About Me

Nhớ Xuân Xưa

Nhớ Xuân Xưa


 



Theo âm lịch chỉ còn mươi ngày nữa là năm Tân Mão sẽ đi vào quá khứ …


 


Mỗi người lại sắp bước vào một năm mới Nhâm Thìn 2012. Trẻ con vui mừng được thêm tuổi để khôn lớn, người lớn tuổi lại lo vì tuổi càng cao thì mái tóc màu da đổi màu, sức khỏe ngày càng hèn đi mà có tiếc cũng không thể kéo lại được nữa …


 


Tranh thủ ít thời gian cuối năm nhớ lại lúc còn trẻ “ăn tết a răng” để kể lại cho các em nghe nhé:


 


Ở Bình Giả ta, từ khoảng năm 1985 trở về trước có thể nói “ăn tết” khác hơn bây giờ nhiều lắm kể cả từ điều kiện đến không khí đón tết.


* Phải chuẩn bị tiền từ xa: cứ sau mùa thu hoạch lúa (khoảng trước hoặc sau lễ Giáng sinh), tiền bạc chẳng có là bao nên trai gái trong làng đã phải hết mình làm thuê nào là gặt lúa, hái đậu v.v.. cất dành tiền để may một bộ đồ đẹp hay đôi dép mới để “đi tết” (thời đó con trai nỏ có giày mà mang mô, chỉ có lúc làm chú rể mới mua hoặc mượn của một người mô đó). Lo rơm rạ cho bò xong là vào mùa nắng đa số thanh niên lại tranh thủ vào rừng kiếm củi, cây làm nọc tiêu, làm gỗ về làm chất đốt, đóng cái bàn cái ghế hoặc bán cho nhà khác có nhu cầu để kiếm thêm đồng tiền phụ cha mẹ lo tết cho các em. Những ngày sát tết vừa lo kiếm củi vừa để ý đó đây trong rừng có cây mai, cây lan nào không thì nhanh tay “chặt về” chưng trong nhà đẹp vô cùng (thời nứ làm chi có chợ hoa như bây giừ, mà nếu có cũng nỏ có tiền mà mua mô).


 


* Chuẩn bị gần: còn khoảng một tuần nữa là tết, đường làng mình khói bụi thì quá trời luôn, vì các cô tranh thủ cuốc cỏ quét dọn đường xá vì là đường đất đỏ nên bụi bay lút trời, gom cỏ rác rến lại rồi nhà nhà cùng đốt (thường là vào buổi chiều) nên “ngong” cứ như là sương mù ở Đalat. Sau đó mỗi sáng sớm hoặc chiều tối các cô lại xách nước ra tưới để đường khỏi bụi đất đỏ cho bà con đi lại sướng cái chân (nhớ lại cảnh này thấy thương các cô quá chừng). Con trai thì lại vào rừng chặt lá cây Kè hoặc cây Giang để làm lạt (dây) cuốn bánh tét, hái lá chuối, lá Dong để gói bánh tét (bánh chưng ít người biết gói vì công phu và phức tạp hơn), bố mẹ ở nhà thì ngâm nếp, ngâm đậu xanh làm bánh. Mỗi nồi bánh được gói từ 10 đến 15kg nếp-đậu xanh cộng thêm thịt heo, củ hành v.v.. có nhà thì nấu sớm hai ba bữa có nhà thì đến tận chiều 30 tết mới nấu vừa nấu vừa “đọc kinh” đón Giao thừa. Các bà các chị còn khéo tay làm thêm vài món như bánh cam, bánh cà, mứt các loại, nói chung là tự cung tự cấp cho nhu cầu ba ngày tết là chính, hạn chế phải đi mua ở chợ. Có nhiều nhà cũng “hạ cờ tây” cho sum tụ, cũng có khi hai ba nhà chung nhau mổ con heo ăn tết cho thoải mái. Tất cả phải chuẩn bị cho đủ lương thực, thực phẩm ba ngày tết. Gia đình mỗi người một tay vui và hạnh phúc lắm.


 



  • Tết đến: hồi đó cả Nhà thờ Ba Làng đêm 30 thường chỉ có đọc kinh chứ không có “lễ Giao thừa” như bây giờ. Khuya lại đó đây tiếng pháo nổ giòn tan, nào là “pháo chuột, pháo trung, pháo đại, pháo tự chế, pháo … đủ thứ pháo thay nhau nổ nghe sướng cái lỗ tai để chào năm mới, nhà giàu thì mua dăm ba thước pháo, nhà nghèo cũng ráng mua một hai phong pháo. Nghe đâu đốt để xả xui và đón lộc mới, con nít cứ thế tranh thủ “rình” để lượm những viên pháo “tịt” về đốt tiếp, người lớn thì nâng ly chúc mừng bên cái đĩa mồi đơn sơ và cái bánh tét nóng hổi…

