làm ăn của gia đình, tuy cũng làm cho tôi vui được chút ít, vì em vẫn còn nhớ đến tôi, nhưng niềm vui nhỏ nhoi ấy có thấm vào đâu so với vô vàn buồn tủi, xót xa, tê tái…cũng do chính những lá thư ấy đem lại.
Có những điều tôi cố nhớ, mà không nhớ ra. Còn em, còn câu chuyện của chúng tôi, tôi không dám gọi đó là chuyện tình nữa, vì nó chưa hề được …tỏ tình, thì tôi muốn quên, mà sao nó cứ đeo đẳng tôi trong suốt một thời gian dài.
Phải chăng vì tình yêu của em và tôi bắt đầu từ một buổi chiều mưa, được nối tiếp bằng một buổi chiều và kết thúc cũng vào một buổi chiều. Có được mấy hoàng hôn đẹp nơi vùng đất đỏ nắng bụi, mưa lầy quê ta, phải không em?!
Chiếc cassette ở nhà hàng xóm vang lên “Bài không tên cuối cùng”, tôi lẩm nhẩm hát theo giọng ca của Vũ Khanh mà nước mắt như muốn trào ra:
“ Nhớ em nhiều, nhưng chẳng nói…
Nói ra nhiều cũng vậy thôi. Ôi đớn đau đã nhiều rồi…
Một lời thêm càng buồn thêm, còn nói gì…
Biết bao lần em đã hứa…
Hứa cho nhiều, rồi lại quên, Anh biết tin ai bây giờ…
Ngày còn đây, người còn đây…Cuộc sống nào chờ?
Này em hỡi…
Con đường em đi đó, con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu? Mưa bên chồng có làm em khóc? Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng?
Này em hỡi…
Con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng hay sao em?
Xa nhau rồi, Thiên Đường thôi lỡ! Cho Thần tiên chắp cánh…Xót đau người tình si…
Suốt con đường, ai dìu lối?
Hãy yêu nhiều, người em tôi…
Xin gửi em một lời chào, một lời thương, một lời yêu…
LẦN CUỐI CÙNG….”
HẢI ÂU
Nguyễn Ngọc Trân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét