About Me

Chúa Nhật 6 Thường Niên - Năm A


Không còn nô lệ nhưng tự do với luật Chúa



Nhiều người Kitô hữu vẫn thắc mắc nên sống theo luật cũ của Cựu Ước hay luật mới của Chúa Kitô. Công đồng Jerusalem (tường thuật trong sách Tông đồ Công Vụ 15:1-29) khẳng định rằng Kitô hữu không nhất thiết phải theo tuân theo mọi chi tiết nhỏ nhặt của luật Do Thái trong Cựu Ước. Thánh Phêrô khuyến cáo sự cứu rỗi đến từ Chúa Giêsu chứ không phải từ ách nặng nề của luật cũ – một luật lệ mà “cả chúng ta và cha ông chúng ta đã không mang nổi” (câu 10)  Tuy nhiên Giáo hội sơ khai đã không bỏ tất cả những đòi hỏi của luật cũ như phải tránh xa thờ lạy bụt thần, gian dâm và ăn những vật ô uế. Đối với luật Torah của Do Thái, thường dịch là một mớ qui luật hay huấn dụ mà con người phải tuân theo như ý muốn của Thiên Chúa quan phòng đối với dân riêng mà Ngài đã chọn và ký giao ước. Luật không phải là một cái lưới sẵn sàng cột chặt cá nhỏ (dân chúng) mà để cho cá lớn (Biệt phái, Luật sĩ, Pharisieu) ở ngoài lưới. Cũng không phải để loại trừ những kẻ bất toại, phong cùi. Càng không phải để phân biệt giàu nghèo… Luật Torah có dụng ý dùng những huấn dụ để hướng dẫn con người đến sự thánh thiện toàn vẹn để được đến gần Thiên Chúa mỗi ngày. Như thế, khi giữ luật Torah, dân Chúa lắng nghe và hành động yêu thương cũng như tin tưởng vào Thiên Chúa.


Ông Bà, Anh, Chị, chúng ta giữ luật Chúa với thái độ nào? Sợ phải sa hỏa ngục, để được thưởng, hay chỉ vì yêu Chúa?


Từ CĐ Jerusalem đến nay nhiều giáo phái Kitô giáo làm giáo hữu hoang mang tự nghĩ phải tuân hành luật Cựu Ước hay luật Tân Ước. Phải chăng cả hai không phải là luật cho Thiên Chúa linh ứng cho con người tuân phục sao? Thiên Chúa của Cựu Ước và Thiên Chúa của Tân Ước không phải là một hay sao? Đâu là luật mà mọi người phải tuân hành?


Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay dựa vào luật Torah tuyên bố: “Đừng tưởng Ta đến để xóa bỏ luật lệ. Ta đến không phải để xóa nhưng làm trọn vẹn luật.” (Mt. 5:7) Trong đời rao giảng, Ngài công khai ủng hộ luật cũ. Khi đươc hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Chúa nói với người thanh niên đã đặt câu hỏi: “Trong luật viết như thế nào? Anh đã đọc thấy làm sao?” (Lk. 10:25-26) Dĩ nhiên Chúa không coi luật lệ là cứu cánh là cùng đích của đời sống con người. Khi luật lệ hoặc sự lợi ích của luật không làm cho con người trở nên tốt hơn trong yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, Chúa Giesu thách thức cả giới giải thích và giới giữ luật. Nhiếu lần đã làm cho các Biệt phái, Luật sĩ và Pharisiêu căm tức. Thí dụ khi luật cũ dạy phải nghỉ ngơi hoàn toàn trong ngày Sabbath, Ngài vẫn công khai chữa lành cho bệnh nhân. (Mk 3:1-6)


Đó là lý do mà Kito hữu chúng ta cần thông suốt cả luật cũ và luật mới. Luật Cựu Ươc có nhiệm vụ sửa soạn cho con người trên địa cầu đón tiếp Đấng Thiên Sai Giêsu Kitô và chấp nhận Tin Mừng Tân Ước (đọc các Tiên Tri, đặc biệt là Isaiah). Luật cũ như Mười Điều Răn hướng dẫn con người cách thức Mến Chúa và Yêu Người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật. Luật lệ tự nó tốt nhưng không hoàn hảo. Chúa Giêsu đến để kiện toàn thái độ và sự áp dụng luật của con người. Chúa nói: “Các con hay nghe người xưa dạy rằng ‘Không được giết người,…còn Ta, Ta bảo thật bất cứ ai phẫn nộ với anh chị em mình, thì sẽ bị phạt nơi tòa án….” (Mat. 5: 21-22) Chúa Giêsu tiến sâu xa hơn luật cũ để thiết lập luật mới. Ngài dạy các môn đệ, và chúng ta, hãy biến “ách nặng nề, nô lệ” của luật cũ thành “sự tự do vui thỏa” trong Chúa Thánh Thần. Đừng câu nệ chỉ ở nơi chữ viết nhưng cảm nghiệm sâu xa từ trái tim mình chủ đích của luật Chúa. Châm ngôn của người Đức có câu: “Cánh tay không thể nối dài những gì mà trái tim không chờ đợi.” (The hand will not reach out for what the heart does not long for) Luật lệ của Thiên Chúa tỏ hiện Thánh ý Ngài đối với ước muốn chọn lựa sự tự do của con người để tránh xa sự dữ và tiến gần đến Chúa.


Thánh Phaolo trong BĐII nhắn nhủ tín hữu giáo đoàn Corintho hãy trân quý sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ, một chương trình tiềm ẩn từ các thế hệ trước (thời Cựu Ước) nhưng nay (thời Tân Ước) đã được mặc khải bởi Chúa Thánh Thần. Thánh nhân còn khuyên giáo hữu muốn sống đời sống yêu thương trong sự khôn ngoan của Chúa, phải thực sự trưởng thành trong ân sủng của thánh thần Chúa, thay vì sống theo sự ấu trĩ của xác thịt và cái tôi của mình.


Hôm nay khi đón nhận thông điệp của Chúa Giêsu, chúng ta đừng quên ân sủng Ngài hằng hiện diện giữa chúng ta là những kẻ được gọi sống chứng nhân giữa thế gian. Và những người chung quanh chưa biết Chúa hằng quan sát để nhận ra hành động có đi đôi với lời chúng ta tuyên xưng mỗi Chúa nhật hay không.

Cuối cùng, xin được mượn lời Thánh Têrêsa Avila, dòng chiêm niệm Camêlô ở thế kỷ thứ 15 nói về đời sống Kitô hữu như sau: Chúa Kitô hiện diện trên dương gian hiện nay trong thân xác chúng ta. Ngài không có tay chân nhưng mượn của chúng ta để đi đến khắp hang cùng ngõ hẻm phục vụ và chúc lành cho tha nhân. Cũng không có mắt để nhìn nhưng qua mắt chúng ta, Ngài có thể nhìn mọi người, mọi cảnh với ánh mắt cảm thông và trìu mến.

Nhận xét của Thánh nữ Teresa Avila quả thật chí lí. Chúng ta hãy dùng đôi tay, dùng đôi bàn chân để chúc lành cho thế giới mà chúng ta đang sống. Tha nhân thực sự cần một tấm lòng tử tế, nhân hậu và bao dung, một lời cầu nguyện tự tấm lòng thành từ Kitô hũu chúng ta. Thế là đủ để Chúa ban phúc lành cho chính chúng ta, cho những người chúng ta cùng sống với, nhân dịp đầu năm Tân Mão 2011 nầy. Amen.



Phó Tế Phêrô Đặng Phi Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net