  •  


Mồng một tết, đi lễ về là cả nhà lại tranh thủ “đọc kinh đầu năm” (ai làm Ban hành giáo thì vào Nhà xứ chúc tết Cha) hồi nứ cha ông ta đạo đức thật luôn phó dâng cho Chúa, mới đọc khi Giao thừa, sáng đi lễ giừ lại đọc kinh … Sau đó cả nhà cùng “ăn tết”, một bữa ăn hạnh phúc và ngon nhất trong năm. Thật tình mà nói, hồi đó cha mẹ thường ít “lì xì” cho con vì ai cũng hiểu: cất dành tiền mà lì xì cho các cháu hay các cặp vợ chồng mới cưới đến nhà “đi tết” họ hàng. Hồi đó trẻ con, người lớn đều đi thăm nhau nhiệt tình lắm, nào là ông bà nội ngoại rồi đến các bác chú, cô cậu, dượng dì v.v.. đến bốn năm đời có khi đi cả ba ngày liên tục vẫn chưa xong. Lớp trẻ trong giỏ “đồ tết” chỉ là vài ba cái bánh in, mấy cái bánh tét, hộp bánh-mứt mẹ làm chỉ để “đi tết” ông bà thôi. Ông bà, chú bác v.v.. cũng sẵn lòng lì xì cho con cháu dù chỉ là ít đồng tiền lẻ, nhưng cháu chắt vẫn rất vui cũng đem về cất dành khi cần mới đem ra tiêu.


 


Mồng hai tết, không khí tết vẫn “nóng bỏng”, có thêm đọc kinh cho ông bà tổ tiên theo từng gia tộc …


 


Mồng ba tết không khí tết vẫn còn nóng …


 


Mồng bốn rồi lại mồng năm … mồng chín vẫn còn tết, vì hồi ấy dân làng ta chỉ thuần nông mà mùa này thì thong thả, những ngày “còn mồng … tết” này các nhóm, các giới còn tổ chức đi chơi, gần thì Hòn Lèn (đồi Gia Hòa), thác Xuân Sơn hay có tiền quỹ nhiều thì đi tận … Vũng tàu, Long Hải v.v..


 


Ra tết khoảng mồng mười, bà con lại bắt tay vào công việc đồng áng như nhổ mỳ, dọn rãy, trồng bầu bí, tỉa đậu …


 


Cái khổ hồi đó lại là cái hay, mặc dù phải liên tục “đi tết” như vậy nhưng đa số bà con ta phải đi bộ, hoặc xe đạp (mấy ai có xe máy mà đi) nên chẳng khi nào nghe có ai phải “đi gặp ông bà” trong những ngày tết (mấy năm nay dụ ni thì đầy vì bị xe cán chết).


 


Ngoài tiếng nổ giòn tan của pháo tết, các tụ bầu cua, đánh bài, chơi lô tô cũng nhan nhản, họ chơi giữa chợ hay giữa ngã tư đường, ngay thềm nhà hoặc nơi gốc mít vườn cây người thì chơi cho vui, nhưng cũng có người thì nghiện thật  họ chơi bất kể ngày đêm (thời đó Bình Giả mình chưa có điện). Người hên thì “một đêm đánh bạc bằng ba năm cày”, người xui thì sạch sẽ trong túi còn mất thêm cả … bò cả heo, gia đình tan nát.  “Cấy ni thì nỏ tốt tý mô con cháu bây giừ nhớ mà tránh cho xa”.


 


Bây giờ tết về không còn nghe thấy tiếng pháo thấy nó nhớ làm sao, cái cách “ăn tết ngày xưa” nó cũng khác khác bây giờ nhiều lắm. Thôi thì người lớn hãy cố giữ (nhớ) lại những hoài niệm đẹp của thời còn thiếu thốn khó khăn nhưng lại đong đầy tình quê hương, làng xóm, họ hàng, gia đình. Ngày hôm nay tuy điều kiện vật chất, phương tiện đầy đủ hơn, lắm lúc còn dư đầy, văn minh hiện đại hơn nhưng bình tâm xét lại thấy nó vẫn còn thiếu thiếu cái gì đó “thiêng liêng” lắm của những người phải “ăn tết xa nhà” chỉ vì “nỏ đủ tiền”, tình làng nghĩa xóm, họ hàng có phần phai nhạt ... !!!


 


Cầu mong những ngày tết đến, bà con Xứ Bình chúng ta vẫn giữ được những nét đẹp của ngày xưa, nhưng cũng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của ngày hôm nay để nhà nhà được an khang hạnh phúc, cộng đoàn Xứ Bình ngày càng thêm yêu thương nhau, phát triển mọi mặt để làm rạng danh Tiên Tổ, thế mới xứng đáng là thần dân của Chúa Xuân.


 


Canhcobg.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support by Blog Sodiyc & Acun
Member of Kopizine and Loenpia.net